25/12/2024

Biển Đông và khói mù chi phối hội nghị của ASEAN

Hội nghị ngoại trưởng ASEAN cùng các hội nghị khác diễn ra sau đó sẽ chính thức khai mạc ngày 30-6 ở Brunei với trọng tâm là các vấn đề biển Đông và tình trạng khói mù ở Đông Nam Á.

Biển Đông và khói mù chi phối hội nghị của ASEAN

Hội nghị ngoại trưởng ASEAN cùng các hội nghị khác diễn ra sau đó sẽ chính thức khai mạc ngày 30-6 ở Brunei với trọng tâm là các vấn đề biển Đông và tình trạng khói mù ở Đông Nam Á.

Binh sĩ Mỹ và binh sĩ Philippines chuẩn bị phóng một máy bay nhỏ trong cuộc tập trận chung mang tên Carat tại căn cứ Sangley Point, phía tây Manila ngày 28-6 – Ảnh: Reuters 

Các ngoại trưởng ASEAN sẽ có cuộc họp trước vào ngày 30-6 trước khi mở rộng sang cuộc họp ASEAN+3 và Diễn đàn an ninh khu vực ARF trong các ngày sau đó. Trong cuộc họp năm ngoái, ASEAN ít nhiều đã bị chia rẽ về cách đối phó với Trung Quốc ngày càng cứng rắn tại biển Đông.

Trả lời AFP, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho rằng ASEAN giờ đã đồng thuận hơn và sẽ gây sức ép với Trung Quốc để sớm bắt đầu đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). “Chúng ta cần chấm dứt chuyện nắn gân nhau thế này. Đó là việc rất nguy hiểm và có thể dẫn tới những tính toán sai lầm” – ông nói với AFP.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự kiến sẽ một lần nữa khẳng định chính sách tái cân bằng sang châu Á và việc Mỹ có vai trò tại khu vực lần này. AFP trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ: “Chúng tôi chờ đợi các bộ trưởng bàn quan điểm của các bên về biển Đông tại ARF để thúc đẩy các nguyên tắc ở khu vực, bao gồm cả tôn trọng lẫn nhau, kiềm chế và giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật quốc tế. Chúng tôi khuyến khích các bên giải quyết những bất đồng này một cách hòa bình và có những tiến triển mới đối với bộ quy tắc ứng xử”.

Chuyên gia an ninh Ian Storey của Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore cho rằng Trung Quốc từ lâu vẫn chống lại các nỗ lực của ASEAN nhằm tạo ra một thỏa thuận mang tính ràng buộc hơn trên biển. Theo ông, Trung Quốc sẽ tiếp tục chống bất cứ động thái nào có thể làm suy yếu các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. “Sẽ phải mất vài năm để đàm phán COC. Trong lúc đó căng thẳng sẽ vẫn như vậy hoặc tăng thêm” – ông Ian nói với AFP. Còn khi trả lời tờ Wall Street Journal về đề xuất thành lập nhóm nhân sĩ ASEAN – Trung Quốc để bàn thảo vấn đề biển Đông, ông Ian Storey cho rằng “đó chỉ là cơ chế để làm chậm” đàm phán lại.

Theo ông Carl Thayer – giáo sư Học viện Quốc phòng Úc, thực chất Trung Quốc đang muốn có thêm thời gian để thuyết phục Philippines rút vụ kiện ra tòa trọng tài về Luật biển của Liên Hiệp Quốc trong khi tiếp tục triển khai các hoạt động quân sự và bán quân sự trên biển. “Trung Quốc vẫn tiếp tục “nói để nói” trong khi dùng ngoại giao chiến thuyền gây sức ép các nước Đông Nam Á” – ông Thayer nhận định.

Hôm 27-6, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị một lần nữa đe dọa Bắc Kinh sẽ đáp trả nếu nước nào đó gây hấn chiếm đảo cạn hay rạn san hô trên biển Đông. Tuyên bố đưa ra sau khi Philippines gửi lính và cứu trợ tới một thuyền mắc cạn ở bãi cạn Thomas Shoal (bãi Cỏ Mây) hồi tuần trước. Ông Vương cũng cảnh báo “các bên thứ ba” (ám chỉ Mỹ) muốn tạo ảnh hưởng tới khu vực sẽ không đạt được kết quả gì.

Ngoài vấn đề biển Đông, vấn đề căng thẳng ở biển Hoa Đông giữa Nhật và Trung Quốc dự kiến được nêu ra tại ARF lần thứ 20 này. Ngoài ra, việc đàm phán liên quan tới các vụ cháy rừng ở Indonesia và tình trạng khói mù gây ra từ các đám cháy rừng này cũng sẽ được bàn thảo. Cả Malaysia và Singapore đều đang ép Indonesia phải có biện pháp quyết liệt hơn để giải quyết tình trạng này.

THANH TUẤN