Sinh viên vào mùa làm thêm

Hè về, với các bạn sinh viên là lúc bước vào vụ… làm thêm! Làm thêm với nhiều bạn là cách trải nghiệm cuộc sống, “thử làm ra đồng tiền cho biết” nhưng sau rốt vẫn là kiếm tiền cho năm học sau! Việc làm hè cho sinh viên rất đa dạng và thù lao tăng khoảng 10% so với năm ngoái.

Sinh viên vào mùa làm thêm

Hè về, với các bạn sinh viên là lúc bước vào vụ… làm thêm! Làm thêm với nhiều bạn là cách trải nghiệm cuộc sống, “thử làm ra đồng tiền cho biết” nhưng sau rốt vẫn là kiếm tiền cho năm học sau! Việc làm hè cho sinh viên rất đa dạng và thù lao tăng khoảng 10% so với năm ngoái.

Bạn Nguyễn Đức Bảo vừa bảo vệ vừa giữ xe cho cửa hàng Thế giới di động trên quốc lộ 1K (Q.Thủ Đức, TP.HCM) – Ảnh: PHƯỚC TUẦN 

Nhộn nhịp tìm việc

 

Đầu tháng 6, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (sinh viên năm 3 ĐH Kinh tế TP.HCM) tìm được chân phục vụ trong quán ăn dành cho người nước ngoài ở quận 1 với mức lương 2,6 triệu đồng/tháng, làm theo ca tám tiếng mỗi ngày. Nếu trong năm học, Hạnh chỉ đi làm thêm khảo sát thị trường vào thời gian rảnh, thì dịp hè Hạnh dành cả ngày đi làm thêm. Hạnh muốn đi làm để học thêm được nhiều thứ, đặc biệt là kỹ năng quản lý thời gian, khả năng giao tiếp tiếng Anh. Nơi giới thiệu việc làm cho Hạnh là Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM.

Tại trung tâm này (33 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1) mấy tuần qua luôn đông nghẹt sinh viên đến tìm việc. Tuần qua, mỗi ngày trung tâm giới thiệu việc làm cho hàng trăm sinh viên. Những công việc được yêu thích là khảo sát thị trường, trực tổng đài điện thoại, giúp việc nhà, bảo vệ, nhân viên bán hàng, phục vụ nhà hàng… Ông Nguyễn Văn Sang, phó giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề, giới thiệu việc làm thanh niên, cũng cho biết hiện trung tâm có hơn 500 đầu việc bán thời gian dành cho sinh viên.

Ngoài các trung tâm, nhiều sinh viên cũng chủ động kiếm việc thông qua người quen, bạn bè. Như trường hợp Lê Văn Thuần (sinh viên năm 1 ĐH Văn hóa TP.HCM) dù còn hai môn thi nữa mới kết thúc năm học nhưng Thuần đã tìm được công việc phụ bếp ở một quán hải sản trên đường Trần Não (Q.2) với mức lương 2,2 triệu đồng/tháng. “Công việc cũng không vất vả lắm nên sắp tới mình định kiếm thêm một việc nữa làm trong dịp hè này để chi trả học phí và đi chuyến thực tế đầu năm học tới” – Thuần chia sẻ.

Cũng như Thuần, Nguyễn Đức Bảo (sinh viên ĐH Thể dục thể thao TP.HCM) tìm được việc bảo vệ tại cửa hàng Thế giới di động ở quốc lộ 1K (P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức) kiêm giữ xe cho khách với thu nhập 66.000 đồng/ca tám tiếng.

Việc đúng nghề, thu nhập cao

Anh Nguyễn Trọng Hoàng, trưởng phòng hỗ trợ đời sống Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM, cho biết ngoài những công việc phổ thông như bán hàng, bảo vệ, thu ngân, gói quà, khảo sát thị trường, phát tờ rơi… thì nhiều bạn sinh viên còn chọn được những việc rất tốt, vừa có thu nhập vừa có cơ hội rèn thêm kỹ năng như phục vụ trong nhà hàng nước ngoài, dịch thuật tài liệu, dạy đàn, phụ tour cho các công ty du lịch… Thường những công việc đòi hỏi một ít chuyên môn mức lương khá cao nhưng số lượng không nhiều, chủ yếu sinh viên tự tìm kiếm qua bạn bè, người thân giới thiệu.

Vốn có khả năng giao tiếp tiếng Nhật tốt, cô sinh viên Đỗ Hoài Nhớ (ĐH Ngoại thương TP.HCM) xin làm tiếp tân cho một trung tâm tiếng Nhật ở Q.Bình Thạnh. Công việc của Nhớ là trực điện thoại và phiên dịch tiếng Nhật cho khách. “Mình được thù lao 23.000 đồng/giờ. Lúc đầu công việc cũng hơi khó khăn vì nghe, nói tiếng Nhật khá khó nhưng làm vài hôm đã ổn, quen việc rất nhanh và kỹ năng tiếng Nhật cũng tốt lên”.

Còn Nguyễn Diệu Hiền (sinh viên năm 3 ĐH Văn hóa TP.HCM) được thầy giáo giới thiệu đến dạy đàn piano, organ cho các học viên nhỏ tuổi tại Trường dạy nhạc Suối Nhạc (Q.3). Hè học sinh đến theo học rất đông nên Hiền cũng được trường ưu tiên dạy nhiều lớp hơn. Trung bình một ngày Hiền dạy 1-2 lớp với mức lương 150.000 đồng/giờ. “So với các bạn thì mức lương khá cao nhưng hè mình mới được dạy nhiều do đông học sinh chứ trong năm học cũng ít lắm. Dù vui vì làm đúng chuyên ngành học nhưng kỹ năng sư phạm chưa tích lũy nhiều nên cũng hơi vất vả khi truyền đạt lại kiến thức cho các em” – Hiền nói.

Hè cũng là thời gian sinh viên tìm đến các khu công nghiệp, thử kinh doanh, chạy sự kiện, làm MC, nhận tài liệu về dịch thuật… Công việc nào cũng giúp sinh viên có một trải nghiệm cuộc sống, từ đó tích lũy cho bản thân những bài học, kỹ năng cần thiết.

PHƯỚC TUẦN