Mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội

Khi suy nghĩ về những khía cạnh khác nhau của Corpus Christi– Mình Thánh Đức Kitô, chúng ta có thể hiểu được một cách sâu xa hơn về mầu nhiệm hiệp thông liên kết tất cả những ai thuộc về Giáo Hội. Tất cả những ai nuôi dưỡng mình bằng Mình và Máu Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể “được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần” để làm thành một dân Chúa duy nhất và thánh thiện.

 Mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội

Tông du Đảo Chypre (4 – 6/6/2010) – Thánh lễ công bố Instrumentum Laboris của Đại hội đặc biệt của Thượng hội đồng Giám mục Trung Đông – Trung tâm Thể thao Elefteria  -  Nicosie – Chúa Nhật X TN lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, 6/6/2010

Anh chị em thân mến trong Đức Kitô,

Tôi vui mừng chào các Thượng phụ Giáo chủ và các Giám mục thuộc các cộng đoàn khác nhau của Giáo Hội Trung Đông đến Chypre nhân dịp này, và tôi đặc biệt cám ơn Đức cha Youssef Soueif, Tổng Giám mục Chypre thuộc nghi lễ Marônít, về lời chào đón người dành cho tôi vào đầu buổi cử hành Thánh Thể. Tôi cũng nhiệt liệt chào Đức Thượng phủ Giáo chủ Chrysostomos II.

Tôi cũng muốn nói với anh chị em rằng tôi cảm thấy hạnh phúc biết bao khi được dịp cử hành Thánh lễ với đông đảo tín hữu đảo Chypre, là một quốc gia được Chúa chúc phúc nhờ công việc tông đồ của hai Thánh Phaolô và Banaba. Tôi nhiệt liệt chào mừng tất cả anh chị em, và cám ơn anh chị em đã niềm nở và quảng đại đón tiếp tôi. Tôi cũng xin chào những anh chị em Philíppin, Sri Lanca, và các cộng đoàn di dân khác đã tạo nên một nhóm quan trọng trong lòng dân tộc Công giáo của hòn đảo này. Tôi cầu xin Chúa cho sự hiện diện của anh chị em nơi đây phong phú hoá đời sống và sứ mệnh của các giáo xứ mà anh chị em đang tham gia, và về phần mình, anh chị em cũng rút ra được nhiều lương thực thiêng liêng từ di sản Kitô giáo cổ xưa của vùng đất này, vùng đất mà anh chị em đã chọn làm nơi cư ngụ mới.

Ngày hôm nay, chúng ta cử hành trọng thể lễ Mình và Máu Chúa Giêsu. Corpus Christi – Mình Thánh Đức Kitô -, là tên gọi của ngày lễ hôm nay tại Tây phương, được sử dụng trong Truyền thống của Giáo Hội để chỉ ba thực thể khác biệt nhau: thân xác Đức Giêsu, được Đức Trinh Nữ Maria sinh ra, thân mình Thánh Thể của Đức Giêsu, là bánh từ trời nuôi sống chúng ta trong đại Bí tích này, và thân thể Giáo Hội của Đức Giêsu, tức là Giáo Hội. Khi suy nghĩ về những khía cạnh khác nhau của Corpus Christi, chúng ta có thể hiểu được một cách sâu xa hơn về mầu nhiệm hiệp thông liên kết tất cả những ai thuộc về Giáo Hội. Tất cả những ai nuôi dưỡng mình bằng Mình và Máu Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể “được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần” (Kinh nguyện Thánh Thể 2) để làm thành một dân Chúa duy nhất và thánh thiện. Cũng như Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên các Tông đồ trong Phòng ở lầu trên tại Giêrusalem, thì cũng chính Chúa Thánh Thần thể hiện hai tác động trong mỗi lần cử hành Thánh lễ: thánh hoá của lễ bánh và rượu nho, biến của lễ này thành Mình và Máu Đức Kitô, và đổ đầy hông ân xuống cho tất cả những ai được của lễ thánh này nuôi dưỡng, hầu trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô.

Thánh Âu Tinh đã diễn tả tiến trình này một cách tuyệt vời (x. Bài giảng 272). Thánh nhân nhắc chúng ta rằng bánh không được làm nên từ một hạt lúa, mà từ rất nhiều hạt. Trước khi tất cả những hạt lúa này trở nên tấm bánh, chúng phải được xay nát. Ở đây, Thánh nhân làm cho chúng ta liên tưởng tới nghi thức trừ tà mà anh chị em tân tòng phải chịu trước khi được rửa tội. Mỗi người trong chúng ta là những người thuộc về Giáo Hội cần phải đi ra khỏi thế giới đóng kín của tính cá nhân, và chấp nhận ‘tính đồng chí’ của những người cùng “chia sẻ tấm bánh” với chúng ta. Chúng ta không còn được suy nghĩ khởi đi từ ‘cái tôi’, nhưng từ ‘cái chúng tôi’. Chính vì thế, mỗi ngày chúng ta đều cầu nguyện: lạy Cha ‘chúng con’, xin bánh hàng ngày cho ‘chúng con’. Phá đổ những ranh giới giữa chúng ta và những người anh em làng giềng hàng xóm, đó là điều kiện tiên quyết đầu tiên để bước vào cuộc sống thần linh mà chúng ta được mời gọi bước vào. Chúng ta cần được giải thoát khỏi tất cả những gì chôn chặt và cô lập chúng ta: sự sợ hãi và ngờ vực người khác, tham lam và ích kỷ, ý chí yếu kém không dám đánh liều bị thương tổn mà chúng ta phải chuốc lấy, khi mở lòng ra đón nhận tình yêu.

Những hạt lúa mì, sau khi được nghiền nát, liền được trộn vào trong bột nhão và đem nấu. Ở đây, Thánh Âu Tinh quy chiếu về việc dìm sâu vào trong nước rửa tội sau khi đã ban Chúa Thánh Thần, Đấng đốt cháy tâm hồn các tín hữu bằng ngọn lửa tình yêu Chúa. Tiến trình kết hợp và biến đổi các hạt lúa riêng rẽ thành một tấm bánh duy nhất mang lại cho chúng ta một hình ảnh gợi ý nói lên hành động kết hợp của Chúa Thánh Thần trong các chi thể của Giáo Hội, được thể hiện một cách tuyệt vời qua việc cử hành Bí tích Thánh Thể. Những ai thông phần vào đại Bí tích này sẽ trở nên Thân mình của Giáo Hội Đức Kitô, trong khi họ nuôi dưỡng mình bằng Thân mình Thánh Thể. “Hãy trở nên cái bạn có thể thấy” – Thánh Âu Tinh đã nói như thế khi người khuyến khích họ  - , “và hãy nhận cái bạn là”.

Những lời nói mạnh mẽ trên đây mời gọi chúng ta đáp lại một cách quảng đại tiếng gọi “trở nên Đức Kitô” cho những ai sống xung quanh chúng ta. Giờ đây chúng ta là thân thể của Người trên trần gian này. Để giải thích rộng rãi một câu nói nổi tiếng được cho là của Thánh nữ Têrêxa thành Avila, chúng ta là cặp mắt mà Đức Giêsu đã dùng để thương cảm nhìn đến những ai sống trong cảnh thiếu thốn, chúng ta là đôi tay mà Người đã dùng để dang ra chúc lành và cứu chữa, chúng ta là đôi chân mà Người đã dùng để đi làm việc thiện, và chúng ta là đôi môi mà Người đã dùng để loan báo Tin Mừng. Thế nhưng, điều quan trọng là chúng ta phải hiểu rằng khi tham dự vào công trình cứu độ của Người, chúng ta không chỉ tưởng nhớ đến một vị anh hùng đã chết khi kéo dài điều vị ấy đã làm: mà trái lại, Đức Kitô đang sống giữa chúng ta là thân thể của Người, là Giáo Hội, là dân tư tế của Người. Khi chúng ta nuôi dưỡng mình bằng chính Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể, và khi chúng ta đón tiếp Thánh Thần trong lòng mình, thì chúng ta thực sự trở nên Thân mình Đức Kitô mà chúng ta đã lãnh nhận, chúng ta thực sự hiệp thông với Người và hiệp thông với nhau, và chúng ta thực sự trở nên những dụng cụ của Người, khi làm chứng tá cho Người trước mặt thế gian.

“Đám đông những ai đã chấp nhập đức tin chỉ có một lòng một trí” (Cv 4,32). Trong cộng đoàn Kitô hữu sơ khai, được nuôi dưỡng nơi bàn tiệc Chúa, chúng ta thấy kết quả hành động hợp nhất của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần đã thôi thúc họ để của cải của mình có thành của chung, tình yêu đối với anh em mình đã cho phép họ vượt thắng mọi quyến luyến vật chất. Chúa Thánh Thần đã ban cho họ khả năng tìm ra những giải pháp công bằng cho những tranh chấp, chẳng hạn giải quyết vụ bất đồng giữa những anh em nói tiếng Hy Lạp với những người nói tiếng Do Thái về việc phân phát lương thực hàng ngày (x. Cv 6,1-6). Chính Chúa Thánh Thần sau này đã làm cho một người đưa ra nhận xét sau đây: “Kìa xem những Kitô hữu này thương nhau biết bao, và họ sẵn sàng chết cho nhau” (Tertullien, Biện giáo, 39). Tuy nhiên, tình yêu này không hề hạn hẹp vào những đồng đạo trong đức tin. Họ không bao giờ xem mình là những người thụ hưởng độc quyền, có đặc quyền thừa hưởng những đặc ân của Thiên Chúa, mà đúng hơn, họ xem mình là những sứ giả, những người được sai đi mang Tin Mừng cứu độ trong Đức Kitô cho đến tận cùng bờ cõi trái đất. Và chính vì thế mà sứ điệp Chúa Phục Sinh giao phó cho các Tông đồ đã được loan truyền khắp cả vùng Trung Đông, và từ đó, đi đến toàn thế giới.

ΑγαπητοίενΧριστώαδελφοίκαιαγαπητέςαδελφές, σήμεραείμαστεκαλεσμένοισανένασωμακαιμιάψυχήναεξετάσουμεσεβάθοςτηνκοινωνίαμαςμετονΚυριονκαιμετονπλησίονκαινατονμαρτυρήσουμεμπροστάσεολοτονκόσμο(Anh chị em thân mến trong Đức Kitô, cũng như các Kitô hữu ngày xưa, ngày hôm nay chúng ta được kêu gọi để sống “một lòng một trí”, để đào sâu mối hiệp thông với Chúa và với anh em chúng ta; và để làm chứng cho Người trước mặt thế gian).

Chúa mời gọi chúng ta vượt qua mọi khác biệt giữa chúng ta, mời gọi chúng ta mang hoà bình và hoà giải đến những nơi xung đột để ban tặng cho thế giới một sứ điệp hy vọng. Chúa kêu gọi chúng ta đưa tay cứu giúp những ai đang lâm cảnh khó khăn, bằng cách quảng đại chia sẻ những của cải vật chất của mình với những ai ít được may mắn như chúng ta. Và Chúa mời gọi chúng ta không ngừng loan báo cái chết và sự phục sinh của Chúa, cho đến khi Người lại đến trong vinh quang. Nhờ Người, với Người và trong Người, trong sự hợp nhất là hồng ân của Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội, chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa, Cha chúng ta trên trời, danh dự và vinh quang, cùng với cộng đoàn các Thiên thần và các Thánh luôn ca ngợi Người đến muôn đời muôn kiếp. Amen.