Thắc mắc 9 : Lời Khuyên máu

Mục Tư vấn-Thắc mắc đưa ra 1 trường hợp cụ thể trước những ý kiến cần phải “bỏ con để cứu mẹ” của nhiều bác sĩ hiện nay. Các bà mẹ Công giáo nên hành động như thế nào? Bác sĩ Nguyễn Lan Hải sẽ trả lời cho chúng ta qua bài chia sẻ của chị sau đây:

 Thắc mắc 9 : Lời Khuyên máu

Lời khuyên Máu

 

LTS. Mục Tư vấn-Thắc mắc đưa ra 1 trường hợp cụ thể trước những ý kiến cần phải “bỏ con để cứu mẹ” của nhiều bác sĩ hiện nay. Các bà mẹ Công giáo nên hành động như thế nào? Bác sĩ Nguyễn Lan Hải sẽ trả lời cho chúng ta qua bài chia sẻ của chị sau đây:

 Cách đây 1 năm, nữ tân tòng Maria Nguyễn Thị Hạnh, giáo xứ Tân Mai vui mừng biết mình có thai được 6 tuần, cùng lúc Bệnh viện xét nghiệm thấy cô có bệnh thận. Các thầy thuốc ở Bệnh viện khuyên cô bỏ thai để bệnh thận không tiến triển nặng hơn. Đây là một quyết định khó khăn. Cô và gia đình đã đến xin ý kiến cha xứ và được vài bác sĩ Công giáo tư vấn. Cuối cùng cô đã quyết định không phá thai.

Lời “Xin vâng!” của cô đã được gì? Đứa bé sinh ra được 8 ngày thì mất, mẹ nó cũng phải chữa bệnh liên miên và cuối cùng qua đời ở tuổi 23.

 Nhiều người trong thiên hạ đã dằn vặt: nếu nghe lời Bệnh viện bỏ con là đã có thể cứu được mẹ. Cứu được mẹ, có nghĩa là cứu được đứa con của song thân phụ mẫu hai nhà, cứu được người vợ trẻ cho người chồng mới cưới, cứu được bà mẹ cho những đứa con biết đâu nay mai có thể sẽ ra đời sau khi người mẹ trị dứt bệnh… Nay chỉ vì nghe lời khuyên của những người có đạo, gia đình người ta cố giữ thai lại thì mất cả con lẫn mẹ. Đau đớn quá.

 Cổ nhân dạy “một lời nói, một gói vàng”, cũng có khi “một lời nói, một đọi máu”, ở trường hợp này, lời khuyên ấy là lời khuyên tính bằng máu, lời khuyên tính bằng 2 mạng người. Nhưng xét kỹ, lời khuyên ấy rất đúng đắn:

1/ Về mặt y học, người mẹ ấy chết vì bệnh thận vô phương cứu chữa, chứ không phải chết vì có thai hay không có thai.

Ở 1 góc độ khác, có người cho rằng: chị ấy không phải chết vì bệnh thận, 1 người khỏe mạnh bình thường vẫn có thể chết đột ngột vì tai nạn, do lỗi của mình hay của người khác. Con người không thể biết trước hoặc quyết định sự sống chết của mình, mà do người chủ của sự sống đó quyết định. Sự sống của người mẹ đặt trong bàn tay của Thiên Chúa, sự sống của đứa con cũng đặt trong bàn tay của Thiên Chúa.

Hãy nhìn trọn vẹn con đường đời mà cô ấy đi, mà con người chúng ta đi, những ân phúc ta được đón nhận. Đừng thắc mắc vì cái chết của hai mẹ con cô ấy mà hãy quan tâm về đời sống của họ lúc này. Không phải vì họ tốt lành mà Chúa ban thưởng ngay ở cuộc sống trần thế. Cái chết là một ngưỡng cửa cho mình bước qua để gặp gỡ Thiên Chúa. Cái nhân – quả chỉ xuất hiện vào cuối đời khi ta xuất hiện trước mặt Chúa. Có thể giờ đây thân xác của họ đã biến đổi để trở nên gần gũi với Chúa và gắn bó với gia đình hơn.

2/ Về mặt luân lý, người Công giáo chúng ta chỉ có 1 nguyên tắc luân lý duy nhất: mình chết cho người kia được sống, chứ không bắt người khác phải chết để mình được sống. Hay nói khác đi, không ai tìm sự sống cho mình bằng cách bắt người khác phải chết, nữa là đấy lại chính là giọt máu tình yêu của mình, là đứa con mới hoài thai của mình với chồng.

Chúng ta hay nghe bác sĩ khuyên rằng: bỏ con để cứu mẹ, thực ra trong thâm tâm và trong ý thức, những thầy thuốc chân chính muốn cứu cả mẹ lẫn con chứ không phải loại bỏ cái thai để giành sự sống cho mẹ. Trước ca mổ, người ta có thể đặt ra 3 tình huống:

·        Giả sử cả 2 mẹ còn cùng không qua khỏi? Y học đã thất bại.

·        Giả sử đứa con bị chết mà bà mẹ sống? Mất con là 1 hậu quả ngoài ý muốn.

·        Giả sử đứa con còn sống mà bà mẹ chết? Người ta cảm thấy cái chết của mẹ còn có giá trị, sự hy sinh của mẹ được đánh đổi. Nhưng ngay cả việc đứa con được sống dù chỉ 1 giờ, 1 ngày hay 1 tuần, thì sự hy sinh của người mẹ cũng thật cao cả.

Bệnh viện thường chọn lựa: làm mọi cách để người mẹ được sống thêm vài năm nữa (kể cả bỏ thai), nếu điều đó đúng, liệu họ có đảm bảo rằng, trong vài năm ấy bà mẹ ấy sẽ không mảy may dằn vặt khi đã quyết định giết con mình hay không?

Cho nên, cô ấy đã quyết định rất đúng đắn: cô ấy đã sống thật trọn vẹn trong đời sống trẻ trung ngắn ngủi của mình: được làm mẹ đúng nghĩa, xứng đáng làm con người và làm con Chúa. Đức tin đã đưa cô ấy đến với đạo và đạo đã đưa cô ấy đến Thiên đường.

 Gần đây, ngày 15/ 5/ 2004 – năm Quốc tế Gia đình, Gianna Baretta Molla, một bà mẹ thuộc giáo phận Milan nước Ý được phong thánh vì sẵn sàng chết chứ không phá thai. Đức Thánh Cha nói rằng: thánh nữ đã noi gương Chúa Kitô “yêu thương những người thân của mình còn trong thế gian và yêu thương họ cho đến cùng”.

 Bà là 1 nữ bác sĩ 39 tuổi đã có chồng, 3 con và đang mong đón đứa thứ tư. Nhưng tin vui mau chóng trở thành nỗi lo: bà bị một khối u phát sinh trong tử cung vào cuối tháng thứ 2 và phải mổ. Trong nghề, Gianna hiểu rõ giới hạn của khoa học thời đó. Để cứu người mẹ, Bệnh viện bắt buộc phải nạo thai và cắt cục bướu. Mổ cắt khối u để cho bào thai phát triển là điều vô cùng nguy hiểm cho tính mạng người mẹ, nhất là giai đoạn cuối khi sinh con nhưng bà quyết định giữ con mình trong niềm tin tưởng phó thác.

Trước ngày sinh, Gianna tâm sự với cha linh hướng : “Con cầu nguyện liên miên trong những ngày này. Với niềm tin và hy vọng, con phó thác mọi sự cho Chúa quan phòng. Con sẵn sàng hiến dâng đời sống để cứu con của con”. Trước khi lên bàn mổ, bác sĩ phẫu thuật hỏi lần cuối: “Tôi phải cứu ai, bà hay con bà?”. “Cứu con tôi, và đừng lo gì cho tôi”, Gianna trả lời. Vị giáo sư người Do Thái, mặc dầu không đồng ý với Gianna, đã làm theo ý bà, và ông đã thốt lên “Thật đúng là người mẹ Công giáo”.

Vào ngày thứ 6 tuần thánh năm 1962, Gianna chuyển dạ. Bà nói với một nữ tu làm y tá trong nhà thương: “Chị yêu quí, hôm nay tôi biết chắc tôi sẽ chết, nhưng không sao, miễn con tôi được sống”. Đêm thứ 7 tuần thánh, bác sĩ đã mổ và cứu cô bé an toàn khoẻ mạnh, mang tên Emanuela “Chúa ở cùng chúng ta”. Sau ca mổ, Gianna rất đau đớn, nhưng bà vẫn can đảm phó thác, dâng mình cho Chúa như một của lễ hy sinh, với một tâm hồn khiêm tốn tin tưởng. Gianna muốn kết hợp sự đau đớn của mình với sự khổ nạn và phục sinh của Chúa. Một tuần sau lễ Phục sinh, Gianna đã nhắm mắt vĩnh viễn về trời với Chúa, miệng luôn lẩm bẩm “Lạy Chúa Giêsu, Con yêu Chúa”.

Sau này, khi nghe nhiều người chất vấn tại sao mẹ mình nỡ bỏ lại đằng sau người chồng và 3 đứa con thơ dại để sinh đứa con thứ tư, 1 người con của bà đã khẳng định: “Mẹ tôi xác tín rằng đứa con chưa chào đời cũng có quyền sống như những đứa con khác. Mẹ tôi đã không chọn sự chết. Trong giây phút đó, bà đã chọn sự sống của con mình”.

       Hai bà mẹ Công giáo, 2 dân tộc, hai đất nước, 2 hoàn cảnh nhưng cùng một lời “Xin vâng!” trong ơn gọi sống đời gia đình của mình. Trong con mắt của Tin Mừng, họ đều làm chứng cho những giá trị của nước Trời. Người nữ tân tòng của chúng ta xứng đáng là 1 vị thánh nữ, bởi vì, ai đó đã nói rằng:

“Nên thánh là làm điều mình phải làm, là làm hoàn hảo những gì mình phải làm, là làm điều mình phải làm lúc cần phải làm” (Khuyết danh).

Thạc sĩ – Bác sĩ Lan Hải.