Thiên Chúa trung thành hướng dẫn và nâng đỡ những ai tin tưởng nơi Người

Cùng với Phụng vụ ngày hôm nay, chúng ta bước vào giai đoạn cuối trong cuộc hành trình Mùa Vọng, là giai đoạn thúc giục chúng ta gia tăng việc lành phúc đức để chuẩn bị cử hành ngày sinh nhật của Chúa với lòng tin và niềm hân hoan vui sướng, để đón tiếp Thiên Chúa ngự đến với tâm tình ngạc nhiên sâu xa.

 Thiên Chúa trung thành hướng dẫn và nâng đỡ những ai tin tưởng nơi Người

Cử hành Thánh lễ với cộng đoàn “CENTRO ALETTI” Rôma – Nhân dịp 90 năm sinh nhật của ĐHY TOMAS SPIDLIK, S.J. – Nhà nguyện “Mẹ Đấng Cứu Thế” của Dinh Toà Thánh Vatican – Thứ Năm, 17/12// 2009

Các bạn thân mến,

Cùng với Phụng vụ ngày hôm nay, chúng ta bước vào giai đoạn cuối trong cuộc hành trình Mùa Vọng, là giai đoạn thúc giục chúng ta gia tăng việc lành phúc đức để chuẩn bị cử hành ngày sinh nhật của Chúa với lòng tin và niềm hân hoan vui sướng, để đón tiếp Thiên Chúa ngự đến với tâm tình ngạc nhiên sâu xa. Người là Thiên Chúa đã trở nên gần gũi hơn với mọi người, với mỗi người trong chúng ta.

Bài đọc I trình bày tổ phụ Giacob đã cao niên đang quy tụ con cái lại để chúc lành cho chúng. Đây là một biến cố có một cường độ mãnh liệt và đầy cảm xúc. Lời chúc lành này giống như dấu ấn nói lên lòng trung thành của họ đối với Giao ước được Thiên Chúa ký kết; nhưng lời chúc lành này cũng còn là một thị kiến tiên tri hướng về phía trước, và chỉ cho ta thấy một sứ mạng. Giacob là một người cha, trên những bước đường lịch sử của riêng mình không phải lúc nào cũng được suôn sẻ, đã cảm thấy lòng mình phơi phới khi tụ họp con cái lại xung quanh, và tiên báo tương lai của mỗi đứa con, cũng như tương lai của miêu duệ chúng sau này. Đặc biệt ngày hôm nay, chúng ta nghe nói về chi tộc Giuđa, một chi tộc mà vương quyền được diễn tả qua hình ảnh sư tử luôn được mọi người ca tụng, cũng như thể chế quân chủ của vua Đavít được tượng trưng bởi vương tượng, bởi quan chức của nhà vua, và thể chế quân chủ này làm ta liên tưởng tới cuộc giáng lâm của Đấng Thiên Sai sau này. Như thế, qua hình ảnh song đôi này, tương lai huyền nhiệm của sư tử trở thành con chiên, của nhà vua và quan chức trở thành Thánh giá, là dấu hiệu của vương quyền thực sự. Tổ phụ Giacob đã dần dà ý thức được tối thượng quyền của Thiên Chúa, đã nhận thấy cuộc hành trình của mình luôn được Thiên Chúa trung thành hướng dẫn và nâng đỡ, và nhận thấy mình không còn cách nào khác là phải trung thành đáp lại Giao ước của Thiên Chúa và chương trình cứu chuộc của Ngài, và dần dà, cùng với con cháu của mình, ông đã trở nên một mắt xích trong chương trình của Thiên Chúa.

Phúc Âm theo Thánh Matthêu trình bày cho chúng ta “gia phả của Đức Giêsu Kitô, là con vua Đavít, là con của Abraham” (Mt 1,1), khi nhấn mạnh và cắt nghĩa một cách thật sâu xa về lòng trung thành của Thiên Chúa đối với lời hứa đã được Ngài thực hiện, không những qua những con người, mà Ngài còn thực hiện lời hứa với họ, và đối với trường hợp của Giacob, thì đôi khi Người còn thực hiện lời hứa qua những con đường quanh co mà không một ai có thể ngờ tới. Đấng Thiên Sai mà mọi người hằng mong đợi, và đối tượng của lời Chúa hứa, đó là vị Thiên Chúa thực, nhưng cũng là một con người thực; là Con của Thiên Chúa, nhưng cũng là Con do Đức Trinh Nữ Maria thành Nazareth sinh ra, là thịt xương thánh thiện của Abraham, mà miêu duệ đã mang lại ơn chúc lành cho mọi dân tộc trên địa cầu (x. St 22,18). Trong gia phả này, ngoài Đức Maria ra, còn có bốn phụ nữ khác được nhắc đến. Đó không phải là bà Sara, bà Rêbécca, bà Lêa, hay bà Raken, là những gương mặt vĩ đại của lịch sử Israel. Mà thực ra, thật là ngược đời, đó lại là bốn phụ nữ ngoại giáo: bà Raháp, bà Rút, bà Bátsêba, và bà Tama, là những người dường như “làm lu mờ” đi sự trong sáng của một gia phả. Thế nhưng, qua những người nữ ngoại giáo này, những người đã xuất hiện vào những giây phút chủ chốt trong lịch sử ơn cứu độ, ta cũng đã thấy xuất hiện mầu nhiệm của Giáo Hội dành cho lương dân và ơn cứu độ phổ quát. Họ là những phụ nữ ngoại giáo, mà qua họ, tương lai và ơn cứu độ phổ quát đã xuất hiện. Họ cũng là những phụ nữ tội lỗi, và như thế, mầu nhiệm ân sủng cũng đã xuất hiện trong lòng họ. Không phải những việc chúng ta làm sẽ cứu rỗi trần gian, mà đúng hơn, chính Đức Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đích thực. Vâng, đúng thế, họ là những người nữ tội lỗi, và qua họ, ân sủng lớn lao, ân sủng mà chúng ta đang cần đến, đã xuất hiện. Thế nhưng, những phụ nữ này lại giúp cho chúng ta thấy được lời đáp trả thực mẫu mực của họ đối với Thiên Chúa trung thành, và biểu lộ niềm tin của họ vào Thiên Chúa của Israel. Và như thế, qua Giáo Hội của lương dân, chúng ta thấy được mầu nhiệm của ân sủng, thấy được đức tin như một món quà tặng ban, và như phương thế để hiệp thông với Thiên Chúa. Do đó, gia phả mà Thánh sử Matthêu tường thuật không chỉ đơn thuần là một bản danh sách các thế hệ không hơn không kém: mà trước tiên, đó là lịch sử do Thiên Chúa đưa dẫn, cùng với sự đáp trả của con người. Đó là một gia phả của ân sủng và đức tin: thực thế, chính khi dựa vào lòng trung thành tuyệt đối của Thiên Chúa, và dựa vào niềm tin không hề lay chuyển của những phụ nữ này mà lời Chúa hứa cho Israel đã được ứng nghiệm.

Lời chúc phúc của tổ phụ Giacob ăn khớp một cách thật tuyệt vời với biến cố hạnh phúc mà ngày hôm nay chúng ta mừng 90 năm sinh nhật của Đức Hồng y Spidlik đáng mến. Cuộc sống trường thọ của Đức Hồng y, và cuộc hành trình đức tin độc nhất vô nhị của người là bằng chứng nói rằng Thiên Chúa đã hướng dẫn những ai đặt trọn niềm tin vào Người như thế nào. Tuy nhiên, người cũng hoàn toàn bước đi trên một lộ trình tư tưởng, luôn truyền đạt cho mọi người với cả niềm xác tín hăng say và sâu xa rằng tâm điểm của toàn bộ Mạc khải là một Chúa Ba Ngôi, và do đó, hữu thể nhân văn được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa thiết yếu là một mầu nhiệm về tự do và tình yêu được kiện toàn trong mối hiệp thông: đó là con đường của Thiên Chúa để chúng ta có thể trở nên chính mình. Sự hiệp thông này không hiện hữu cho chính mình, nhưng bắt nguồn từ Ba Ngôi Thiên Chúa không ngừng yêu thương nhau, như Đông phương Kitô giáo vẫn luôn cảm thấy hứng thú khi nói thế. Những phạm trù dựa trên lý trí không thể nào hiểu được tự do và tình yêu, là những yếu tố cấu thành con người, chính vì thế, ta không thể nào hiểu được con người nếu ta tách ra khỏi mầu nhiệm Đức Kitô, là Thiên Chúa thực và cũng là con người thực, là Đấng đã chấp nhận “nhân tính thần linh” trong cuộc sống của chúng ta. Trung thành với nguyên tắc này, trong suốt cả cuộc đời, Đức Hồng y Spidlik đã đưa ra một tầm nhìn thần học thực sống động và, trong nhiều khía cạnh khác nhau, rất độc đáo, mà qua đó, Đông phương và Tây phương Kitô giáo cùng liên kết một cách mật thiết với nhau qua những trao đổi hỗ tương những khả năng của mình. Cái nhìn này được xây dựng trên đời sống trong Thánh Thần, là nguyên lý của kiến thức: tình yêu, học vấn, dẫn nhập vào ký ức thiêng liêng, đối thoại với mọi người. Đây là một tiêu chuẩn cần thiết và bối cảnh là Giáo Hội, Nhiệm thể luôn sống động của Đức Kitô. Ngoài ra Đức Hồng y Spidlik đã luôn thể hiện, và vẫn còn tiếp tục thể hiện cương vị làm một người cha tinh thần. Ngày hôm nay, chúng ta có thể nói rằng “Trung tâm Aletti”, một “miêu duệ” thiêng liêng nhỏ bé của Đức Hồng y Spidlik, đang quy tụ chung quanh người cha thiêng liêng của mình để cử hành các Mầu nhiệm thánh. Một trung tâm muốn sưu tập những giáo huấn quý giá của người, muốn làm cho giáo huấn ấy sinh hoa kết trái qua những cách hiểu mới và nghiên cứu mới, cũng như qua cách diễn đạt của nghệ thuật. Trong bối cảnh này, tôi cho rằng, nếu chúng ta làm nổi bật được mối liên hệ giữa thần học và nghệ thuật phát sinh từ tư tưởng của Đức Hồng y Spidlik, thì đó là một điều hết sức tuyệt vời. Thực thế, cách đây đã 10 năm, kể từ ngày vị Tiền nhiệm đáng kính và đáng mến của tôi, là Đức Gioan Phaolô II, người Tôi tớ của Chúa, cung hiến Nhà nguyện Redemptoris Mater  -  Mẹ Đấng Cứu Chuộc –, người đã nói như sau: “công việc này… được xem như cách diễn đạt của một nền thần học với hai lá phổi mà Giáo Hội của thiên niên kỷ thứ ba có thể rút ra được sức sống mới”. Và Đức Giáo Hoàng nói tiếp: “Bức ảnh Mẹ Đấng Cứu Chuộc, được treo trên tường chính giữa nhà nguyện, mạc khải cho ta thấy được mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa, Đấng đã trở nên người phàm, để ban cho chúng ta, là những hữu thể nhân văn, khả năng làm con Thiên Chúa… [Đó chính là] sứ điệp cứu chuộc và là niềm vui mà Đức Kitô, người con do Đức Maria sinh ra, mang lại cho nhân loại” (Gioan Phaolô II, Bài giảng lễ Cung hiến Nhà nguyện “Redemptoris Mater”, 14/11/1999).

Kính thưa Đức Hồng y Spidlík thân mến, với tâm tình quý mến, tôi xin chúc Đức Hồng y nhận được dồi dào ơn Chúa, để Đức Hồng y có thể tiếp tục khai sáng cho những Thành viên tại “Trung tâm Aletti”, cũng như cho tất cả những người con thiêng liêng của Đức Hồng y, qua sự khôn ngoan của mình. Trong khi tiếp tục cử hành các Mầu nhiệm thánh, tôi xin phó dâng mỗi người trong anh chị em cho Mẹ Đấng Cứu Chuộc dùng tình mẫu tử bảo trợ anh chị em, và kêu cầu Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng đã mặc lấy xác phàm chúng ta, ban cho chúng ta ánh sáng và bình an mà Sứ thần tại thành Bêlem đã loan báo.