Hãy nhìn vào hiểm họa ma tuý
Một người từng có thời gian ở tù và đã được đặc xá, có cơ hội tiếp cận gần với hàng trăm trường hợp nghiện ma tuý ở nhiều thành phần khác nhau, đã gửi đến Tuổi Trẻ lời cảnh báo về hiểm hoạ này.
Hãy nhìn vào hiểm họa ma tuý
Một người từng có thời gian ở tù và đã được đặc xá, có cơ hội tiếp cận gần với hàng trăm trường hợp nghiện ma tuý ở nhiều thành phần khác nhau, đã gửi đến Tuổi Trẻ lời cảnh báo về hiểm hoạ này.
Người dân tham gia bắt cướp ở khu vực bờ kè kênh Nhiêu Lộc quận 3, TP.HCM. Theo công an điều tra, kẻ cướp này vừa từ trường cai nghiện trở về – Ảnh: T.T.D. |
Sau khi được đặc xá vào năm 2007, đến nay tôi vẫn có dịp gặp lại những người bạn tù cũ, đa số họ đều sống lương thiện cho dù kinh tế còn khó khăn. Tuy nhiên, những người nghiện ma túy đều trở lại nhà tù mà phổ biến là ở nhóm tội cướp. Vì sao vậy?
Một người nghiện sẽ cần bao nhiêu tiền mỗi ngày để chơi ma túy? Theo quan niệm truyền thống, người nghiện sử dụng ma túy theo cữ, thông thường mỗi ngày một lần. Mỗi liều heroin khoảng 250.000 đồng, còn ma túy tổng hợp hay còn gọi là hàng đá khoảng 1,8-2,5 triệu đồng. Người nghiện tiêu tốn mỗi ngày ngần ấy tiền và có công việc lương thiện nào mang đến cho họ số tiền đó? Nhưng thực tế còn phũ phàng hơn, với ma túy thế hệ mới người nghiện không bao giờ thỏa mãn, mỗi liều chỉ giúp họ “lên đỉnh” 15-30 phút sau đó họ lại muốn sử dụng tiếp liều khác. Nếu có đủ tiền, người nghiện sẽ chơi liên tục ba, bốn ngày đến khi kiệt sức thì thôi, tiêu tốn hàng chục triệu đồng là chuyện bình thường.
Cho nên cướp tài sản là cách thường được lựa chọn, cướp được tiền lại ném vào những cơn nghiện, khi sạch tiền thì đi cướp tiếp, khi ra tay phải cướp tài sản cho bằng được, kể cả phải bắn giết để có tiền thỏa mãn cơn nghiện.Thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết về những đối tượng hình sự bị bắt giữ thời gian gần đây: “Trước đây có khoảng 30% liên quan đến ma túy nhưng gần đây lên tới 46%”. Đó quả là một con số báo động về những người nghiện ma túy tham gia phạm tội.
Xã hội hiện đang cai nghiện theo mô hình tự nguyện, tập trung ở trường trại, cơ sở y tế và cai nghiện tại cộng đồng, trong đó mô hình cai nghiện tại cộng đồng đang được đề cao. Khi liên hệ với các cơ sở cai nghiện ma túy, chúng ta đều được phổ biến phương pháp cai nghiện ma túy là: cắt cơn (can thiệp bằng y khoa, khoảng một tuần hoặc trên 10 ngày), phục hồi sức khỏe chữa trị tâm lý và cuối cùng là cai nghiện tại nhà với sự giúp đỡ của cộng đồng. Trong đó họ luôn nhấn mạnh người nghiện ma túy chủ yếu là vấn đề tâm lý, chỉ cần có quyết tâm và được sự động viên giúp đỡ của gia đình, xã hội là cai ma túy được ngay. Lý thuyết này kéo dài từ năm 1975 đến nay, gắn với nó là câu chuyện nổi tiếng: một người nghiện ma túy sau khi được trung tâm cắt cơn đã đi lao động ở nông trường suốt năm năm mà không hề nhớ đến ma túy, nhưng khi về đến bến xe ở TP.HCM đã vội vã mua vé quay ngược lại nông trường, lý do là cảnh cũ người xưa làm anh nhớ lại và nổi cơn nghiện.
Trong cai nghiện ma túy, tâm lý và môi trường là vấn đề quan trọng nhất. Nhưng với những loại ma túy mới, ma túy tổng hợp thì cho dù có tâm lý thép hoặc môi trường tốt như thế nào họ cũng vẫn bị cơn nghiện điên loạn hành hạ. Đã có những gia đình có điều kiện đưa con đi những vùng không có dân cư để cai nghiện nhưng vẫn không thành công. Can thiệp bằng y khoa hoặc trị liệu cập nhật với tình hình này hầu như không có gì. Cho nên chúng ta đang đối mặt với hiểm họa người nghiện ma túy sẵn sàng phạm tội, chủ yếu là cướp tài sản người khác, để thỏa mãn cơn nghiện, người nghiện ngày càng tăng và luôn được bổ sung mới, trong lúc việc cai nghiện rơi vào tình thế lúng túng và không hiệu quả.