Mùa Vọng là thời gian của sự hiện diện và mong chờ vĩnh cửu

Mùa Vọng thúc đẩy chúng ta hiểu ý nghĩa của thời gian và của lịch sử như “kairós”, như một dịp thuận tiện để chúng ta được cứu độ. Đức Giêsu đã minh hoạ thực thể nhiệm mầu này qua nhiều dụ ngôn: trong câu chuyện về những đầy tớ được mời gọi mong đợi chủ về; trong dụ ngôn các trinh nữ chờ đợi chàng rể đến; hay trong dụ ngôn hạt giống và mùa gặt.

Mùa Vọng là thời gian của sự hiện diện và mong chờ vĩnh cửu

Cử hành giờ Kinh Chiều I Mùa Vọng-Vương cung Thánh đường Vatican-Thứ Bảy, 28/11/2009

Anh chị em thân mến,

Qua buổi cử hành giờ Kinh Chiều hôm nay, chúng ta bước vào phụng vụ Mùa Vọng. Trong Bài đọc Sách Thánh mà chúng ta vừa nghe, được trích từ Thư thứ nhất gửi tín hữu thành Thêxalônica, Tông đồ Phaolô mời gọi chúng ta chuẩn bị cho cuộc “Giáng lâm của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (5,23), bằng cách, nhờ ơn Chúa giúp, sống vẹn toàn không gì đáng trách. Phaolô sử dụng từ ngữ “Giáng lâm”, trong tiếng La Tinh là adventus, và từ Avent – Mùa Vọng – bắt nguồn từ đó.

Chúng ta hãy suy nghĩ một cách vắn gọn về ý nghĩa của từ ngữ này, từ mà ta có thể dịch là sự “hiện diện”, là “đến nơi”, là “đến”. Trong ngôn ngữ của thế giới cổ xưa, thì đây là một từ chuyên môn được dùng để chỉ một quan chức đi đến một nơi nào đó, để chỉ chuyến kinh lý của một vị vua hay một vị hoàng đế trong một tỉnh thành. Nhưng từ này cũng có thể dùng để chỉ sự kiện một vị thần minh hiện đến, một vị thần đi ra khỏi nơi cư trú bí mật của mình, để xuất hiện với vẻ uy phong rực rỡ, và sự xuất hiện của vị thần minh này được cử hành qua việc thờ cúng. Các Kitô hữu sử dụng từ ngữ “Avent – Mùa Vọng -” để diễn tả mối tương giao của mình với Đức Giêsu Kitô: Đức Giêsu là Vua, Người đã bước vào trong “tỉnh thành” nghèo nàn được gọi là trần gian này, để viếng thăm tất cả mọi người; Người làm cho tất cả những ai tin vào Người, tất cả những ai tin Người đang hiện diện trong cộng đoàn phụng vụ được tham dự vào cuộc giáng lâm của Người. Qua từ ngữ adventus, một cách cơ bản, chúng ta muốn nói rằng: Thiên Chúa đang ở nơi đây, Người không hề rút lui khỏi trần gian, Người không hề để chúng ta đơn thương độc mã. Ngay cả khi chúng ta không thấy được Người, hay đụng chạm đến Người, như trong trường hợp chúng ta tiếp xúc với những thực thể cảm tính. Người đang ở đây, và Người đang đến viếng thăm chúng ta dưới trăm phương nghìn cách.

Như thế, ý nghĩa của từ “avent” cũng bao hàm ý nghĩa của từ visitatio, đơn giản có nghĩa là “thăm viếng”; trong trường hợp này, chúng ta muốn nói đến việc Thiên Chúa thăm viếng dân Người: Thiên Chúa đi vào trong cuộc đời của tôi, và Người muốn ngỏ lời với tôi. Trong cuộc sống thường nhật, tất cả chúng ta đều cảm thấy rằng mình ít có thời giờ dành riêng cho Chúa, và cũng chẳng có được bao nhiêu thời gian dành cho chúng ta. Và cuối cùng, chúng ta bị cuốn hút bởi cái chúng ta phải “làm”. Chớ thì không phải những hoạt động này thường cuốn hút chúng ta, và xã hội với những lợi lộc muôn hình muôn vẻ của nó luôn làm cho chúng ta phải bận tâm đó sao? Chớ thì không phải chúng ta đã hy sinh quá nhiều thời giờ để tiêu khiển, và để có đủ loại giải trí đó sao? Đôi khi công việc nó cứ “ngập đầu ngập cổ chúng ta”. Mùa Vọng, mùa phụng vụ mãnh liệt mà chúng ta đang bắt đầu, mời gọi chúng ta dừng lại trong thinh lặng để hiểu được một sự hiện diện. Mùa vọng là một lời mời gọi chúng ta hiểu rằng mỗi biến cố trong từng ngày sống là một dấu hiệu Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta, một dấu hiệu cho biết Người đang chú ý đến mỗi người trong chúng ta. Biết bao lần Thiên Chúa đã cho chúng ta thoáng thấy một dấu chỉ tình yêu của Người! Viết “nhật ký tâm hồn” để diễn tả tình yêu này là một việc làm tuyệt đẹp và hữu ích cho cuộc đời chúng ta! Mùa Vọng mời gọi và khuyến khích chúng ta chiêm ngưỡng Chúa đang hiện diện. Việc chúng ta tin chắc Người đang hiện diện sẽ không giúp chúng ta nhìn thế giới với một cặp mắt khác sao? Việc tin chắc Người đang hiện diện không giúp chúng ta nhìn toàn bộ cuộc đời như một cuộc “thăm viếng”, như một phương cách Người sử dụng để có thể đi đến với chúng ta, và trở nên gần gũi với chúng ta trong mỗi hoàn cảnh đó sao?

Một yếu tố nền tảng khác của Mùa Vọng, đó là sự chờ đợi, và sự chờ đợi này đồng thời cũng là niềm hy vọng. Mùa Vọng thúc đẩy chúng ta hiểu ý nghĩa của thời gian và của lịch sử như “kairós”, như một dịp thuận tiện để chúng ta được cứu độ. Đức Giêsu đã minh hoạ thực thể nhiệm mầu này qua nhiều dụ ngôn: trong câu chuyện về những đầy tớ được mời gọi mong đợi chủ về; trong dụ ngôn các trinh nữ chờ đợi chàng rể đến; hay trong dụ ngôn hạt giống và mùa gặt. Suốt đời, con người luôn mong chờ: khi còn là con trẻ, con người muốn lớn lên; khi đến tuổi trưởng thành, con người muốn hoàn thành công việc và đạt được thành công; khi đã cao niên, con người mong được nghỉ ngơi một cách xứng đáng. Nhưng sẽ đến một lúc nào đó, ngoài nghề nghợp hay địa vị xã hội ra, con người sẽ khám phá thấy rằng hầu như mình chẳng hy vọng gì cả, mình chẳng còn gì để mà hy vọng cả. Hy vọng ghi đậm nét trên con đường của nhân loại, nhưng đối với các Kitô hữu, thì niềm hy vọng lại được sinh động hoá bởi một niềm tin chắc chắn: đó là Chúa đang hiện diện dọc suốt cuộc đời chúng ta, Người đồng hành với chúng ta, và một ngày kia, Người cũng sẽ lau khô mọi giọt lệ trên đôi mắt chúng ta. Một ngày kia, chẳng còn bao lâu nữa đâu, tất cả sẽ được kiện toàn trong Vương quốc của Thiên Chúa, Vương quốc công lý và hoà bình.

Nhưng có rất nhiều cách đợi chờ khác nhau. Nếu thời gian không được đong đầy bằng một hiện tại có ý nghĩa, thì sự chờ đợi sẽ trở nên ngột ngạt, không thể nào chịu đựng được; nếu ta mong đợi một cái gì đó, và nếu trong lúc này, ta chẳng thấy có gì cả, nghĩa là, nếu hiện tại vẫn trống rỗng, thì mỗi một khoảnh khắc trôi qua sẽ trở nên dài đằng đẵng, và sự chờ đợi sẽ biến thành gánh nặng, bởi vì tương lai vẫn không hoàn toàn chắc chắn. Còn trái lại, khi thời gian mặc lấy ý nghĩa, và trong mọi khoảnh khắc, chúng ta thoáng thấy một cái gì đó đặc thù và có giá trị, thì lúc đó, niềm vui mong đợi sẽ làm cho hiện tại trở nên quý giá hơn. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy sống một cách mãnh liệt thời gian hiện tại, thời gian mà những hồng ân Chúa ban đã đến với chúng ta, chúng ta hãy sống thời gian hiện tại, mắt hướng nhìn về tương lai, một tương lai đầy hy vọng. Hiểu như thế thì Mùa Vọng Kitô giáo sẽ là dịp để thức tỉnh trong ta ý nghĩa thực sự của sự mong chờ, khi ta quay về với trọng tâm đức tin của chúng ta, đó là mầu nhiệm Đức Kitô, Đấng Thiên Sai được mong đợi dọc suốt thời gian dài đằng đẵng và đã hạ sinh trong cảnh khó nghèo tại Bêlem. Khi đến giữa chúng ta, Người đã trả lại cho chúng ta, và tiếp tục trao ban cho chúng ta hồng ân tình yêu và hồng ân cứu độ của Người. Khi hiện diện giữa chúng ta, Người nói với chúng ta qua nhiều cách thế khác nhau: trong Sách Thánh, trong năm Phụng vụ, trong hạnh các Thánh, trong những biến cố của cuộc sống thường nhật, trong mọi thụ tạo đang thay hình đổi dạng tuỳ theo sự kiện Người có hiện diện đàng sau chúng hay không, hay dựa theo sự kiện thụ tạo ấy có bị một lớp sương mù của một nguồn gốc mơ hồ, hay bị một tương lai không chắc chắn che phủ. Về phần chúng ta, chúng ta có thể thưa với Người, trình bày với Người những khổ đau làm cho chúng ta phải buồn phiền, sự thiếu kiên nhẫn, những vấn nạn canh cánh trong lòng chúng ta. Hãy tin chắc rằng Người luôn lắng nghe chúng ta! Và nếu Đức Giêsu hiện diện, thì sẽ không còn một thời gian nào phải trống vắng và thiếu đi ý nghĩa. Nếu Người hiện diện, thì chúng ta sẽ còn có thể tiếp tục hy vọng, thậm chí khi không còn ai có thể nâng đỡ chúng ta, và ngay cả khi hiện tại đầy dẫy khó khăn.

Các bạn thân mến, Mùa Vọng là thời gian của sự hiện diện và mong chờ vĩnh cửu. Và chính ví lý do này mà một cách đặc biệt, Mùa Vọng là thời gian của niềm vui, một niềm vui được nội tâm hoá, mà không một đau khổ nào có thể xoá nhoà được. Niềm vui của sự kiện Thiên Chúa hoá thành trẻ thơ. Niềm vui này, đang hiện diện trong lòng chúng ta một cách vô hình, khuyến khích chúng ta tiến bước về phía trước với niềm tin tưởng. Đức Trinh Nữ Maria là mẫu gương và là sự nâng đỡ cho niềm vui sâu xa này, nhờ Người, mà Con Trẻ Giêsu đã được ban tặng cho chúng ta. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria là môn đệ trung thành của Đức Giêsu, Con của Mẹ, cầu cùng Chúa ban cho chúng ta ơn sống mùa phụng vụ này một cách tỉnh thức và chủ động hơn trong sự mong chờ. Amen!