Đức Phaolô VI và mầu nhiệm Giáo Hội

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay – Chúa Nhật XXXII Thường Niên – giới thiệu với chúng ta bà goá nghèo, hay đúng hơn, thái độ của bà, khi bà bỏ vào hòm tiền Đền thờ những đồng xu cuối cùng của mình. Một cử chỉ, mà nhờ cái nhìn chăm chú của Đức Giêsu, đã trở nên câu châm ngôn: “đồng tiền nhỏ bé của bà goá”

 Đức Phaolô VI và mầu nhiệm Giáo Hội 

Bài giảng Thánh lễ đồng tế nhân chuyến viếng thăm mục vụ tại Brescia và Concesio, Ý

Tại Quảng trường Phaolô VI – Brescia
Chúa Nhật XXXII Thường Niên, 8-11-2009

Anh chị em thân mến!

Tôi hết sức vui mừng được chia sẻ với anh chị em bánh Lời Chúa và bánh Thánh Thể, ở đây, giữa lòng giáo phận Brescia này, nơi mà người Tôi tớ Chúa là Giovanni Battista Montini, tức là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, đã chào đời và được giáo dục ngay từ hồi thanh xuân. Với tâm tình quý mến, tôi xin chào tất cả anh chị em và cám ơn anh chị em đã tiếp đón tôi một cách nồng hậu! Tôi đặc biệt cám ơn Đức Cha Luciano Monari đã chào hỏi tôi vào đầu Thánh lễ, và cùng với người, tôi xin chào các Đức Hồng y, Giám mục, linh mục và phó tế, các tu sĩ nam nữ và tất cả những người làm công tác mục vụ. Tôi xin cám ơn ngài Thị trưởng đã chào hỏi và tặng quà cho tôi, cũng như các vị lãnh đạo dân sự và quân sự khác. Tôi xin đặc biệt chào các bệnh nhân đang có mặt trong nhà thờ chánh toà này.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay – Chúa Nhật XXXII Thường Niên – giới thiệu với chúng ta bà goá nghèo, hay đúng hơn, thái độ của bà, khi bà bỏ vào hòm tiền Đền thờ những đồng xu cuối cùng của mình. Một cử chỉ, mà nhờ cái nhìn chăm chú của Đức Giêsu, đã trở nên câu châm ngôn: ”đồng tiền nhỏ bé của bà goá”, nhưng trong thực tế lại đồng nghĩa với sự quảng đại của người cho mà không hề giữ lại cho mình phần bé nhỏ mà mình hiện đang có. Nhưng trước tiên, tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của địa điểm đang diễn ra giai thoại này, đó là Đền thờ Giêrusalem, là trung tâm tôn giáo của dân tộc Israel và là tâm điểm đời sống của dân Chúa. Đền thờ là nơi thờ phượng công cộng và có tính trang trọng, nhưng cũng là nơi hành hương, nơi diễn ra những lễ nghi truyền thống và những cuộc tranh luận giữa các vị giáo trưởng, cũng như những cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu với các thầy thông luật trong đạo Do Thái thời bấy giờ đã được Phúc Âm tường thuật, tuy nhiên, trong những lần tranh luận đó, Đức Giêsu đã giảng dạy với một uy quyền đặc biệt của Con Thiên Chúa. Người đưa ra những lời xét xử nghiêm nhặt – như chúng ta đã nghe – đối với những ký lục, vì sự giả hình của họ: thật thế, họ vừa khoe khoang mình sùng đạo lại vừa bóc lột người nghèo, bằng cách áp đặt cho những người này những bó buộc mà họ không hề tuân giữ. Như thế, Đức Giêsu cho ta thấy Người hết mực yêu mến Đền thờ là nhà cầu nguyện, nhưng cũng chính vì lý do đó mà Người đã muốn thanh tẩy Đền thờ khỏi những cách sử dụng không thích hợp, và hơn thế nữa, Người muốn mạc khải ý nghĩa sâu xa hơn của Đền thờ, được gắn liền với việc chu toàn Mầu nhiệm, Mầu nhiệm Chết và Phục Sinh của Đức Giêsu, mà qua đó, Người đã trở nên Đền thờ mới và vĩnh viễn, nơi mà Thiên Chúa và con người, Đấng Tạo Hoá và tạo vật gặp gỡ nhau.

Giai thoại về đồng tiền xu của bà goá được đề cập trong bối cảnh này và, dưới cái nhìn của Đức Giêsu, giúp chúng ta để ý đến một chi tiết thoáng qua nhưng lại có tính quyết định: cử chỉ của một bà goá nghèo khổ đã bỏ vào trong hòm tiền của Đền thờ hai đồng xu nhỏ. Đức Giêsu cũng nói với chúng ta, cũng như nói với các môn đệ lúc bấy giờ: Anh em hãy chú ý! Hãy nhìn thật kỹ điều bà goá này đã làm, bởi vì hành động của bà chứa đựng cả một bài giáo huấn quan trọng; thật thế, bài học này diễn tả một đặc tính nền tảng của những ai là “viên đá sống động” của Đền thờ mới này, nghĩa là sự tận hiến trọn vẹn bản thân mình cho Chúa và tha nhân; bà goá trong Phúc Âm, cũng như bà goá trong Cựu Ước, dâng hiến tất cả, tận hiến con người của mình, và đặt mình trong bàn tay của Thiên Chúa, vì tha nhân. Đó chính là ý nghĩa ngàn đời của lễ vật mà bà goá trong Phúc Âm dâng cho Chúa và đã được Đức Giêsu ca ngợi, bởi vì bà dâng hiến nhiều hơn những người giàu có, là những người chỉ cúng một phần của cải dư thừa của mình, trong khi chính bà goá này đã cúng tất cả những gì bà có để độ thân (x. Mt 12,44), và như thế, đã dâng hiến cả bản thân mình.

Các bạn thân mến! Từ hình ảnh trong bài Phúc Âm hôm nay, tôi muốn suy nghĩ ngắn gọn về mầu nhiệm của Giáo Hội, của Đền thờ sống động của Thiên Chúa, và như thế, ca ngợi và tưởng nhớ đến vị đại Giáo Hoàng Phaolô VI, là người đã hy sinh cả cuộc đời mình cho Giáo Hội. Giáo Hội là một cơ cấu thiêng liêng cụ thể, một cơ cấu kéo dài hiến lễ của Con Thiên Chúa trong không gian và thời gian, một hiến tế bên ngoài có vẻ chẳng quan trọng gì đối với chiều kích của thế giới và của lịch sử, nhưng dưới cái nhìn của Thiên Chúa lại mang tính quyết định. Như Thư gởi tín hữu Do Thái đã nói – và trong bản văn chúng ta vừa mới nghe cũng thế -, hiến tế của Đức Giêsu, được “dâng hiến chỉ một lần”, cũng đủ cho Thiên Chúa cứu chuộc toàn thể thế giới (x. Dt 9,26.28), bởi vì trong hiến lễ duy nhất này, Con Thiên Chúa làm người đã đặt hết cả Tình yêu của mình vào đó, cũng như qua cử chỉ này, bà goá đã đặt trọn tình yêu của mình dành cho Thiên Chúa và anh em vào đó: không hề thiếu gì cả, và chẳng còn gì có thể thêm vào được nữa. Giáo Hội, không ngừng được khai sinh từ Bí tích Thánh Thể, từ sự tận hiến của Đức Giêsu, tiếp nối sự trao ban này, sự phong phú này, một sự phong phú được diễn tả trong sự nghèo nàn, tiếp nối tất cả mọi sự được diễn tả qua một cái bé nhỏ. Đó là Thân mình Đức Kitô hoàn toàn tận hiến, Thân mình được bẻ ra và chia sẻ, trong sự vâng phục Thánh ý Chúa Cha. Tôi vui mừng khi thấy anh chị em giờ đây đang đào sâu bản tính Thánh Thể của Giáo Hội, qua sự hướng dẫn của Đức Giám mục giáo phận được trình bày trong thư mục vụ của người.

Đó là Giáo Hội mà người Tôi tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã hết mực yêu mến, và người đã hết sức cố gắng để làm cho mọi người hiểu biết và yêu mến. Chúng ta hãy đọc lại Những suy tư về cái chết của người, trong phần kết luận, người nói về Giáo Hội như sau: “Tôi có thể nói – người viết – tôi đã luôn yêu mến Giáo Hội… và chính vì Giáo Hội, chứ không phải điều gì khác, mà tôi đã sống. Nhưng tôi muốn rằng Giáo Hội phải biết điều đó”. Đó là giọng nói của một con tim đang đập, và người đã nói tiếp như sau: ”Sau cùng tôi muốn hiểu được trọn vẹn về Giáo Hội, trong lịch sử của Giáo Hội, trong chương trình của Thiên Chúa về Giáo Hội, trong cái định mệnh cuối cùng của Giáo Hội, trong sự cấu tạo phức tạp, toàn bộ và thống nhất của Giáo Hội, trong sự vững chắc về mặt nhân văn và bất toàn của Giáo Hội, trong những bi kịch và những đau khổ của Giáo Hội, trong những yếu đuối của Giáo Hội và trong những bất hạnh của biết bao người con của Giáo Hội, trong những khía cạnh ít được mọi người có cảm tình, và trong nỗ lực thường xuyên của Giáo Hội để trung thành, yêu mến, trở nên trọn lành và bác ái. Giáo Hội là Nhiệm thể của Đức Kitô. Tôi muốn – Đức Giáo Hoàng viết tiếp – ôm hôn Giáo Hội, chào đón Giáo Hội, yêu mến Giáo Hội, trong tất cả mọi con người cấu tạo nên Giáo Hội, trong mỗi Giám mục và linh mục đang giúp đỡ và hướng dẫn Giáo Hội, trong tất cả các linh hồn đang sống nhờ Giáo Hội và minh hoạ cho Giáo Hội, tôi muốn chúc lành cho Giáo Hội”. Và những lời nói cuối cùng của người là dành để cho Giáo Hội, như cho một người vợ của cả một cuộc đời: ”Và tôi sẽ nói gì đây với Giáo Hội, là người mà tôi mang ơn về tất cả mọi sự và là người của tôi? Ước gì những ơn chúc lành của Thiên Chúa luôn ở với ngươi; hãy ý thức về bản tính và sứ mệnh của ngươi, hãy ý thức về những nhu cầu thực sự và sâu xa của nhân loại; và hãy bước đi trong sự nghèo khó, nghĩa là trong tự do, trong sức mạnh và tình yêu đối với Đức Kitô”.

Ta còn có thể thêm gì được nữa cho những lời nói cao cả và mãnh liệt như thế? Tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến cái nhìn cuối cùng này về Giáo Hội “nghèo khó và tự do”, một cái nhìn nhắc lại gương mặt của bà goá trong Phúc Âm. Cộng đoàn Giáo Hội phải là như thế đó, để có thể nói được với nhân loại đương thời. Qua suốt mọi giai đoạn trong cuộc đời, từ những năm đầu đời linh mục cho đến triều đại Giáo Hoàng của mình, Đức Giovanni Battista Montini đều rất để tâm đến sự gặp gỡ và đối thoại giữa Giáo Hội với nhân loại thuộc thời đại chúng ta. Người đã tận hiến mọi năng lực của người để phục vụ một Giáo Hội thích hợp nhất với Chúa Giêsu Kitô, và làm thế nào để khi gặp Giáo Hội, con người đương thời có thể gặp được Đức Kitô, bởi vì con người có một nhu cầu tuyệt đối về Đức Giêsu. Đấy là khát vọng nền tảng của Công đồng chung Vatican II, một khát vọng ăn khớp với suy tư của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI về Giáo Hội. Người đã muốn trình bày nhiều điểm quan trọng về Giáo Hội dưới hình thức một chương trình hành động trong Thông điệp đầu tay Ecclesiam suam – Giáo Hội của Người -, được ban hành ngày 6-8-1964, vào lúc chưa hề có các Hiến chế Lumen gentium – Ánh sáng Muôn dân – và Gaudium et spes – Vui mừng và Hy vọng.

Cùng với Thông điệp đầu tay này, Đức Giáo Hoàng muốn cắt nghĩa cho tất cả mọi người tầm quan trọng của Giáo Hội đối với phần rỗi của nhân loại và, đồng thời, đòi hỏi phải thiết lập một mối tương giao hiểu biết hỗ tương và tương giao tình yêu giữa cộng đoàn Giáo Hội với xã hội (x. Enchiridion Vaticanum, 2, tr. 199, s.164). “Ý thức”, “canh tân”, “đối thoại”: đó là ba từ được Đức Phaolô VI chọn để diễn tả những “ý tưởng” then chốt của mình – như người đã định nghĩa chúng – vào lúc khởi đầu thừa tác vụ Phêrô, và cả ba chữ này đều liên hệ với Giáo Hội. Trước tiên Giáo Hội cần phải đào sâu ý thức về chính mình: nguồn gốc, bản tính, sứ mệnh, định mệnh cuối cùng; và thứ đến, Giáo Hội cần phải canh tân và thanh luyện mình khi nhìn lên Đức Kitô là mẫu gương của mình; và sau cùng, Giáo Hội cần phải liên lạc với thế giới hiện đại (x. sđd., tr. 203-205, s.166-168). Các bạn thân mến – và tôi xin đặc biệt ngỏ lời với những người anh em của tôi trong Giám mục đoàn và Linh mục đoàn -, làm sao chúng ta lại không thấy được rằng vấn đề về Giáo Hội, về sự cần thiết của Giáo Hội trong kế hoạch cứu độ, và về sự liên lạc của Giáo Hội với thế giới, ngày hôm nay vẫn còn là vấn đề then chốt? Rằng vấn đề về thế tục hoá và toàn cầu hoá ngày càng lớn mạnh thậm chí còn làm cho Giáo Hội phải triệt để hơn trong sự đối chiếu, một mặt với sự lãng quên Thiên Chúa, và mặt kia với những tôn giáo ngoài Kitô giáo? Những suy tư của Đức Giáo Hoàng Montini ngày nay vẫn còn mang tính thời sự hơn bao giờ hết; và mẫu gương tình yêu của người đối với Giáo Hội luôn đồng hành với tình yêu người dành cho Đức Kitô lại càng quý giá hơn nữa. “Mầu nhiệm Giáo Hội – chúng ta đọc thấy trong Thông điệp Ecclesiam suam – không phải là một đối tượng đơn thuần của kiến thức thần học, mà phải là một sự kiện được trải nghiệm, một mầu nhiệm mà thậm chí trước khi chúng ta có được một khái niệm rõ ràng, thì tâm hồn người tín hữu vẫn có thể có được một kinh nghiệm cùng bản tính” (sđd., tr. 229, s.178). Điều đó giả định trước một đời sống nội tâm vững mạnh – Đức Giáo Hoàng tiếp tục dòng suy tư của mình – là “nguồn mạch chính yếu cho đời sống thiêng liêng của Giáo Hội, là cách thế riêng biệt của Giáo Hội trong việc đón nhận những tia sáng toả chiếu từ Thần Khí của Đức Kitô, là cách biểu lộ triệt để và không thể thay thế được của hoạt động tôn giáo và xã hội của Giáo Hội, là sự bảo vệ bất khả xâm phạm, và là năng lực mới trong sự tiếp xúc đầy khó khăn của Giáo Hội với thế giới phàm tục” (sđd., tr. 231, s.179). Kitô hữu biết cởi mở, Giáo Hội biết cởi mở ra với thế giới, tất cả đều cần phải có một đời sống nội tâm vững mạnh.

Các bạn rất thân mến, Bài học mà người Tôi tớ Chúa là Đức Phaolô VI để lại cho chúng ta là hồng ân vô cùng quý giá cho Giáo Hội! Và thật là hết sức tốt đẹp nếu chúng ta biết đến học tập nơi người! Đây là một bài học liên quan đến mỗi người, và chiêu mộ tất cả mọi người, dựa theo những ơn ban khác nhau và những thừa tác vụ rất phong phú của Dân Chúa, dưới tác động của Thánh Thần. Trong Năm Linh mục này, tôi vui mừng được nói rõ rằng Năm thánh này liên quan đến các linh mục và giúp các linh mục biết tham dự một cách đặc biệt hơn vào Năm thánh, những linh mục mà Đức Giáo Hoàng Montini luôn dành cho họ một tình cảm quý mến và một sự ân cần đặc biệt. Trong Thông điệp về đời sống độc thân của linh mục, người viết: “Được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt” (Plh 3, 12) và hoàn toàn phó thác vào Người, linh mục trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô một cách hoàn hảo hơn, và đồng hình đồng dạng với Người trong tình yêu, một tình yêu mà vị Linh mục đời đời đã dùng để yêu mến Giáo Hội là Thân Thể của Người, và hoàn toàn tự hiến cho Giáo Hội… Thật thế, sự khiết tịnh được thánh hiến của các thừa tác viên có chức thánh biểu lộ tình yêu khiết tịnh của Đức Kitô dành cho Giáo Hội và sự phong nhiêu khiết tịnh và siêu nhiên của sự kết hiệp này” (Sacerdotalis caelibatus – Độc thân linh mục –, s.26). Tôi xin trao gởi những dòng suy tư của vị Giáo Hoàng vĩ đại này cho các linh mục của giáo phận Brescia, đang hiện diện nơi đây, cũng như các bạn trẻ đang được đào tạo tại Chủng viện. Và tôi cũng muốn nhắc lại những lời căn dặn của Đức Phaolô VI nói với các chủng sinh thuộc chủng viện Lombardie vào ngày 7-12-1968, vào lúc những khó khăn của thời hậu Công đồng lại còn có thêm những xáo trộn của giới trẻ tác động thêm vào: ”Nhiều người – Đức Phaolô VI nói – mong đợi nơi Đức Giáo Hoàng những cử chỉ ngoạn mục, những can thiệp mạnh mẽ và quả quyết. Đức Giáo Hoàng cho rằng mình không cần phải đi theo một con đường nào khác ngoài con đường tin tưởng vào Đức Giêsu Kitô, là Đấng quan tâm đến Giáo Hội hơn bất cứ ai khác. Chính Người sẽ làm cho bão tố dịu lại… Đây không phải là một sự chờ đợi vô bổ: mà là một sự chờ đợi tỉnh thức trong kinh nguyện. Đây là điều kiện mà Đức Giêsu đã chọn lựa cho chúng ta, để Người có thể hoạt động một cách sung mãn. Đức Giáo Hoàng cũng cần được mọi người cầu nguyện cho” (Insegnamenti VI, [1968], 1189). Anh em thân mến,ước gì những gương sáng linh mục của người Tôi tớ Chúa là Đức Giovanni Battista Montini luôn hướng dẫn anh em, và ước gì Thánh Arcangelo Tadini, mà tôi vừa tỏ lòng tôn kính trong trạm dừng chân ngắn ngủi tại Botticino, cầu bàu cùng Chúa cho anh chị em.

Trong khi chào đón và khuyến khích các linh mục, tôi không thể nào quên được, đặc biệt tại nơi đây, ở Brescia này, các anh chị em tín hữu, là những người, trên vùng đất này đã làm chứng cho sức sống tuyệt vời của đức tin và hoạt động, trong các lãnh vực khác nhau của các hoạt động tông đồ và sự dấn thân về mặt xã hội. Các bạn Bresica thân mến, trong Insegnamenti – Giáo huấn – của Đức Phaolôl VI, các bạn có thể tìm thấy những chỉ dẫn luôn có giá trị để đương đầu với những thách đố của thời hiện tại, đặc biệt như khủng hoảng kinh tế, di dân, giáo dục người trẻ. Đồng thời, Đức Giáo Hoàng Montini không bao giờ bỏ qua một dịp nào mà lại không nhấn mạnh đến quyền tối thượng của chiều kích chiêm niệm, nghĩa là quyền tối thượng của Thiên Chúa trong kinh nghiệm nhân văn. Chính vì thế, người không bao giờ cảm thấy mỏi mệt khi cổ vũ cho đời sống thánh hiến, trong các khía cạnh đa dạng của nó. Người rất thích vẻ đẹp đa dạng của Giáo Hội, và từ đó nhận ra phản ảnh vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa, một vẻ đẹp toát ra trên gương mặt Đức Kitô.

Chúng ta cầu nguyện cho ánh sáng huy hoàng của vẻ đẹp thần linh được rực sáng lên trong mỗi cộng đoàn của chúng ta, và cho Giáo Hội trở nên một dấu chỉ hy vọng ngời sáng cho nhân loại trong thiên niên kỷ thứ ba này. Ước gì Đức Maria, được Đức Phaolô VI tuyên bố là Mẹ của Giáo Hội khi kết thúc kỳ họp Công đồng chung Vatican II, cầu cùng Chúa cho chúng ta nhận được ơn này. Amen!