09/09/2024

Tấm Khăn Liệm thành Torino (3)

Tấm Khăn Liệm là “một hính ảnh không thể giải thích được”, vì nó nêu bật một sự kiện thực sự gây kinh ngạc: đó là tất cả các lý thuyết được đề nghị cho tới nay để thử giải thích kiểu tạo thành hình trên Tấm Khăn Liệm.

Tấm Khăn Liệm thành Torino (3)

 

Phỏng vấn Giáo sư Bruno Barberis

 

Vào hạ tuần tháng 5 năm nay, Giáo sư Bruno Barberis, chuyên viên nghiên cứu Tấm Khăn Liệm thành Torino, đã thuyết trình các bài cuối cùng trong chương trình khoá học lấy bằng chuyên môn về khoa nghiên cứu Tấm Khăn Liệm, do Đại học Giáo hoàng Nữ Vương các Tông Đồ ở Rôma tổ chức.

Giáo sư Barberis đã bắt đầu nghiên cứu Tấm Khăn Liệm thành Torino năm 1975, và từ năm 1977, giáo sư là thành viên “Huynh đoàn Tấm Khăn Liệm Rất Thánh thành Torino” và của “Trung tâm Quốc tế Khoa Tấm Khăn Liệm học”, là cơ quan tổ chức các cuộc nghiên cứu và tìm hiểu Tấm Khăm Liệm. Giáo sư là tác giả của hơn 20 cuốn sách và hơn 150 bài viết về Tấm Khăn Liệm trên bình diện khoa học cũng như trên bình diện phổ biến kiến thức đại đồng. Các bài nghiên cứu này được đăng trên các tạp chí khoa học và nhật báo Italia và quốc tế. Giáo sư cũng đã chủ toạ 2.000 buổi diễn thuyết về Tấm Khăn Liệm tại Itaia cũng như tại hải ngoại.

Tấm Khăn Liệm thành Torino dài 4,41 mét, rộng 1,13 mét, dày khoảng 34 milimét và nặng khoảng 2,45 kg, được khâu trên một tấm khăn đệm khác. Năm 1898, Tấm Khăn Liệm được chụp hình lần đầu tiên, và trên bản âm người ta nhận ra hình một người đàn ông cao lớn, có râu tóc dài, mang các dấu vết của các ngược đãi và tra tấn, phù hợp với các trình thuật cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu thành Nazareth. Đầu tóc râu trán và mặt bê bết máu, sống nũi bị đánh gãy, tay chân bị đóng đinh, vết đinh đóng trên cổ tay phải và trên chân rất rõ. Toàn thân mình chằng chịt các vết roi đánh. Truyền thống Kitô coi đó là tấm khăn đã được dùng liệm xác Đức Giêsu chiều ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Từ “Sindone” phát xuất từ tiếng Hy Lạp “sindon”, là vải gai tốt. Nhưng từ này đã trở thành đồng nghĩa với khăn liệm xác Đức Giêsu. Tấm Khăn Liện đã được trưng bày cho tín hữu kính viếng trong các năm 1978, 1998, 2000 và 2010 từ ngày 10-4 cho tới 23-5.

Lịch sử các Giáo hội Đông phương có nhắc tới tấm khăn “Mandylion” có hình của Chúa Cứu Thế, hay “Hình của tỉnh Edessa” vì ít nhất từ năm 544 nó được giữ tại Edessa, ngày nay là thành phố Urfa ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng vào năm 994, khi người Hồi đánh chiếm Edessa, các Kitô hữu Bisantin chuyển tấm khăn có hình mặt Chúa Giêsu về Constantinopoli, và tấm khăn được giữ tại đây cho tới năm 1204, khi thành phố này bị Thập tự quân cướp phá và lấy đi rất nhiều thánh tích. Từ đó Tấm khăn Mandylion mất dấu vết.

Tài liệu lịch sử thuộc thế kỷ thứ X, do “Gregorio, Tổng Phó tế và là tường trình viên của Giáo hội Constantinopoli” viết, kể lại biến cố tấm khăn Mandylion được mang tới Constantinopoli năm 944. Trong đó có nói tới “các giọt máu rỉ ra từ cạnh sườn Chúa” (Cod. Vat. Gr. 511. fogli 143-150 v). Như thế, trên tấm khăn Mandylion không chỉ có hình mặt Chúa, mà còn có hình của toàn thân thể với vết máu chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu nữa.

Tài liệu thứ hai cũng thuộc thế kỷ 10 thuộc Codex Vossianus Latinus (Q 69) hiện được giữ trong thư viện của Đại học Rijksunivedriteit, tỉnh Leiden, Hà Lan, kể lại câu chuyện thuộc thế kỷ thứ 7, phát xuất từ truyền thống Siriac, do Ngự y trưởng thành Smirna dịch ra tiếng Latinh, nói rõ rằng tấm khăn Mandylion không chỉ có hình mặt, mà có hình của toàn thân mình Chúa Kitô nữa. Các nguồn tại liêu cổ xưa nói tới tấm khăn “tetradyplon” là gấp bốn 2 lần, tức 8 lần, chỉ để cho thấy Mặt của Chúa Kitô mà thôi. Nhiều học giả cho rằng đó chính là Tấm Khăn Liệm Thánh thành Torino.

Vào thế kỷ 14, không biết từ đâu Tấm Khăm Liệm lọt vào tay Hiệp sĩ Geoffroy de Charny (1305-1356) và vợ là Jeanne de Vergy. Ngày 20-6-1353, ông tặng Tấm Khăn Liệm cho các Kinh sĩ Lirey, và Tấm Khăn Liệm được trưng bày lần đầu tiên vào năm 1357. Năm 1415, Marguerite de Charny, con cháu của Hiệp sĩ Geoffroy đòi lại Tấm Khăn Liệm, rồi năm 1453 bán hay nhường cho các Quận công nhà Savoia. Từ đó, Tấm Khăn Liệm được giữ tại Chambéry. Ngày 4-12-1532, nhà nguyện thánh của Tấm Khăm Liệm Thánh bị cháy, khiến cho Tấm Khăn Liệm bị hư hại nhiều chỗ, vì lửa cháy nóng khiến cho chì của hòm đựng nhỏ xuống Khăn Thánh. Năm 1578, Tấm Khăn Liệm được mang về Torino, bắc Italia, theo lời yêu cầu của Thánh Carlo Borromeo, Tổng Giám mục Milano, và được cất giữ ở đây từ đó đến nay. Vua Umberto II nhà Savoia trối lại di sản cho Toà Thánh Vatican, và Toà Thánh giao cho Tổng Giám mục Torino việc trông coi Tấm Khăn Liệm Thánh.

Trong quá khứ, Giáo hội Công giáo đã không coi đó là tấm khăn thật liệm xác Chúa Giêsu. Năm 1389, Giám mục thành Troyes, gửi thư cho Đức Giáo hoàng tuyên bố rằng tấm khăn chỉ là “một bức vẽ rất tài tình, do tay người làm ra chứ không phải do phép lạ”. Năm 1390, Đức Giáo hoàng Clemente VII công bố 4 tự sắc cho phép trưng bày nhưng phải nói lớn tiếng rằng nó “không phải là tấm khăn liệm thật của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô”. Năm 1506, Đức Giáo hoàng Julio II cho phép công khai sùng kính Tấm Khăn Liệm với lễ và kinh thần vụ riêng. Ngày nay, tuy Giáo Hội không lên tiếng về vấn đề này, và để cho các nhà khoa học nhiệm vụ tìm hiểu các bằng chứng phò hay chống, nhưng cho phép sùng kính hình cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Nhiều Giáo hoàng từ Đức Pio XI đến Đức Gioan Phaolô II đã bày tỏ xác tín riêng về tính cách đích thực của Tấm Khăn Liệm Thánh.

Năm 2005, một nhóm 24 nhà nghiên cứu đã ký chung một tài liệu cung cấp nhiều tin tức và khẳng định rằng đã không có thí nghiệm nào thành công trong việc tái tạo lại tất cả các đặc thái của Tấm Khăn Liệm thành Torino.

Trong 2 buổi phát lần trước, chúng tôi đã gửi tới quý vị và các bạn phần đầu và phần hai bài phỏng vấn, hôm nay xin gửi phần ba cuộc phỏng vấn Giáo sư Barberis dành cho Hãng Thông tấn ZENIT ngày 8-6 năm nay.

Hỏi: Thưa Giáo sư Barberis, hai kiểu tìm hiểu hình người in trên Tấm Khăn Liệm thành Torino như giáo sư đã trình bày có thực sự đối kháng với nhau đến như vậy không?

Đáp: Riêng cá nhân tôi, tôi cho rằng hai kiểu tìm hiểu Tấm Khăn Liệm không chỉ có thể hoà hợp với nhau, mà còn bổ túc cho nhau nữa. Chúng làm thành hai phần không thể thiếu của một sự trình bày Tấm Khăn Liệm một cách đúng đắn, hữu hiệu và đầy đủ. Chúng rất có thể hiện hữu cùng nhau, miễn là tôn trọng các tầng lớp chuyên môn khác nhau, không tìm mọi cách trộn lẫn chúng và gò ép các kết luận mà không tôn trọng tính cách chuyên biệt của chúng. Về điểm này, để khỏi gây ra các hiểu lầm, cần phải nhắc nhớ rằng đức tin Kitô không dựa trên và sẽ không bao giờ dựa trên Tấm Khăn Liệm. Có nhiều lần tôi đã bị các nhà báo và các phóng viên hỏi rằng đức tin của tôi sẽ ra sao, nếu người ta chứng minh được rằng Tấm Khăn Liệm thành Torino không phải là tấm khăm thật đã liệm xác Chúa Giêsu. Dĩ nhiên là tôi đã trả lời rằng sẽ không có gì thay đổi cả. Đức tin Kitô dựa trên nhiều giả thiết khác, mà Tấm Khăm Liệm có thể là một yểm trợ có giá trị, nếu được coi như là một dụng cụ quý báu, qua thứ ngôn ngữ của hình ảnh, nó góp phần vào việc suy tư về một điều nòng cốt quan trọng của đức tin: đó là Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Sự Phục Sinh của Chúa Kitô. Đối với tất cả những ai đứng trước Tấm Khăm Liệm mà không có các ý niệm chế sẵn trước, và không có các thành kiến, thì việc trình bày đúng đắn cống hiến khả thể bước đi trên một lộ trình suy tư, giúp khám phá ra mầu nhiệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, được kể lại trong hình thái văn chương bởi các tác giả Phúc Âm. Lộ trình ấy cần được nâng đỡ bởi các xác nhận và các khám phá đến từ các cuộc nghiên cứu khoa học các dấu vết trên Tấm Khăn Liệm, cũng như từ suy tư cho phép đi xa hơn hình ảnh để tiếp nhận được sứ điệp cứu rỗi và ơn cứu độ, mà sự khổ đau của Chúa Kitô trao ban cho chúng ta trên con đường khổ nạn dài và đau đớn của Người. Vì thế, Tấm Khăn Liệm tuyệt đối cần được nghiên cứu và hiểu biết theo cả hai kiểu tìm hiểu: kiểu tìm hiểu của khoa học và kiểu tìm hiểu của đức tin. Nếu không, sẽ không thể nào tiếp nhận và đào sâu được sứ điệp sâu xa của nó một cách tràn đầy.

Hỏi: Thưa Giáo sư, vậy Tấm Khăn Liệm có thể là đối tượng của cuộc đối thoại đa tôn giáo hay không?

Đáp: Câu trả lời của tôi chắc chắn là có rồi. Không ai được ngạc nhiên trước sự kiện đề tài Tấm Khăn Liệm không chỉ lôi cuốn sự chú ý của các tín hữu thuộc nhiều Giáo hội Kitô, mà nó cũng lôi cuốn người của các tôn giáo khác và cả những người tuyên bố mình là vô thần nữa. Lịch sử của cả các lần trưng bàầy cuối cùng đầy các chứng từ chứng minh cho điều đó. Trong lần trưng bày Tấm Khăn Liệm hồi năm 2010 tôi đã có dịp thảo luận lâu và một cách rất xây dựng với một nhóm tín hữu Hồi đến Torino để viếng Tấm Khăm Liệm. Đây đã là một kỷ niện không thể nào quên được. Cũng thế, các buổi thuyết trình của tôi tại Đan Mạch và Phần Lan hồi năm 1998 cho phép tôi có dịp đối thoại với các tín hữu Luther rất chú ý tới Tấm Khăn Liệm và sứ điệp của nó; hay các buổi thuyết trình tại Nam Hàn hồi năm 1999 cũng thế. Các kinh nghiệm này đã xác nhận một xác tín mà tôi có trong tim từ lâu. Nó nảy sinh từ nhiều sự kiện và các cuộc gặp gỡ mà người khác đã sống và kể lại cho tôi nghe. Xác tín rằng sứ điệp mà hình người trên Tấm Khăn Liệm chuyển tới thật sự đại đồng, và nó nói với tất cả mọi người nam nữ thuộc mọi chủng tộc và tôn giáo. Tôi không nghi ngờ sự kiện mỗi một tín hữu hành hương đi qua trước Tấm Khăm Liệm Thánh đều trở về nhà, được phong phú và trưởng thành hơn trên bình diện tinh thần, và sẽ khó mà quên được hình ảnh của Tấm Khăn Liệm, một hình ảnh gây âu lo và nói một cách hùng hồn với con người của mọi thời đại, của mọi nền văn hoá, của mọi tôn giáo và chủng tộc. Đó là lý do tại sao tôi hoàn toàn đồng ý với bà Mechthild Flury Lemberg, tín hữu Luther người Thuỵ Sĩ, chuyên viên về các loại vải cổ xưa. Hồi năm 2002, bà là người đã khâu Tấm Khăn Liệm trên một lớp khăn đệm mới. Và trong một cuộc phỏng vấn bà đã định nghĩa Tấm Khăn Liệm “là một dụng cụ quý báu có thể tạo thuận tiện cho cuộc đối thoại đại kết”. Tấm Khăn Liệm có đó, ở trước mặt tất cả mọi người không trừ ai. Chúng ta có bổn phận không phung phí sứ điệp rất quý báu của nó, bằng cách tận tâm làm sao để cho tất cả mọi người đều có thể trông thấy và hiểu biết nó một cách tường tận. 

Hỏi: Tấm Khăn Liệm đã đựơc các Giáo hoàng định nghĩa như là “sự khiêu khích trí thông minh”, “tấm gương của Phúc Âm”, “hình ảnh của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh”. Còn giáo sư định nghĩa Tấm Khăn Liệm là gì?

Đáp: Một trong các đặc tính chuyên biệt của Tấm Khăn Liệm là đã đựợc định nghĩa bởi hằng chục kiểu khác nhau. Đó là dấu chỉ của các khía cạnh đa diện qua đó có thể đọc bức hình duy nhất và không thể lặp lại được này. Không có một định nghĩa ý nghĩa hơn các định nghĩa khác, bởi vì tất cả mọi định nghĩa đều góp phần định nghĩa một khía cạnh nền tảng. Trong biết bao nhiệu định nghĩa, định nghĩa mà tôi thích nhớ lại nhất là định nghĩa Tấm Khăn Liệm như là “một hính ảnh không thể giải thích được”, vì nó nêu bật một sự kiện thực sự gây kinh ngạc: đó là tất cả các lý thuyết được đề nghị cho tới nay để thử giải thích kiểu tạo thành hình trên Tấm Khăn Liệm, dù tự chúng có hay mấy đi nữa, nhưng kết quả đều luôn luôn thiếu sót, bởi vì chúng đã được kèm theo bởi các kiểm soát thực nghiệm minh nhiên trên các hình ảnh có được các đặc thái vật lý hoá học rất khác với các đặc thái có được từ Tấm Khăm Liệm. Vì thế, tiến trình tạo thành hình trên Tấm Khăn Liệm vẫn chưa được biết tới, và để đạt tới việc nhận ra nó cần phải có các nghiên cứu trên bình diện lý thuyết cũng như trên bình diện thử nghiệm.

(ZENIT 10-6-2012) (3/3)