Vượt bệnh hiểm nghèo, số phận éo le thi đại học

Từng ngày phải chiến đấu chống lại “tử thần” vì bệnh hiểm nghèo hay có hoàn cảnh gia đình bất hạnh nhưng khát khao học tập và ước mơ giảng đường ĐH vẫn cháy bỏng trong những cô cậu học trò.

 

Vượt bệnh hiểm nghèo, số phận éo le thi đại học

Từng ngày phải chiến đấu chống lại “tử thần” vì bệnh hiểm nghèo hay có hoàn cảnh gia đình bất hạnh nhưng khát khao học tập và ước mơ giảng đường ĐH vẫn cháy bỏng trong những cô cậu học trò.

Bệnh bẩm sinh và ước mơ cứu người

 

Dù mắc bệnh tan máu bẩm sinh nhưng cô bạn Vũ Thị Quỳnh Trâm vẫn luôn lạc quan, yêu đời.

Từ năm lên 4 tuổi cô bé Vũ Thị Quỳnh Trâm, quê ở Hạ Hòa, Phú Thọ đã phải sống chung với bệnh tan máu bẩm sinh. 

Căn bệnh theo phân tích của BS Vũ Hải Toàn, Khoa Tan máu bẩm sinh, Viện Huyết học & Truyền máu TW: “Không chỉ ảnh hưởng tới điều kiện kinh tế cho gia đình mà còn có thể tác động xấu tới thần kinh và tuyến nội tiết của người bệnh. Rất ít em bị bệnh này không được học hành tử tế vì lý do kinh tế hoặc vì sức khỏe không cho phép”.

Chứng kiến đứa con thứ hai cũng mắc bệnh hiểm nghèo như anh trai khiến vợ chồng cô chú Vũ Kim Đan chết lặng vì tuyệt vọng. Gạt nước mắt, vợ chồng động viên nhau phải gắng sống vì con bởi “còn nước còn tát”.

Trâm may mắn hơn anh khi sức khỏe vẫn đủ để em theo học. Anh trai em chỉ học hết THCS rồi nghỉ vì quá yếu. Mỗi tháng hai anh em Trâm thay nhau xuống nằm viện điều trị, tiền viện phí và chạy chữa lên đến cả chục triệu đồng.

Bố làm bác sĩ ở BV huyện, mẹ bán thuốc ở trạm y tế xã. Điều kiện khá như vậy nhưng: “Bao nhiêu tiền của nhà làm được chỉ dồn lo thuốc thang cho các cháu là tốt lắm rồi”. 

“Là con gái nhưng Trâm lại rất mạnh mẽ. Bệnh tật là thế song chưa khi nào cháu xin bố mẹ thôi không học nữa” – chú Đan tâm sự. 

Không phụ lòng bố mẹ, liên tiếp 12 năm học phổ thông Quỳnh Trâm đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Vừa qua, em là thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT của Trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ với 53,5 điểm. 

Trâm học đều các môn Toán, Hóa, Sinh, Anh. Lớp 9 em đạt giải Nhì huyện và giải Ba vòng tỉnh môn thi tiếng Anh. Lớp 12 em đạt giải Ba kỳ thi học sinh giỏi môn Sinh học toàn tỉnh.

Ước mơ sau này của Trâm là trở thành bác sĩ cổ truyền. Em đăng ký nguyện vọng chính thi vào Học viện y học cổ truyền. Cô bạn tâm sự: “Với sức khỏe của mình trước hết em mong có một công việc phù hợp sau là ước mơ được giúp những người bệnh còn vất vả hơn em trong cuộc sống này”.

Đeo đuổi đam mê dù biết sẽ vất vả

 

Còn với Đinh Quang Đức, HS Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội vừa lên lớp 12 tin mình bị sốt huyết giảm tiểu cầu (mãn tính) đến quá đột ngột khiến em gần như gục ngã. Việc học của em gián đoạn bởi những ngày phải khám và nằm viện. 

Nhưng bệnh tật chỉ càng khiến cho khát khao được học tập của cậu học trò thêm cháy bỏng. Bởi: “Sống mãi với nỗi đau chỉ càng đau khổ, có giải quyết được gì đâu?”

Hiện Đức cũng là bệnh nhân được xuất viện, đang điều trị ngoại trú tại Viện Huyết học Trung ương để chuẩn bị cho việc thi đại học sắp tới. Lần thi này, sức khỏe không tốt, chỉ số máu của em đã thấp hơn so với đợt vừa từ BV ra. Nhưng em vẫn quyết tâm dự thi theo nguyện vọng đã đăng ký trước đó là khoa Kiến trúc công trình, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội). 

 Cậu bạn tâm sự: “Em chọn thi vì nhận thấy mình có năng khiếu vẽ. Biết vất vả nhưng đó là niềm yêu thích của em từ năm học THCS”.

Cô Nguyễn Thị Hoa, mẹ của em lạc quan cho biết: “Từ trước đến nay Đức rất tự lập, biết sắp xếp cuộc sống cho bản thân. Gia đình không phải đốc thúc hay ép con học. 12 năm liền cháu đều đạt học sinh giỏi. Điểm trúng tuyển của ngày này năm 2011 là 19 điểm cô tin Đức có thể đạt hoặc vượt hơn một chút”.

Cô gái được bằng khen của Thủ tướng và ước mơ thoát nghèo

Không mang bệnh tật nhưng Trần Thị Ngát, học sinh lớp 12C8, Trường THPT A Hải Hậu, huyện Hải Hậu (Nam Định) có hoàn cảnh gia đình vô cùng éo le.

 

Những ngày này, Ngát đang miệt mài ôn luyện với ước mơ thi đỗ vào Trường ĐH Hà Nội.

Mẹ em sau biết bao chạy chữa đã bỏ bốn bố con “ra đi mãi mãi”. Năm ấy, Ngát lên 12 tuổi. Bố em một mình làm thuê khắp nơi vừa lo tiền trả nợ khoản tiền hơn 80 triệu đồng vừa lo cho ba con ăn học.

Ngát là con thứ hai trong gia đình. Chị gái em vừa tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế Thái Nguyên và một em nhỏ đang học lớp 4. Những ngày chị đi học xa, Ngát đạp hơn 8km đến trường. 

Tan học lo đón em, về lại tất bật lo việc nhà nên Ngát chỉ tranh thủ chút ít thời gian buổi tối để học bài. Buồn nhất là những bữa bố vì chán chường sau ngày mẹ mất, ngập trong men rượu để quên đi nỗi đau. Ngát đã định bỏ học đi làm thuê giúp bố trang trải nợ nần.

Nhưng nhờ có những lời động viên, giúp đỡ  của gia đình, hàng xóm và nhà trường mà giấc mơ tới trường của cô học trò nghèo đã không phải dở dang.

Vượt lên khổ đau và vất vả cô bạn lớp trưởng – bí thư lớp 12C8 luôn là học sinh giỏi, đi đầu trong cả học tập lẫn hoạt động Đoàn đội. Em cũng là học sinh giỏi toàn diện suốt 12 năm học phổ thông. Trong ngôi nhà nhỏ sơ sài của 4 bố con ở miền biển Hải Hậu những tấm giấy khen chật kín của Ngát và chị có lẽ là những tài sản vô giá, niềm động viên em và gia đình phải gắng sống cho thật tốt.

Với những thành tích rèn luyện của mình, tháng 12/2011 Ngát được nhà trường chọn làm gương mặt tiêu biểu đi dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 8 về điển hình tấm gương học sinh “nghèo vượt khó vươn lên”. Em đã vinh dự nhận được bằng khen “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Thủ tướng Chính phủ trao tặng.

Sắp tới Ngát sẽ thi vào khoa Kế toán, Trường ĐH Hà Nội. Trò chuyện với chúng tôi, em bộc bạch: “Ước mơ của em là trở thành doanh nhân thành đạt. Như thế em sẽ có tiền cùng bố trả số nợ trên. Khi ấy em cũng có thể giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Em muốn mẹ tin rằng em vẫn luôn sống tốt”.

  •