Công bố Văn kiện của Bộ Giáo lý Đức tin về việc thẩm định các vụ hiện ra
Bộ Giáo lý Đức tin vừa công bố trên trang nhà của Bộ bản dịch bằng các thứ tiếng chính các quy tắc giúp các GM địa phương phân định và phán quyết về các vụ gọi là hiện ra và mạc khải. Văn kiện mang tựa đề đầy đủ là ”Những quy tắc của Thánh Bộ Giáo lý Đức tin về thủ tục trong việc phân định về những vụ hiện ra hoặc mạc khải”
Công bố Văn kiện của Bộ Giáo lý Đức tin về việc thẩm định các vụ hiện ra
Bộ Giáo lý Đức tin vừa công bố trên trang nhà của Bộ bản dịch bằng các thứ tiếng chính các quy tắc giúp các GM địa phương phân định và phán quyết về các vụ gọi là hiện ra và mạc khải.
Quy luật này được Đại hội của Bộ soạn bằng tiếng La tinh cách đây 32 năm (1978) và được Đức Phaolô 6 phê chuẩn, nhưng hồi đó chỉ được gửi cho các GM chứ không được công bố cho đại chúng. Văn kiện mang tựa đề đầy đủ là ”Những quy tắc của Thánh Bộ Giáo lý Đức tin về thủ tục trong việc phân định về những vụ hiện ra hoặc mạc khải” (Norme della Sacra Congregazione per la Dottrina della fede sul modo di procedere nel giudicare presunte apparizioni e rivelazioni).
Trong hơn 3 thập niên qua, đã có nhiều bản dịch không chính thức về văn kiện này. Nay Bộ Giáo lý Đức tin thấy rằng đây là lúc thích hợp để công bố các quy tắc này cùng với những bản dịch trong các ngôn ngữ chính, để trợ giúp các vị mục tử của Giáo Hội Công Giáo, trong công tác khó khăn là phân định những cuộc gọi là hiện ra, mạc khải, sứ điệp, hoặc tổng quát hơn, là những hiện tượng ngoại thường được coi là có nguồn gốc siêu nhiên”. Từ những thế kỷ qua đến nay có hơn 1.500 vụ gọi là hiện ra của Đức Mẹ trên thế giới, nhưng chỉ có 9 vụ được giáo quyền công nhận là đáng tin.
Sau đây, chúng tôi xin gửi quý vị lời tựa của ĐHY William Levada, đương kim Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, viết ngày 14-12 năm 2011 trước khi lược tóm các qui tắc do Bộ ban hành.
Lời tựa của ĐHY William Levada
1. Bộ Giáo lý Đức tin phụ trách về những vấn đề liên hệ tới sự thăng tiến và bảo vệ đạo lý đức tin và luân lý. Bộ cũng có thẩm quyền cứu xét những vấn đề khác liên quan tới kỷ luật đức tin như những vụ ngụy thần bí, những cuộc gọi là hiện ra, các thị kiến và sứ điệp gọi có nguồn gốc siêu nhiên. Riêng về trách vụ rất tế nhị này, cách đây hơn 30 năm, Bộ đã chuẩn bị ”Các quy tắc về cách thức tiến hành trong việc phân định những vụ hiện ra hoặc mạc khải” (Normae de modo procedenti in diudicandis praesumptis apparitionibus ac revelationibus). Văn kiện này được các HY, GM thành viên Đại hội toàn thể của Bộ đề ra và được vị Tôi Tớ Chúa Đức Giáo Hoàng Phaolô phê chuẩn ngày 24-2-1978 và sau đó công bố ngày 25-2-1978. Thời ấy, các Quy tắc này được gửi đến các giám mục để thông tin, nhưng không được công bố chính thức, cũng vì những qui tắc ấy liên hệ trước tiên tới các vị Chủ Chăn của Giáo Hội.
2. Như đã biết, qua dòng thời gian, văn kiện này được công bố trong một số tác phẩm, bằng nhiều thứ tiếng, về các vấn đề này, nhưng không có sự cho phép trước đó của Bộ Giáo lý Đức tin. Ngày nay, phải nhận rằng nội dung chính yếu của các qui tắc quan trọng này đã được công chúng biết tới. Vì thế Bộ Giáo lý Đức tin thấy rằng nay là lúc thích hợp để công bố các Quy tắc ấy, đồng thời cung cấp bản dịch trong các ngôn ngữ chính.
3. Tính chất thời sự của vấn đề các kinh nghiệm về những hiện tượng siêu nhiên trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội cũng đã được nêu lên gần đây do mối quan tâm mục tử của các GM trong Thượng HĐGM kỳ thứ 12 về Lời Chúa hồi tháng 10 năm 2008. ĐTC Biển Đức 16 nhìn nhận các mối quan tâm đó và đặt trong một chân trời rộng lớn hơn của kế hoạch cứu độ, trong một đoạn quan trọng của Tông huấn Hậu Thượng HĐGM Verbum Domini (Lời Chúa). Nên nhắc lại nơi đây giáo huấn ấy của ĐGH. Giáo Huấn này cần được đón nhận như một lời mời gọi hãy chú ý một cách thích đáng tới những hiện tượng siêu nhiên ấy. ĐTC viết trong Tông Huấn:
”Giáo Hội biểu lộ ý thức mình ở với Chúa Giêsu Kitô đứng trước những Lời chung kết của Thiên Chúa: Ngài là Nguyên thủy và là cùng đích” (Kh 1,17). Ngài đã mang lại cho thụ tạo và lịch sử ý nghĩa cuối cùng của chúng: vì thế chúng ta được kêu gọi sống trong thời gian và trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa trong khuôn khổ nhịp mai hậu của Lời; ”Vì thế, kế hoạch cứu độ của Kitô giáo, với tư cách là Giao Ước mới và chung kết, sẽ không bao giờ qua đi, và không nên chờ mong có một mạc khải công khai nào khác trước khi Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta tỏ hiện trong vinh quang (Xc 1 Tm 6,14 và Tt 2,13” (Dei Verbum, 4). Thực vậy, như các Nghị Phụ đã nhắc nhở trong Thượng HĐGM, ”đặc điểm của Kitô giáo được biểu lộ trong biến cố Chúa Giêsu Kitô, là tột đỉnh của Mạc Khải, là sự viên mãn những lời hứa của Thiên Chúa và là Đấng trung gian cho cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa. Ngài là ”Đấng đã mạc khải Thiên Chúa cho chúng ta” (Ga 1,18) là Lời duy nhất và chung kết được trao phó cho nhân loại” (Đề nghị 4). Thánh Gioan Thánh Giá đã diễn tả chân lý này một cách tuyệt vời: ”Từ khi Con Chúa được ban cho chúng ta, là Lời duy nhất và chung kết, Thiên Chúa ban cho chúng ta mọi sự trong một lần duy nhất trong Lời duy nhất ấy và không còn gì nữa để nói.. Thực vậy, điều mà xưa kia Thiên Chúa đã nói một phần với các ngôn sứ, Ngài nói trọn vẹn trong Con của Ngài, ban cho chúng ta tất cả những gì là Con của Ngài. Vì thế, ai còn muốn hỏi Thiên Chúa, xin Ngài những thị kiến hoặc mạc khải, thì chẳng những họ làm một điều ngu xuẩn, nhưng còn xúc phạm đến Thiên Chúa nữa, vì họ không chăm chú vào Chúa Kitô mà thôi và còn đi tìm kiếm những điều khác mới mẻ nữa” (Lên núi Cát Minh, II, 22).
Để ý đến những điều ấy, ĐTC Biển Đức 16 nhấn mạnh rằng:
”Thượng HĐGM khuyên hãy ”giúp các tín hữu phân biệt rõ ràng giữa Lời Chúa với những mạc khải tư” (Đề nghị 47), vai trò của những mạc khải này không phải là ”bổ túc” mạc khải chung kết của Chúa Kitô, nhưng là giúp sống mạc khải ấy một cách trọn vẹn trong một thời kỳ lịch sử nào đó” (Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, 67). Giá trị của những mạc khải tư rất khác với mạc khải công duy nhất: mạc khải công đòi chúng ta phải tin; thực vậy trong mạc khải ấy, qua lời con người và sự trung gian của cộng đồng Giáo Hội sinh động, chính Thiên Chúa nói với chúng ta. Tiêu chuẩn để phán đoán một mạc khải tư là xem nó có hướng chúng ta về chính Chúa Kitô hay không. Khi mạc khải ấy làm cho chúng ta xa Chúa, thì chắc chắn nó không đến từ Thánh Linh, là Đấng hướng dẫn chúng ta bên trong Tin Mừng chứ không ở ngoài Tin Mừng. Mạc khải tư là một trợ giúp cho niềm tin ấy. Vì thế, cốt yếu sự phê chuẩn của Giáo Hội về một mạc khải tư là cho thấy rằng sứ điệp ấy không chứa đựng điều gì trái ngược với đức tin và phong hóa; được phép công bố sứ điệp ấy, và các tín hữu được phép chấp nhận sứ điệp ấy trong một hình thức khôn ngoan thận trọng. Một mạc khải tư có thể du nhập những dấu nhấn mạnh mới, khơi lên những hình thức sùng mộ mới của lòng đạo đức hoặc đào sâu những hình thức cổ kính. Nó cũng có thể có tính chất ngôn sứ nào đó (Xc 1 Ts 5,19-21) và có thể là một trợ lực giá trị để hiểu và sống Tin Mừng một cách tốt đẹp hơn trong thời đại ngày nay; vì thế, không được lơ là nó. Mạc khải tư là một trợ lực, được trao tặng nhưng ta không bị bó buộc phải sử dụng. Trong mọi trường hợp, mạc khải tư phải là một sự nuôi dưỡng đức tin, cậy mến, vốn là con đường trường kỳ đối với mọi người để đạt tới ơn cứu độ (Xc Bộ Giáo lý Đức tin, Sứ điệp Fatima, 26-6-2000: Ench. Vat. 19. n.974-1021).
4. Bộ Giáo lý Đức tin này nồng nhiệt hy vọng rằng việc công bố chính thức ”Những quy tắc về cách thức tiến hành trong việc phân định những vụ hiện ra hoặc mạc khải” có thể giúp các vị Chủ Chăn của Giáo Hội trong trách vụ khó khăn là phân định những vụ gọi là hiện ra, mạc khải, các sứ điệp, hoặc tổng quát hơn, đó là những hiện tượng ngoại thường được coi là có nguồn gốc siêu nhiên. Đồng thời cũng hy vọng rằng Văn kiện này có thể được các nhà thần học và các chuyên gia trong lãnh vực này về những kinh nghiệm sống của Giáo Hội, tính chất tế nhị của chúng đòi phải cứu xét tường tận hơn bao giờ hết.
HY William Levada, Tổng trưởng
Vatican ngày 14 tháng 12 năm 2011 Lễ Thánh Gioan Thánh Giá.
Văn kiện
Nhận xét sơ khởi
Nguồn gốc và đặc tính của các qui tắc này
Trong Đại hội thường niên hồi tháng 11 năm 1974, các HY, GM thành viên của Thánh Bộ đã cứu xét vấn đề liên quan đến những vụ gọi là hiện ra và những mạc khải thường đi kèm các vụ đó, và đã đi tới những kết luận sau đây:
1. Khác với trước đây, ngày nay tin tức về các vụ hiện ra được phổ biến mau lẹ hơn nơi các tín hữu nhờ các phương tiện truyền thông. Hơn nữa, giao thông dễ dàng hơn từ nơi này sang nơi khác tạo điều kiện thuận lợi và gia tăng các cuộc hành hương. Vì thế, Giáo quyền được kêu gọi mau lẹ lên tiếng về những vấn đề ấy.
2. Đàng khác, não trạng thời nay và những đòi hỏi khoa học cũng như những đòi hỏi của việc nghiên cứu trong tinh thần phê bình cũng gây khó khăn hơn, nếu không muốn nói là hầu như không thể đưa ra những phán đoán kết luận những cuộc điều tra về vấn đề này (constat de supernaturalitate, non constat de supernaturalitate) một cách mau lẹ như trong quá khứ để các vị Bản Quyền có thể cho phép hoặc cấm việc phụng tự công khai hoặc những hình thức sùng kính khác nơi các tín hữu.
Vì những lý do đó, để lòng sùng kính của các tín hữu đối với những sự kiện ấy được biểu lộ trong niềm tôn trọng sự hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội và mang lại thành quả, – nhờ những thành quả này, chính Giáo Hội có thể phân định sau đó bản chất đích thực của các sự kiện, – các Thành Viên của Bộ Giáo lý Đức tin thấy, về vấn đề này, cần phải đề ra các thủ tục như sau đây:
Khi được thông báo về một vụ gọi là hiện ra hoặc mạc khải nào đó, thì Giáo quyền có nghĩa vụ:
a. Trước tiên là thẩm định sự kiện theo các tiêu chuẩn tích cực và tiêu cực (Xc dưới đây n.I)
b. Tiếp theo đó, nếu việc cứu xét này đi tới một kết luận thuận, thì Giáo quyền cho phép làm việc phụng tự và tôn kính một cách nào đó, và đồng thời tiếp tục cảnh giác về các sự kiện ấy một cách khôn ngoan thận trọng hơn nữa (điều này tương đương với công thức ”Pro nunc nihil obstare” (cho đến nay không có gì ngăn trở).
c. Sau cùng, dưới ánh sáng thời gian trôi qua và kinh nghiệm, đặc biệt là những thành quả phong phú về thiêng liêng do việc tôn kính mới mang lại, Giáo quyền công bố phán đoán về sự kiện ấy: có thực và có tính chất siêu nhiên hay không (de veritate et supernaturalitate), nếu trường hợp đó đòi hỏi.
I. Các tiêu chuẩn để phán đoán, ít là với một chắc chắn nào đó (probabilità) về tính chất của những cuộc gọi là hiện ra hoặc mạc khải
A. Các tiêu chuẩn tích cực
a. Sự chắc chắn luân lý, hoặc ít là một sự hầu như chắc chắn, về sự sự kiện có thực, sau khi đã nghiên cứu nghiêm túc.
b. Những hoàn cảnh đặc thù liên quan đến sự hiện hữu và bản chất của sự kiện, nghĩa là:
1- phẩm chất của một hoặc nhiều đương sự được thị kiến hoặc được mạc khải (đặc biệt xét xem họ có quân bình tâm lý, lương thiện và ngay chính trong đời sống luân lý, thành thật và ngoan ngoãn đối với giáo quyền, có khả năng trở lại đời sống đức tin bình thường hay không, v.v.)
2. Liên quan đến mạc khải, xét xem đạo lý thần học hoặc tu đức có chân thực và không có sai lầm hay không
3. Cứu xét về lòng sùng kính lành mạnh và thành quả thiêng liêng và bền bỉ (ví dụ tinh thần cầu nguyện, hoán cải, chứng tá bác ái, v.v.)
B. Các tiêu chuẩn tiêu cực cần xét xem có những
a. Sai lầm tỏ tường về sự kiện hay không
b. Có những sai lầm về đạo lý gán cho chính Thiên Chúa, hoặc Đức Mẹ Maria, hoặc vị thánh nào đó trong sự biểu lộ, nhưng để ý đến điều này là đương sự – có thể là vô tình – thêm những yếu tố hoàn toàn là phàm nhân hoặc vài sai lầm trong phương diện tự nhiên (Xc Thánh Ignatio, Linh thao, số 336), vào một sự mạc khải siêu nhiên đích thực. c. Xét xem có sự tìm kiếm lợi lộc rõ ràng gắn liền với sự kiện hay không
d. Xét xem có những hành vi vô luân trầm trọng của đương sự hoặc những đồ đệ của họ, trong lúc hoặc nhân dịp xảy ra sự kiện ấy hay không.
e. Các bệnh tâm lý hoặc xu hướng tâm bệnh nơi đương sự, chắc chắn đã ảnh hưởng trên điều gọi là sự kiện siêu nhiên, hoặc tâm bệnh, cuồng loạn tập thể hoặc các yếu tố cùng loại.
Cần để ý rằng những tiêu chuẩn tích cực và tiêu cực chỉ có tính chất hướng dẫn chứ không đầy đủ và phải được áp dụng chung hoặc một cách bổ xung cho nhau.
II. Sự can thiệp của Giáo quyền liên hệ
1. Trong dịp xảy ra sự kiện gọi là siêu nhiên ấy, nếu các tín hữu tự động thực hiện một việc phụng tự hoặc sùng kính nào, thì Giáo quyền liên hệ có nghĩa vụ hệ trọng phải mau lẹ tìm hiểu và tiến hành việc điều tra cẩn thận.
2. Giáo quyền liên hệ có thể can thiệp, theo sự thỉnh cầu hợp pháp của giáo dân (trong niềm hiệp thông với các vị Chủ chăn, chứ không phải do tinh thần phe phái), để cho phép hoặc cổ động một vài hình thức phụng tự hoặc sùng kính, nếu sau khi áp dụng các tiêu chuẩn trên đây, mà không thấy có gì trở ngại. Nhưng Giáo quyền phải quan tâm làm sao để các tín hữu không giải thích việc cho phép như thế là Giáo Hội phê chuẩn tính chất siêu nhiên của sự kiện.
3. Do trách vụ về đạo lý và mục vụ, Giáo quyền liên hệ có thể tự động can thiệp; và Giáo quyền phải làm như vậy trong những trường hợp hệ trọng, ví dụ để sửa chữa hoặc phòng ngừa những lạm dụng trong việc phụng tự hoặc sùng kính, để lên án đạo lý sai lầm, để tránh những nguy cơ thần bí sai lầm hoặc không tưởng, v.v.
4. Trong những trường hợp nghi ngờ, không làm cho thiện ích của Giáo Hội bị nguy hiểm, Giáo quyền liên hệ nên tránh đưa ra phán hoặc và những hành động trực tiếp (vì có thể xảy ra là sau một thời gian nào đó, những sự kiện gọi là siêu nhiên ấy bị quên lãng); nhưng không nên ngưng cảnh giá để can thiệp nếu cần; với sự mau lẹ thận trọng.
III. Nhà chức trách có thẩm quyền để can thiệp
1. Trên hết, vị Bản Quyền địa phương có nghĩa vụ phải canh chừng và can thiệp
2. HĐGM miền hoặc quốc gia có thể can thiệp:
– nếu Bản quyền địa phương, sau khi đã chu toàn phận vụ của mình, yêu cầu HĐGM để phân định một cách chắc chắn hơn về sự kiện
– Nếu sự kiện đã thuộc về lãnh vực quốc gia hoặc miền, luôn luôn cần phải có sự đồng ý trước đó của Bản quyền địa phương
3. Toà Thánh có thể can thiệp, hoặc theo lời thỉnh cầu của chính Bản quyền, hoặc của một nhóm tín hữu đáng kể, hoặc cũng có thể trực tiếp chiếu theo quyền tài phản hoàn vũ của ĐGH (Xc dưới đây IV)
IV. Can thiệp của Bộ Giáo lý Đức tin
1. a. Bản quyền địa phương, sau khi đã thi hành phần của mình, hoặc một nhóm tín hữu có tư cách, có thể xin sự can thiệp của Bộ Giáo lý Đức tin. Trong trường hợp nhóm tín hữu ấy thỉnh cầu, thì cần đặc biệt để xem việc nại đến Thánh Bộ có phải vì những lý do đáng ngờ vực hay không (ví dụ chủ ý muốn bó buộc vị Bản quyền phải thay đổi quyết định hợp pháp của ngài, để phê chuẩn nhóm phe phái nào đó, v.v.
b. Thánh Bộ cũng có thể tự ý can thiệp trong những trường hợp hệ trọng nhất, đặc biệt là khi sự kiện ấy liên hệ tới một phần lớn của Giáo Hội, nhưng luôn luôn sau khi tham khảo Bản quyền, và nếu thình hình đòi khỏi, thì tham khảo cả HĐGM nữa.
2. Thánh Bộ có thẩm quyền phán quyết và phê chuẩn cách thức tiến hành của Bản quyền, hoặc nếu thấy là có thể và thích hợp, thì tiến hành một cuộc cứu xét mới về sự kiện, khác với sự cứu xét của Bản quyền hoặc do chính Thánh Bộ, hoặc do một Ủy ban đặc biệt.
Những quy tắc này, được quyết định trong khóa họp toàn thể của Thánh Bộ, đã được ĐGH Phaolô 6 phê chuẩn ngày 24-2-1978
Roma tại trụ sở Thánh Bộ giáo ký đức tin ngày 25-2-1978
ĐHY Franjo Seper, Tổng trưởng,
TGM Jérôme Hamer OP, Tổng thư ký