Thứ Bảy áp lễ Thăng Thiên: Đấng Phục Sinh về cùng Chúa Cha
Đức Giêsu đã nói: “Chính Chúa Cha yêu mến anh em vì anh em đã yêu mến Thầy và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Nay Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha” (Ga 16,27-28).
Đấng Phục Sinh về cùng Chúa Cha
Hành Khất Kitô
Lời mở
Bài Tin Mừng hôm nay (x. Ga 16,23-28) chứa đầy những lời an ủi và hy vọng trước khi Chúa Giêsu lên trời để đưa chúng ta vào không gian mầu nhiệm của Thiên Chúa, sống tình gia đình siêu nhiên với Chúa Cha như con cái và với hết mọi loài thụ tạo như anh chị em. Thật vậy, Đức Giêsu đã nói: “Chính Chúa Cha yêu mến anh em vì anh em đã yêu mến Thầy và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Nay Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha” (Ga 16,27-28).
Trong ít phút này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu Chúa Giêsu Phục Sinh lên trời để đưa chúng ta về cùng Chúa Cha nghĩa là gì và mời gọi ta sống mầu nhiệm này như thế nào.
1. Lên trời là gì?
Trời ở đây không phải là khoảng không gian vật chất. Chính các Tông đồ cũng được các thiên thần lay tỉnh để mắt họ đừng dõi theo hình ảnh Đức Giêsu đang xa dần trên không trung (x. Cv 1,10-11). Trời cũng không phải là cõi linh thiêng mà hồn người chết tốt lành được đưa về như người ta vẫn thường nói: “Ông nọ, bà kia đã về trời”. Nhưng đó là tình trạng hay khoảng không gian mầu nhiệm, vĩnh hằng của Thiên Chúa.
Trời còn là vị thần lớn nhất tạo ra muôn loài và định số phận cho mỗi sinh vật ở dưới mặt đất. Ngài ngự trên cõi cao xanh theo tôn giáo và niềm tin dân gian như ta vẫn thường nói: “Trời cao có mắt”; “lưới Trời lồng lộng”. Thi sĩ Nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng nhắc đến: “Có Trời mà cũng có ta, tu là cõi phúc tình là dây oan”.
Vì thế, Đức Giêsu lên trời là về với vị thần lớn nhất đó mà người ta gọi là Trời, Ông Trời, Chúa Trời hay người tín hữu Kitô giáo gọi là Thiên Chúa. Rồi vì Chúa ở khắp mọi nơi và trong mọi thời nên Đức Giêsu lên trời là đi vào tình trạng sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, trở thành sự hiện diện hằng hữu, hằng sống như Thiên Chúa và chấm dứt thời kỳ Đấng Phục Sinh hiện ra cách hữu hình với các môn đệ trong khoảng thời gian 40 ngày (x. Cv 1,3).
2. Lên trời là về cùng Chúa Cha
Điều đáng lưu ý đối với Kitô hữu là Đức Giêsu không chỉ lên trời để ngồi bên hữu Thiên Chúa (Mc 16,19; x. Ep 1,17-23) với tất cả vinh quang dành cho Người Con Một đã chiến thắng sau khi chịu khổ nạn. Nhưng là về cùng Thiên Chúa là Cha cũng như đưa tất cả nhân loại và toàn thể vũ trụ kết hợp trong nhân tính của Ngôi Lời về cùng Chúa Cha như Người nói với cô Maria Mađalena: “Thầy lên cùng Cha Thầy cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17).
Hơn nữa, lên trời của Đức Giêsu không phải là 1 tình trạng chỉ đạt được sau cái chết ở trần thế nhưng là sự kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa Ba Ngôi như thánh Phaolô đã được đưa lên tầng trời thứ ba và như nhiều vị thánh khác đã cảm nhận được ngay trong đời sống trần thế của mình.
Cuối cùng lên trời hay đi vào Nước Trời còn là tình trạng hoàn hảo mà người tín hữu Kitô có bổn phận phải thể hiện cho mình cũng như cho mọi người ngay tại trần thế này để tất cả cùng cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ. Nước Trời khi đó không chỉ phải “đến gần’ như lời rao giảng ban đầu của Đức Giêsu (x. Mc 1,14) nhưng “đang ở giữa anh em” và ở trong anh em. Đó là “nước của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công lý, tình yêu và hoà bình” (x. Kinh Tiền Tụng Lễ Đức Giêsu, Vua Vũ Trụ) và Thiên Chúa là tất cả các giá trị tích cực đó. Vì thế, chúng ta phải hành động để làm cho “Nước Cha trị đến” như lời kinh Lạy Cha ta đọc hằng ngày.
3. Trước đây người Việt Nam chỉ biết Chúa chứ chưa biết Chúa Cha
Dân tộc Việt Nam chúng ta từ ngàn xưa đã tin vào Trời, vào Thiên Chúa, nên sống ngay thẳng, chân thật với nhau vì tin rằng “Trời cao có mắt”, “Thiên bất dung gian”. Tuy nhiên, họ chưa dám nghĩ rằng vị chúa tể quyền năng cao cả tuyệt đối ấy lại là một người cha vô cùng nhân hậu, săn sóc từng người và ban cả người Con Một yêu dấu của mình để cứu độ họ, đưa họ vào cuộc kết hợp mật thiết với Ngài.
Vì chỉ tin vào Chúa Trời quyền uy nên khi ông vua tự cho mình là thiên tử, là con Trời, mới cho mình có toàn quyền sinh sát trong tay vì “vua phán bề tôi chết, mà bề tôi không chết là bất trung” (quân xử thần tử, thần bất tử bất trung). Vì chỉ tin vào quyền uy cao cả của Trời nên người đàn ông mới cho mình có toàn quyền trong gia đình theo kiểu “chồng chúa vợ tôi”, xã hội mới trọng nam khinh nữ: “một người con trai được kể là có, mười người con gái cũng kể là không” (nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô).
Chỉ khi đạo Công giáo được các Thừa sai Dòng Tên rao giảng chính thức ở Việt Nam trong khoảng từ năm 1615-1665, người ta mới biết Thiên Chúa là Cha, là Thượng Phụ, là người Cha Tối Cao, còn vua là Trung Phụ và người cha trong gia đình là Hạ Phụ, như Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) ghi lại trong tác phẩm giáo lý Phép Giảng Tám Ngày của ngài, xuất bản ở Rôma vào năm 1651. Vì tin vào Người Cha tối cao này nên tất cả phải đối xử với nhau như anh chị em một nhà, gia đình một vợ một chồng, xã hội bình đẳng nam nữ. Hơn nữa, Đức Giêsu, dù là thiên tử, không bắt ai phải chết nhưng đã chết thay cho mọi người để dạy cho tất cả về tình yêu quảng đại, hy sinh cho nhau trong đại gia đình của Thiên Chúa. Vì thế, nhiều người Việt
4. Tình trạng hiểu biết về Chúa Cha hiện nay nơi người Việt Nam
Những năm gần đây, nhất là từ khi thống nhất đất nước vào năm 1975, nhiều người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi nền giáo dục theo hướng duy nghiệm, duy thực, duy vật, vô thần, đã đánh mất niềm tin vào Trời như một Thần linh tối cao và chủ thể luân lý tối thượng hiểu thấu lòng người, thưởng phạt công minh, nên sống buông thả theo tham vọng và dục vọng, lừa dối, gian lận, tham nhũng, nói xấu, chém giết lẫn nhau chỉ vì một mối lợi nhỏ. Người Công giáo và tín đồ các tôn giáo khác phải tìm cách gây lại nhận thức về sự hiện diện của Trời trong đời sống con người thì mới hy vọng cứu được dân tộc thân yêu của mình.
Thật vậy, chúng ta hãy can đảm nhìn kỹ dân tộc mình với bao tệ nạn để thấy nguy cơ của đất nước. Việt Nam đang có 15 triệu người khuyết tật, gần 20 triệu người nghèo khổ không kiếm nổi 1 đô la Mỹ một ngày, 5 triệu người xem phim sex hằng đêm và dẫn đầu thế giới từ năm 2007 về lĩnh vực này, 10 triệu người chơi trò chơi trực tuyến bỏ cả học hành làm việc, 2 triệu ca phá thai mỗi năm mà 30% người phá thai bị trầm cảm, vài triệu người nghiện ngập trong số 24 triệu người uống rượu bia và 33 triệu người hút thuốc lá. Nhiều người chỉ đi tìm lợi lộc vật chất bằng mọi thủ đoạn gian dối, bất công vì không còn coi nhau như anh chị em do cùng một cha, như đồng bào do cùng một mẹ sinh ra. Nông dân bán những nông sản còn đầy chất thuốc trừ sâu, chất bảo quản độc hại. Người chăn nuôi bán ra những loại thịt heo siêu nạc đầy hoá chất, những loại cá tôm đầy chất kháng sinh gây bệnh ung thư làm cho cơ thể người dân suy yếu, tật bệnh. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì chẳng cần Trung Quốc xâm lăng, dân tộc ta cũng sẽ tự suy đồi và biến mất như các nước Chiêm Thành, Thuỷ Chân Lạp.
Chỉ có người Công giáo chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Cha qua Đấng Phục Sinh mới có thể giúp dân tộc Việt Nam học thêm bài học về Trời là Cha Chung của mọi người khi chúng ta biết bỏ đi những tranh chấp, ghen tị để sống thật quảng đại, yêu thương, dám chấp nhận phần thua thiệt về mình. Nhưng thử hỏi chúng ta có dám sống hào hùng, trong sáng, chan chứa tình huynh đệ cho tất cả mọi người như cha ông chúng ta thời trước không? Chúng ta sống thế nào mà từ 127 năm qua, từ năm 1885 đến nay, không tăng nổi 1% dân số Công giáo? Chắc chắn ta phải nghiên cứu thêm cấu trúc tâm lý và văn hoá của người Việt
Lời kết
Có như thế, chúng ta mới thấy mình có thể xây dựng Nước Trời ngay tại trần thế này và trở thành chứng nhân của Nước đó với tất cả quyền năng kỳ diệu, tình yêu mãnh liệt và sức sống vô biên của Đấng Phục Sinh chia sẻ cho ta để làm cho “Nước Cha trị đến”.