Chúa Nhật 4 PS – B: Vị Mục Tử Phục Sinh
Đức Giêsu đã sống lại để cho tất cả đàn chiên là chúng ta noi gương Người, dám hy sinh vì đại nghĩa, hy sinh cho những gì là tốt đẹp để mang lại ơn cứu độ cho con người.
Vị Mục Tử Phục Sinh
Hành Khất Kitô
Lời mở
Bài Phúc Âm mời gọi chúng ta nhìn vào Đức Giêsu như vị mục tử nhân lành đã chết, hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên và đã sống lại để giúp cho đàn chiên bước đi trong bình an và hy vọng. Hôm nay chúng ta được mời gọi để cầu nguyện cho các linh mục và tu sĩ nam nữ cũng như cho ơn thiên triệu để nhiều người hiến dâng cho Chúa trở thành những mục tử như Người.
Tại sao lại phải cầu nguyện? Có lẽ chúng ta nên dành ít phút nhìn lại hiện trạng tu trì trên toàn thế giới và trong Việt
1. Tình trạng ơn gọi trên thế giới và ở Việt Nam
1.1. Trên thế giới
Theo thống kê của Catholic Almanac 2012, chúng ta biết năm 2009 Giáo hội Công giáo toàn cầu có 1 tỷ 180 triệu người, ngoài 4.872 tổng giám mục, giám mục với 149 hồng y và thượng phụ; chúng ta có 410.000 linh mục dòng và triều, 729.000 nữ tu, 54.000 nam tu, 117.000 chủng sinh. Cách đây 60 năm, vào năm 1960, dân số Công giáo chỉ trên 700 triệu nhưng số linh mục lúc đó hơn con số hiện nay 50 ngàn người; số tu sĩ nam nữ hơn số hiện nay trên 300 ngàn người. Đưa ra những con số này để chúng ta thấy rằng có tình trạng khủng hoảng về ơn thiên triệu.
Hơn nữa, công tác mục vụ truyền giáo không đạt kết quả cao dù với gần một triệu ba trăm ngàn giáo sĩ và tu sĩ hoạt động: tỷ lệ người Công giáo chỉ tăng theo tự nhiên, do sinh sản hơn là do việc truyền giáo. Năm 1960, tỷ lệ người Công giáo toàn cầu là 18,2%, năm 2009 giảm xuống còn 17,4%.
Tại sao lại dẫn đến tình trạng khủng hoảng ơn thiên triệu như vậy? Người ta đưa ra nhiều nguyên nhân như:
– Đời sống tinh thần bị tục hoá, con người ngày nay quá lo việc trần thế, không cảm nghiệm được đời sống thiêng liêng tốt đẹp nên cũng không thiết tha đến đời sống tu trì.
– Những ý thức hệ duy thực, duy nghiệm, duy khoa học làm cho người ta không thích thú những môn học nặng về suy tư như triết học, thần học, tu đức của đời sống giáo sĩ, tu sĩ.
– Cuộc sống căng thẳng, khó khăn trong nội bộ Giáo Hội cũng như dòng tu khiến cho người ta ngại ngùng. Nhiều người nghĩ rằng đi tu là tìm được hạnh phúc, nhưng khi sống trong đó người ta lại thấy bất hạnh hơn ở ngoài đời, dù rằng đời sống nào cũng có nhiều thử thách, khó khăn cần phải chiến đấu để vượt qua.
– Số con trong gia đình bây giờ thường chỉ có 1 hoặc 2 con, nếu người con đó đi tu thì không có ai lo cho cha mẹ già yếu nên ngày nay người ta bớt đi tu hơn thời trước.
– Nhưng có lẽ lý do lớn lao nhất mà nhiều người không muốn nói ra, đó là thái độ của chính cấp thẩm quyền ở một số nơi đối với giáo sĩ, tu sĩ làm cho người ta cảm thấy bất an, không được đối xử xứng đáng như một con người, nhất là sau vụ lạm dụng tình dụng xảy ra ở Mỹ cũng như ở Âu Châu.
Thật ra, những vụ lạm dụng đó xảy ra chỉ liên quan đến khoảng 4% linh mục, tu sĩ bị điều tra. Nếu so với những lạm dụng tình dục xảy ra trong gia đình (hơn 50%), hay trong ngành giáo dục giữa thầy cô và học trò (trên 20%), thì những vụ lạm dụng trong giới tu trì chẳng đáng là bao. Tuy nhiên, người ta đã thổi phồng những vụ đó lên vì thấy Giáo hội Công giáo phát triển khá hơn so với nhiều giáo hội khác. Những thế lực chống đối Giáo hội Công giáo cũng muốn lợi dụng dịp này để làm Giáo hội Công giáo mất ảnh hưởng. Nhất là họ biết Giáo hội Công giáo có nhiều tiền do cách tổ chức tài chính quy về một đầu mối: khi người ta kiện một linh mục của giáo phận, nếu toà án xét có tội thì chính vị giám mục cai quản linh mục đó phải bồi thường hoặc kiện một tu sĩ thì bề trên của tu sĩ đó phải bồi thường. Trong những vụ kiện như thế, luật sư được hưởng rất nhiều tiền. Theo tổng kết của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ vào đầu tháng 4-2012 vừa qua: năm 2011, các giáo phận của Mỹ đã tốn 108 triệu Mỹ kim, các dòng tu tốn hơn 35 triệu Mỹ kim cho các vụ lạm dụng tình dục. Nếu tính từ năm 2004-2011, cả Giáo hội Hoa Kỳ đã tốn 2 tỷ 448 triệu Mỹ kim. Hơn một phần ba số tiền này lọt vào tay các luật sư và các tổ chức kiện cáo (x. Báo Công giáo và Dân tộc, số tháng 5-2012).
Những chuyện lạm dụng này đã ảnh hưởng nặng nề đến ơn thiên triệu khiến nhiều linh mục, tu sĩ bất mãn, không muốn tiếp tục đời tu và nhiều thanh niên nam nữ không còn muốn đi tu vì khi linh mục hay tu sĩ nào bị kiện cáo hay bị điều tra thì các cấp thẩm quyền ngưng ngay việc mục vụ của người đó, bất kể có tội hay không. Cách đối xử như vậy làm cho những linh mục, tu sĩ cảm thấy mình bị xúc phạm danh dự và đời tu không được đảm bảo. Chính Giáo Hội đưa ra nguyên tắc ở số 404 của sách Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo: “Phải luôn luôn nhớ nguyên tắc pháp lý này: không được bắt ai chịu hình phạt khi tột ác chưa được chứng minh”.
Đó là lý do chính yếu tạo nên một cơn khủng hoảng về ơn gọi trong Giáo Hội toàn cầu. Điều này nhắc nhở chúng ta cần thận trọng trong việc xét đoán và bảo vệ danh dự của người khác cũng như cầu nguyện nhiều cho các linh mục, tu sĩ trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.
1.2. Tình trạng ơn thiên triệu tại Việt Nam
Ở Việt Nam có rất nhiều ơn gọi. Năm 2012 Giáo hội Công giáo Việt Nam có 4.200 linh mục, 4.000 chủng sinh, hơn 17.000 tu sĩ nam nữ. Nhiều dòng tu ở các nước đến đây để tìm ơn gọi. Nhưng chúng ta cũng nên phân tích tại sao ơn gọi ở Việt Nam lại nhiều như vậy để thêm lời cầu nguyện và hành động tích cực.
Người ta nghĩ rằng đó là lòng đạo của người Việt Nam còn khá mạnh. Sự quý mến, tôn trọng của người tín hữu đối với linh mục và tu sĩ còn khá cao. Nhiều gia đình đông con dễ dàng cho con cháu đi tu. Nhưng có một lý do cũng cần để ý, đó là hoàn cảnh kinh tế khó khăn ở các gia đình thúc đẩy nhiều người trẻ ở các vùng khó khăn vào tu trong các chủng viện, tu viện để được học hành, được tôn trọng, gia đình được danh giá, đời sống kinh tế được bảo đảm. Nhưng sau khi học thành tài, họ lại bỏ đời tu hoặc thu gom của cải cho mình, cho gia đình mình khi làm việc mục vụ trái với tinh thần yêu thương quảng đại, dám hy sinh cả thân mình như vị Mục tử Giêsu.
Những lý do này khiến chúng ta cần phải cầu nguyện cho linh mục tu sĩ Việt Nam có một lòng quảng đại theo Chúa Giêsu, vị Mục tử Nhân lành, dám hy sinh cả mạng sống mình cho đàn chiên thay vì tìm danh vọng, lợi lộc cho cá nhân hay gia đình mình.
2. Vị Mục Tử Phục Sinh
2.1. Trách nhiệm mục tử của mỗi Kitô hữu
Hôm nay, chúng ta được mời gọi không phải để nhìn vào một linh mục hay tu sĩ nào đó mà nhìn vào vị Mục tử Nhân lành Giêsu vì mỗi người chúng ta được chia sẻ với Người trách nhiệm mục tử để đưa về đàn chiên duy nhất của Người những con chiên chưa thuộc về đàn này (x. Ga 10,16). Qua Bí tích Rửa Tội, mỗi tín hữu chúng ta được chia sẻ sứ mạng cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Vị mục tử ấy đã hy sinh tính mạng vì đàn chiên. Người đã loan báo trước Người sẽ hy sinh và Người đã thực sự chết nhục nhã trên thập giá để minh chứng tình yêu với Chúa Cha và cho tất cả đàn chiên của Người cũng như để giao hoà Chúa Cha với tất cả mọi người. Người đã nói với chúng ta: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại… Chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10,17-18).“Tôi chính là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” (Ga 10,11).
Nhưng Đức Giêsu đã sống lại để cho tất cả đàn chiên là chúng ta noi gương Người, dám hy sinh vì đại nghĩa, hy sinh cho những gì là tốt đẹp để mang lại ơn cứu độ cho con người. Đó là ý nghĩa của đời tu, là hạnh phúc của đời tu vì chúng ta hiểu rằng tất cả những gì chúng ta hy sinh cho người khác đều được bù đắp bằng cuộc phục sinh vinh hiển của từng người trong cuộc phục sinh của Chúa Giêsu.
2.2. Tu là cõi phúc
Đứng trước những thử thách, gian truân, nhiều người không dám đi tu. Tuy nhiên khi nghe được tiếng gọi của Thiên Chúa, mỗi người tín hữu chúng ta đang được mời gọi để để đáp lại tiếng gọi ấy nếu ta hiểu biết tình yêu của Chúa Giêsu đối với chúng ta và tin tưởng vào Người, vì Người biết rõ từng người chúng ta, biết cả những yếu đuối, tội lỗi của chúng ta: “Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha” (Ga 10, 14-15).
Chúng ta đừng mang mặc cảm tự ti, tiêu cực nhưng tích cực làm việc để cộng tác với ơn Chúa ban mà loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người cũng như để giúp những anh chị em yếu kém của chúng ta cam đảm sống và tìm được bình an, hạnh phúc trong cuộc sống của họ. Dù rằng chúng ta gặp nhiều thử thách gian nan, nhưng Đức Giêsu đã sống lại và vị mục tử phục sinh luôn luôn giúp chúng ta sống trong niềm vui, bình an, hy vọng.
Nếu Đức Giêsu biết rõ chúng ta thì chúng ta đã biết Đức Giêsu như thế nào? Không phải chỉ biết bằng đầu óc của ta mà bằng con tim, biết bằng sự cảm nhận sâu xa rằng Người đã yêu ta đến độ chết cho ta. Có như thế ta mới dám hy sinh mạng sống của mình cho đàn chiên trong trách nhiệm làm mục tử nhân lành của Người. Có như thế ta mới thấy “Tu là cõi phúc” vì ta hiểu thêm rằng “tình không còn là dây oan” nữa vì chúng ta yêu bằng tình yêu của Thiên Chúa.
Lời kết
Hôm nay, chúng ta tìm hiểu đôi chút về tình trạng ơn thiên triệu trên toàn thế giới và Việt Nam để thấy mình có trách nhiệm làm mục tử tốt lành đối với người khác và thúc đẩy con cái chúng ta đi theo con đường của Chúa Giêsu trong đời sống tận hiến làm linh mục, tu sĩ. Dù đời sống này còn lắm chông gai, thử thách nhưng nó vẫn rất đẹp vì nhận được nhiều ơn Chúa để giúp ta trở thành những người mang lại hạnh phúc, bình an và ơn cứu độ cho muôn loài.