Thánh địa là “Sánh Tin Mừng thứ năm”

Phụng vụ Chúa Nhật Mùa Phục Sinh hôm nay mời gọi chúng ta sống đại giới răn tình yêu. Chính Đức Kitô đã chỉ cho chúng ta con đường yêu thương này, qua tình yêu Người dành cho tất cả mọi người, đến độ trao ban mạng sống, để cho tất cả mọi người được sống và được sống dồi dào, và Người đã làm cho chúng ta trở nên bạn hữu của Người.

Thánh địa là “Sánh Tin Mừng thứ năm”

Bài nói chuyện giờ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng
Tại Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật VI Phục Sinh, 17/5/2009
 
Anh chị em thân mến,
 
Tôi vừa mới trở về từ Thánh địa vào ngày hôm kia. Tôi muốn nói chuyện với anh chị em một cách đầy đủ hơn về chuyến hành hương này vào ngày thứ tư tới, trong buổi triều yết chung. Giờ đây, tôi muốn tạ ơn Chúa đã ban cho tôi kết thúc một cách tốt đẹp chuyến Tông du rất quan trọng này. Tôi cũng cám ơn những ai đã góp phần cho chuyến Tông du này: Đức Thượng phụ Giáo chủ La Tinh và những vị mục tử của Giáo Hội tại Jordanie, Israel và trong những vùng lãnh thổ Palestine, các Tu sĩ Phanxicô coi sóc Thánh địa, các cấp Chính quyền tại Jordanie, Israel và trong những vùng lãnh thổ Palestine, các nhà tổ chức, quân đội giữ gìn trật tự. Tôi cám ơn các linh mục, tu sĩ và giáo dân đã tận tình đón tiếp tôi, và những ai đã đồng hành và nâng đỡ tôi bằng kinh nguyện. Tận đáy sâu tâm hồn, tôi xin được cám ơn tất cả mọi người.
 
Chuyến hành hương Thánh địa cũng là một cuộc viếng thăm mục vụ dành cho các tín hữu đang sinh sống tại đó, phục vụ sự hiệp nhất các Kitô hữu, phục vụ công cuộc đối thoại giữa người Do Thái và Hồi giáo, và phục vụ công cuộc xây dựng hoà bình. Thánh địa, biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa dành cho dân Người và cho toàn thể nhân loại, cũng là biểu tượng của tự do và hoà bình mà Thiên Chúa muốn ban tặng cho mọi con cái của Người. Thế nhưng, lịch sử của ngày hôm qua và hôm nay lại cho chúng ta thấy vùng đất này đã trở nên biểu tượng của điều ngược lại, nghĩa là của chia rẽ và xung đột không dứt giữa anh em với nhau. Làm sao lại có thể xảy ra như thế được? Câu nghi vấn này cật vấn chúng ta là điều đương nhiên, mặc dầu chúng ta biết rằng vẫn có một ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa liên quan đến vùng Đất này, vùng đất – như Thánh Gioan đã viết – nơi Thiên Chúa “đã sai Con của Người đến làm của lễ đền tội chúng ta” (1 Ga 4,10). Thánh địa đã được gọi là “Tin Mừng thứ năm”, bởi vì nơi đây, chúng ta có thể thấy, và thậm chí còn có thể đụng chạm đến thực tế lịch sử mà Thiên Chúa đã thực hiện với con người. Bắt đầu bằng những địa điểm liên quan đến cuộc đời của Abraham cho đến những nơi có liên quan đến cuộc đời của Đức Giêsu, từ biến cố Nhập thể đến cảnh mồ trống, là dấu hiệu của việc Chúa sống lại. Vâng, đúng thế, Thiên Chúa đã đi vào trong vùng đất này, Người đã hành động với chúng ta trên trần gian này. Nhưng ở đây, chúng ta còn có thể nói được nhiều hơn thế nữa: Thánh địa, do chính lịch sử của nó, có thể được xem là một tiểu vũ trụ tóm tắt con đường nhiêu khê giữa Thiên Chúa với nhân loại. Một con đường mà, cùng với tội lỗi, cũng đã bao hàm Thánh giá. Nhưng với tình yêu thật phong phú của Thiên Chúa, con đường ấy cũng vẫn luôn bao hàm niềm vui của Thánh Thần, ngày Sống lại được khai mở; đó là một con đường giữa nơi thung lũng đau khổ tiến về Vương quốc Thiên Chúa. Một Vương quốc không thuộc về trần gian này, nhưng lại sống trong trần gian này, và phải dùng sức mạnh công lý và hoà bình để thâm nhập vào trần gian.
 
Lịch sử ơn cứu độ được bắt đầu bằng việc tuyển chọn một con người là Abraham và một dân tộc là dân Israel, nhưng lịch sử này có một hướng đi phổ quát để cứu độ mọi dân tộc. Sự hỗn hợp giữa nét đặc thù và phổ quát tính bao giờ cũng ghi dấu trên lịch sử ơn cứu độ. Chúng ta thấy rõ mối dây này trong bài đọc một hôm nay: Trong nhà ông Conêliô, khi thấy đức tin của lương dân và lòng họ ao ước muốn biết Thiên Chúa, Thánh Phêrô đã nói như sau: “Thật thế, tôi biết rõ Thiên Chúa không hề thiên tư tây vị ai, nhưng hễ ai thờ phượng Thiên Chúa và thực thi công lý, dầu họ là người nước nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (Cv 10,34-35). Học biết kính sợ Thiên Chúa và thực thi công lý như thế sẽ làm cho thế giới đón nhận Nước Chúa: đó là mục đích sâu xa nhất của bất cứ cuộc đối thoại liên tôn nào.
 
Cuối giờ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng
 
Tôi không thể kết thúc lời kinh Thánh Mẫu này mà không hướng tâm trí về Sri Lanka, để nói lên tâm tình yêu thương và gần gũi trong tinh thần của tôi đối với những thường dân đang bị kẹt trong những vùng chiến sự, ở miền bắc quốc gia này. Có hàng ngàn trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi đã bị chiến tranh cướp đi sự sống và niềm hy vọng. Về điểm này, một lần nữa, tôi muốn đưa ra một lời kêu gọi khẩn thiết đến các bên tham chiến, yêu cầu họ tạo mọi điều kiện dễ dàng cho người dân sơ tán, và trong cùng một mục đích này, tôi xin liên kết tiếng nói của tôi với tiếng nói của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, là cơ quan, cách đây vài ngày, đã yêu cầu bảo vệ và bảo đảm an toàn cho người dân. Ngoài ra, tôi yêu cầu các tổ chức nhân đạo, kể cả tổ chức Công giáo, cố gắng làm tất cả những gì có thể để đáp ứng cho những nhu cầu cần thiết và cấp bách của người dân tị nạn về thực phẩm và y tế. Tôi phó dâng quốc gia thân yêu này cho Đức Trinh Nữ Madhu phù hộ, Đức Trinh Nữ mà tất cả người dân Sri Lanka đều yêu mến và tôn kính, và tôi khẩn cầu Chúa cho ngày hoà giải và hoà bình mau đến.
 
Anh chị em là những khách hành hương nói tiếng Pháp thân mến, tôi vui sướng được đón tiếp anh chị em. Phụng vụ Chúa Nhật Mùa Phục Sinh hôm nay mời gọi chúng ta sống đại giới răn tình yêu. Chính Đức Kitô đã chỉ cho chúng ta con đường yêu thương này, qua tình yêu Người dành cho tất cả mọi người, đến độ trao ban mạng sống, để cho tất cả mọi người được sống và được sống dồi dào, và Người đã làm cho chúng ta trở nên bạn hữu của Người. Cùng với tất cả anh chị em sáng nay đang quy tụ nơi đây, tôi muốn tạ ơn Thiên Chúa về cuộc hành hương của tôi tại Thánh địa. Ước gì khi sống giới răn tình yêu này, dân cư trên vùng đất rất thân yêu này cuối cùng rồi cũng có thể hưởng được hoà bình và sống trong tình huynh đệ! Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em!