27/12/2024

Chúa Nhật 3 PS – B: Phục Sinh là cuộc tạo dựng mới

Cuộc tạo dựng ấy với trời mới, đất mới và con người mới, bắt đầu từ cái chết của Đức Giêsu trên thập giá và biểu lộ trong cuộc sống lại của Người, nhất là trong việc Người hiện ra với các tông đồ qua bài Tin Mừng hôm nay (x. Lc 24,35-48).

Phục Sinh là cuộc tạo dựng mới

Hành Khất Kitô
Lời mở
Chúa Nhật tuần qua chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu cuộc sống lại của Đức Giêsu là một sự tôn vinh, qua lời tuyên xưng của thánh Tôma: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!”. Tuần này, Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng suy niệm mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Giêsu là một cuộc tạo dựng mới. Cuộc tạo dựng ấy với trời mới, đất mới và con người mới, bắt đầu từ cái chết của Đức Giêsu trên thập giá và biểu lộ trong cuộc sống lại của Người, nhất là trong việc Người hiện ra với các tông đồ qua bài Tin Mừng hôm nay (x. Lc 24,35-48).
1. Cuộc tạo dựng mới
1.1. Bắt đầu với cái chết của Đức Giêsu
Chúng ta nhớ lại hình ảnh của Đức Giêsu trên thập giá: Sách Tin Mừng kể cho chúng ta những sự kiện rất thật, gắn liền và song song với cuộc tạo dựng khởi đầu. Khi Thiên Chúa dựng nên trời đất và con người, Thần Khí bay lượn trên mặt nước (x. St 1,2); Thiên Chúa phán bằng lời và tất cả mọi sự đã xuất hiện (x. St 1,1-31). Sau đó Chúa dựng nên con người là Ađam và Eva từ cạnh sườn của Ađam (x. St 2,18-21). Trên thập giá chúng ta cũng thấy: Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa, khi gục đầu tắt thở, Người trao ban Thần Khí (x. Ga 19,30); trong tư cách là Thiên Chúa, Người phán bằng lời của Người và tất cả mọi sự mới mẻ đã xuất hiện: trời tối tăm u ám như cảm thông (x. Lc 23,44-46), đất rung động, mồ mả vỡ tung, cửa trời mở rộng, nhiều vị thánh hiện ra (x. Mt 27,51-54).
Việc tạo dựng con người mới cũng vậy. Đức Giêsu chính là con người mới, giống như Ađam trần truồng trong vườn Địa Đàng bên cây biết lành biết dữ (x. St 2,9. 22-25), Người cũng trần trụi trên cây thập giá: cạnh sườn mở toang, máu và nước chảy ra để tạo nên Eva mới (x. Ga 19,34-35). Eva mới là Giáo Hội, là chúng ta qua bí tích Rửa Tội tượng trưng cho nước và qua bí tích Thánh Thể tượng trưng cho máu. Con người mới ấy bây giờ đã sống lại để không phải chỉ được ban lại những ân huệ đã mất trước đây trong tư cách vẫn còn là thụ tạo, nhưng bây giờ trở thành con Thiên Chúa để chia sẻ thiên tính mà Cha Trên Trời ban cho tất cả qua Con của Ngài là Đức Giêsu và qua Chúa Thánh Thần.
1.2. Biểu lộ trong cuộc phục sinh
Tính cách mới mẻ của con người ấy đã biểu lộ trong cuộc phục sinh, nhất là khi hiện ra với các tông đồ. Đức Giêsu chỗi dậy không phải để sống bình thường trong không gian và thời gian như mọi người chúng ta, giống như cuộc hồi sinh của Lazarô, của con trai bà goá thành Naim… nhưng Đức Giêsu sống kỳ diệu với thân xác hoàn toàn đổi mới, không bị giới hạn trong không gian và thời gian. Bài Tin Mừng kể lại rằng hai môn đệ đi đường Emmaus về đang kể chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra; dù là cửa nhà phải đóng kín vì sợ người Do Thái, Chúa Giêsu vẫn đi vào được. Người hiện ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào: với hai môn đệ trên đường Emmaus, với Phêrô, với các phụ nữ và bây giờ với các môn đệ ở Giêrusalem. Người đưa cho các ông xem tay và cạnh sườn để chứng tỏ cho các ông thấy rằng đây chính là con người người cũ bị đóng đinh nhưng đã hoàn toàn đổi mới: những vết tích mà người khác cho là sự sỉ nhục, tầm thường, khốn khổ… bây giờ trở thành những dấu chứng vinh quang.
Người muốn chứng minh rằng vật chất bây giờ đã đổi mới qua thể xác sống lại của Người: Người xin các ông cho Người một khúc cá nướng (và một tảng mật ong), Người ăn trước mặt các ông (và đưa phần còn lại cho họ) để chứng tỏ rằng Người ăn thật chứ không phải giả vờ. Đưa phần còn lại cho các ông để thấy rằng những phần vật chất ấy thật sự gắn bó với thân thể Người dù rằng nhiều bản dịch Thánh Kinh đã loại bỏ 2 nhóm từ này (một tảng mật ong và đưa phần còn lại cho họ) khỏi bản dịch chính thức (xem phần chú giải Thánh Kinh).
Hơn nữa, có một câu mà bản dịch ở đây không diễn tả hết được: khi Chúa Giêsu hiện ra, các môn đệ sợ hãi nên Người trấn an họ: “Chính Thầy đây mà!”. Câu này chỉ dùng 2 từ Hy Lạp là ego eimi (Lc 24,39; Ga 8,24.28.58; 13,19; 18,6; Mc 6,45-52) có nghĩa là “tôi hằng hữu” và đó cũng là tên của Chúa Giavê, Đấng dựng nên trời đất, vạn vật. Nếu dịch: “Ta hằng hữu đây” hoặc “Ta là Giavê đây” thì không ai hiểu và còn cho Đức Giêsu nói phạm thượng nên bản văn dịch là “Chính thầy đây mà”. Điều đó muốn nói lên rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa thực hiện cuộc tạo dựng mới và Người chuyển thông cho mọi người sự sống kỳ diệu được Thiên Chúa ban cho con người, cho mọi vật qua sự sống lại của Người.
2. Chứng nhân của cuộc tạo dựng mới
2.1. Đổi mới cái nhìn về chính mình và về vạn vật
Hôm nay, qua lời nhắn nhủ với các tông đồ, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: “Chính anh em là chứng nhân về những điều ấy” (Lc 24,48). Hình như chúng ta mừng Chúa Giêsu sống lại nhưng vẫn chưa cảm nghiệm được sự sống lạ lùng, phi thường mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua thân xác tự nhiên của mình hay qua vạn vật đang có quanh ta.
Đây là một cuộc tạo dựng với “trời mới” vì Thiên Chúa đã mở cửa trời để cho mọi người chúng ta được vào, không phải trong tư cách là thụ tạo được tha thứ tội lỗi, mà trong tư cách là con cái nhờ gắn bó mật thiết với Đức Giêsu và trở thành Thiên Chúa như Người. Chúng ta có sự sống rất kỳ diệu, không còn lệ thuộc vào vật chất, vào thời gian hay không gian. Ngồi đây nhưng chúng ta có thể tác động đến bao nhiêu con người trên thế giới và trong cả vũ trụ này. Chúng ta có thể cầu nguyện, chữa lành, xin nhiều ơn lạ lùng cho họ cũng như cho chính chúng ta. Vậy chúng ta đã làm chưa?
Hơn nữa, chúng ta cần phải thay đổi quan niệm về vạn vật mà chúng ta vẫn kể là một trong 3 kẻ thù “ma quỷ, thế gian, xác thịt”. Chúng ta coi thường vật chất, coi nhẹ môi trường sinh thái, không quan tâm đến đời sống xã hội vì cho chúng là ‘thế gian” lôi kéo chúng ta chạy theo những tham vọng để chiếm hữu thật nhiều của cải, trái ngược với tinh thần nghèo khó. Với “đất mới” trong cuộc sống lại của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi để gìn giữ, bảo vệ, thăng tiến và phát triển những của cải vật chất cũng như môi trường sống mà Chúa giao cho chúng ta quản lý  để phát triển toàn diện con người. Vậy chúng ta có những hành động cụ thể nào?
2.2. Đổi mới thái độ đối với thân xác
Cuối cùng, chúng ta được mời gọi nhìn lại thân xác của mình để xem thân xác đó hiện nay có khoẻ mạnh, đẹp đẽ, tốt tươi không? Có phát huy được những ơn lành lạ lùng Chúa ban cho chúng ta qua Thánh Thần của Người để học hành, suy nghĩ, sáng tạo, phát minh… không? Đức Giêsu sẵn sàng ban nhiều ơn cho chúng ta. Muốn thế, chúng ta phải nhìn lại cách ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc, vui chơi, giải trí của mình xem chúng có thể hiện sự sống mới không.
Chúng ta cũng được mời gọi nhìn vào thân xác của những anh chị em sống quanh ta để dùng ơn lành và quyền lực của Đấng Phục Sinh mà cứu chữa những con người tật nguyền, yếu đuối, khốn khổ, bần cùng. Hôm qua, chúng tôi vừa mới kết thúc khoá tập huấn cơ bản cho những người chăm sóc người khuyết tật tại TP.HCM, từ ngày 19-21/4/2012. Khi nghiên cứu số người khuyết tật ở Việt Nam, nhiều người không thể tin nỗi – dù rằng báo, đài đã công bố, là 6,7 triệu người trên tổng số 85,5 triệu dân vào năm 2009, chiếm 7,8% dân số. Theo sự phối hợp điều tra giữa Việt Nam và Uỷ ban của Liên Hiệp Quốc, số người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay là 15,3% dân số, thuộc 6 dạng tật, khoảng từ 13,5 đến 15 triệu người trên tổng số 90 triệu người. Việt Nam có khoảng hơn 3 triệu người bị khuyết tật vận động do chiến tranh, tai nạn giao thông, tai nạn lao động; hơn 2 triệu người mù, hơn 1 triệu người điếc, 4-5 triệu người bị bệnh thần kinh, vài triệu người già tai điếc, mắt mờ, trí não lẫn lộn… Chúng ta sẽ giúp đỡ họ như thế nào? Dường như ít ai để ý đến những con người khốn khổ ấy để cứu chữa họ!
Lời kết
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy làm chứng nhân về một sự sống kỳ diệu Chúa ban để làm cho thân xác cũng như tinh thần của mình và của họ tốt đẹp hơn, khoẻ mạnh hơn, bình an hơn bằng những hành động tích cực trong đời sống thường ngày. Có như thế, những anh chị em khác nhìn vào đời sống của chúng ta mới tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh và chúng ta mới có thể trở thành những chứng nhân thực sự của Người.