Hiện tình Siria

Phỏng vấn Đức Tổng Giám mục Mario Zenari, Sứ thần Toà Thánh tại Siria, về hiện tình xã hội nước này

 Hiện tình Siria


Phỏng vấn Đức Tổng Giám mục Mario Zenari, Sứ thần Toà Thánh tại Siria, về hiện tình xã hội nước này

Từ gần một năm qua, cuộc cách mạng Hoa Lài đã lan sang Syria, và người dân nước này đã liên tục xuống đường biểu tình trong nhiều thành phố để phản đối chính sách cai trị độc tài của Tổng thống Bashar Assad và đảng cầm quyền Baath. Cuộc nổi dậy của người dân Syria đã bắt đầu tại thành phố Homs và mau chóng lan sang các thành phố khác. Tuy phong trào đòi dân chủ dâng cao khắp nơi trong nước, nhưng thay vì đối thoại, Tổng thống Assad đã ra lệnh cho quân đội đàn áp và tàn sát người dân, đến độ nhiều binh sĩ đã phẫn uất đào ngũ thành lập lực lượng sát cánh với dân chúng chống lại chính quyền.

Trước các cuộc đàn áp đẫm máu gia tăng từ phía quân đội Syria, Hoa Kỳ và các nước Liên hiệp Âu châu tạo áp lực với chính quyền Syria bằng cách cấm vận kinh tế Syria, yêu cầu Tổng thống Assad từ chức và đáp ứng các đòi hỏi dân chủ của người dân. Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu cũng đã thừa nhận Hội đồng Quốc gia Syria và coi hộ đồng này là đại diện hợp pháp của Syria.

Vần đề của Syria đã được đưa ra thảo luận trước Liên Hiệp Quốc. Nhưng khi bỏ phiếu biện pháp đối phó, thì Nga và Trung Quốc đã luôn luôn dùng quyền phủ quyết. Lý do dễ hiểu vì Nga bán khí giới cho Syria, trong khi Trung Quốc mua dầu hoả của Syria. Dựa vào sự ủng hộ đó của hai cường quốc, Tổng thống Assad đã chỉ đưa ra các lời hứa hẹn suông với người dân, nhưng vẫn tiếp tục ra lệnh cho quân đội sát hại dân chúng. Liên minh Ảrập đã nhóm họp nhiều lần để tạo áp lực đối với chính quyền Syria và đã gửi phái đoàn thanh tra tình hình, nhưng sáng kiến này đã không đi tới đâu.  

Để làm dịu tình thế, Tổng thống Bashar Assad đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý liên quan tới bản Tân Hiến pháp. Tin báo chí cho biết đã có gần 90% cử tri chấp nhận bản Tân Hiến pháp. Nhưng đã chỉ có 54% trên tổng số 14 triệu cử tri đi bỏ phiếu tại 14.000 địa điểm đầu phiếu. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cho rằng khó có thể tin vào thống kê do chính quyền cung cấp. Còn Ngoại trưởng Pháp Alain Jupé thì gọi cuộc trưng cầu dân ý là một “trò hề”. Từ hơn 3 tuần qua, quân đội Syria đã bao vây và liên tục bắn phá thành phố Homs, khiến cho hàng trăm người chết và hàng ngàn người bị thương.

Từ vài ngày qua, Hồng Thập tự Quốc tế đã có thể cho xe vào để chuyên chở và săn sóc các người bị thương. Cho tới nay đã có 7.500 người bị giết và hàng chục ngàn người bị thương. Nhưng một số nhà báo cho rằng số người chết có thể lên tới 40.000, vì quân đội dùng xe tăng và các vũ khí nặng để tấn công dân chúng, như họ đang làm từ mấy tuần qua tại Homs.

Syria rộng hơn 183.000 cây số vuông và có trên 20 triệu dân, đa số theo Hồi giáo Sunnít, nhưng cũng có các nhóm Hồi giáo Druse, Alawít, Sciít và Ismailít. Tín hữu Kitô thuộc các Giáo hội Công giáo Maronít, Armeni và Siriac cũng như Chính thống chỉ là thiểu số.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn một số nhận định của Đức Tổng Giám mục Mario Zenari, Sứ thần Toà Thánh tại Damasco, thủ đô Syria, về tình hình xã hội nước này.

Hỏi: Thưa Đức Sứ thần Toà Thánh, tình hình cuộc sống của các Kitô hữu bên Syria hiện nay ra sao?

Đáp: Trong các ngày này, các Kitô hữu thuộc mọi Giáo hội Kitô đã bước vào Mùa Chay. Nhưng tôi thì tôi nghĩ rằng họ đã bắt đầu Mùa Chay từ gần 12 tháng qua, và không phải chỉ có tín hữu Kitô mà toàn dân Syria trong các tuần qua đã sống thời gian khổ nạn. Chỉ cần đọc các tin tức và xem các hình ảnh thì đủ hiểu… Trong Mùa Chay này, toàn dân Syria đều ở trong cuộc khổ nạn ấy, từ các trẻ em mới sinh được vài tháng cho tới giới trẻ, người lớn và người già… Mùa Chay này, các ngày khổ nạn này là một cái gì gây ấn tượng rất mạnh. Tôi đã có một lúc nghỉ ngơi rất ngắn khi đi tham dự lễ nhận giáo phận của một giám mục tại Tartus, nằm trên bờ Địa Trung Hải. Lễ nghi đã rất ngắn gọn và tôi cảm thấy bầu khí bất ổn…

Chính quyền đã cho phép tôi đến thành phố này, cho tới nay đã không bị bạo lực tàn phá; nhưng họ khuyên tôi nên đi máy bay vì đường bộ rất nguy hiểm. Ngày thứ hai 27-2-2012, tôi đã liên lạc được với một linh mục tại thành phố Homs. Cha cho biết là cha không thể ra ngoài đường, vì có các xác chết của binh sĩ, thường dân và người bị thương ở khắp nơi. Và ra đường để cứu các người bị thương hay lấy các xác chết rất nguy hiểm. Vào chiều thứ hai, khi tôi trở về Damasco thì gặp một toán phụ nữ mặc y phục màu đen. Vị linh mục Chính thống tháp tùng tôi cho biết họ đang có tang. Chúng tôi đã tới chào họ và trao đổi ít lời. Đó là thân nhân của 12 binh sĩ bị thiệt mạng trong các cuộc giao tranh và xác sắp được đưa về đây. Tất cả mọi người thuộc bất cứ giai tầng xã hội và tuổi tác, chúng tôi đang sống Mùa Chay và cuộc khổ nạn. Cả các trẻ em cũng bị liên luỵ trong tình trạng khổ nạn này.

Hỏi: Thưa Đức Cha, tổ chức UNICEF cũng đã mạnh mẽ tố cáo là đã có rất nhiều trẻ em bị giết trong các tháng qua tại Syria, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng thế. Tôi bị ấn tượng rất mạnh khi thấy cả các trẻ em cũng là nạn nhân của cuộc xung đột tại Syria. Tổ chức Nhi đồng Quốc tế cho biết đã có 500 trẻ em bị giết. Cách đây mấy hôm, tôi đọc tin thấy có một em bé mới 10 tháng cũng đã là nạn nhân cùng với toàn gia đình của em, tất cả là 17 người trong một thành phố gần thành phố Homs. Toàn gia đình bị bắt đứng dựa lưng vào tường và bị bắn chết, kể cả em bé 10 tháng tuổi. Mấy ngày trước nữa, tôi đọc trên báo một tin buồn khác nữa: một bé gái tham dự đám táng của một bé gái nạn nhận của bạo lực khác. Biết bao tin buồn và biết bao hình ảnh bạo lực xảy ra mỗi ngày. Tình trạng rất thê thảm tại một số nơi, đặc biệt là tại thành phố Homs: dân chúng thiếu lương thực, thiếu thuốc men, rất khó cứu giúp các người bị thương, và không thể chôn cất người chết.

Ngoài ra còn có nỗi khổ đau của toàn dân Syria. Người ta nói tới hàng chục ngàn người di cư, không có các thực phẩm và các điều cần thiết. Thường cũng không có điện và các thứ cần thiết khác… Tuy nhiên, bên cạnh các cảnh buồn thương ấy cũng có những điều tích cực, như tình liên đới quốc tế trên nhiều mức độ khác nhau, đôi khi đó là các sáng kiến cứu trợ khó khăn, và các sáng kiến bị thất bại… Nhưng cộng đồng quốc tế tìm cách trợ giúp dân nước Syria, đặc biệt là các tổ chức cứu trợ nhân đạo quan trọng nhất như Hội Hồng Thập Tự, Hội Nửa Vành Trăng, cũng như nhiều tổ chức bác ái khác đang hoạt động để xoa dịu các nỗi thống khổ của người dân Syria.

Hỏi: Sự kiện này có trao ban một chút hy vọng nào cho dân chúng không, thưa Đức Cha?

Đáp: Tôi nghĩ là có. Nó trao ban một chút hy vong cho tất cả mọi người, khi biết rằng trong Mùa Chay này chúng tôi nhận đươc tình liên đới của các tín hữu Kitô toàn thế giới và nhất là của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Ngài đang cầu nguyện và nghĩ tới các khổ đau của chúng tôi, cũng như đang cùng với các cộng sự viên của ngài tìm cách xoa dịu các khổ đau ấy, và làm thế nào để cho hoà bình và hoà giải trở lại với dân nước Syria. Vâng, có tình liên đới của anh chị em Kitô toàn thế giới trong Mùa Chay này đang nghĩ tới các vùng có xung khắc, khổ đau, và tôi cảm nhận được và tin tưởng nơi tình liên đới đó của biết bao người đang tranh đấu cho hoà bình.

Hỏi: Trong tình hình hiện nay tại Syria, thật khó mà có thể đối thoại, có đúng thế không, thưa Đức Sứ Thần?

Đáp: Rất tiếc là những gì đang xảy ra khiến cho các khả năng đối thoại ngày càng xa rời. Nhưng cả trong tình trạng này nữa, cộng đồng quốc tế cũng không được buông xuôi. Cần tiếp tục tìm kiếm các cơ hội, các đường lối và phương thế giúp ngưng thù nghịch, đổ máu, tàn phá và khổ đau cho dân chúng. Điều cấp thiết nhất là phải ngưng xung khắc tại vài vùng như thành phố Homs để các tổ chức cứu trợ nhân đạo có thể đến trợ giúp các nạn nhân.

Hỏi: Thưa Đức Sứ Thần, tại Syria, người dân coi cuộc trưng cầu dân ý mới kết thúc liên quan tới Tân Hiến pháp như thế nào?

Đáp: Cuộc trưng cầu dân ý đã diễn ra hôm 26-2 vừa qua. Tôi không có bổn phận đi vào chi tiết vấn đề. Nhưng tôi có nhận xét này: văn bản Hiến pháp đã được Uỷ ban Soạn thảo đệ trình lên Tổng thống Assad trong các ngày đầu tháng 2. Sau 3 tuần thì dân chúng được kêu gọi bày tỏ ý kiến của mình qua lá phiếu. Như vậy, người dân đã không có đủ thời giờ để tìm hiểu, thảo luận và lượng định về bản văn của Tân Hiến pháp. Thế rồi các hoàn cảnh cũng không thuận tiện cho việc trưng cầu dân ý. Riêng đối với các tín hữu Kitô thì Hiến pháp mới vẫn duy trì các điều khoản của Hiến pháp cũ. Các cộng đoàn tôn giáo khác nhau thì dựa trên luật liên quan tới quy chế cá nhân, như trong quá khứ, đặc biệt là các vấn đề gia đình, ly thân và gia tài. Tất cả đều theo Giáo luật. Rồi còn có các điểm khác, chẳng hạn như cần phải minh giải khẳng định Hồi giáo là điểm quy chiếu chính cho luật lệ. Phải xem trên thực tế nó có dẫn đưa tới chỗ hạn chế hơn Hiến pháp cũ không hay nó vẫn duy trì luật cũ. Ngoài ra, các chuyên viên cũng phải phân tích các khía cạnh khác nữa. Nhưng thật sự là đã không có đủ thời gian để nghiên cứu và thảo luận bằng văn bản.

Riêng đối với các tín hữu Kitô, tôi nhận thấy các chủ chăn đã khích lệ họ đi bỏ phiếu vì thiện ích chung của dân nước, vì hoà bình và để chấm dứt xung đột. Dĩ nhiên là mỗi tín hữu đã hành động theo lương tâm của họ.

(RG 28-2-2012)