Kêu trời với “cái gông” sổ sách

“Cái gông” sổ sách, họp hành đã làm không ít giáo viên chỉ biết kêu trời. Bao giờ giáo viên được giải thoát?

 Kêu trời với “cái gông” sổ sách

Tôi đã công tác trong ngành giáo dục hơn 10 năm và cũng không ít lần phải cười ra nước mắt vì những quy định mà chỉ những người ở trong ngành mới biết. Về cơ bản thì giáo viên bình thường chỉ có khoảng bảy loại sổ. Ở nơi tôi làm việc, văn bản từ sở giáo dục – đào tạo quy định như thế nhưng có thêm một câu: “Ngoài ra các trường có thể giảm bớt một số sổ cho giáo viên”.

Thế nhưng thực tế không phải như vậy vì có trường giáo viên phải kiêm nhiệm thêm nhiều việc như quản lý phòng bộ môn, tổ trưởng chuyên môn, dạy hướng nghiệp hay thậm chí dạy chéo bộ môn, tham gia các tổ chức đoàn thể trong nhà trường dẫn đến số lượng sổ sách cả chục quyển. Loay hoay với sổ sách đã ngốn của giáo viên không biết bao nhiêu thời gian, công sức.

Sở chỉ đạo là như vậy nhưng thực chất xuống đến phòng, rồi trường, rồi tổ thì “đẻ” thêm nhiều sổ nữa. Lần ấy, tôi được thanh tra toàn diện, sau khi kiểm tra hồ sơ sổ sách của tôi, thanh tra viên góp ý cho tôi có thêm sổ “Theo dõi và xử lý kết quả bài kiểm tra của học sinh”.

Sau khi phát bài kiểm tra cho học sinh, giáo viên cần ghi những lỗi mà học sinh thường sai, cách khắc phục, ghi thống kê cho từng điểm số… Ông còn đề nghị tôi nên có sổ “Học nghị quyết” riêng, đừng có ghi chung vào sổ hội họp, có sổ “Tự bồi dưỡng” về chuyên môn… May mà tôi chỉ dạy lớp không làm chủ nhiệm nên có thêm nữa cho vừa ý thanh tra thì cố gắng một tí chẳng sao. Tôi gật đầu và hứa sẽ làm.

Nhưng lần thanh tra đó, một đồng nghiệp của tôi lại lên tiếng hỏi thanh tra viên có đọc câu “Ngoài ra” trong văn bản quy định sổ sách của sở không thì ông này đỏ mặt không nói gì nhưng sáng hôm sau thì đến dự giờ đột xuất và dĩ nhiên kết quả tiết dạy ấy không nói ra thì ai cũng biết.

Một lần xem sổ tự bồi dưỡng của tôi, bà tổ trưởng phán một câu xanh rờn: “Không giúp ích gì cho chuyên môn”, vì trong sổ tôi chỉ ghi những bài thơ hay, trong khi đó tôi là giáo viên môn công nghệ. Tôi cãi lại: “Tôi thấy mình yếu gì thì tự bồi dưỡng nấy chứ chuyên môn tôi đâu có gì yếu”.

Thế nhưng tôi cũng bị yêu cầu làm lại. Lần này, tôi dán vào sổ những hình ảnh con bò, con trâu và các món ăn. Tưởng đã yên chuyện nào ngờ bị gọi lên (lần này là phó hiệu trưởng) và bảo sổ tự bồi dưỡng của tôi là đồ dùng dạy học. Tôi đành im lặng vì lần này mà nói nữa thì phải làm lại nữa. Mà làm lại thế nào tôi cũng không biết nữa. Lúc đó, tôi mới ra trường được vài năm và công nghệ thông tin cũng không phát triển như bây giờ.

“Cái gông” sổ sách, họp hành đã làm không ít giáo viên chỉ biết kêu trời. Bao giờ giáo viên được giải thoát?