Tư Phước làm phước

Căn nhà gỗ xiêu vẹo của vợ chồng Tư Phước nằm lọt thỏm dưới một thung lũng. Cách đó một quãng là ngôi nhà gạch rộng rãi của những người điên, mái tôn còn mới.

 Tư Phước làm phước

Anh Hà Tư Phước có dáng người thấp đậm, cánh tay chắc khoẻ, nụ cười sảng khoái đậm chất dân Tây nguyên và làm một việc nhiều người thấy lạ: nuôi người tâm thần như con của mình.

Khi anh Tư Phước đưa người tâm thần đầu tiên về nuôi, mọi người trong thôn Ia Rok (xã Chư Hdrông, Pleiku, Gia Lai) đều nghĩ: “Rỗi hơi lo việc người khác”. Rồi thêm nhiều lần như thế, người ta bảo nhau: “Chắc cha này bị khùng”. Nhưng tới lúc những người đó được anh Tư Phước nuôi trở nên hiền lành, về lại với gia đình thì mọi người mới hiểu: “Tư Phước đang làm phước, chẳng rỗi hơi cũng chẳng hề khùng”.

17 “đứa con” điên

“Nhớ mình đã cưu mang bao nhiêu người mệt đầu lắm, ngủ chẳng ngon!”

Anh HÀ TƯ PHƯỚC

Căn nhà gỗ xiêu vẹo của vợ chồng Tư Phước nằm lọt thỏm dưới một thung lũng. Cách đó một quãng là ngôi nhà gạch rộng rãi của những người điên, mái tôn còn mới. Trời nhá nhem tối, anh Tư Phước chạy chiếc xe tải lấm lem bùn đất về nhà. Bước xuống xe vội vã, anh bê chiếc mâm có 17 tô cơm được vợ dọn sẵn rồi đi đến căn nhà gạch. “Hôm nay trời mưa, xe bị sa lầy nên về trễ, mấy đứa chắc đói lắm rồi” – anh vừa nói vừa bước thoăn thoắt trên con đường đất trơn trượt.

Khi cánh cửa sắt được mở ra, Tư Phước hô lớn: “Ơ mấy đứa, ăn cơm”. Lời nói của anh như một mệnh lệnh, tất cả 17 con người sắp hàng lần lượt ngồi ngay ngắn ăn cơm ngon lành. Món trứng chiên nóng hổi thơm phức. Cu Đen nhỏ, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất, được anh Tư Phước đút từng muỗng một. “Đen lười lắm, từ mai phải tự múc ăn, Phước không đút nữa” – anh Tư Phước dứ dứ ngón tay vào trán Cu Đen mắng yêu, miệng mỉm cười trìu mến. Đen cười ngất. Khi bữa cơm kết thúc thì Nghĩa “nhạc sĩ” giật áo Tư Phước khoe như con trẻ: “Phước ơi, lúc chiều con bò nó hun em”. Tư Phước bật cười thật lớn: “Có thích không? Chắc nó yêu chú mày mất rồi”. Nghĩa cười thẹn thùng, quay mặt đi. Mấy người khác cùng nhao nhao: “Phước ơi…”, “Phước à…”, kể anh nghe những điều xảy ra trong ngày. Anh Tư Phước chăm chú nghe tất cả, gương mặt y hệt người cha nghe những tiếng nói bập bẹ đầu tiên của con mình.

Lúc anh Tư Phước bê mâm cơm không trở về căn nhà gỗ, người mẹ già đã ngủ ngon giấc trên chiếc võng. Hai đứa con đang học bài. 20g, phố núi cao nguyên se lạnh. Vợ chồng Tư Phước bắt đầu ăn cơm tối, món trứng chiên đã nguội ngắt từ hồi nào. Chợp mắt hai tiếng, 23g anh lại cầm đèn pin đến căn nhà gạch kiểm tra xem có ai ngủ bị lạnh không, có ai lên cơn hay tè dầm ra quần không.

10 năm rồi, kể từ ngày nhận người điên đầu tiên về nuôi, buổi tối nào của anh Tư Phước cũng như vậy.

“Nghiệp” nuôi người tâm thần

Tư Phước sinh năm 1966, là con út trong gia đình nghèo có bảy anh chị em ở TP Pleiku, học đến lớp 5 đã phải nghỉ để bươn chải với cuộc sống. Năm 18 tuổi, Tư Phước học nghề lái xe tải. Trên những chuyến đi dài từ Nam ra Bắc, anh gặp bao cảnh đời, phận người éo le. Giữa xô bồ cuộc sống, anh Tư Phước luôn nhớ về bài học lòng yêu thương con người của Đức Phật và bà mẹ hiền hậu đã răn dạy thuở nhỏ. Gặp chuyện bất bình, ngang trái anh Tư Phước đều làm cho ra lẽ.

Gặp người thất cơ lỡ vận trên đường anh đều ra tay giúp đỡ. Một lần chạy xe tới Bình Định, thấy có xác chết vô thừa nhận bên đường, anh dừng xe ở đó gần ba ngày để tìm thân nhân cho người đã mất. Cũng chính việc làm nghĩa hiệp đó của anh đã khiến cô gái Bình Định Huỳnh Thị Hạc đem lòng yêu quý. Một năm sau, chị Hạc theo anh về Pleiku xây dựng tổ ấm. Lần lượt hai đứa con một trai một gái ra đời. Vợ nội trợ, chồng chạy xe, căn nhà gỗ nhỏ xíu luôn tràn ngập tiếng cười. Cuộc sống tưởng chừng đã an nhàn ổn định, cho đến một ngày anh Phước đưa người điên đầu tiên về nhà.

Trong một lần chở đá cho một gia đình ở TP Pleiku, anh Tư Phước thấy một thân hình kỳ dị gớm ghiếc đang bị nhốt trong căn phòng hôi thối. Chủ nhà cho biết đó là con trai chị, tên Sáu, đang khoẻ mạnh bỗng dưng hoá điên, không ai có thể đến gần. Nhiều lần Sáu chém bố, đánh mẹ, thậm chí còn tự cắt tai, ăn hai ngón tay út của mình. Hết cách, gia đình đành nhốt Sáu lại. Anh Tư Phước ngẫm nghĩ một lúc rồi xin mở căn phòng ấy dẫn Sáu ra ngoài. Cánh tay khoẻ của anh dễ dàng khống chế được cơn lồng lộn của Sáu. Sau gần hai giờ được anh Tư Phước vừa tắm vừa nói chuyện thủ thỉ, Sáu ngoan ngoãn đi theo anh trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Anh Tư Phước hứa như đinh đóng cột với mẹ Sáu: “Ba tháng sau Tư Phước này trả cháu hiền lành lại cho chị”.

Khi anh mang Sáu về nhà, chị Hạc phát hoảng. Mọi người xung quanh kháo nhau: “Chắc cha này bị điên thật rồi”. Anh thuyết phục vợ, cuối cùng chị đồng ý cho Sáu ở cùng với gia đình mình. Hằng ngày anh Tư Phước chạy xe đều cho Sáu theo cùng, hai anh em cùng ăn uống, cùng chia nhau điếu thuốc. Ba tháng sau, đúng như lời hứa, anh Tư Phước đưa Sáu trả về cho gia đình. Sáu đã trở nên hiền lành.

Từ đó cứ dăm bữa nửa tháng, chị Hạc lại thấy chồng đưa về một người tâm thần, quần áo rách tả tơi, có người hung hăng đến độ phải xích mấy lần khoá. Những người đó anh Tư Phước bắt gặp trên đường chạy xe. Cũng có người được gia đình mang tới xin vợ chồng Tư Phước cứu giúp vì họ đã hết cách. Căn nhà gỗ bé tẹo, hai vợ chồng, hai đứa con với một mẹ già đã đủ chật chội. Vợ chồng nhìn nhau biết nhận ai, từ chối ai bây giờ. Chị Hạc làm căng với chồng không được nhận thêm ai nữa, nhưng quay qua thấy anh thẫn thờ khi để họ mang con về, chị lại tặc lưỡi chấp nhận.

Làm phước vô tư

Bây giờ những người tâm thần không còn phải sống cùng vợ chồng Tư Phước trong căn nhà gỗ ọp ẹp nữa. Số tiền hai vợ chồng tích góp được bao nhiêu năm nay anh bàn với vợ đem ra xây nhà cho người tâm thần ở. Xây xong nhà, anh Tư Phước càng làm lụng nhiều hơn để vừa nuôi cả nhà vừa trả nợ. “Người ta ngày làm tám tiếng, tui phải làm 12 tiếng, một nửa để nuôi vợ con và mẹ già, một nửa để nuôi mấy đứa” – anh tâm sự, giọng nhẹ như gió.

Hầu hết bệnh nhân tâm thần khi được anh đưa về đều rất hung hãn nên gia đình phải xích, nhốt một chỗ. Nhưng sau một thời gian ở với gia đình anh, họ đều trở nên hiền lành. Có người ác miệng bảo anh có bùa sai khiến được những người tâm thần. Anh Tư Phước cười: “Tui chẳng có bùa ngải gì hết. Ai mới về cũng hung lắm, tui phải nhốt vô phòng, ngày nào cũng kiên trì vào tắm rửa, thay quần áo, đút cơm cho ăn, tâm sự thủ thỉ là vài tháng sau trở nên hiền lành, bảo đâu nghe đó”.

Nhiều năm tiếp nhận và chăm sóc người tâm thần nên anh Tư Phước rất am hiểu các triệu chứng, nguyên nhân của mỗi bệnh nhân để đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp. Người nào điên vì làm ăn thất bại, chiều nào anh Tư Phước cũng dẫn ra nghĩa địa thủ thỉ: “Con người chết có mang theo được gì đâu, tiền bạc nhiều mà không thanh thản thì cũng khổ”… Cứ vậy chỉ sau một thời gian đến với anh Tư Phước, những cơn lồng lộn đập phá đồ đạc của Minh, hung hãn đánh người của Rô dần dịu lại. Những vết thương chi chít tự đốt mình khi lên cơn của De, vết thương tự cắn nát ngón tay mình của Joan, vết lở loét vì dây xích của Nam dần liền da. Nghĩa “nhạc sĩ” không còn suốt ngày khoanh tay chào gió, ngẩn ngơ lẩm bẩm một mình nữa mà biết ôm đàn guitar hát. Anh Tư Phước kiên nhẫn tập cho mọi người biết tự tắm giặt, quét dọn, biết chào hỏi và không xé rách quần áo của mình…

10 năm, đã có bao nhiêu người tâm thần đến với tổ ấm của anh Tư Phước rồi trở về nhà? Anh Tư Phước không nhớ! Với người đàn ông này thì: “Những điều không cần nhớ thì nhớ làm gì. Đầu còn lo nhiều việc khác. Má tui đặt tên Tư Phước có nghĩa là làm phước vô tư. Nhớ mình đã cưu mang bao nhiêu người mệt đầu lắm, ngủ chẳng ngon!”.

Đi học chăm sóc bệnh nhân tâm thần

Việc cưu mang những người tâm thần khiến anh Tư Phước gặp không ít rắc rối. Nhiều lần cơ quan quản lý đến kiểm tra và ra lệnh cho anh dẹp ngay, trả người điên về các bệnh viện tâm thần vì “không đủ chức năng”. Anh Tư Phước lại lặn lội khắp các bệnh viện tâm thần ở Biên Hoà, Đà Lạt để thăm nuôi những bệnh nhân của mình.

Mấy người gặp anh lần nào cũng khóc đòi về. Thấy anh Tư Phước quá tâm huyết, bà con trong thôn Ia Rok đã viết đơn xin chính quyền cho anh duy trì việc cưu mang người điên. Để thuyết phục cơ quan quản lý, anh Tư Phước tự giác xin ra Đà Nẵng học những lớp cơ bản về y tế và chăm sóc bệnh nhân tâm thần. Nhờ những nỗ lực của anh, cuối cùng những người điên đã được trở về với tổ ấm của vợ chồng Tư Phước.

Ông Võ Quang Nhân – trưởng Phòng lao động – thương binh và xã hội TP Pleiku – cho biết: “Xét về điều kiện thiết bị y tế, nhân lực, vật chất thì anh Phước còn thiếu thốn. Nhưng tấm lòng của anh đối với người điên thật đáng quý. Những người điên khi đến với anh bệnh tình cải thiện rất nhiều nên chúng tôi đang lên kế hoạch giúp anh Phước bổ sung những điều kiện cần thiết để tiến tới thành lập cơ sở nuôi dưỡng người tâm thần do anh phụ trách”.

Còn ông Đặng Ngọc Thắng, chủ tịch UBND xã Chư Hdrông, cho biết: “Việc làm của anh Phước khiến mọi người trong xã đều nể phục. Hiện nay mỗi tuần trạm y tế xã đều cử người tới giúp anh Phước chăm sóc người điên được tốt hơn”.