Nói với con về đổ vỡ

Phản ứng tâm lý của con khi đối diện với chuyện ly hôn của ba mẹ là hụt hẫng, mặc cảm và đầy bất an. Hụt hẫng và mặc cảm với bạn bè, với những người khác về chuyện gia đình. Bất an khi một tuần sau đó, con hỏi liệu sau này ba mẹ có “người mới” không!

Nói với con về đổ vỡ

Điều làm tôi băn khoăn nhất khi quyết định chia tay chồng là sẽ nói với hai cậu nhóc con tôi, một đứa 12 tuổi và một đứa 5 tuổi, như thế nào về sự đổ vỡ của ba mẹ. Hai cháu sống với tôi. Một thời gian dài khi ly thân, chồng tôi chuyển về sống ở nhà ông nội. Vợ chồng tôi thống nhất nói với hai cháu là ba phải chăm ông vì sức khoẻ ông dạo này yếu. Sau khi chúng tôi ly hôn vài tháng, cậu cả bằng cách nào đó cũng lờ mờ đoán ra mọi chuyện.

– Mẹ nói thật đi, có phải ba mẹ ly dị rồi phải không? – cậu con trai 12 tuổi nhìn tôi chờ đợi.

– Mẹ định đợi thêm một thời gian nữa sẽ kể với con, nhưng hôm nay con hỏi thì mẹ sẽ nói, đúng là ba mẹ không còn sống chung với nhau.

– Tại sao vậy ạ? – cháu tỏ ra rất thất vọng.

– Như thế này, con đừng xem hai từ ly dị quá nặng nề, đó chỉ là một từ để gọi tên một sự việc, hành động, thế thôi. Ba mẹ không còn là vợ chồng với nhau, nhưng ba mẹ vẫn là ba mẹ của các con, không bao giờ bỏ các con. Hai anh em con vẫn sống chung với nhau, hằng ngày ba vẫn đưa đón các con đi học, các con vẫn gặp ba thường xuyên. Ba mẹ luôn yêu thương các con.

– Tại sao ba mẹ lại không cố gắng ở bên nhau nữa? – cháu bắt đầu khóc.

– Nín nào, con không khóc nhé! Hằng ngày đi làm về, mẹ đã rất mệt mỏi, ba mẹ lại hay mâu thuẫn với nhau, cãi nhau nhiều, ảnh hưởng không tốt đến các con, các con có vui không? Nên mẹ chọn cách giải quyết tốt nhất cho cả ba mẹ và cho cả hai đứa. Vì các con, mẹ vẫn có thể tạo ra một vỏ bọc ngọt ngào cho gia đình, nhưng vỏ bọc thì cũng sẽ đến lúc vỡ tan khi mẹ không thể chịu đựng, lúc đó sẽ càng nặng nề hơn.

Cháu có vẻ dịu dần sau cuộc trò chuyện chân thành và kiên nhẫn, nhưng sâu trong thâm tâm vẫn muốn ba mẹ hàn gắn.

Phản ứng tâm lý của cháu khi đối diện với chuyện ly hôn của ba mẹ là hụt hẫng, mặc cảm và đầy bất an. Hụt hẫng và mặc cảm với bạn bè, với những người khác về chuyện gia đình. Bất an khi một tuần sau đó, cháu hỏi liệu sau này ba mẹ có “người mới” không. Đó là cảm giác sợ bị bỏ rơi, không còn điểm tựa. Tôi trấn an con: “Dù 10, 20 năm nữa, khi con và em tốt nghiệp đại học và chưa lập gia đình, hai đứa vẫn sống với mẹ. Ba mẹ luôn yêu thương hai con, con nhớ chưa?”.

Tôi không dùng cách trả lời cho qua chuyện “khi nào con lớn thì con sẽ biết”. Câu trả lời này sẽ làm trẻ thấy không được tôn trọng và lập tức phản ứng “con lớn rồi!”. Tôi chọn cách chia sẻ mọi chuyện với con như một người bạn, lắng nghe và khuyến khích con nói ra những suy nghĩ của mình, từ đó mới hướng con về mặt tích cực. Đặt con vào tình huống con là mẹ và hỏi xem cảm giác của con như thế nào, cháu sẽ hiểu và thông cảm với mẹ hơn, từ đó dễ chấp nhận sự thật hơn. Khẳng định với con rằng ly hôn không phải là điều quá tồi tệ, rằng con sẽ luôn có ba và mẹ, con trẻ sẽ an tâm và thấy mọi chuyện không quá đen tối. Điều quan trọng nữa là ba mẹ phải cùng nỗ lực để không làm xáo trộn cuộc sống quen thuộc của con quá nhiều.

Với con trai nhỏ, vì cháu còn quá bé nên tôi không thể giải thích và phân tích cụ thể như với anh lớn mà chỉ hướng bé hiểu theo ý tích cực của sự việc. Việc chia sẻ với con một cách trung thực là chuyện nên làm, nhưng phải đúng thời điểm và đúng độ tuổi của bé.