Chưa được chuẩn bị tâm lý

Giáo dục giới tính cần có lộ trình, bậc tiểu học dạy gì, bậc THCS dạy gì. Cần thống kê hằng năm số lượng trẻ dậy thì bởi trong xã hội công nghiệp hiện nay, nhiều nguyên nhân như sang chấn tâm lý, chất tăng trưởng trong thức ăn, dinh dưỡng, chế độ học tập, áp lực thành tích của cha mẹ… khiến trẻ dậy thì sớm.

 Chưa được chuẩn bị tâm lý

Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh thừa nhận thực tế rất nhiều học sinh chưa được chuẩn bị tâm lý cũng như cung cấp đầy đủ thông tin về những thay đổi và cách xử lý trước những thay đổi sớm của chính bản thân.

* Ông Nguyễn Văn Tri (hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Trường Toản, quận 10, TP.HCM):

Học sinh lúng túng

Từ năm học 2002-2003 học sinh (HS) đã bắt đầu phát triển sớm hơn so với trước. Nhiều HS dậy thì sớm nhưng không được chuẩn bị về tâm lý nên rất lúng túng. Có trường hợp giáo viên phải báo với gia đình thì người mẹ mới biết con mình dậy thì. Trong khi đó, giáo dục giới tính đưa vào trường còn ít, giáo viên còn ngại ngùng, nhất là giáo viên nam. Từ đó, nhà trường đã liên hệ với bác sĩ tại bệnh viện để tổ chức nói chuyện giới tính cho HS lớp 5. Hiện nay HS lớp 5 học bán trú được tách ra nam ngủ riêng một phòng, nữ một phòng khác. Trường cũng có một phòng vệ sinh – y tế dành riêng cho HS nữ trong những trường hợp cần thiết. Nhà trường phải luôn sẵn sàng như vậy bởi thời gian các em ở trường rất dài, thầy cô phải thay ba mẹ chăm sóc các em khi cần. Với nam sinh, chúng tôi cũng tổ chức ngoại khoá giáo dục giới tính để các em có nhận thức về sự dậy thì, biết giữ gìn vệ sinh bản thân và biết bảo vệ, không chọc ghẹo các bạn gái…

* Chị Anh Đào (phụ huynh Trường tiểu học Đông Ba, Phú Nhuận, TP.HCM):

Trẻ không hỏi người lớn

Tôi có con gái đang học lớp 4 và thường tâm sự với con về giới tính, như vệ sinh ra sao, cần phải giữ gìn, không đụng chạm vào bạn khác giới. Tuy nhiên, cha mẹ hiện nay rất khó quản lý việc xem tivi, xem các clip trên điện thoại, trên mạng… Ở đó có quá nhiều thông tin, hình ảnh của thế giới người lớn trong khi trẻ con không nhận thức được cái gì nên tiếp thu, cái gì không. Các cháu tò mò nhưng lại không hỏi người lớn mà chỉ tâm sự với các bạn trong lớp nên dễ dẫn tới suy nghĩ sai lệch. Tôi chỉ biết hạn chế con xem các chương trình truyền hình, kiểm soát các sách báo mà con đọc và hướng dẫn cho con sẵn sàng với tình huống có kinh nguyệt nếu đang ở trường. Tôi rất lo khi các cháu tiếp xúc với quá nhiều luồng thông tin như hiện nay.

* Chị T.Linh (phụ huynh học sinh ở Q.Gò Vấp, TP.HCM):

Không để con “tự giải quyết”

Phụ huynh chúng tôi lại vẫn có suy nghĩ là lên cấp THCS con mới dậy thì và dậy thì là di truyền, mẹ có kinh nguyệt từ lúc mấy tuổi thì con gái cũng sẽ như vậy. Vì thế qua những thông tin mà bài báo nêu, mặc dù con tôi mới học lớp 1 nhưng tôi nghĩ mình sẽ phải tìm một dịp thích hợp để nói chuyện và hướng dẫn cho con. Để khi có “sự cố” con phải biết báo cho người lớn để được giúp đỡ và không nên hoảng hốt vì đây là một “sự kiện” rất tự nhiên mà bạn gái nào cũng có. Không thể để các cháu tự mình giải quyết và đối mặt với “sự kiện lớn” đó mà không có sự chuẩn bị về mặt tâm lý.

Một phụ huynh (ở P.22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM):

Xấu hổ vì thiếu kinh nghiệm

Năm nay con tôi lên lớp 6 nhưng cháu có ngực và có kinh nguyệt từ năm lớp 4. Lúc đó tôi rất ngạc nhiên vì cháu gầy gò và nhỏ bé lắm, không ai nghĩ cháu dậy thì sớm như vậy vì ngay bản thân tôi 15 tuổi mới dậy thì. Lúc đó bàng hoàng nên hai mẹ con cùng đến bác sĩ khám và được trả lời rằng dậy thì sớm là chuyện bình thường vì hiện nay trẻ ăn uống đủ chất và do tác động xã hội. Tôi thấy xấu hổ vì mình làm mẹ mà thiếu kinh nghiệm quá và sau này tôi thường khuyên bạn bè nên chuẩn bị trước cho ngày dậy thì của con mình.


TS Ngô Xuân Điệp (chủ nhiệm bộ môn tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQG TP.HCM):

Cần những nghiên cứu nghiêm túc

Cần giáo dục giới tính cho HS trước tuổi dậy thì. Nếu dậy thì mà mù mờ, không biết chút gì về việc phòng tránh thai hay bệnh lây qua đường tình dục, rõ ràng hậu quả sẽ khó lường, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và học tập của HS. Giáo dục giới tính cần có lộ trình, bậc tiểu học dạy gì, bậc THCS dạy gì. Cần thống kê hằng năm số lượng trẻ dậy thì bởi trong xã hội công nghiệp hiện nay, nhiều nguyên nhân như sang chấn tâm lý, chất tăng trưởng trong thức ăn, dinh dưỡng, chế độ học tập, áp lực thành tích của cha mẹ… khiến trẻ dậy thì sớm.

Thậm chí khi trẻ mất hứng thú với cuộc sống bên ngoài hoặc stress (cha mẹ bắt học, không được vui chơi…) thì sẽ chuyển hứng thú vào phía bên trong với những tò mò, khám phá cơ thể… cũng là nguyên nhân khiến các em dậy thì sớm. Cần có những công trình nghiên cứu nghiêm túc, có đầu tư, mang tính quốc gia, từ đó có lộ trình phù hợp cho việc giáo dục giới tính trong nhà trường và xã hội.

 

“Không rụt rè khi nói chuyện giới tính”

Một lần chồng tôi nói đùa với con trai đang học lớp 7 về chuyện giới tính, cảm thấy đùa hơi quá, tôi ra hiệu để chồng ngưng lại. Không ngờ con trai nhìn thấy và buông ngay một câu: “Chuyện đó bình thường quá. Bạn bè con tụi nó còn nói đến “gì gì” nữa kìa…”.

Là một người khá cởi mở về việc nói chuyện giới tính cùng con, tôi vẫn không khỏi sửng sốt khi nghe con nói một cách rất vô tư, thoải mái. Tôi hỏi: “Vậy tụi con nói với nhau những gì?”. Con trai trả lời hồn nhiên: “Mẹ biết để làm gì, đó là bí mật của tụi con, tụi con lớn rồi mà”. Phải khéo léo lắm tôi mới khơi được cu cậu kể về “bí mật”. Hoá ra giới tính luôn là đề tài nóng để câu chuyện của nhóm bạn bè tuổi mới lớn thêm phần sôi nổi, hấp dẫn. Từ chuyện “khẩu súng” của ai lớn hơn, khi nào súng sẽ “nhả đạn”, đứa nào đã nằm mơ thấy “bắn súng” rồi… đến cả việc con gái thích gì, làm thế nào để tiếp xúc và chinh phục bạn gái…

Bỗng nhiên tôi thấy lo lắng quá. Trẻ con bây giờ không còn rụt rè, ngại ngùng khi nói chuyện giới tính nữa. Nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông như hiện nay trẻ sẽ cập nhật được rất nhiều thông tin từ các nguồn khác nhau. Không chỉ học từ thầy cô, cha mẹ, sách báo, phim ảnh… trẻ còn học được rất nhiều từ bạn bè và đặc biệt là qua Internet. Việc trẻ học hỏi kiến thức giới tính từ bạn bè là điều hoàn toàn tự nhiên, tuy nhiên liệu các em đã đủ nhận thức để phân biệt đâu là đúng đâu là sai trước những thông tin bạn bè cung cấp hay không. Nếu đó là nguồn thông tin từ việc học hỏi phim ảnh xấu, từ những trang web đen rồi chỉ vẽ và lôi kéo bạn bè cùng xem thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Chưa kể nhiều lúc muốn làm cho câu chuyện thêm phần lý thú, hấp dẫn, các em lại cung cấp thêm những tình tiết sai trái, lệch lạc. Chính vì vậy việc định hướng và giáo dục giới tính của gia đình và nhà trường là vô cùng cần thiết với trẻ trong giai đoạn này.

Không chỉ đến khi trẻ bước vào tuổi dậy thì mới cần trang bị kiến thức về giới tính mà ngay từ khi trẻ còn bé, ba mẹ cũng cần từng bước giúp trẻ hiểu về giới tính theo độ tuổi. Nếu được định hướng kịp thời trẻ sẽ biết cách chọn lọc khi tiếp nhận nhiều thông tin khác nhau, tránh tình trạng đua đòi, học hỏi những kiến thức sai trái. Luôn gần gũi, trò chuyện và chia sẻ cùng con trong quá trình hình thành và tìm hiểu về giới tính cũng là cách để ba mẹ kịp thời sửa đổi, uốn nắn những nhận thức sai lệch của trẻ, giúp trẻ sớm vượt qua những khó khăn của lứa tuổi dậy thì.

NHẬT HẠ (chuyên viên tư vấn tâm lý – Hội quán Các bà mẹ)