23/12/2024

Khủng hoảng nợ châu Âu có thể còn tồi tệ hơn

Theo Bloomberg, khủng hoảng nợ công của châu Âu đang trở nên tồi tệ hơn do châu Âu hiện không có được những cơ chế mà nước Mỹ đã từng áp dụng năm 2008.

 Khủng hoảng nợ châu Âu có thể còn tồi tệ hơn

 Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) quyết định kiểm toán tiến trình cắt giảm thâm hụt nợ công và cải cách kinh tế của Hy Lạp trong bối cảnh nguy cơ vỡ nợ đang rình rập nước này.

AFP cho biết EU và IMF sẽ quyết định liệu có đưa thêm gói cứu trợ kế tiếp cho Hy Lạp trị giá 11 tỉ USD hay không sau khi có kết luận của đợt kiểm toán này. Hy Lạp đang hồi hộp chờ đợi bởi nếu không có khoản tiền này thì Athens sẽ không đủ khả năng chi trả những món nợ công hiện tại từ giữa tháng 10-2011.

“Ngăn Hy Lạp vỡ nợ quan trọng hơn cả thúc đẩy châu Âu tăng trưởng”

“Tình hình giờ có thể tóm gọn trong một từ: hốt hoảng”

Nhà kinh tế học Ý Mario Deaglio viết trên báo La Stampa về tình hình nợ Hy Lạp

Cuộc họp thường niên của IMF cuối tuần qua ở Washington diễn ra lúc các thị trường tiếp tục sụt giảm sau khi các dự báo kinh tế mới được công bố cho thấy kinh tế thế giới sẽ tiếp tục trì trệ. Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde đã kêu gọi các nước khối đồng euro lập tức thực hiện các thoả thuận của cuộc họp ngày 21-7, bởi yếu tố thời gian giờ là khẩn cấp”. Bộ trưởng tài chính Mỹ Timothy Geithner cũng cảnh báo “ngăn Hy Lạp vỡ nợ lúc này còn quan trọng hơn cả thúc đẩy châu Âu tăng trưởng”.

“IMF đã đưa châu Âu ra xét xử. Cuộc họp thường niên của IMF diễn ra ngày 23-9 với châu Âu ngồi trên băng bị cáo” – báo La Stampa mô tả thân phận của châu Âu lúc này.

Cùng lúc, IMF cho biết một kế hoạch giải cứu khu vực châu Âu đầy tham vọng và lớn hơn đang được chuẩn bị khi khủng hoảng nợ châu Âu đang có dấu hiệu xấu đi. Theo các báo cáo từ IMF, kế hoạch này liên quan đến việc cắt giảm 50% món nợ khổng lồ của Chính phủ Hy Lạp, và dự tính tăng gói cứu trợ khu vực châu Âu lên đến 2.700 tỉ USD. Chính phủ các nước châu Âu kỳ vọng sẽ có được kế hoạch này trong năm hoặc sáu tuần tới. Song giới phân tích cho rằng cái giá thất bại của kế hoạch này là có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính còn tồi tệ hơn.

Các nhà đầu tư cho biết đến nay họ không mấy ấn tượng với tốc độ mà các nhà làm chính sách châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng nợ. Giới phân tích nhấn mạnh đã đến lúc phải hành động và điều cần phải làm hiện nay là bình ổn các thị trường chứng khoán đang dao động. Nếu các ngân hàng lớn không được ổn định thì khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể khiến nền kinh tế toàn cầu trở nên tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Các thị trường chứng khoán Frankfurt và Paris đã tăng khoảng 3% vào buổi trưa và giảm nhẹ ngay sau đó. Chỉ số CAC 40 của Pháp mất 2%, FTSE 100 của Anh và Dax của Đức đã giảm 1% trong phiên giao dịch đầu ngày. Chứng khoán ở Mỹ cũng tăng nhẹ khoảng 0,6% trong phiên giao dịch đầu ngày. Trước đó, giá cổ phiếu châu Á cũng giảm. Chỉ số Nikkei giảm 2,2%, Hang Seng Hong Kong giảm 2,4% và Kospi của Hàn Quốc giảm 2,6%.

“Khủng hoảng nợ châu Âu nghiêm trọng hơn khủng hoảng tài chính năm 2008”

Theo Bloomberg, khủng hoảng nợ công của châu Âu đang trở nên tồi tệ hơn do châu Âu hiện không có được những cơ chế mà nước Mỹ đã từng áp dụng năm 2008.

Trong khủng hoảng tài chính năm 2008, Bộ Tài chính Mỹ đã sử dụng đến những giải pháp “vô tiền khoáng hậu” khi bơm những lượng thanh khoản khổng lồ vào thị trường, tái cấp vốn cho các ngân hàng và trấn an giới đầu tư khi thị trường lo ngại về khả năng thanh toán của giới ngân hàng. Song tình hình ở châu Âu hiện nay đang tiềm ẩn những bất ổn khôn lường nếu các ngân hàng châu Âu bị rút vốn cùng lúc.

“Tình hình châu Âu nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bởi khi ấy Mỹ có cơ chế để giải quyết khủng hoảng” – tỉ phú George Soros nhận định. Ông Soros đề xuất thành lập một bộ tài chính chung cho khối đồng euro nhằm ứng phó với khủng hoảng nợ hiện nay.

Giới phân tích tài chính cho rằng các nhà làm chính sách cần đưa ra nhiều sáng kiến hơn việc thành lập Quỹ bình ổn tài chính châu Âu, vì tính thanh khoản của quỹ này không đủ mạnh trong trường hợp Hy Lạp vỡ nợ, lúc đó sẽ đẩy một loạt nước khác ở châu Âu như Ý, Tây Ban Nha… vào khủng hoảng nợ.

Trong khi đó, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde báo động nguồn tài chính của IMF hiện với 384 tỉ USD không đủ đáp ứng các nhu cầu vay trong tương lai gần của các nước đang bị nợ bao vây và cả các nước đang có nguy cơ vỡ nợ.