Phương án cứu nạn hầm Thủ Thiêm

Ngày 22.9, Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM và các sở ban ngành đã họp bàn kế hoạch diễn tập phương án xử lý tình huống khẩn cấp tại hầm Thủ Thiêm.

 Phương án cứu nạn hầm Thủ Thiêm

Do hầm Thủ Thiêm nằm sâu dưới đáy sông Sài Gòn (cách mặt sông hơn 20m) nên công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), cứu hộ, cứu nạn (CHCN) khi xảy ra sự cố trong hầm là cực kỳ quan trọng và phức tạp.

Ngày 22.9, Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM và các sở ban ngành đã họp bàn kế hoạch diễn tập phương án xử lý tình huống khẩn cấp tại hầm Thủ Thiêm.

Không kịp thời, thiệt hại khó lường

 

Diễn tập phòng cháy chữa cháy

Dự kiến ngày 22.10, các cơ quan chức năng diễn tập cứu hộ tình huống cháy nổ trong hầm. Việc diễn tập nhằm đảm bảo cho kế hoạch thông xe hầm Thủ Thiêm dự kiến vào ngày 20.11. Theo phương án tổ chức giao thông do UBND TP phê duyệt, ô tô con và xe khách lưu thông 24/24 giờ, mô tô và xe máy lưu thông từ 6 – 21 giờ; xe tải từ 5 tấn trở xuống lưu thông từ 8 – 16 giờ và 20 – 6 giờ; xe tải trên 5 tấn lưu thông từ 21 – 6 giờ. Tốc độ tối đa 60 km/giờ. Người đi bộ, phương tiện thô sơ, xe 3 – 4 bánh tự chế, xe vận chuyển hàng nguy hiểm, xe quá khổ, siêu trường, siêu trọng, xe bánh xích, xe vận chuyển súc vật sống không đảm bảo vệ sinh, xe vận chuyển chất thải nguy hại… không được lưu thông.

 

Đánh giá về nguy cơ dẫn đến cháy nổ, đại tá Nguyễn Quang Nhật – Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo chữa cháy và CHCN (Sở Cảnh sát PCCC) – cho rằng chất cháy chủ yếu từ các loại phương tiện tham gia giao thông, hàng hoá trên xe, các thiết bị kỹ thuật và vật liệu trang trí vách hầm. Các loại chất cháy này rất đa dạng nhưng chủ yếu là: xăng, dầu, cao su, dây dẫn điện… Nguồn lửa trong hầm chủ yếu do tia lửa phát sinh từ động cơ xe, tàn thuốc của người lưu thông, sự bất cẩn của khách và nhân viên trong quá trình hoạt động, các sự cố về điện…

Đặc biệt, khác với trên mặt đất, khi xảy ra cháy trong hầm, đám cháy sẽ lan nhanh chóng, kèm khói và khí độc lan toả, giảm nồng độ ô-xy. Do cấu trúc kín, hầm dài nên khói và khí độc sẽ bao trùm toàn bộ không gian hầm gây nguy hiểm cho người tham gia lưu thông, lực lượng chữa cháy cũng khó tiếp cận điểm cháy để cứu hộ. Nhiệt độ cao trong đám cháy có thể gây khó khăn cho người thoát nạn, do hầm kín nên luồng khí nóng từ đám cháy lan toả về 2 phía miệng hầm có thể gây cháy lan sang các phương tiện khác hoặc lan theo các máng dây dẫn điện, thông tin và cháy lan ra toàn bộ đường hầm.

Khi cháy nổ sẽ có hiện tượng nhiên liệu tràn ra ngoài gây nguy cơ cháy lan rộng. Nghiêm trọng nhất, nhiệt độ cao kéo dài còn có khả năng làm sập toàn bộ công trình.

Theo ông Nhật, với khoảng cách trung bình 20 – 25m/ô tô, chưa kể xe máy, trung bình mỗi hướng lưu thông trong hầm sẽ có 80 – 90 ô tô và 100 – 150 xe máy, cao điểm lên đến 150 ô tô và 300 xe máy, tương đương 500 – 800 người. Do đó, khi xảy ra cháy nổ trong hầm thì khả năng thiệt hại về người và tài sản là rất lớn.

Bàn kỹ phương án cứu hộ

 

Hầm Thủ Thiêm (nối Q.1 với Q.2) có 2 đường xe chạy riêng biệt ngược chiều nhau, mỗi đường có 3 làn xe. Hầm có 2 lối thoát nạn (rộng 2m, cao 2,5m) nằm dọc 2 bên hông, được ngăn cách với phần đường cho xe lưu thông bởi tường bê tông dày 0,5m. Đường thoát nạn có hệ thống đèn chỉ dẫn, loa phát thanh, hệ thống quạt hút gió, thoát khói và chống tụ khói sẽ hỗ trợ công tác thoát nạn và chữa cháy. Toàn bộ hầm có 38 cửa thoát nạn (mỗi bên có 19 cửa, cách nhau 50m) để thoát từ đường cho xe lưu thông ra lối thoát nạn. Đối với nguồn nước để chữa cháy, ngoài bể nước bên trong có sức chứa 250m3, còn có các nguồn nước bên ngoài từ rạch Bến Nghé, sông Sài Gòn, các trụ nước, bể nước ở các khu vực lân cận.

 

Thượng tá Nguyễn Vũ Sơn – Phó trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy CHCN – cho biết: “Trong quá trình  diễn tập tại hầm Hải Vân, chúng tôi nhận thấy chỉ sau khi đốt lửa 3 phút thì khói đã lan ra 500m hầm. Tuy hầm Thủ Thiêm có thuận lợi hơn là xe lưu thông một chiều nên có thể ít xảy ra sự cố hơn hầm Hải Vân, song không loại trừ khả năng vì hầm lưu thông một chiều nên tình trạng xe vi phạm về tốc độ và cự ly an toàn sẽ nhiều hơn. Chúng ta cần chủ động bố trí các thiết bị kiểm tra từ xa đối với phương tiện lưu thông, đặc biệt sớm phát hiện chất nổ. Hiện chúng ta cấm các phương tiện chở chất cháy nổ qua hầm, nhưng không loại trừ chất nổ từ nhiên liệu của các phương tiện tham gia lưu thông” – ông Sơn nói.

Ông Trần Khiêm Tuấn – Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực TP.HCM – góp ý cần tính toán trước phương án cúp điện khi xảy ra sự cố, cúp điện từng phần hay toàn bộ. Theo ông Sơn, ngành điện cần thực hiện việc đóng cắt điện theo lệnh của chỉ huy, chứ không phải cứ có sự cố là cắt điện. “Cháy phải cắt điện” là nguyên tắc chữa cháy trên mặt đất, còn ở dưới hầm ngầm mà cắt điện ngay sẽ rất nguy hiểm vì không có ánh sáng để tổ chức chữa cháy, cứu nạn.

Đại diện nhà thầu Nhật thi công gói số 3 về cơ điện khuyến cáo nguồn điện trong hầm nhằm cung cấp cho quạt hút, quạt phản lực, camera… Đây là các thiết bị phục vụ công tác vận hành hầm và PCCC, được thiết kế có chức năng chống cháy nên đề nghị không nên cắt điện trong đường hầm khi xảy ra sự cố. Ngoài ra, cần lưu ý, trong quá trình chữa cháy, nếu lượng nước chữa cháy vượt quá thể tích thiết kế chứa trong đường hầm có thể gây ngập hầm. Tuy ở lối thoát hiểm có thiết kế hệ thống bơm nước, nhưng nếu liên tục xịt nước vượt quá thiết kế thì máy bơm không kham nổi và gây ngập. Về vấn đề này, ông Sơn cho biết đang tính tới phương án chữa cháy bằng các loại khí trơ, sử dụng xe chữa cháy chuyên dụng hút khói, hút nhiệt. Còn nước chỉ dùng nhằm mục đích phun sương làm mát cho cán bộ chiến sĩ tham gia PCCC, chứ không phải chữa cháy toàn bộ bằng nước sông Sài Gòn.