24/12/2024

Nhật Bản ủng hộ Ấn Độ khai thác dầu khí ở biển Đông

“Những động thái này đảm bảo thông tin liên lạc trên biển được thông suốt giữa các bên. Nhật và Ấn Độ phải nỗ lực hết mình để bảo đảm an toàn các tuyến hàng hải và duy trì một châu Á ổn định”

 Nhật Bản ủng hộ Ấn Độ khai thác dầu khí ở biển Đông

Tại hội thảo “Hai nền dân chủ trên biển: vì một châu Á an toàn và tốt đẹp hơn” ngày 20-9 ở New Delhi (Ấn Độ), cựu thủ tướng Nhật Shinzo Abe lên tiếng ủng hộ Ấn Độ tiếp tục thăm dò khai thác dầu khí ở biển Đông.

Theo báo India Times, ông Abe kêu gọi tăng cường hợp tác giữa hải quân hai nước để đảm bảo an toàn các tuyến hàng hải quan trọng ở châu Á. Tuyên bố của ông Abe được đưa ra sau khi Trung Quốc lên tiếng phản đối việc Ấn Độ tham gia thăm dò dầu khí tại hai lô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam hồi tuần qua. Chính phủ Ấn Độ cho biết sẽ tiếp tục thăm dò dầu khí ở khu vực nói trên và khẳng định việc hợp tác với Việt Nam là phù hợp theo luật pháp quốc tế.

Đảm bảo an toàn đường biển

Ông Abe cho biết hải quân Nhật có thể tập trận chung với Ấn Độ và Mỹ thường xuyên hơn. Ông lên tiếng kêu gọi Trung Quốc nếu muốn có thể đến tham gia với tư cách quan sát viên của các cuộc tập trận này. Cựu thủ tướng Nhật Abe nhấn mạnh sự hợp tác giữa New Delhi và Tokyo dựa trên các mối lợi ích giữa hai bên trong vấn đề an ninh và hoà bình khu vực.

Ông Abe cho rằng hải quân Ấn Độ và hải quân Trung Quốc nên hợp tác cùng Mỹ để đảm bảo an toàn các tuyến đường biển thương mại và sự ổn định ở châu Á. “Những động thái này đảm bảo thông tin liên lạc trên biển được thông suốt giữa các bên. Nhật và Ấn Độ phải nỗ lực hết mình để bảo đảm an toàn các tuyến hàng hải và duy trì một châu Á ổn định” – ông Abe nói. Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ AK Antony cho biết New Delhi sẽ tiếp tục đẩy mạnh các mối quan hệ về quốc phòng với Nhật.

Theo Press Trust of India, trước đó đại sứ Nhật tại Philippines Toshinao Urabe đã kêu gọi các bên tranh chấp chủ quyền ở biển Đông nhanh chóng thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Theo ông Urabe, Tokyo sẽ đưa vấn đề trên ra thảo luận với Tổng thống Philippines Begnino Aquino trong chuyến thăm chính thức Nhật từ ngày 25 đến 28-9.

Nhật có thể làm quan sát viên COC

“Nhật nên tham gia quá trình thương lượng COC với tư cách quan sát viên” – ông Tetsuo Kotani, học giả đến từ Viện Okazaki (Tokyo, Nhật), trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 22-9 sau khi tham dự hội thảo của Viện Khoa học xã hội Việt Nam với chủ đề “Hợp tác vì hoà bình, an ninh và phát triển khu vực trong bối cảnh mới”. “Nhật có thể thuyết phục Trung Quốc thương lượng với các nước ASEAN về COC. Nếu có thể, chúng tôi muốn tham gia một phần trong quá trình đó với tư cách quan sát viên” – ông Kotani nói.

Theo học giả Kotani, các nước trong khu vực cần có một COC phù hợp với quy định Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 vì đó “là chìa khoá cho sự ổn định trong khu vực”. Học giả Kotani cho rằng thảo luận về các vấn đề liên quan đến biển Đông cần diễn ra ở cấp cao nhất giữa các nguyên thủ quốc gia, và Nhật có thể đứng ra tổ chức các hội thảo, diễn đàn đa phương cho những thảo luận như vậy.

Theo ông Kotani, giữa Việt Nam nói riêng và Nhật có thể diễn ra các hợp tác song phương trong lĩnh vực hải quân, bắt đầu từ việc đưa tàu thường xuyên thăm viếng nhau đến trao đổi cấp chuyên viên, đào tạo chung và tiến tới tập trận chung. “Chúng ta có thể tập trận ở biển Đông hoặc ở vùng biển của Nhật” – ông Kotani nói.

Biến biển Đông thành khu vực hoà bình, hữu nghị

Báo The Sun Star cho biết tại hội thảo ASEAN về biển Đông diễn ra trong hai ngày 22 và 23-9 ở Manila (Philippines), giới chuyên gia về luật biển thuộc 10 nước thành viên ASEAN đã thảo luận về đề xuất của Manila trong việc xây dựng biển Đông thành một khu vực hoà bình, tự do, hữu nghị và hợp tác.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết ý kiến đúc kết từ hội thảo sẽ được đệ trình lên hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN, sau đó được soạn thảo thành các khuyến nghị trình lên các ngoại trưởng ASEAN trước Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 19 vào tháng 11-2011 tại Bali (Indonesia).

Trung – Mỹ căng thẳng vì Đài Loan

Ngày 21-9, Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt sau khi Washington công bố thoả thuận nâng cấp các máy bay chiến đấu F-16 A/B cho Đài Loan với hợp đồng trị giá 5,85 tỉ USD.

Tân Hoa xã cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân đã triệu đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Gary Locke để phản đối vụ việc trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc đã yêu cầu Mỹ chấm dứt bán vũ khí và ngừng quan hệ quân sự với Đài Loan. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan là trở ngại lớn trong việc thiết lập mối quan hệ ổn định giữa hai nước.

M.L.