24/12/2024

Coi chừng phân bón giả!

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN – PTNT), cả nước hiện có khoảng 400 – 500 cơ sở sản xuất phân bón với hơn 4.000 sản phẩm. Tuy nhiên, số doanh nghiệp (DN) đầu tư công nghệ hiện đại để có sản phẩm chất lượng cao không nhiều.

 Coi chừng phân bón giả!

Sự bát nháo của thị trường phân bón trong những năm gần đây không chỉ làm đau đầu các nhà quản lý mà còn khiến nông dân thiệt hại đủ đường.   

Mặc dù Nghị định 15/2010/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón có hiệu lực từ tháng 4.2010 với mức phạt được nâng lên gấp đôi so với trước đó nhưng hoạt động sản xuất, tiêu thụ các loại phân bón giả, kém chất lượng vẫn tồn tại và có chiều hướng ngày càng gia tăng. Đặc biệt năm nay do nông sản được mùa, được giá, thu nhập nông dân tăng lên, giá phân bón lại tăng nên nạn phân bón giả, kém chất lượng lại được dịp tung hoành. 

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN – PTNT), cả nước hiện có khoảng 400 – 500 cơ sở sản xuất phân bón với hơn 4.000 sản phẩm. Tuy nhiên, số doanh nghiệp (DN) đầu tư công nghệ hiện đại để có sản phẩm chất lượng cao không nhiều. Trong khi đó, phân bón chất lượng thấp thường do các DN có quy mô nhỏ sản xuất với phương tiện máy móc lạc hậu.

Công nghệ sản xuất “cuốc xẻng”

Thống kê sơ bộ cả nước có tới hơn 60 DN sản xuất phân bón giả nhưng trong 2 năm qua chỉ có một số ít bị khởi tố điều tra. Từ đầu năm đến nay, ở TP.HCM nói riêng và các tỉnh Nam Bộ nói chung, tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón giả không hề giảm. Cách đây không lâu, Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã phát hiện 14 tấn phân bón giả tại một cơ sở sản xuất ở P.An Phú Đông, Q.12. Tại cơ sở này, mỗi ngày có hàng chục tấn phân bón giả được sản xuất với “công nghệ cuốc xẻng”, bao bì ghi “sản xuất tại Nga”, sau đó tuồn ra thị trường tiêu thụ tại các quận, huyện vùng ven TP.HCM và các tỉnh lân cận.

 

Bộ NN – PTNT đang trình Chính phủ xem xét phê duyệt Nghị định về Quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón, trong đó áp dụng điều kiện để sản xuất kinh doanh đối với các DN trong lĩnh vực phân bón. Ngoài ra, Nghị định cũng đổi mới phương thức quản lý phân bón bằng hình thức phân nhóm sản phẩm, ban hành danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở VN để kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả hơn.

 

Cách đây không lâu, báo Thanh Niên đã từng phản ánh trường hợp Công ty phân bón Mỹ Việt làm giả phân bón của Công ty phân bón Việt Mỹ. Sau đó cơ quan chức năng đã kiểm tra, đình chỉ hoạt động cơ sở sản xuất của công ty này. Tuy nhiên thực tế cho đến nay Công ty Mỹ Việt đã chuyển địa điểm khác, tiếp tục đưa ra thị trường nhiều sản phẩm lập lờ nhãn mác. Chẳng hạn công ty này vừa đưa ra thị trường một lượng lớn phân bón sản xuất ngày 20.5.2010, trọng lượng 40 kg/bao, hạn sử dụng 2 năm, ghi chung chung trên bao bì: “Phân gà, phân dơi, phân chim cút, bã bùn đã xử lý. Nội tạng động vật thuỷ phân, bột cá, bột tôm. Rong biển, bã đậu phộng…” mà không nêu rõ tỷ lệ % các loại như thế nào.

Theo quy định, sản phẩm phân gà, cút đã xử lý bắt buộc phải có tên trong danh mục của Bộ NN – PTNT mới được đưa ra thị trường, nhưng thực tế không có sản phẩm nào thuộc loại này nằm trong danh mục cho phép. Mới đây công ty này lại tiếp tục đưa ra sản phẩm phân bón NPK nhãn hiệu “Max One”, ở mục thành phần có ghi “Chất kích thích tăng trưởng NAA”. Theo quy định thì sản phẩm có chất kích thích này bắt buộc phải được khảo nghiệm trước khi đưa ra thị trường, nhưng nhà sản xuất cũng phớt lờ…

Cần thuốc đặc trị

Hiện, cả nước có hàng trăm DN sản xuất phân bón với nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau nên không phải ai cũng biết loại phân bón nào có trong danh mục được Bộ NN – PTNT cho phép lưu hành. Trong khi đó, để kiểm tra, phát hiện và xử lý một lô sản phẩm phân bón giả, kém chất lượng, các cơ quan chức năng phải làm việc theo quy trình, mất rất nhiều thời gian. Lợi dụng kẽ hở đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón đã liên tục thay đổi trụ sở, thay đổi mẫu mã, in khống hàm lượng, vi lượng trên bao bì, thậm chí làm nhái bao bì của các DN phân bón lớn để dễ dàng tiêu thụ.

Một nguyên nhân khác của tình trạng đáng lo ngại kể trên là khâu kiểm tra, kiểm nghiệm các sản phẩm phân bón nghi ngờ về chất lượng của cơ quan chức năng hiện nay quá chậm. Thông thường, một mẫu kiểm nghiệm từ khi gửi vào đến khi có kết quả kéo dài từ 1 tuần đến 1 tháng. Trong thời gian này, cơ sở sản xuất – kinh doanh phân bón đã bán hết sản phẩm ra thị trường trong khi các cơ quan không được phép niêm phong, thu giữ. Khi có kết quả làm cơ sở xử phạt thì thị trừơng chỉ còn một lượng sản phẩm nhỏ, do đó không thể nào phạt DN làm giả số tiền phạt lớn, đủ để răn đe được.

Ông Đ.V.H, Giám đốc một công ty sản xuất phân bón uy tín ở Bình Dương, bức xúc: “Cơ quan quản lý đi kiểm tra thực tế thì cao lắm một năm chỉ kiểm tra được 2 lần đối với cơ sở vi phạm. Khi bị phát hiện thì họ sẵn sàng đóng phạt vì lợi nhuận họ kiếm được từ việc bán phân bón giả còn cao hơn”.

Ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc Công ty phân bón Bình Điền, kiến nghị: “Việc kiểm tra, xử lý sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng cần có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương, cần làm kiên quyết và thường xuyên. Bên cạnh đó còn phải tuyên truyền giúp nông dân hiểu rõ chất lượng của từng loại phân bón để họ có sự lựa chọn đúng đắn”.