24/12/2024

Những người trẻ lạ lùng trên chính trường Đức

Đảng Cướp biển Đức, còn được mệnh danh là “đảng của những con mọt sách”, chủ trương đấu tranh cho sự minh bạch, bình đẳng trước pháp luật và sự miễn phí trong cung cấp các dịch vụ giao thông công cộng.

 Những người trẻ lạ lùng trên chính trường Đức

Mang cái tên kỳ quặc “Cướp biển Đức”, thành viên là những “con mọt sách” trẻ tuổi, Đảng Cướp biển Đức đã giành kết quả bất ngờ trong cuộc bầu cử bang Berlin và trở thành đảng đứng thứ tư tại thủ đô Berlin.

Đảng Cướp biển Đức, còn được mệnh danh là “đảng của những con mọt sách”, đã thổi bay mọi hoài nghi, ngờ vực, giễu cợt để giành 9% số phiếu bầu tại cuộc bầu cử bang Berlin ngày 18-9, trong khi đảng của đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ giành được 1,8% phiếu bầu. Sáng 20-9, khi xuất hiện tại toà nhà nghị viện bang Berlin, 15 ông nghị bà nghị này, tuổi từ 20-30, trông chẳng có chút gì đạo mạo như thường thấy lâu nay. Họ mặc quần jean bụi bặm, khoác áo da màu đen, người thì mặc áo thun in hình siêu anh hùng truyện tranh của Mỹ, người thì như mới bước ra từ một trang trại nào đó.

“Từ những con mọt sách công nghệ thành những chính trị gia”, báo Financial Times Deutschland mô tả. “Câu chuyện bầu cử thần kỳ”, nhật báo Bild giật tít và cho rằng những người trẻ này đã giành mất danh hiệu “những kẻ nổi loạn chính trị” từng một thời là của Đảng Xanh.

Vì sự minh bạch

Với logo là một cánh buồm đen trên nền trắng, Đảng Cướp biển Đức đã xuất hiện từ tháng 9-2006, dựa trên mô hình của Đảng Cướp biển Thuỵ Điển (thành lập năm 2006) và là một phần của phong trào Đảng Cướp biển quốc tế đang có mặt tại hơn 30 quốc gia châu Âu và thế giới. Đảng Cướp biển Đức chủ trương đấu tranh cho sự minh bạch, bình đẳng trước pháp luật và sự miễn phí trong cung cấp các dịch vụ giao thông công cộng. “Chúng tôi muốn chính quyền công khai, minh bạch toàn bộ các chính sách, số liệu, thủ tục hành chính” – kỹ sư công nghệ thông tin 27 tuổi Martin Delius, thành viên Đảng Cướp biển Đức, khẳng định.

Theo kênh truyền hình ZDF, toàn bộ thành viên và người ủng hộ Đảng Cướp biển Đức đều trẻ, có học thức và sử dụng Internet nhiều. Câu hỏi được đặt ra: liệu Đảng Cướp biển Đức chỉ đơn thuần là một sự phản kháng, phản ánh sự bất mãn của người trẻ đối với các đảng chính trị lâu đời, hay là một hình thức dân chủ mới trên mạng? Thậm chí báo Suddeutsche Zeitung còn tự hỏi: liệu họ có hơn gì một dạng công ty khởi nghiệp sớm nở tối tàn của thời đại Internet?

Giới phân tích Đức cho rằng thắng lợi của Đảng Cướp biển Đức không hề là chuyện vớ vẩn hay chuyện đùa. Sự đòi hỏi một chính quyền và một nền chính trị hoàn toàn minh bạch là một yêu cầu và đòi hỏi cấp thiết, nhất là khi những công cụ trên mạng như trang WikiLeaks đã và đang vạch trần nhiều bí mật không lấy gì làm tốt đẹp của chính quyền nhiều nước.

“Chắc chắn Đảng Cướp biển Đức không phải là một trò đùa – giáo sư chính trị Christoph Bieber thuộc ĐH Duisburg-Essen khẳng định – Trên Internet, họ đã tìm ra những chủ đề là các vấn đề xã hội cấp thiết như đòi hỏi chính quyền phải cung cấp dịch vụ giao thông công cộng miễn phí cho người dân, đảm bảo mức thu nhập tối thiểu cho người lao động, duy trì tỉ lệ sinh viên – giáo viên tại các trường công ở mức 15-1…

“Đứng lên và tự mình viết luật”

Đảng Cướp biển Đức khuyến khích người dân sử dụng Internet để tham gia trực tiếp vào sinh hoạt chính trị và lập pháp của quốc gia. “Tất cả những gì Đảng Cướp biển cần là một nền chính trị tốt đẹp hơn “, sinh viên toán học Simon Weiss khẳng định.

Theo ông Rick Falkvinge, người sáng lập Đảng Cướp biển đầu tiên tại Thụy Điển hồi năm 2006, giới chính trị gia hiện nay quá thiển cận, không nhìn vượt qua khỏi lợi ích cá nhân và đảng phái, chỉ chăm chăm làm hài lòng nhóm cử tri của mình. Ông cho rằng với Đảng Cướp biển và những công cụ trên Internet họ sử dụng, những người ủng hộ sẽ không phải “nghe người khác đọc luật cho mình” mà “họ có quyền đứng lên và tự mình viết luật”.