Xích lại gần nhau vì biển Đông

ASEAN và các quốc gia phụ thuộc nhiều vào tuyến đường biển đi qua Đông Nam Á đang đến gần nhau vì mối lo chung trước các hành động của Trung Quốc trên biển Đông.

 Xích lại gần nhau vì biển Đông

 ASEAN và các quốc gia phụ thuộc nhiều vào tuyến đường biển đi qua Đông Nam Á đang đến gần nhau vì mối lo chung trước các hành động của Trung Quốc trên biển Đông.

Nhà quan sát quân sự Michael Richardson viết trên báo Straits Times (Singapore) hôm 19.9 rằng: “Để bảo vệ quyền lợi của mình trong vùng biển rộng 3,5 triệu km2 bao gồm tuyến hải hành quốc tế quan trọng, vùng trời rộng lớn và hệ thống cáp viễn thông huyết mạch, các quốc gia bên ngoài khu vực đã đồng thuận với nhau về sự cần thiết phải duy trì hoà bình và quyền tự do đi lại trên biển, mà không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp biển Đông”. Và, “Đối mặt với những tuyên bố xâm lấn và ngày càng hung hăng, đòi kiểm soát đến 80% biển Đông của Trung Quốc, các nước ASEAN và các quốc gia phụ thuộc nhiều vào lưu thông đường biển đang xích lại gần nhau”, ông Richardson viết.

Theo ông, nhiều cường quốc kinh tế và quân sự có lý do chính đáng để quan ngại trước các hành động của Trung Quốc. Trước hết là Mỹ. Biển Đông và eo Malacca chạy ngang Singapore là con đường ngắn nhất mà Mỹ có thể đưa lực lượng hải quân từ hạm đội Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương để vào Trung Đông, Tây Á trong những tình huống cần kíp. Hai đồng minh châu Á của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cần sự hỗ trợ của hải quân Mỹ để đảm bảo hoạt động nhập khẩu nhiên liệu bằng đường biển của mình được trơn tru. Đồng minh thuộc châu Đại Dương của Mỹ là Úc trao đổi thương mại với châu Á chủ yếu qua đường biển Đông.

Gần đây, quốc gia với hơn 1 tỉ dân, Ấn Độ, cũng “gia nhập danh sách các nước lớn quan ngại trước hậu quả của những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”, ông Richardson nhận định. Hồi tuần trước, New Dehli đã thẳng thừng bác bỏ phản đối của Trung Quốc về việc Công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ, ONGC Videsh Ltd, hợp tác thăm dò dầu khí tại lô 127 và 128 của VN. Gọi phản đối đó là “không có cơ sở pháp lý”, Dehli khẳng định các lô này hoàn toàn nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của VN theo Luật biển quốc tế. Hồi tháng 7, tàu chiến Ấn Độ thăm VN cũng phớt lờ tín hiệu cảnh cáo từ một nguồn tự xưng là “Hải quân Trung Quốc”, và tiếp tục hành trình đi qua biển Đông theo đúng kế hoạch.

Trong bài viết với tựa đề Các tuyên bố chủ quyền trên biển gây phân cực của Trung Quốc (China’s polarising maritime claims), ông Richardson cũng nhắc lại bài viết của giáo sư Tommy Koh, một nhà ngoại giao và học giả nổi tiếng của Singapore, đăng trên Straits Times hôm 13.9. Là người chủ nhiệm việc soạn thảo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS, 1982), ông Koh khẳng định trong bài viết của mình rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông là “không phù hợp”, và UNCLOS “không công nhận những tuyên bố chủ quyền như thế”. Ông Koh cũng nhắc lại rằng Trung Quốc đã đồng ý phê chuẩn Công ước thì phải “có trách nhiệm pháp lý trong việc đưa ra luật lệ và quy tắc ứng xử phù hợp với Công ước”.

Ông Richardson nhìn nhận: “Trung Quốc đang tìm cách ngăn chặn những dự án năng lượng và thuỷ sản của các nước khác trong vùng biển mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền hoặc quyền tài phán của mình”. Và, “Điều đó dẫn tới những hệ lụy quốc tế và có thể khiến Trung Quốc đứng vào thế đối đầu với các công ty dầu khí quốc gia và tư nhân của nhiều nước, không chỉ Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei hay Indonesia”.

“Bất kỳ hành động nào của Trung Quốc có nguy cơ gây ảnh hưởng đến quyền tự do hàng hải và hàng không trong vùng biển sẽ khiến Mỹ và các đồng minh trở nên tích cực hơn trong cuộc tranh chấp. Và Ấn Độ có thể cũng tham gia”, ông Richardson cảnh báo.

Minh chứng cho nhận định trên, ông chỉ rõ: “Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã thống nhất lập trường của họ về biển Đông và có kế hoạch nêu ra trước Trung Quốc trong Hội nghị thượng đỉnh Đông Á vào tháng 11 tới ở Indonesia”. Và gần đây nhất, hôm 15.9, trong lễ kỷ niệm 60 năm đồng minh tại San Francisco, Mỹ và Úc đã tuyên bố họ cùng cả cộng đồng quốc tế có “lợi ích quốc gia” về một nền thương mại hợp pháp không bị ngăn trở trong vùng biển Đông. Hai bên cũng nói họ “phản đối việc cậy mạnh để đoạt lợi hoặc ngăn trở các hoạt động kinh tế chính đáng” ở biển Đông. Ông Richardson nói WashingtonCanberra rõ ràng có chủ đích gửi thông điệp này đến Bắc Kinh.

Ấn – Trung cạnh tranh

Ngày 19.9, Báo The Times of India loan tin ngay sau khi Ấn Độ tuyên bố tiếp tục hợp tác với Việt Nam thăm dò dầu khí ở biển Đông, Trung Quốc thông báo sẽ mở rộng khu vực thăm dò tới 10.000 km2 đáy biển ở vùng tây nam Ấn Độ Dương. Đây là một phần trong chính sách phát triển đại dương cho giai đoạn 2011-2015 của Trung Quốc. “Chúng ta sẽ mở rộng độ sâu, phạm vi nghiên cứu đại dương và nâng cao sự hiểu biết của chúng ta về đại dương, đặc biệt tập trung vào những vùng địa cực và vùng biển sâu”, Tân Hoa xã dẫn lời ông Lưu Tứ Quý, Cục trưởng Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc. The Times of India nhận định động thái này của Trung Quốc sẽ có những hàm ý về an ninh.

Hồi tháng 7, Trung Quốc đã được Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế cho phép thăm dò và khai thác khoáng sản ở đáy Ấn Độ Dương. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Ấn Độ lập tức bày tỏ quan ngại, cho rằng Bắc Kinh có thể lợi dụng quyền này để triển khai tàu chiến trong khu vực, theo Báo The Indian Express. Hội đồng Tình báo Hải quân Ấn Độ thì cảnh báo sự kiện này có thể dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng đối với Ấn Độ vì “Trung Quốc có thể đưa ra những lý do để duy trì sự hiện diện liên tục trong khu vực” và “điều này sẽ cho Trung Quốc có cơ hội thu thập các dữ liệu hải dương học và thuỷ học hợp pháp”.

Ngoài khu vực Ấn Độ Dương, Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã có vài lần va chạm về biển Đông. Nhà phân tích Harsh V. Pant tại trường King’s College ở Anh, nhận định trên Báo Japan Times rằng Ấn Độ có quyền phản đối việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền toàn bộ biển Đông. Theo ông Pant, Ấn Độ nên phát triển quan hệ đối tác chiến lược với các nước khác trong khu vực để đối phó Trung Quốc.

V.K