15/11/2024

Ý kiến phản đối là vô giá trị

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định phản đối của Trung Quốc về hợp tác dầu khí Việt Nam – Ấn Độ là vô giá trị.

 Liên quan đến hợp tác VN – Ấn Độ về dầu khí: Ý kiến phản đối là vô giá trị


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định phản đối của Trung Quốc về hợp tác dầu khí Việt Nam – Ấn Độ là vô giá trị.

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên ngày 16.9 về thông tin Trung Quốc phản đối dự án hợp tác thăm dò dầu khí giữa Ấn Độ và Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định các dự án hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, trong đó có các dự án hợp tác tại lô 127, 128, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta.

Các dự án này cũng hoàn toàn phù hợp với Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), phù hợp với tập quán, thực tiễn quốc tế, các thoả thuận đa phương và song phương mà Việt Nam ký kết.  Ông Lương Thanh Nghị khẳng định: “Các ý kiến phản đối sự hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài tại thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và vô giá trị”.

Theo báo Hindustan Times, Trung Quốc gửi công hàm ngoại giao cảnh báo rằng nếu không có sự cho phép của nước này thì hoạt động thăm dò của Công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh Ltd (OVL) tại các lô 127 và 128 là bất hợp pháp. Đến ngày 15.9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du tiếp tục ngang nhiên tuyên bố: “Chúng tôi phản đối bất cứ quốc gia nào có hoạt động thăm dò, khai thác dầu và khí đốt ở các vùng biển thuộc Trung Quốc” và “Các công ty nước ngoài có liên quan không được tham gia vào biển Đông”.

Ấn Độ phản ứng

Đáp lại, Hindustan Times dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vishnu Prakash nói: “Hợp tác giữa chúng tôi và Việt Nam cũng như với các nước khác luôn tuân thủ luật pháp, quy tắc, công ước quốc tế”. Ấn Độ cũng trích dẫn chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với khu vực liên quan và khẳng định tuyên bố của Trung Quốc “không có cơ sở pháp lý”. New Delhi cũng thể hiện rõ quyết tâm tiếp tục dự án hợp tác trên.

Lâu nay, Trung Quốc thường xuyên bị cáo buộc gây khó cho các công ty năng lượng của nhiều nước trong các hoạt động hợp tác khai thác dầu và khí đốt trên biển Đông. Lần này, giới quan sát nhận định không biết vô tình hay cố ý mà Trung Quốc “hăm he” ngay khi đoàn đại biểu cấp cao Ấn Độ đang ở thăm Việt Nam.

Ngoài ra, phát ngôn viên Prakash của Ấn Độ nhắc lại rằng nước này ủng hộ quyền tự do hàng hải trên biển Đông. Đây cũng là ý chính trong tuyên bố chung vừa được Mỹ và Úc đưa ra. AFP ngày 16.9 dẫn tuyên bố nhấn mạnh: “Mỹ và Úc cùng cộng đồng quốc tế có lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm tự do hàng hải, duy trì hoà bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế ở biển Đông”.

Phản đối tàu TQ ở Trường Sa

Liên quan đến phản ứng của Việt Nam về thông tin Trung Quốc cử tàu cá có trọng tải 1.000 tấn đến Trường Sa và hiện có 500 tàu cá thường xuyên hoạt động ở khu vực này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao – ông Lương Thanh Nghị cho biết Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Mọi hoạt động của các bên tại khu vực này mà không có sự chấp thuận của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam”, ông Nghị nói.

Nguyên Phong

 

Đoàn đại biểu Ấn Độ thăm Việt Nam

Chiều 16.9, tại TP.HCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Thứ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Shashi Kant Sharma. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh các kết quả hợp tác giữa Bộ Quốc phòng hai nước, ủng hộ các đề xuất hợp tác của cuộc Đối thoại quốc phòng cấp Thứ trưởng lần thứ 6. Ông Sharma khẳng định quan hệ quốc phòng hai nước đã có bước phát triển tốt ở nhiều phương diện.

Chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Ngoại trưởng Ấn Độ S.M Krishna. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Ấn Độ, đưa quan hệ Đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc. Thủ tướng mong muốn hai bên tích cực triển khai có hiệu quả các thoả thuận đồng thời phối hợp chuẩn bị tốt cho chuyến thăm Ấn Độ chính thức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sắp tới.

Cũng trong ngày 16.9, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm với Ngoại trưởng Krishna và đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 14 Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học và công nghệ giữa hai nước (UBHH).

Ngoại trưởng Krishna cam kết mở rộng hơn nữa nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Hai bên hài lòng đã có nhiều nhận thức chung về tình hình khu vực và quốc tế, khẳng định quyết tâm hợp tác duy trì hoà bình và ổn định khu vực, tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Về biển Đông, hai bên nhất trí về việc đảm bảo tự do hàng hải ở biển Đông, các bên liên quan cần tránh sử dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hoà bình trên cơ sở của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên về biển Đông.

Tại kỳ họp UBHH lần thứ 14 Việt Nam – Ấn Độ, hai bên đánh giá cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực an ninh quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư…

TTXVN