24/12/2024

Với khởi đầu chữ quốc ngữ

Nói đến chữ quốc ngữ, hầu như ai cũng biết công lao của giáo sĩ Alexandre de Rhodes. Tuy nhiên, ông chỉ là người thừa hưởng, hệ thống lại và phát triển thêm từ sự khai mở của các giáo sĩ đi trước, những người vốn được Khám lý Cống Quận công Trần Đức Hoà che chở.

 Công trạng Cống Quận công Trần Đức Hoà: Với khởi đầu chữ quốc ngữ


Nói đến chữ quốc ngữ, hầu như ai cũng biết công lao của giáo sĩ Alexandre de Rhodes. Tuy nhiên, ông chỉ là người thừa hưởng, hệ thống lại và phát triển thêm từ sự khai mở của các giáo sĩ đi trước, những người vốn được Khám lý Cống Quận công Trần Đức Hoà che chở.

Vào thế kỷ thứ 16, đạo Kitô thâm nhập vào Nhật Bản bởi một số nhà truyền giáo Dòng Tên từ Ma Cao đến. Đầu thế kỷ 17, Nhật ban lệnh cấm đạo và trục xuất các nhà truyền giáo. Trong số các giáo sĩ bị trục xuất từ Nhật Bản, có 4 vị thừa sai là hai linh mục Bồ Đào Nha Francesco Buzomi và Diego Carvalho cùng hai trợ sĩ người Nhật là Jose và Paolo được lệnh của của Nhà Dòng, thay vì trở về Ma Cao thì chuyển hướng xuống Hội An của xứ Đàng Trong.

Ngày 18.1.1615, họ cập bến Hải Phố (Hội An). Lúc này ở Hội An, cộng đồng Nhật kiều theo Thiên Chúa giáo đã hình thành và các giáo sĩ này đã dùng tiếng Nhật để chăm sóc họ. Năm 1617, nhóm giáo sĩ ở Hội An được tăng cường thêm linh mục Francesco de Pina và một tu sĩ, tiếp đó lại có thêm các linh mục Cristofono Borri và Pedro Marquez – chứng tỏ, việc truyền giáo ở Hội An có những kết quả khả quan. Chẳng may ít lâu sau, Đàng Trong bị thiên tai hạn hán, dư luận cho rằng do trời đất trừng trị vì có người bỏ thờ cúng tổ tiên, ông bà mà theo đạo mới. Họ quy trách nhiệm cho các thừa sai và giáo dân. Đầu năm 1618, các giáo sĩ lại bị trục xuất khỏi nước Việt. Linh mục Marquez và một tu sĩ được các giáo dân Nhật kiều giúp che chở, trốn tránh ở Hội An. Còn các linh mục Pina, Buzomi, Borri và hai thầy dòng khác thì được quan Khám lý Cống Quận công Trần Đức Hoà, khi đó đang là Trấn thủ Quy Nhơn, ra tận Hội An đón về Quy Nhơn.

Trong cuốn Xứ Đàng Trong năm 1621, linh mục Borri đã ghi chép khá đầy đủ quan Khám lý Trần Đức Hoà đã đối xử rất “biệt nhãn” với các giáo sĩ phương Tây, ông ghi: “Các cha Francesco Buzomi, Francesco de Pina và tôi rời Hải Phố đi Pulucambi với quan trấn tỉnh này. Suốt hành trình, quan trấn đối với chúng tôi hết sức lịch sự và nhã nhặn. Ông cho chúng tôi ở cùng đoàn, dành riêng cho chúng tôi và người thông dịch một chiếc thuyền, hành lý chúng tôi để ở một thuyền khác, chứ không ngổn ngang bên chúng tôi. Suốt mười hai ngày, đi trong những điều kiện thoải mái như thế, sớm chiều ghé vào các cửa khẩu hoặc phố xá tỉnh Quảng Nghĩa (Quảng Ngãi – NV), nơi mà quan trấn có quyền như ở Quy Nhơn… Chúng tôi giãi bày mong muốn ở thị trấn để dễ truyền đạo hơn là ở trong dinh nằm giữa cánh đồng, xa thị trấn tới ba dặm. Vì thương mến, quan trấn không muốn xa chúng tôi, nhưng hy sinh quyền lợi cho dân chúng và gạt lòng yêu thích qua một bên. Quan truyền xây cho chúng tôi một ngôi nhà thờ tiện nghi trong thị trấn Nuocman…”.

“Nuocman” ở đây chính là Nước Mặn – một phố thị cảng sông nằm bên đầm Thị Nại của phủ Quy Nhơn (thế kỷ thứ 17-18). Nơi đây thuyền buôn phương Tây và các nước Đông Nam Á thường xuyên ra vào buôn bán. Cảng thị Nước Mặn xưa kia nay là các thôn: An Hoà, Lương Quang (xã Phước Quang) và thôn Kim Xuyên (xã Phước Hoà) huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Các vị thừa sai Dòng Tên sang truyền giáo ở Đàng Trong từ năm 1615 chủ yếu tập trung ở ba điểm: Cửa Hàn (Đà Nẵng), Hội An – Thanh Chiêm (Quảng Nam) và Nước Mặn (Bình Định) nhưng ở Nước Mặn là trụ sở chính, có cha bề trên Buzomi. Cũng ở đây, linh mục Francesco de Pina mới có điều kiện học tiếng Việt để thành lập thí điểm truyền giáo tiên khởi (cha Pina là thầy dạy tiếng Việt cho Alexandre de Rhodes sau này). Sau đó, linh mục Pina và các linh mục Buzomi, Borri khởi sự nghiên cứu, phân tích và phiên âm tiếng Việt đều ở Nước Mặn.

Ngay trong Lời giới thiệu tác phẩm Xứ Đàng Trong năm 1621 của linh mục C.Borri, hai dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị có nhắc đến chi tiết ông đã cố gắng học tiếng Việt, tuy không thạo lắm, nhưng ông cũng hiểu biết đủ để giảng giáo lý Kitô. “Có một vài câu chữ quốc ngữ trong bản tường thuật của ông cho chúng ta biết: ngay từ những năm 1618-1620 đã có một khởi đầu hình thành thứ chữ này. Cái đặc biệt ở nơi ông, cái làm cho khác với de Rhodes sau này, đó là ông đã phiên âm tiếng Việt theo chữ viết của người Ý, chứ không phải người Bồ. Rõ ràng ông phiên âm và viết gn chứ không nh như nho (trái nho) ông viết là gnoo, nhỏ (trẻ nhỏ) ông viết là gno. Cũng vậy xin ông viết scin, bởi vì theo tiếng Ý nếu viết cin thì đọc uốn lưỡi còn nếu viết sc thì đọc cũng như x”.

Do đó, có thể coi Nước Mặn là nơi phát tích cho buổi đầu phôi thai chữ quốc ngữ. Vì thế, sự bao che của Khám lý Cống Quận công Trần Đức Hoà (nếu không thì các giáo sĩ đã bị trục xuất khỏi Việt Nam) cũng có ý nghĩa nhất định với sự hình thành chữ quốc ngữ trong giai đoạn đầu.