23/01/2025

Vì sao Việt Nam rớt hạng năng lực cạnh tranh?

Nhiều chuyên gia nhận định việc Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa đánh rớt 6 hạng năng lực cạnh tranh của VN so với năm 2010 (xếp 65 trên tổng số 142 quốc gia) xuất phát chủ yếu từ điều hành chính sách.

 Vì sao Việt Nam rớt hạng năng lực cạnh tranh?

Nhiều chuyên gia nhận định việc Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa đánh rớt 6 hạng năng lực cạnh tranh của VN so với năm 2010 (xếp 65 trên tổng số 142 quốc gia) xuất phát chủ yếu từ điều hành chính sách.

Lỗi hệ thống

TS Lê Đăng Doanh cho rằng việc sự kiện nói trên là chỉ dấu đáng lo ngại. “Điều này cho thấy mức độ cải cách của VN không theo kịp mức độ cải cách của các nước và theo tôi, sẽ giúp cho Chính phủ xác định được những ưu tiên đổi mới, thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế”, ông Doanh phát biểu.

Những tồn tại mà báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu đề cập đến VN gồm thâm hụt ngân sách, cơ sở hạ tầng không bắt kịp tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, đặc biệt giao thông đường bộ và cảng biển… đã được cảnh báo từ nhiều năm qua nhưng không được cải thiện.

Ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế cao cấp, cũng bày tỏ quan ngại trước các đánh giá không mấy tích cực của WEF về năng lực cạnh tranh của VN. “Các nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn vào địa điểm đầu tư VN, nếu có hệ số tín nhiệm cao thì tốt, còn không sẽ rất thận trọng. Các vấn đề như cơ sở hạ tầng giao thông bế tắc; sản phẩm làm từ nhà máy đưa ra cảng gặp vô vàn khó khăn… chưa được xử lý. Đó chính là rào cản cho sự phát triển do đầu tư không đúng chỗ và quản lý không tốt đầu tư công”, ông Thành nhận định.

Theo các chuyên gia kinh tế, môi trường đầu tư VN ngày càng cải thiện, nhưng các chính sách để thúc đẩy thay đổi mạnh mẽ hơn nữa vẫn chưa quyết liệt. Do đó, các tồn tại cũ thường được duy trì dài lâu, không được giải quyết dứt điểm, cản trở sự phát triển chung.

 

 

“Hậu quả của việc can thiệp không đúng đã khiến thị trường nóng lạnh thất thường và nền kinh tế sẽ phát triển không bền vững. Nguyên nhân do khách quan từ suy giảm kinh tế thế giới, nhưng phần lớn là chủ quan vì ảnh hưởng từ tư duy điều hành ở quá khứ”

 

Luật sư Trần Hữu Huỳnh

 

 

Ví dụ về điều hành chính sách không hợp lý, ông Thành cho biết: Hồi năm 2008 khi đối mặt với kinh tế thế giới suy giảm, Nhà nước đã quyết định bù lãi suất 4% cho doanh nghiệp (DN). Đây là một quyết định có phần vô lý và đã tác động xấu đến tận bây giờ. “Tôi chưa từng thấy nước nào đã đem ngân sách để trả cho ngân hàng nhằm kéo lãi suất cho vay xuống. Ngoài ra ai vay, ai hội đủ điều kiện để vay, dòng tiền hướng vào lĩnh vực nào… cũng không rõ ràng. Một khoản tín dụng lớn đã được tung ra và tạo ra lạm phát, chảy qua lĩnh vực phi sản xuất, bất động sản. Ngay lập tức tăng trưởng bất động sản khủng khiếp, đẩy giá cả lên cao.

Từ sai lầm này đã dẫn tới nhiều hậu quả khác và kéo dài, thực tế chúng ta đang mắc vào lạm phát từ chính sách trước đấy. Bên cạnh đó, việc quản lý đầu tư công không chặt chẽ đã đẩy vào nền kinh tế một khoản tài chính không tốt cũng tạo ra lạm phát”, ông Thành phân tích. 

TS Doanh cho rằng, các tồn tại ở VN rõ ràng bất cứ nhà quản lý nào cũng nhận thấy, nhưng không giải quyết được là có lỗi trong hệ thống.

Chính sách tình huống

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), nhận định: Nhìn lại thời gian qua, các can thiệp vào thị trường mang tính hành chính quá nhiều, mà không theo các định chế cơ bản. “Điển hình là việc cấp vốn cho đầu tư công và điều hành DN nhà nước. Đáng lý ra chỉ hỗ trợ vào những khiếm khuyết của thị trường chứ không phải can thiệp vào nó. Hậu quả của việc đầu tư dàn trải, lãng phí là lạm phát cao, khiến khả năng cạnh tranh trở nên kém cỏi.

Các chính sách can thiệp vào thị trường giá cả gần đây cũng vậy. Chẳng hạn bán hàng bình ổn giá nên được xem xét lại, một khoản tiền 400 – 500 tỉ đồng ném vào thị trường cực lớn như TP.HCM, Hà Nội thì liệu có đóng được vai trò bình ổn hay không?”, ông Huỳnh đặt câu hỏi.

 

Chính sách điều hành khó dự báo

Lạm phát đã tác động rất lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh của VN, làm mất lợi thế cạnh tranh. Thử hỏi các chi phí đầu vào để làm ra sản phẩm ở VN đều tăng cao, trong khi chi phí đầu ra quốc tế không thay đổi nhiều thì làm sao cạnh tranh của sản phẩm không hạn chế được? Trong bối cảnh không bình thường hiện nay, các chính sách điều hành kinh tế trở nên cập rập, dùng nhiều biện pháp hành chính, thiếu công khai minh bạch và khó dự báo trước.

TS Lê Đăng Doanh

 

Theo luật sư Huỳnh, chính sách nhà nước nên can thiệp vào thị trường đúng lúc, đúng liều lượng vì thực ra nguồn lực có hạn. Cần triệt để hơn trong việc xử lý các vấn đề gây bức xúc của đầu tư công, chi tiêu công; cải cách mạnh mẽ DN nhà nước và tạo điều kiện tối đa cho mọi thành phần kinh tế, để họ kết nối với thị trường quốc tế và trở thành một bộ phận của kinh tế thế giới. Nếu không quyết liệt với các vấn đề trên, thì các phúc lợi xã hội sẽ giảm xuống bởi nguồn lực đã tập trung cho chỗ khác. “Hậu quả của việc can thiệp không đúng đã khiến thị trường nóng lạnh thất thường và nền kinh tế sẽ phát triển không bền vững. Nguyên nhân do khách quan từ suy giảm kinh tế thế giới, nhưng phần lớn là chủ quan vì ảnh hưởng từ tư duy điều hành ở quá khứ”, ông Huỳnh phân tích.

TS Hoàng Thọ Xuân, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết gần đây trong lĩnh vực thương mại có nhiều chính sách xử lý tình huống được cơ quan quản lý đưa ra. Đặc biệt để đối phó với nạn nhập siêu, các chính sách đã khiến nhiều DN không kịp trở tay.

Một số chính sách áp dụng vào thực tế nhưng không tìm hiểu kỹ nguồn căn của vấn đề, thành ra gây tác động khó lường. Chẳng hạn, lạm phát ở ta chủ yếu do chi phí đẩy, chứ chưa chắc là do nhiều tiền, tăng dư nợ tín dụng… Vì thế, nếu cứ thắt chặt tiền tệ, tài chính thì không đi đúng vào nguồn gốc của lạm phát nên hàng hoá sẽ càng ngày càng ít, thì làm sao có giá rẻ được? Chính sách thị trường không tập trung vào những bộ phận làm ra của cải vật chất cho xã hội, thì khó có phát triển bền vững.

“Quan điểm của tôi là, các chính sách của ta có tính chữa cháy nhiều quá. Nguyên nhân có thể xuất phát từ bối cảnh nhiều biến động, các chính sách ngắn hạn ra đời nhưng lại không có sự chuyển tiếp sang dài hạn”, ông Xuân bình luận. 

Theo ông Xuân, chính sách kinh tế nên chú trọng đến các thành phần làm ra của cải cho xã hội. Các DN cần có chính sách riêng, ở đó họ có những ngân hàng được phân định rõ vai trò hỗ trợ cho DN phát triển. Tương tự, nếu xác định phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, vấn đề mà chúng ta nói đến rất nhiều năm qua nhưng không làm được, thì phải đi từ gốc, chọn ra những phân ngành như dệt may, điện tử, cơ khí… để xây dựng chiến lược, quy hoạch, định hướng. “Từ đó mới đề ra chính sách chung, nhưng ở ta lại làm ngược, chính sách chung trước rồi mới đến các vấn đề khác là không đúng”, ông Xuân phát biểu.