22/01/2025

Triều Tiên đã có máy “phá sóng” máy bay?

Seoul đang đặc biệt lo ngại về một loại máy được cho là có khả năng làm nhiễu hệ thống định vị toàn cầu (GPS) với cự ly lên đến trên 100 km của CHDCND Triều Tiên.

 Triều Tiên đã có máy “phá sóng” máy bay?

Seoul đang đặc biệt lo ngại về một loại máy được cho là có khả năng làm nhiễu hệ thống định vị toàn cầu (GPS) với cự ly lên đến trên 100 km của CHDCND Triều Tiên.

Phá sóng cả máy bay Mỹ?

Theo hãng tin Yonhap, báo cáo “Vũ khí làm nhiễu sóng và tấn công trong chiến tranh điện tử của miền bắc” do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc vừa nộp lên Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội nước này nói CHDCND Triều Tiên đang mua lại 23 thiết bị làm nhiễu thông tin và sóng radar do Liên Xô sản xuất với cự ly phá sóng từ 50-100 km. Báo này cũng cho rằng máy làm nhiễu GPS chỉ là một trong số các loại vũ khí điện tử mới mà Bình Nhưỡng đang theo đuổi nghiên cứu. Hàn Quốc cũng nghi ngờ miền Bắc đã thành lập một đơn vị chiến tranh điện tử với những đơn vị thiện chiến được triển khai ở nhiều khu vực.

Những nghi ngờ trên càng tăng khi rộ lên thông tin một máy bay trinh sát của Mỹ từng phải hạ cánh khẩn cấp vì bị CHDCND Triều Tiên làm nhiễu tín hiệu GPS. Theo tờ Chosun Ilbo ngày 8.9, vụ việc xảy ra trong cuộc tập trận chung Hàn – Mỹ mang tên Key Resolve/Foal Eagle 2011 diễn ra vào tháng 3 vừa qua. Tờ báo dẫn báo cáo do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc trình lên Quốc hội cho hay máy bay trinh sát RC-7B phải hạ cánh khẩn cấp sau 45 phút cất cánh vào trưa ngày 4.3 do thiết bị GPS bất ngờ nhiễu loạn bởi tín hiệu được truyền từ các thành phố Haeju và Kaesong, tây nam CHDCND Triều Tiên. Tín hiệu này cũng gây ảnh hưởng tới các tàu tuần tra hải quân, tàu tốc độ cao của Hàn Quốc và các chuyến bay dân sự gần khu vực Gimpo của Seoul. Cũng trong ngày 4.3, quân đội báo cáo nhiều thiết bị GPS mất khả năng hoạt động trong khi người dân ở Seoul than phiền tín hiệu điện thoại di động của họ hoạt động rất chập chờn.

Theo AFP, các phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và lực lượng Mỹ đóng tại nước này đều từ chối bình luận về thông tin trên. Đến ngày 10.9, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ giấu tên bác bỏ chuyện máy bay bị phá sóng GPS. “Chúng tôi không nhận được dấu hiệu cho thấy có máy bay nào phải hạ cánh khẩn cấp trong thời điểm đó”, Reuter dẫn lời quan chức này khẳng định. Tuy nhiên, lời phủ nhận yếu ớt này không đủ xua đi quan ngại về khả năng chiến tranh công nghệ của CHDCND Triều Tiên và trên các diễn đàn của Hàn Quốc, nhiều người vẫn tin rằng sự kiện hồi tháng 3 là có thật.

Tăng cường không quân

Giới chức Hàn Quốc cũng đặt nghi vấn CHDCND Triều Tiên có kế hoạch mua máy bay chiến đấu hiện đại của nước ngoài. Theo Chosun Ilbo, một trong những mục tiêu của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il trong chuyến thăm Nga hồi tháng 8 là nghiên cứu khả năng phát triển không quân. Tờ báo viện dẫn việc ông Kim Jong-il  tới thăm một nhà máy sản xuất máy bay chiến đấu ở Ulan-Ude, thuộc vùng Siberia, Nga để cho rằng Bình Nhưỡng đang tính mua máy bay của Nga.

Lâu nay, Hàn Quốc cho rằng sức chiến đấu của lục quân nước này không bằng miền Bắc nhưng bù lại họ có lực lượng không quân mạnh mẽ và hiện đại hơn, theo Chosun Ilbo. Nay với việc Bình Nhưỡng bị nghi là có khả năng phá tín hiệu GPS của máy bay và đang có kế hoạch tăng cường chiến đấu cơ hiện đại thì ưu thế trên không của Seoul sẽ bị đe doạ. Vì thế, Hàn Quốc đang đẩy mạnh việc mua thêm nhiều máy bay hiện đại của Mỹ. Ngày 1.8, chiếc máy bay do thám, cảnh báo và chỉ huy trên không 737 AEW&C của hãng Boeing đã được chuyển tới Căn cứ không quân Gimhae ở Busan, theo tờ Korea Times. Từ đây đến năm 2012, sẽ có thêm 3 chiếc cùng loại được Boeing giao hàng cho Hàn Quốc.

Hàn Quốc mua vũ khí Mỹ nhiều nhất

Mỹ đứng đầu danh sách các nước bán vũ khí nhiều nhất cho Hàn Quốc trong 5 năm qua, tiếp theo là từ Đức, Israel, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ.

Yonhap dẫn báo cáo từ Cơ quan quản lý chương trình mua sắm quốc phòng (DAPA) của Hàn Quốc cho hay số vũ khí nước này mua từ Mỹ trong giai đoạn trên chiếm 66% tổng số vũ khí được mua. Năm ngoái, Hàn Quốc mua vũ khí trị giá hơn 910 triệu USD từ Mỹ, tiếp theo là từ Israel (66 triệu USD), Anh (54 triệu USD) và Đức (44 triệu USD).

Văn Khoa