22/01/2025

Lo ngại về các cảng biển Trung Quốc

Hầu hết trong số 500 tàu cá Trung Quốc đang ngang nhiên hoạt động ở khu vực Trường Sa đến từ Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Hồng Kông, Ma Cao… Trong đó, con tàu đa chức năng Quỳnh Phú Hoa Ngư-01 được tung ra biển Đông từ ngày 10.9 đến từ cảng Tam Á, tỉnh Hải Nam, theo Tân Hoa xã.

 Lo ngại về các cảng biển Trung Quốc


Từ biển Đông đến Địa Trung Hải, các hoạt động cảng biển của Trung Quốc đang gây quan ngại cho nhiều bên.

“Ổ” ngư chính, hải giám

Hầu hết trong số 500 tàu cá Trung Quốc đang ngang nhiên hoạt động ở khu vực Trường Sa đến từ Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Hồng Kông, Ma Cao… Trong đó, con tàu đa chức năng Quỳnh Phú Hoa Ngư-01 được tung ra biển Đông từ ngày 10.9 đến từ cảng Tam Á, tỉnh Hải Nam, theo Tân Hoa xã. Trên các diễn đàn quân sự Trung Quốc như Wenhui.ch, T.qq.com, Xfjs.org, Picaes.com/topic… xuất hiện nhiều ý kiến nghi ngờ con tàu này được trang bị vũ khí và có thể có cả tên lửa.

Ngoài ra, hệ thống cảng phía nam Trung Quốc, “bệ phóng” của các tàu nước này ra biển Đông, cũng bị cho là có dính líu tới quân sự. Tất cả các cảng này đều rất sầm uất, phát triển mạnh thành những trung tâm thương mại – kinh tế – hành chính và không ngừng được đầu tư để mở rộng tầm ảnh hưởng ra các vùng biển.

Trong đó, cảng Tam Á có diện tích giao thông đường thuỷ 70.000m2, có 3 cầu tàu hạng 1.000 tấn và 2 cầu tàu hạng 5.000 tấn, theo website Chinaports.org. Cảng này nằm ở phía nam đảo Hải Nam, đối mặt với biển Đông, trông ra quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với vị trí này, đây là lựa chọn số 1 cho tàu cá và các tàu ngư chính, hải giám của Trung Quốc làm điểm xuất phát tiến ra biển Đông. Các tàu ngư chính 311, 202 thường quấy rối tàu Việt Nam ở khu vực Trường Sa đều neo đậu và xuất phát từ cảng Tam Á.

 

Philippines lập hệ thống giám sát biển

Tổng thống Philippines Benigno Aquino III vừa ký sắc lệnh bảo vệ quốc gia khỏi các mối đe doạ về biển, theo báo Philippine Daily Inquirer ngày 12.9. Sắc lệnh cho phép thành lập Hệ thống giám sát bờ biển quốc gia, hoạt động như một cơ chế liên ngành để giải quyết các vấn đề biển và bảo vệ an ninh hàng hải. Trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua, ông Aquino III và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cam kết cùng giải quyết hoà bình vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, sau chuyến thăm, Philippines vẫn có nhiều động thái tăng cường sức mạnh. Hồi đầu tháng, Tổng thống Aquino III ra lệnh mua thêm các tàu tốc độ cao và 6 trực thăng mới, đồng thời xây dựng các trạm radar ở các khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, theo AFP.

 

Ngoài Tam Á, cảng Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông cũng là nơi Trung Quốc thường triển khai tàu tuần tra tới biển Đông. Gần đây nhất, hồi đầu tháng 9, Tân Hoa xã đưa tin tàu ngư chính 306 trọng tải 400 tấn đã rời cảng Quảng Châu để đi về hướng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo cổng thông tin thương mại AsiaTradeHub.com, cảng Quảng Châu là có tổng cộng 797 bến tàu và một đường ray xe lửa dài 48 km.

Lo ngại ở châu Âu

Trung Quốc cũng đang đổ tiền đầu tư vào các cảng mang tính chiến lược ở châu Âu, gây nhiều lo ngại cho giới chức ngoại giao và quốc phòng của các nước trong khu vực, theo Reuters ngày 12.9. Từ tháng 6.2010, Công ty tàu thuyền Trung Quốc Cosco chính thức giành quyền kiểm soát bến tàu số 2 tại cảng Piraeus của Hy Lạp thông qua hợp đồng thuê trị giá hơn 4 tỉ USD trong vòng 35 năm. Ngoài ra, Cosco sẽ đầu tư xây bến cảng số 3. Hiện Hy Lạp chỉ quản lý bến tàu số 1 nhỏ hơn nhiều so với bến tàu số 2.

Với vị trí chiến lược nằm gần eo biển Bosporus, cảng Piraeus có thể cung cấp lối vào Địa Trung Hải, biển Đen, Trung Á và Nga. Dù biết Hy Lạp đang rất cần vốn đầu tư để vượt qua khủng hoảng nợ trầm trọng, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra lo ngại về hậu quả lâu dài của việc cho phép Trung Quốc tận dụng thời cơ kiểm soát cảng quan trọng của quốc gia. Chủ tịch Nghiệp đoàn công nhân cảng Piraeus George Nouhoutides nhận định với báo The Sunday Telegraph: “Đó là một thảm hoạ không chỉ cho người Hy Lạp”.

Chưa hết, theo tờ China Daily, Công ty Cosco cũng đang xúc tiến dự án đầu tư vào một cảng ở thành phố Naples, miền nam Ý. Đây là một trong những cảng biển lớn nhất ở Ý nói riêng và ở Địa Trung Hải nói chung. Naples chứa một căn cứ quân sự lớn của NATO, vốn là nơi tập kết máy bay trong chiến dịch không kích Libya.

Reuters dẫn lời một số nhà hoạch định chiến lược châu Âu cho rằng các dự án đầu tư của Trung Quốc ở châu lục này không chỉ đơn thuần phục vụ mục đích kinh doanh. “Vấn đề là các nhà quản lý có cách nhìn thiển cận về Trung Quốc. Họ xem nước này là nguồn đầu tư tốt và quên đi các vấn đề có tính lâu dài”, chuyên gia Alan Mendoza thuộc Tổ chức Nghiên cứu an ninh Henry Jackson Society ở Anh nói. Nhiều nhà quan sát thì cảnh báo tình trạng các công ty Trung Quốc bị phản đối do liên quan tới chính trị ở châu Phi có thể sẽ xảy ra tại châu Âu.