24/01/2025

Đằng sau các dự án nghiên cứu trên biển Đông

Giới chuyên gia đánh giá nhiều bên đang sử dụng các kế hoạch môi trường, nghiên cứu khoa học để củng cố tuyên bố chủ quyền tại biển Đông.

 Đằng sau các dự án nghiên cứu trên biển Đông


Giới chuyên gia đánh giá nhiều bên đang sử dụng các kế hoạch môi trường, nghiên cứu khoa học để củng cố tuyên bố chủ quyền tại biển Đông.

Tờ China Daily ngày 14.9 dẫn lời Chủ tịch Viện Khảo sát và bản đồ Trung Quốc Trương Kế Tiên cho hay nước này sẽ tăng tốc trong việc vẽ bản đồ, đo đạc địa hình đáy biển. “Trong tương lai gần, ngành khoa học bản đồ của Trung Quốc sẽ mở rộng phạm vi từ đất liền đến 3 triệu km2 lãnh hải thuộc chủ quyền của mình”, ông này tuyên bố. Vẫn chưa rõ khi nhắc đến phạm vị 3 triệu km2 này, ông Trương muốn nhắc đến vùng biển nào. Theo tính toán, cả biển Đông có diện tích gần 3,5 triệu km2.

Tuyên bố trên một lần nữa gây lo ngại về những ẩn ý của Trung Quốc trong các dự án nghiên cứu biển. Hồi tháng 7, tàu lặn Giao Long của nước này thực hiện chuyến lặn khảo sát ở biển Đông trong một động thái bị đánh giá là không đơn thuần nghiên cứu mà nhằm tìm kiếm khả năng khai thác tài nguyên ở những vùng biển Bắc Kinh tự nhận là của mình. Chưa hết, Trung Quốc còn bị cho là tăng cường sử dụng kỹ thuật tiên tiến dưới biển sâu để nhằm tăng tác động trong các cuộc tranh chấp chủ quyền trên Thái Bình Dương, nhất là ở biển Đông.

Đài Loan cũng đang tăng cường “chiến lược mềm” trong các tranh chấp trên biển. Theo tờ The Christian Science Monitor, chính quyền Đài Bắc vừa thông báo xây dựng một công viên bảo tồn trên đảo san hô vòng Đông Sa, thuộc quần đảo Đông Sa đang tranh chấp với Trung Quốc. Quần đảo Đông Sa (Pratas Islands) nằm ở đông bắc biển Đông, giữa Hoàng Sa của Việt Nam và Đài Loan.

Giới quan sát đánh giá Đài Loan khó có thể đưa ra các tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ ở biển Đông nên đảo này đang viện tới chuyện “bảo vệ, nghiên cứu môi trường” hoặc xây dựng các công trình dân sinh. Theo tờ Taiwan Daily, Đài Loan vừa khởi công xây dựng một hệ thống điện mặt trời công suất 120 kWh trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tờ báo dẫn lời giới chức cho biết với vốn đầu tư 22 triệu đài tệ (khoảng 15,7 tỉ đồng), đây là dự án điện mặt trời lớn nhất của chính quyền Đài Loan và dự kiến sẽ được hoàn thành trước cuối năm nay.  

Nhật Bản kêu gọi Trung Quốc có trách nhiệm

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda ngày 14.9 bày tỏ nỗi lo ngại về hoạt động tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc và thúc giục Bắc Kinh xử sự như “một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Theo AFP, đây là lần đầu tiên ông Noda phát biểu về vấn đề này trên cương vị thủ tướng mới của Nhật.

Hồi đầu năm, Trung Quốc tuyên bố chi tiêu quốc phòng sẽ tăng thêm 12,7% lên mức 601,1 tỉ nhân dân tệ (khoảng 91,7 tỉ USD) trong năm nay và tăng cường trang bị khí tài mới như tàu sân bay, máy bay tàng hình… Báo The Washington Post dẫn một số nguồn tình báo loan tin Trung Quốc đã hoàn thành việc biên chế Lữ đoàn tên lửa chiến lược DF-31 và DF-31A. Trong số đó, DF-31A là tên lửa đạn đạo liên lục địa, có thể đặt toàn bộ nước Mỹ trong tầm ngắm.