Yếu sức doanh nghiệp Việt
Lý giải về sức đề kháng quá yếu của các DN VN, ông Minh cho rằng, do các DN phụ thuộc quá lớn vào nguồn tín dụng ngân hàng.
Yếu sức doanh nghiệp Việt
“Một doanh nghiệp da giày có thương hiệu mấy chục năm trên thị trường đang nhờ chúng tôi tìm người mua lại nhà cửa, trụ sở của họ. Công ty đang muốn bán một phần tài sản để trả nợ ngân hàng, chứ không muốn phá sản”- ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, kể.
Những câu chuyện tương tự đang xảy ra khắp nơi, trên đủ mọi lĩnh vực ngành nghề.
Yếu vì thiếu tích luỹ
Theo ông Minh, trước đây mấy tháng, Hiệp hội dự báo khoảng 30% doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn nhưng bây giờ thì tỷ lệ có thể là 50%, 10% mất tích. Lý giải về sức đề kháng quá yếu của các DN VN, ông Minh cho rằng, do các DN phụ thuộc quá lớn vào nguồn tín dụng ngân hàng. Cụ thể, ở các nước DN phải có 70% vốn tự có, 30% đi vay. Còn ở VN thì ngược lại; 30% vốn tự có được xem là vốn đối ứng để vay ngân hàng 70%. Do đó, khi ngân hàng không tiếp tục cho vay, DN rơi vào nguy hiểm. Nguyên nhân cơ bản là do 90% DN VN là DN vừa và nhỏ, thiếu và yếu cả nguồn nhân lực, tài chính, kinh nghiệm… Nhưng cũng không thể phủ nhận, có một thời gian, DN lao theo đầu tư mà quên đi việc xây dựng nền tảng vững chắc cho mình. Bên cạnh đó, ý tưởng thành lập DN cũng dễ dãi, nên để tồn tại dài lâu, đi sâu vào đầu tư và sống chết với nghề thì không nhiều, hiện tượng “ăn xổi ở thì” khá phổ biến. Có DN giàu lên nhờ tranh thủ cơ chế, chính sách và cơ hội mang lại, nên đã quá trớn tiêu xài so tích lũy.
|
||
|
Nên quay lại với phương châm đánh nhỏ thắng nhỏ, đánh chắc thắng chắc. Không phải là đánh nhanh thắng lớn, phát triển một cách không thực chất. |
|
TS Lê Đăng Doanh |
||
|
||
|
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, TS Lê Đăng Doanh, nhận xét ưu điểm của DN VN là năng động, chịu đựng khó khăn rất giỏi. Tuy nhiên, cơ sở tài chính của DN thấp, do nhiều người đi lên từ tay trắng hoặc “tay không bắt giặc”. Đa phần tăng trưởng trong thời kỳ dễ dàng khi mà thị trường đang là chỗ vườn hoang, ai cũng có thể tìm kiếm được lợi nhuận. Nhiều người phát triển kinh doanh không dựa trên tích lũy tài sản, lạc quan quá mức. Thậm chí có DN đang vay nợ lớn nhưng vẫn xài sang. Để tăng tích lũy tài sản tốt, phải tự tạo ra cơ sở tài chính cho mình bằng cách huy động vốn cổ đông, phải có chính sách đầu tư thận trọng và hiệu quả hơn. “DN nên quay lại với phương châm đánh nhỏ thắng nhỏ, đánh chắc thắng chắc. Không phải là đánh nhanh thắng lớn, phát triển một cách không thực chất”, ông Doanh nói.
Quyết liệt tái cấu trúc
Theo TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu KT – XH Hà Nội, sự hỗ trợ DN trong lúc khó khăn là cần thiết, nhưng DN cũng nên tự chủ hơn để tránh việc phải rơi vào khó khăn là ngay lập tức cầu cứu. Nếu hỗ trợ thì DN sẽ ỷ lại, còn không nền kinh tế có thể nguy hiểm.
|
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM: Chúng tôi đang thực sự rất lo lắng trước ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của các DN nước ngoài ở VN. Họ bắt đầu thâu tóm DN trong nước, thậm chí mua cả công ty. Nguồn lực tài chính của họ tốt, trong khi năng lực tài chính của DN VN ngày càng cạn kiệt, thì đây rõ ràng là cơ hội của họ. Nhiều DN khó khăn thật sự, nhưng vì ông chủ đã xây dựng DN bằng cả gia sản, bằng chính hạnh phúc gia đình, nên đã ngần ngại tuyên bố phá sản. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Theo tôi biết, nước nào cũng có chính sách trợ giúp cho DN vừa và nhỏ trong lúc khó khăn, vì đây là đối tượng chủ yếu tạo công ăn việc làm cho người lao động và nhạy cảm với tác động bên ngoài. Nhưng ở ta lại tập trung hỗ trợ cho các DN lớn. |
|
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng ở các nước, DN có thể tiếp cận được nhiều nguồn vốn, như các quỹ đầu tư, bên cạnh vốn vay ngân hàng. Các DN vừa và nhỏ ở nước ngoài tuân theo hệ thống quản trị tốt hơn, nên họ tạo niềm tin dễ dàng hơn cho các tổ chức cho vay. DN VN không có những điều kiện như vậy. Trong khi đó, các DN trong nước thời gian qua có chiều hướng không hay là vay tiền để đầu tư vào đất đai, chứng khoán.
Trên thực tế, sau khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, nhiều DN tư nhân đã bắt tay vào tái cấu trúc, tập trung vào kinh doanh cốt lõi, điều chỉnh hệ thống quản trị… nhưng số làm được rất ít. Cho nên, lúc này là thời điểm DN phải quyết liệt tái cấu trúc sau những trả giá cho việc đầu tư những vấn đề không cốt lõi, chạy theo các tham vọng ngắn hạn.
Thay đổi tư duy
Ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc FPT – nhận xét từ 1994 – 2006 là thời kỳ kinh doanh dễ, nhiều cơ hội mở ra nên DN ùa theo luồng chảy đó là có thể kiếm được tiền. Cái này như chiếc lò xo, sau thời gian dài bị ép, khi nhả ra sẽ tiến rất nhanh. Nhưng nếu nhả hết cỡ rồi thì sẽ dừng lại.
Trước đây, VN đóng cửa, DN chỉ kinh doanh với nhau ở trong nhà. Giờ đã hội nhập nên thời của tay không bắt giặc đã qua, đòi hỏi phải có vốn tích lũy, có công nghệ, có con người. Đồng quan điểm này, ông Huỳnh Văn Minh khẳng định, các cơn bão tài chính vừa qua sẽ giúp DN biết được mình mạnh và yếu cái gì để đưa ra phác đồ điều trị về mọi mặt. Chẳng hạn xác định được mặt hàng nào tạo ra giá trị gia tăng cao, bán cho thị trường nào, sản xuất bằng công nghệ gì… Những DN sản xuất thô phải tính toán lại và đặc biệt, hạn chế lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Cách làm căn cơ của các DN nước ngoài ở VN là bài học thực tế cho DN trong nước.
Đơn cử như công ty cổ phần của Thái Lan. Họ sản xuất theo mô hình khép kín, từ con giống đến thức ăn chăn nuôi. Trước đây, nhiều sản phẩm họ cung cấp cho Vissan, giờ đã đưa thẳng vào siêu thị. Thịt tươi của C.P đang lấn dần thị phần của Vissan. Các hãng bán lẻ nước ngoài cũng đang làm cho trị trường bán lẻ trở nên vô cùng khốc liệt. Vì vậy, nếu không thay đổi tư duy, tập trung vào xây dựng nền tảng, tái cấu trúc thì DN VN không chỉ dễ bị tổn thương, dễ khó khăn, dễ phá sản mà còn mất thị phần ngay tại sân nhà khi nền kinh tế trong nước hội nhập sâu hơn với thế giới.