24/01/2025

Nhật – Philippines cam kết về an ninh hàng hải

Nhà phân tích Michael Richardson nhắc lại rằng tân Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda từng nhận định: “Thái độ của Trung Quốc trên biển Đông và các vùng biển khác gây lo ngại nước này sẽ quấy rối trật tự khu vực”.

 Nhật – Philippines cam kết về an ninh hàng hải

Nhật Bản và Philippines tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác trong việc bảo đảm an ninh tại các vùng biển trong khu vực.

Ngày 9.9, giới chức Nhật Bản và Philippines tổ chức cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên về các vấn đề an ninh hàng hải tại Tokyo. Kyodo News dẫn thông cáo từ Bộ Ngoại giao Nhật cho hay tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông là vấn đề chính trong chương trình nghị sự của cuộc hội đàm. Ngoài ra, hai bên còn thảo luận cách hợp tác chống hải tặc và thống nhất tổ chức các cuộc tham vấn thường xuyên về vấn đề an ninh biển. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc có những hành động trên biển gây quan ngại cho các nước láng giềng cũng như cộng đồng quốc tế. Trước đó, báo Hindustan Times đưa tin vấn đề an ninh hàng hải cũng sẽ được bàn tại cuộc hội đàm tay ba đầu tiên giữa các lãnh đạo cấp cao của Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ, dự kiến diễn ra tại Tokyo vào đầu tháng 10.

Cũng trong ngày 9.9, Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì có cuộc điện đàm kéo dài 25 phút nhằm trao đổi các vấn đề an ninh biển. Ông Gemba nói với ông Dương rằng Tokyo muốn hợp tác về an ninh hàng hải và nối lại đàm phán về hiệp ước cùng phát triển mỏ khí đốt ở biển Hoa Đông với Bắc Kinh. Kyodo News dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật cho hay trong cuộc điện đàm, ông Dương không nói khi nào Trung Quốc sẽ nối lại đàm phán về hiệp ước trên, vốn bị trì hoãn sau vụ đụng tàu giữa hai bên trên biển Hoa Đông hồi năm ngoái. Tuy nhiên, hai ngoại trưởng nhất trí tiếp tục hợp tác trong các vấn đề song phương và toàn cầu.

 

Đài Loan lắp điện mặt trời trên đảo Ba Bình

Theo tờ Taiwan Daily, Đài Loan vừa khởi công xây dựng một hệ thống điện mặt trời công suất 120 kWh trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đang do Đài Loan chiếm giữ. Tờ báo dẫn lời giới chức cho biết với vốn đầu tư 22 triệu Đài tệ (khoảng 15,7 tỉ đồng), đây là dự án điện mặt trời lớn nhất của chính quyền Đài Loan. Dự kiến hệ thống trên sẽ được hoàn thành trước cuối năm nay và sẽ đáp ứng phần lớn nhu cầu điện năng trên đảo Ba Bình, nơi đang sử dụng máy phát điện chạy bằng dầu diesel.

Trùng Quang

 

Trước đó, Tân Hoa xã ngày 29.8 đăng bài xã luận trong đó đưa ra một số điều kiện để Trung Quốc có thể cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Bài viết tuyên bố Tokyo “phải tôn trọng lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh ở biển Hoa Đông, nơi hai bên có tranh chấp đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bài xã luận viết rằng Trung Quốc sẵn sàng dẹp qua bất đồng và cùng Nhật thăm dò các nguồn dầu mỏ, khí đốt xung quanh Senkaku/Điếu Ngư nếu Tokyo “công nhận chủ quyền của Bắc Kinh” ở quần đảo này. Trong một bài viết khác đăng ngày 31.8 nhân chuyến thăm của Tổng thống Philippines Benigno Aquino III, Tân Hoa xã tự ý tuyên bố biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Nhà phân tích Michael Richardson tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore bình luận trên báo Japan Times rằng việc thuật ngữ “lợi ích cốt lõi” được dùng cho biển Hoa Đông và biển Đông chứng tỏ Trung Quốc đang khẳng định sự quả quyết của mình về quyền tài phán đối với các đảo tranh chấp. Tuy nhiên, theo ông Richardson, việc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và thực thi quyền này là hai chuyện khác nhau. Chuyên gia này nhắc lại rằng tân Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda từng nhận định: “Thái độ của Trung Quốc trên biển Đông và các vùng biển khác gây lo ngại nước này sẽ quấy rối trật tự khu vực”.

Trong một diễn biến khác, báo The Age dẫn thư tín mật do WikiLeaks vừa tiết lộ cho thấy Chính phủ Úc đang lo ngại về việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương. Theo đó, Ngoại trưởng Úc Kevin Rudd xem các hoạt động ngoại giao và kinh tế đang được tăng cường của Trung Quốc đối với các đảo quốc trong khu vực là thách thức trực tiếp đối với lợi ích của Úc. Các hồ sơ cũng dẫn lời giới ngoại giao Mỹ cho rằng Trung Quốc đang đeo đuổi một chiến lược Nam Thái Bình Dương, bao gồm tìm kiếm nguồn tài nguyên và thực hiện ý định giành ảnh hưởng đối với các đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương.