09/09/2024

Bài giảng của Đức TGM Leopoldo Girelli tại Nhà thờ Chính toà và tại Gx. Mằng Lăng, GP.Qui Nhơn

Trong nhu cầu thúc bách của việc Phúc Âm hoá, chúng ta được khuyến khích và nâng đỡ với một niềm xác tín rằng Chúa là Chủ của mùa gặt, luôn ở với chúng ta và tiếp tục hướng dẫn dân Người. Chúa Kitô là nguồn vô tận cho sứ mệnh truyền giáo của Hội Thánh.

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC LEOPOLDO GIRELLI 
TẠI NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ QUI NHƠN

(ngày 07/09/2011)

Anh chị em thân mến,

Thật vui mừng biết bao khi tôi được hiện diện với anh chị em hôm nay tại Nhà thờ Chính toà này! Trong dịp trọng đại này, chúng ta cảm tạ Chúa vì Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã đến Qui Nhơn gần 400 năm qua.

Tôi nồng nhiệt chào mừng Đức Giám mục của anh chị em, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, cũng như Đức cha Phó Matthêô Nguyễn Văn Khôi. Tôi cám ơn Đức Cha Nguyễn Soạn về những lời chào mừng tốt đẹp. Đặc biệt, tôi chào mừng anh chị em, những tín hữu của Giáo phận Qui Nhơn; và đánh giá cao ước muốn của anh chị em chào đón qua tôi, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, người mà tôi rất khiêm tốn đại diện tại Việt Nam. 

Tôi có thể đoan chắc với  anh chị em rằng Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI rất gần gũi với Hội Thánh Việt Nam và với Giáo phận này. 

Phúc Âm hôm nay nói với chúng ta về lệnh truyền của Chúa Giê-su với 11 môn đệ “hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.    

Chúa Kitô đã trao cho các môn đệ nhiệm vụ ra đi và loan báo lời Chúa, tất cả quyền năng đó chỉ cho 11 người. Có lẽ họ cũng nghi rằng mình không đủ  khả năng để  hoàn thành lệnh truyền của Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Kitô cũng nói với họ “và hãy nhớ rằng Thầy sẽ ở cùng các con mãi đến tận thế”. 

Chúa Kitô không chỉ sai các môn đệ đi, Người còn tiếp tục hiện diện với họ cũng như Người tiếp tục hiện diện với chúng ta hôm nay để chúng ta loan báo Tin Mừng qua cộng đoàn, làm cho người khác thành môn đệ Chúa, và giảng dạy những gì Chúa Kitô đã dạy các môn đệ. Cũng như Chúa Kitô không lìa bỏ chính các môn đệ, Người cũng không lìa bỏ chính chúng ta. 

Lệnh truyền của Chúa Giêsu là một yêu sách của thời đại chúng ta và thúc đẩy chúng ta quan tâm đến nhu cầu khẩn thiết và tầm quan trọng về việc truyền giáo của Giáo Hội. 

Thậy vậy, những lời của Chúa Giêsu không ngừng vang vọng như một lời kêu gọi phổ quát: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,  làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28,19-20). 

Trong nhu cầu thúc bách của việc Phúc Âm hoá, chúng ta được khuyến khích và nâng đỡ với một niềm xác tín  rằng Chúa  là Chủ của mùa gặt, luôn ở với chúng ta và tiếp tục hướng dẫn dân Người. Chúa Kitô là nguồn vô tận cho sứ mệnh truyền giáo của Hội Thánh. 

Sứ mệnh này mời gọi các Giáo Hội địa phương của mỗi đại lục lưu ý trước nhu cầu khẩn thiết để cổ vũ việc truyền giáo. 

Không chỉ những Giáo Hội cổ truyền được kêu gọi tiếp tục nuôi dưỡng tinh thần truyền giáo mà còn các Giáo hội tại các miền truyền giáo như Việt Nam cũng được mời gọi hiến thân cách quảng đại cho sứ mệnh đến với muôn dân. 

Niềm hy vọng của Đức Giáo Hoàng là sự cộng tác truyền giáo sẽ được tăng cường giữa các Giáo Hội của các lục địa khác nhau trên thế giới. 

Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế (Redemptoris Missio) rằng “Giáo Hội là truyền giáo bởi vi chính bản tính của Giáo Hội  theo lệnh truyền của Chúa Kitô không là một cái gì phụ thuộc hoặc bên ngoài, mà là trọng tâm của Giáo Hội”. 

Việc loan báo Tin Mừng vẫn là hợp thời và khẩn thiết. Vì vậy, việc dấn thân truyền giáo đem Tin Mừng của Chúa Giêsu đến tận cùng trái đất vẫn là sứ vụ đầu tiên của Giáo Hội, được gọi để mang ơn cứu độ của Chúa Kitô đến con người của thời đại chúng ta, trong quá nhiều phần đất trên thế giới, nơi mà sự xúc phạm nhân phẩm và áp bức bởi nghèo đói, bạo lực và chà đạp nhân quyền vấn còn thắng thế. 

Giáo Hội không thể tránh né sứ mệnh phổ quát này; vì đối với Giáo Hội thi sú  vụ có một lực trói buộc. Là những thành viên của Giáo Hội, tất cả chúng ta được yêu cầu trở nên những sứ giả Tin Mừng và những nhà truyền giáo giữa chúng ta, trong tất cả môi trường chúng ta sống và làm việc. 

Trong lễ Thánh Thể này, chúng ta hãy cầu xin Chúa canh tân tinh thần truyền giáo nơi các cộng đoàn chúng ta để có thể cũng gây cảm hứng cho những ơn gọi mới. Thật vậy, mỗi cộng đoàn Kitô hữu được sinh ra là một nhà truyền giáo, và chính trên căn bản lòng can đảm loan báo Tin Mừng của anh chị em mà đức tin và tình yêu Chúa được đánh giá. 

Anh chị em không chỉ cộng tác trong việc loan báo tin mừng nhưng hơn nữa, anh chị em cảm thấy rằng mình là những vai chính và đồng trách nhiệm trong việc loan báo này. 

Anh chị em thân mến, mệnh lệnh truyền giáo mà Chúa Kitô trao phó cho các Tông đồ bao gồm tất cả chúng ta. Chúng ta hãy góp phần loan báo Tin Mừng, trước hết, tại đây trong quê hương yêu dấu của anh chị em. 

Xin Đức Mẹ La Vang và các Thánh Tử đạo Việt Nam che chở phù trợ Giáo phận Qui Nhơn. Amen.

***

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC TGM LEOPOLDO GIRELLI 
TẠI NHÀ THỜ MẰNG LĂNG, QUÊ HƯƠNG Á THÁNH ANRÊ PHÚ YÊN

(NGÀY 08/09/2011)

Anh chị em thân mến,

Tôi rất vui mừng hiện diện tại Nhà thờ Mằng Lăng này và tôi chuyển tới anh chị em  lời chào thăm thân tình, yêu mến của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI của chúng ta. 

1. Hôm nay, ngày 8-9, chúng ta cử hành lễ Sinh nhật của Mẹ Maria. Lễ này cho chúng ta cơ hội để ca tụng, cảm tạ va tôn vinh sự thánh thiện và ơn gọi của Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu.

Ơn gọi của Maria là Mẹ Thiên Chúa, biểu hiện qua Chúa Giêsu, được đặt nền tảng trên một số đoạn Kinh Thánh.

Trong sách Isaia, chúng ta tìm thấy lời tiên báo liên quan đến Đức Trinh Nữ Maria: “Này đây, trinh nữ sẽ thụ thai và hạ sinh một con trai và người ta sẽ gọi ngài là Emmanuel”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7,14; Mt 1,23).

Và trong Tin Mừng, người chị họ Elizabeth của Mẹ Maria tuyên bố trong cuộc thăm viếng: “Làm sao tôi được diễm phúc này là được Mẹ của Chúa đến viếng thăm tôi?”.

Vì thế, tước hiệu Mẹ Maria là Mẹ của Thiên Chúa đã được nhin nhận từ lúc khởi đầu của Giáo Hội. Cũng vậy, Công đồng Êphêsô đã tuyên xưng Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, đúng theo ý nghĩa thật của từ ngữ.

Trong lễ kính hôm nay, chúng ta cử hành việc Đức Trinh Nữ Maria được Thiên Chúa tiền định làm Mẹ Chúa Giêsu, Thiên Chúa nhập thể. 

Đức Trinh Nữ Maria là đồng trinh khi sinh hạ Chúa Giêsu. Chính sự trinh tiết của Đức Mẹ đã tự nói lên. Được tạo dựng như một  tạo vật mới, là Evà thứ hai, Đức Mẹ Maria là vô nhiễm nguyên tội ngay từ giây phút được thụ thai. Mẹ Maria được tạo dựng thánh thiện, đã cưu mang Con Chúa trong thánh thiện, đã sống đời thánh thiện trước Nhan thánh Chúa và được đưa về Trời trong thánh thiện sung mãn. Quả thật, Mẹ sẽ được chúc phúc qua mọi thế hệ.

2. Anh chị em rất thân mến,  tôi biết rằng Giáo phận Qui Nhơn có khoảng 69.512 tín hữu và sự tham dự thánh lễ Chúa nhật là rất cao. 

Ngoài ra, có 47 giáo xứ, 91 linh mục triều và dòng; 194 nữ tu, 34 chủng sinh và 33 chùng sinh dự bị, 817 giáo lý viên. 

Chúng ta ca tụng và cảm tạ Chúa về những thành quả hiện tại trong Giáo phận này,  và chúng ta tin tưởng cầu xin cho cộng đoàn Công giáo được gia tăng. 

Thật ra, có một số thách đố, cụ thể là

 nhu cầu cho sách giáo lý vấn đáp toàn bộ của học thuyết công giáo.

- Thiếu nguồn vốn để tái thiết, không chỉ các nhà thờ, nhưng đặc biệt là các cộng đoàn.

- Hơn nữa, sự nghèo đói vẫn còn ảnh hưởng phần lớn dân số. 

Nhưng niềm hy vọng của chúng ta thì lớn hơn những thách đố này và tôi tin tưởng rằng Giáo phận sẽ phát triển hơn trong những năm tới để đến năm 2018 anh chị em sẽ cử hành trong vui mừng và tạ ơn dịp kỷ niệm 400 năm Tin Mừng đến trong lãnh địa này. 

Vì vậy, tôi khuyến khích mọi nổ lực để thực hiện chương trình mục vụ giáo phận, nhắm đến tăng cường tinh thần hiệp thông và việc giảng dạy giáo lý. 

3. Anh chị em thân mến, trong lễ kính Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria, cho tôi nhắc lại những lời của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: “Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa mà Phụng vụ nêu bật hôm nay, nhấn mạnh sứ mệnh duy nhất của Đức Trinh Nữ Diễm Phúc trong lịch sử cứu độ: một sứ mệnh là căn nguyên của việc tôn kinh và lòng sùng mộ mà Kitô hữu dành riêng cho Đức Mẹ. 

Thật vậy, Mẹ Maria đã không nhận quà tặng của Thiên Chúa cho riêng mình, nhưng để mang Thiên Chúa vào trong thế giới: trong sự trinh khiết của Đức Mẹ, Thiên Chúa đã ban cho con người quà tặng của ơn cứu độ muôn đời. Và Mẹ Maria liên tục ban tặng phương dược cho Dân Chúa, trong cuộc hành hương qua lịch sử hướng về vĩnh cửu, như khi Mẹ đã trao tặng cho các mục tử tại Bêlem. 

Mẹ là Đấng đã ban đời sống dưới thế cho Con Chúa, tiếp tục ban cho nhân loại đời sống thần linh, chính là Chúa Giêsu và Thánh Thần của Người. Vì lý do này, Mẹ được xem là Mẹ của mỗi một người, được sinh ra cho Ân sủng và cùng lúc được khẩn cầu là Mẹ Hội Thánh” (Bài giảng lễ trọng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, 1-1-2011). 

Nguyện xin Đức Trinh Nữ Diễm Phúc che chở và phù trợ Giáo phận Qui Nhơn. Amen.