18/09/2024

Giúp bé vượt qua cú sốc đầu đời

bất kỳ đứa trẻ nào bước vào một môi trường mới cũng dễ bị sợ sệt, lo lắng, biểu hiện ra ngoài bằng những triệu chứng như khóc la, rối loạn giấc ngủ, biếng ăn… Thậm chí có trẻ còn gồng cứng cả người, trợn mắt như lên cơn động kinh; có trẻ bị thoái lùi như đã biết đi tự nhiên không đi nữa, biết nói từ câu 5 tiếng giảm xuống chỉ còn 1 tiếng; có trẻ mất kiểm soát vệ sinh…

 Giúp bé vượt qua cú sốc đầu đời

Gương mặt họ căng ra như sợi dây đàn sắp đứt, nước mắt chực tuôn trào, hai chân cuống quít chỉ muốn bước ngay vào lớp. Họ là những ông bố, bà mẹ mới gửi con đi nhà trẻ lần đầu.

Cả mẹ cả con cùng… sốc

“Buổi sáng, con cứ bấu chặt vào vạt áo mẹ như sợ vuột mất mẹ. Tiếng khóc thét của con như muôn ngàn mũi kim châm vào lòng mẹ. Chiều về, con chạy băng băng về phía mẹ nức nở tủi thân. Ôi, tội nghiệp con gái bé bỏng của mẹ. Mẹ không còn đủ can đảm cho con đi học nữa. Thôi, đợi đến sang năm, con nhé. Mẹ bế con về với vòng tay an toàn của mẹ, của ba đây” – đó là những dòng nhật ký của một bà mẹ sau 3 ngày đưa đứa con đầu lòng 2 tuổi rưỡi đi nhà trẻ. Là một phụ nữ mạnh mẽ, cứng rắn, quyền lực “hét ra lửa” nhưng đến khi chứng kiến những giọt nước mắt của thiên thần bé bỏng lần đầu tiên phải xa cha, xa mẹ, bao nhiêu dũng khí của chị trở nên mềm như cọng bún. Có 1.001 “mối đe doạ” ở nhà trẻ để chị phải sợ hãi: sợ con té, sợ con bị bạn ăn hiếp, sợ con tè dầm mà cô chậm thay quần, sợ con cho tay bẩn vào miệng, sợ con bị cô giáo đánh, sợ con đói…, không kể sao cho hết. Mà một khi mẹ đã lo lắng, con không thể nào không bất an.

Hễ thấy trường là… ói

Bác sĩ Thái Thanh Thuỷ, Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, bất kỳ đứa trẻ nào bước vào một môi trường mới cũng dễ bị sợ sệt, lo lắng, biểu hiện ra ngoài bằng những triệu chứng như khóc la, rối loạn giấc ngủ, biếng ăn… Thậm chí có trẻ còn gồng cứng cả người, trợn mắt như lên cơn động kinh; có trẻ bị thoái lùi như đã biết đi tự nhiên không đi nữa, biết nói từ câu 5 tiếng giảm xuống chỉ còn 1 tiếng; có trẻ mất kiểm soát vệ sinh… Ngoài ra, một phản ứng thường gặp nhất là ói. Nhiều bé ở nhà chẳng ói bao giờ nhưng cứ lên tới lớp là ói, ói đến lả cả người.

Cô Trần Thị Ngọc Tuyết, Hiệu trưởng trường Mầm non Sơn Ca 11 (quận Phú Nhuận, TP.HCM) khuyên, phụ huynh nên cho bé đến chơi ở sân trường, rồi từ từ “tịnh tiến” vào lớp học cho bé làm quen, đầu tiên là cùng với ba mẹ, thời gian đến lớp ngắn, sau đó ba mẹ rút dần, thời gian học tăng lên. Cô Tuyết cũng cho biết, theo chỉ đạo của Sở Giáo dục, nhiều trường mầm non tại TP.HCM đã tổ chức “Mái nhà xanh” – căn phòng có nhiều đồ chơi, truyện… để cha mẹ đưa bé đến chơi và làm quen với trường trước khi vào lớp học. Theo cô Tuyết, thời điểm tốt nhất trong ngày để bắt đầu đưa trẻ vào lớp làm quen là vào buổi chiều, trước giờ tan học, khi hầu hết các trẻ vui vẻ được gặp cha mẹ.

Tuổi nào đi học là tốt nhất?

“Nhà có ông bà, người giúp việc nên tôi đợi đến lúc bé 4 tuổi mới cho đi học. Bé còn nhỏ, sự chăm sóc là quan trọng nhất chứ học hành được gì đâu. Cực chẳng đã mới phải cho con đi học sớm” – anh Ngô Thanh Sơn, một doanh nhân thành đạt ở Hà Nội chia sẻ. Tuy nhiên, theo bác sĩ Thủy, những năm đầu đời mới chính là giai đoạn quan trọng nhất cho não bộ phát triển nên nhìn chung, một môi trường có thầy cô, bạn bè, nhiều đồ chơi như nhà trẻ kích thích não bộ phát triển tốt hơn so với ở nhà. Bác sĩ Thủy cho biết, 18 tháng là giai đoạn đỉnh cao của phát triển trí tuệ nên đây cũng chính là lúc thích hợp nhất để cho trẻ đi học.

Cuối cùng, cả cô Tuyết và bác sĩ Thuỷ đều có chung một lời khuyên: dù cho con đi học vào tuổi nào, cha mẹ cũng hãy “giảm sốc” cho trẻ bằng thái độ bình tĩnh của mình và luôn nói trước cho trẻ biết: chiều mẹ sẽ đến đón con.