Chuyện sưu tầm “tuyệt bản”
Có một luật bất thành văn của dân chơi sách và nghiên cứu về sách: bản sách đầu tiên là giá trị nhất.
Chuyện sưu tầm “tuyệt bản”
Đến buổi trưng bày sách báo cũ tại Nhã Nam thư quán, nhiều người hẳn sẽ ngạc nhiên khi nhìn thấy tập thơ Gửi hương cho gió của nhà thơ Xuân Diệu xuất bản lần đầu tiên năm 1945, Nửa chừng xuân của nhà văn Khái Hưng in năm 1934, seri Sách lá mạ đăng những tiểu thuyết của nhóm Tự Lực văn đoàn in từ năm 1934, bản sách Bỉ vỏ của nhà văn Nguyên Hồng in năm 1938… với chất lượng còn rất tốt, các chữ không bị nhòe và người đọc vẫn có thể cầm trên tay rồi giở ra từng trang để đọc. Tồn tại gần một trăm năm mà vẫn giữ được chất lượng như trên bởi đa số những quyển sách được in trên giấy dó, chất liệu mà các máy in hiện đại thời bây giờ không thể in được.
Có một luật bất thành văn của dân chơi sách và nghiên cứu về sách: bản sách đầu tiên là giá trị nhất. Nhiều khi sách có nhiều lỗi chính tả hay một vài chỗ viết dài dòng sau này tái bản đã bị biên tập lại nhưng khi nghiên cứu người ta chỉ lấy tư liệu từ bản in đầu tiên, công nhận giá trị có được từ bản sách nhiều “lỗi” này. Chính vì thế mà những quyển sách Từ điển Việt – Bồ – La in từ năm 1651 tại Roma đến nay chỉ còn lưu lại 3 bản hay quyển Phép Giảng Tám Ngày… được giới mê sách cổ săn lùng và có giá trị hàng triệu “đô” nhưng vẫn không tìm được người chịu bán. Trong danh sách những quyển từ điển được truy lùng ráo riết còn có quyển Đại Nam Quấc âm tự vị của học giả Huình Tịnh Paulus Của in năm 1895. Đây là từ điển Hán – Nôm, mỗi chữ một nghĩa khác nhau nên từng chữ được khắc rời với số lượng bản khắc và công nghệ chạm chữ đến nay không ai có thể bắt chước được. Mãi đến năm 1975, nhà sách Khai Trí, tiền thân của nhà sách Fahasa có xuất bản lại, tuy nhiên, chất lượng in không thể so bì với bản ra đời đầu tiên.
Điểm qua những gương mặt “trẻ” trong làng sưu tầm sách có những cái tên như: Hoàng Minh, Vũ Hà Tuệ, Trần Văn Chung… Chưa phải là những “đại gia” có nhiều sách nhất nhưng họ là người yêu sách, sưu tầm và sẵn sàng chia sẻ cho những người bạn có cùng “chí hướng” bản sách mà mình đang có, đó là điều đáng quý.
Mê sách là một chuyện, sưu tầm sách cũng phải có duyên nữa, Anh Hoàng Minh kể: “Có lần tôi phải lặn lội xuống các tỉnh miền Tây vì nghe người ta nói ở đó có người đang giữ một bản sách quý. Tuy nhiên, khi tìm được đến nhà thì người chủ lại không chịu nhường lại, tôi cũng đành ngậm ngùi quay trở về tay không”.
Khoảng chục năm trở lại đây, giới chơi sách cổ bắt đầu sưu tầm những “tuyệt bản”, bản sách in lần đầu tiên và chưa bao giờ được nhìn thấy trên văn đàn cũng như trong giới chơi sách. Một điều khá lạ lùng là trong số những dị bản được “truy tìm” có tiểu thuyết Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng và tập thơ Gái quê của Hàn Mạc Tử. Nghe thì có vẻ lạ đời, nhưng từ khi in đến nay chưa ai trong giới chơi sách biết được hình dạng thật của chúng. Và có lẽ còn nhiều quyển sách cũ nữa được đánh dấu “tuyệt bản”, mãi là một bí mật chưa thể lý giải mà người đọc muốn tiếp cận phải nhờ vào những người sưu tầm sách nhiệt tâm này.