23/01/2025

“Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn

Nông dân hiền lành, chất phác Võ Hồng Ngoãn ở Bạc Liêu được nhiều người gọi là “vua tôm”. Nhờ nuôi tôm hiệu quả, ông đã giúp tạo việc làm cho 50 lao động dân tộc Khmer, vốn không được học hành, không nghề nghiệp

 “Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn

Nông dân hiền lành, chất phác Võ Hồng Ngoãn ở Bạc Liêu được nhiều người gọi là “vua tôm”, bởi bao năm nuôi tôm chưa từng thất bại, ông có nhiều sáng kiến để áp dụng quy trình nuôi tôm sạch, bền vững…

Quy trình nuôi tôm “gây sốc”

Vụ nuôi năm 2011, dịch bệnh trên tôm hoành hành diện rộng ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. Tôm chết hàng loạt, nhiều nơi chết gần 100% diện tích thả nuôi, hàng trăm hộ khốn đốn, nợ nần bủa vây. Vậy mà tôm nuôi của ông Võ Hồng Ngoãn (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) không hề hấn gì. Dù các vuông có tôm bị chết vây quanh nhưng toàn bộ 15 ha tôm của ông Ngoãn luôn khoẻ, hiện chuẩn bị cho thu hoạch, trọng lượng tôm đạt kích cỡ từ 25-30 con/kg, cầm chắc lời hàng tỉ đồng.

 

“Vua tôm” xứng danh là một chuyên gia chân đất khi đã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, quy trình nuôi tôm cho hàng trăm kỹ sư thuỷ sản

 

 

Đó là kết quả của một quá trình luôn tìm tòi, nghiên cứu để có được một quy trình nuôi tôm sú bền vững của ông. Nhiều sáng kiến của ông đã “gây sốc” cho các nhà khoa học khi lần đầu tiên họ đến tham quan. Trong nhiều năm, ông Ngoãn chỉ thả nuôi với mật độ thưa, từ 7-9 con/m2, thay vì 25-50 con/m2như nhiều người áp dụng, nhưng hiệu quả thì hơn hẳn. Đây là bất ngờ đối với các nhà khoa học và nhiều người dân bởi lâu nay người nuôi tôm sú ở ĐBSCL thường thả nuôi với mật độ dày, hy vọng có lãi cao. Cách nuôi thưa của ông Ngoãn thành công, lợi nhuận mỗi năm hàng tỉ đồng đã thuyết phục các nhà chuyên môn. Mô hình này giúp giảm tối đa chi phí sản xuất, nhất là giống, thức ăn, các loại thuốc thú y thuỷ sản. Nhờ thả tôm thưa mà rủi ro thấp, môi trường không ô nhiễm, tôm mau lớn, bán được giá và lợi nhuận cao, một cách làm phù hợp với hộ nghèo, ít vốn sản xuất. Ngoài ra, trong quá trình nuôi tôm, từ xử lý nước, xử lý môi trường… ông Ngoãn chỉ sử dụng các chế phẩm vi sinh, không sử dụng hoá chất. Quan trọng nhất là khâu chọn giống, chính ông trực tiếp chọn mẫu và xét nghiệm sạch bệnh mới mua thả nuôi.

Ông Ngoãn lý giải, trong những năm qua, chi phí nuôi tôm thứ gì cũng tăng, có nhiều thứ tăng chóng mặt, người dân sau sản xuất đã không còn lợi nhuận. Do đó, cần phải nghiên cứu làm giảm chi phí đến mức thấp nhất. Một kinh nghiệm khác là ông Ngoãn đã dùng ốc bươu vàng thay thế một phần thức ăn công nghiệp cho tôm. Vụ tôm năm 2008, ông đã thu mua gần 300 tấn ốc bươu vàng cho tôm ăn (bình quân mỗi ngày sử dụng trên 1 tấn ốc). Do ốc bươu vàng giá rất thấp, mỗi kg ốc thịt chỉ 4.500 đồng, trong khi giá thức ăn công nghiệp từ 20.000 – 30.000 đồng/kg, việc sử dụng ốc bươu vàng đã giúp ông giảm chi phí hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó là việc góp phần diệt ốc bươu vàng đang gây hại rất lớn cho nông dân trồng lúa, tạo thêm công ăn việc làm cho hàng trăm hộ nghèo bắt ốc bươu vàng bán cho ông. Hay cách ông sử dụng mật ong để thay thế dầu trong thức ăn, vừa kích thích tiêu hoá, vừa phòng trị bệnh đường ruột cho tôm. Ông còn nghiên cứu vận dụng áp lực nước để đẩy chất bẩn từ đáy ao nuôi ra kênh xả mà không cần sử dụng máy bơm, không phải xử lý bằng hoá chất. Dùng ống đo nhiệt y tế rẻ tiền để kiểm tra nhiệt độ trong ao, từ đó điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, tránh gây ô nhiễm nguồn nước do sử dụng thức ăn dư thừa.

 

Tấm lòng với trẻ em nghèo

Nhờ sự hỗ trợ của ông, nhiều trẻ em nghèo được tiếp tục đến trường, không phải bỏ học để đi mò tôm, bắt cá phụ giúp gia đình. Ông Ngoãn và một nhà hảo tâm khác là ông Tạ Phùng Hưng đã đầu tư trên 80 triệu đồng xây dựng trường tiểu học, hỗ trợ áo, quần, cặp sách, mua bảo hiểm y tế cho trên 50 học sinh.

 

Việc ông Ngoãn áp dụng thành công mô hình nuôi tôm vi sinh, nuôi tôm sạch, đạt kích cỡ lớn là rất có giá trị, phù hợp để nhân rộng trong điều kiện các nước nhập khẩu thuỷ sản trên thế giới đã lập nhiều rào cản kỹ thuật đối với tôm nhập khẩu. Tôm nguyên liệu “siêu sạch” của ông luôn được các doanh nghiệp đặt mua với giá cao hơn thị trường từ 15-30%.

Ông Ngoãn kể, giã từ cái nghiệp “lơ xe” đường trường, với những đồng vốn tích cóp được, năm 2001, ông bắt đầu nghề nuôi tôm sú tại xã Vĩnh Trạch Đông với quy mô 3 ha. Vượt qua nhiều khó khăn, nay ông đã có hơn 15 ha nuôi tôm. Năm 2004, ông Ngoãn được tỉnh chọn đi dự Hội nghị điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc, được các Bộ KHCN, Công thương, NN-PTNT… cấp chứng nhận và tặng thưởng nhiều bằng khen về sáng kiến và quy trình nuôi tôm sú sạch.

Truyền bí quyết cho kỹ sư

Dáng người đen sậm, trong bộ đồ phèn, luôn túc trực trên đầm tôm, ông Ngoãn luôn niềm nở, sẵn sàng truyền đạt, hướng dẫn tận tình những bí quyết nuôi tôm của mình cho các nông dân khác. Gần như lúc nào cũng thấy “vua tôm” bận rộn trả lời điện thoại, khi thì tư vấn cho một nông dân ở Trà Vinh cách chọn giống, lúc thì chỉ cách xử lý nước cho một nông dân Sóc Trăng… Ngay trên đầm tôm của ông, ngày nào cũng có người đến tham quan, học hỏi. Nhiều cán bộ lãnh đạo ngành thuỷ sản các tỉnh ĐBSCL, các nhà chuyên môn của Thái Lan, Campuchia, Bangladesh… cũng tìm đến tận đầm tôm của ông để học hỏi kinh nghiệm và được ông nhiệt tình hướng dẫn. “Vua tôm” xứng danh là một chuyên gia chân đất khi đã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, quy trình nuôi tôm cho hàng trăm kỹ sư thuỷ sản. Nhờ nuôi tôm hiệu quả, ông đã giúp tạo việc làm cho 50 lao động dân tộc Khmer, vốn không được học hành, không nghề nghiệp. Trong số họ, nay có người có thể trực tiếp quản lý cả chục ao tôm, dày dạn kinh nghiệm, vững vàng về kỹ thuật nuôi tôm. Mỗi lao động được ông trả lương trên 2 triệu đồng/tháng và tiền thưởng, các tổ trưởng, tổ phó phụ trách khu nuôi còn được thưởng vài chục triệu đồng sau khi thu hoạch tôm. Ông cũng cho công nhân góp tiền thưởng thành cổ phần, được chia cổ tức để có cuộc sống ổn định, căn cơ.