23/12/2024

11 tuổi xin học lớp 12

Một bé gái mới 11 tuổi đã tự học đến chương trình lớp 12 tại nhà, và mới đây bố em làm đơn xin cho con được vào trường THPT.

 11 tuổi xin học lớp 12

Một bé gái mới 11 tuổi đã tự học đến chương trình lớp 12 tại nhà, và mới đây bố em làm đơn xin cho con được vào trường THPT.  

Muốn dự thi Đường lên đỉnh Olympia

Đầu tháng 8 vừa qua, ông Phạm Xuân Thành (ở xã Tam Bố, H.Di Linh, Lâm Đồng) đã làm đơn gửi Sở GD-ĐT Lâm Đồng, xin cho con gái Phạm Thanh Ngọc (11 tuổi) được vào trường THPT Nguyễn Viết Xuân (xã Gia Hiệp, H.Di Linh). Điều đáng chú ý, trong đơn ông Thành cho biết, con gái ông đã học đến chương trình phổ thông lớp 12 tại nhà (tự học chứ không qua trường lớp) và muốn vào trường để hợp thức hoá nguyện vọng được đi thi Đường lên đỉnh Olympia.

Nguyện vọng này của ông Thành không được Sở GD-ĐT Lâm Đồng chấp thuận. Theo ông Huỳnh Văn Bảy – Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng, căn cứ Điều lệ trường trung học hiện hành, em Phạm Thanh Ngọc mới 11 tuổi, không đi học ở  bậc mầm non, tiểu học, THCS nên hoàn toàn chưa đủ điều kiện để vào trường THPT Nguyễn Viết Xuân.

Theo đúng độ tuổi này thì em Ngọc chỉ học ở bậc tiểu học hoặc vào lớp 6 THCS (nếu đã được xét tốt nghiệp tiểu học). Hơn nữa, Sở GD-ĐT cũng không thể cho phép tiếp nhận vào trường THPT vì mục đích hợp thức hoá để đăng ký dự thi chương trình Đường lên đỉnh Olympia.

Sở GD-ĐT cũng có giải thích thêm cho ông Phạm Xuân Thành, muốn dự thi chương trình này, ông nên liên hệ với ban tổ chức cuộc thi để được tư vấn, hỗ trợ, tìm cách giải quyết. Khi chúng tôi hỏi vì sao cháu thích dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, Ngọc trả lời: “Vì cháu thấy chương trình này hay nên cháu thích được dự thi. Qua xem tivi các cuộc thi đã diễn ra, cháu thấy mình có thể trả lời được khoảng 40% số câu hỏi”.

Cháu chỉ muốn được học lớp 12!

Mẹ của Ngọc cho biết, cháu là con duy nhất của hai vợ chồng. Lên 2 tuổi cháu đã biết đọc chữ. “Lúc 6 tuổi, có đưa cháu đến trường mẫu giáo nhưng cháu chán, không chịu học; đến khi vào cấp 1 thì cháu cũng không chịu đi học vì những kiến thức này cháu biết hết rồi nên gia đình đành để cháu ở nhà. Bây giờ nói vào lớp 6, cháu cũng không chịu mà bảo rằng tốn thời gian vì cháu biết rồi. Thế rồi gia đình cứ mua sách vở về nhà cho cháu tự học, đồng thời gửi học thêm mấy môn tự  nhiên tại nhà các thầy dạy ở trường THPT Nguyễn Viết Xuân” – bố mẹ cháu Ngọc cho hay.

Thầy Trần Xuân Việt – giáo viên trường THPT Nguyễn Viết Xuân (người dạy kèm cháu Ngọc học môn toán) kể lại: “Cách đây khoảng 4 năm, phụ huynh đưa cháu Ngọc đến nhà xin học thêm môn toán. Thấy cháu nhỏ quá (7 tuổi), tôi không cho, nhưng phụ huynh nói là cháu biết đến lớp 9. Tôi thử kiểm tra trình độ (chỉ môn Toán), thấy cháu tư duy ngang lớp 8 và sau đó cháu hoàn thành 100% bài tập trong sách giáo khoa lớp 9 và khoảng 70%  trong sách bài tập. Riêng môn toán, bây giờ trình độ của cháu Ngọc đạt ngang với học sinh khá lớp 12. Hiện  nay, tôi đang cho cháu Ngọc học kèm chung với học sinh lớp 12 – lớp A (lớp chọn của trường), học 4 buổi/tuần”.

“Dạy em khỏe lắm, nói qua là em làm được ngay”, thầy Nguyễn Hoài Nam – giáo viên trường THPT Nguyễn Viết Xuân (người dạy kèm môn vật lý cho cháu Ngọc) nói. Thầy Nam cho biết thêm: “Tôi mới kèm môn vật lý lớp 10 cho cháu khoảng 7, 8 buổi. Về mức độ tiếp thu, Ngọc thuộc dạng khá so với học sinh phổ thông lớp 10. Dù em thông minh nhưng tâm lý lứa tuổi khác với học sinh ở trường. Tôi khuyên gia đình nên cho cháu đến trường”. Khi chúng tôi hỏi thử cháu về kiến thức môn ngữ văn và lịch sử thì cháu Ngọc chỉ biết sơ sơ, biết được tên và tác phẩm một số nhà thơ và biết một ít về lịch sử Việt Nam

Khi được hỏi cháu có nguyện vọng gì về việc học không, Ngọc trả lời: “Cháu có nguyện vọng được học ở trường nhưng chỉ thích vào học lớp 12 thôi, cháu biết toán, lý, hoá…”. Mẹ Ngọc cho biết cháu còn nhỏ, gia đình không muốn ép cháu học nhiều mà muốn cháu học từng môn. Ngọc không chơi với bạn bè nào cùng lứa, ngoài việc học (tự học, học thêm), cháu chỉ chơi với mấy anh chị lớp 12.

Học tại nhà và vượt lớp

Nhiều nước phát triển như: Mỹ, Anh, Úc… đều có các chương trình giáo dục, theo dõi đặc biệt đối với các học sinh ưu tú, xuất sắc vượt trội so với độ tuổi. Đó chính là cơ sở quan trọng để đánh giá và cho phép học sinh được vượt lớp. Vậy nên hầu hết các trường hợp học vượt đều theo học các chương trình này. Các chương trình giáo dục đặc biệt sẽ định hướng phát triển ngay từ sớm theo đúng năng khiếu, sở trường của học sinh.

Nhiều nước cũng có các quy định cụ thể về việc học tại nhà mà không phải đến trường. Học tại nhà khá phổ biến tại Mỹ, khoảng 1,5 triệu học sinh nước này theo học tại nhà vào năm 2007, theo thống kê của Trung tâm thống kê quốc gia về giáo dục của Mỹ. Tuy nhiên, học tại nhà vẫn đang là một vấn đề gây tranh cãi tại Mỹ và mỗi bang có những quy định riêng. Nhìn chung, các bang đều yêu cầu phụ huynh phải thông báo và được sự đồng ý của cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương khi muốn con mình học tại nhà. Một số bang quy định học tại nhà phải được hướng dẫn, giảng dạy bởi những người có chứng chỉ về giáo dục. Một số bang lại quy định học tại nhà là một hình thức đào tạo từ xa do các trường, tổ chức có chức năng tương ứng thực hiện. Nước Anh cũng cho phép học tại gia với sự theo dõi của cơ quan giáo dục địa phương, nhưng quy định không quá nghiêm ngặt. 

Tại Pháp, những trẻ có khả năng trí tuệ vượt trội có thể chọn các giải pháp sau: học lớp đặc biệt dành cho “thần đồng”; tiếp tục học chương trình bình thường nhưng học vượt lớp; học từ xa với liều lượng môn học thích hợp với khả năng… Theo thống kê chính thức, hằng năm nước này có khoảng 20 học sinh đậu bằng tú tài trước 15 tuổi. Arthur Ramiandrosoa đã đạt kỷ lục của Pháp khi trở thành “cậu tú” vào năm 1989, khi chỉ 11 tuổi, 11 tháng. Theo đà đó, Ramiandrosoa lấy bằng thạc sĩ năm 14 tuổi và tiến sĩ toán học năm 19 tuổi.

Thần đồng tự học Michael Kearney sinh năm 1984 tại bang Hawaii (Mỹ), tự học tại nhà và tốt nghiệp trung học năm 6 tuổi, lấy bằng cao đẳng Địa chất lúc 8 tuổi và nhận bằng cử nhân Nhân loại học khi 10 tuổi. Tiếp đến,

Kearney nhận bằng thạc sĩ Hoá sinh năm 14 tuổi và trở thành giảng viên tại Đại học Vanderbilt, bang Tennessee (Mỹ), năm 16 tuổi rồi lấy thêm bằng thạc sĩ Khoa học máy tính khi 17 tuổi.

Ngô Minh Trí – Lan Chi

 

Bộ GD-ĐT:  Theo luật, được quyền học vượt lớp

PV Thanh Niên đã trao đổi với ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), xung quanh việc gia đình cháu Phạm Thanh Ngọc làm đơn xin cho em đi học vượt cấp. Ông Chuẩn cho biết:

 

Năm 2005, theo Báo điện tử Vietnamnet, trường hợp “đặc cách” vào ngay lớp 2 hiếm hoi được dư luận  biết đến trong nhiều năm trở lại đây là cậu bé có tên Hoàng Thân, học sinh trường tiểu học Đại Kim (Hà Nội). Đích thân bà Đặng Huỳnh Mai, khi đó là thứ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét và quyết định cho đặc cách.

Khi vừa lên 5, Thân đã có thể đọc và làm những phép tính cộng trừ nhân chia, hơn hẳn những bạn bè cùng trang lứa, gia đình quyết định cho Thân đi học tiểu học. Nhưng sáng đầu tiên đi học, cậu bé đã khiến không ít thầy cô ở trường kinh ngạc. Ngay chiều hôm đó nhà trường cho Thân thử  lên lớp 2 để rồi sáng hôm sau cậu lại được đưa lên  ngồi chung với các anh chị lớp 3. Tuy nhiên, do thấy việc học như thế sẽ khó cân bằng được nên gia đình đã xin cho Thân học ở lớp 2.

 

Luật Giáo dục 2005 về quyền của người học quy định: Người học có quyền “được học trước tuổi, học vượt lớp”. Luật Giáo dục cũng quy định: “Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định những trường hợp có thể học trước tuổi đối với học sinh phát triển sớm về trí tuệ;… những trường hợp học sinh học vượt lớp…”. Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành vào tháng 3.2011 cũng tiếp tục nhắc lại quy định này, học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể vào học trước tuổi hoặc học vượt lớp trong phạm vi cấp học.

Tôi cho rằng để xác định một đứa trẻ trưởng thành ra sao thì phải nhìn nhận toàn diện không chỉ học lực mà cả sức khỏe tâm thần, thể chất… Ngành GD-ĐT địa phương phải có trách nhiệm khảo sát xem đứa trẻ đó có thực sự học được chương trình đó hay không, có đủ sức khỏe hay không.

Bộ GD-ĐT chưa nhận được bất cứ đề nghị nào của địa phương. Nếu thực sự thấy cần thiết thì sở GD-ĐT phải gửi kết quả khảo sát và những đề nghị kèm theo đối với trường hợp đặc biệt đó và chúng tôi phải trực tiếp kiểm tra người thật, việc thật.  Tôi cho rằng phải hết sức thận trọng khi kết luận về một người nào đó là “thần đồng” hay thiên tài. Nếu không cẩn thận, mà quyết định cho trẻ đi học vượt tuổi nhiều quá thì có thể còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ.

Tuệ Nguyễn (ghi)