22/12/2024

Hàn Quốc tăng cường khả năng diệt tàu chiến

Quân đội Hàn Quốc đẩy mạnh các loại vũ khí mới và nghiên cứu chiến thuật chống tàu chiến trong bối cảnh khu vực có nhiều diễn biến khó lường

 Hàn Quốc tăng cường khả năng diệt tàu chiến

Quân đội Hàn Quốc đẩy mạnh các loại vũ khí mới và nghiên cứu chiến thuật chống tàu chiến trong bối cảnh khu vực có nhiều diễn biến khó lường.

Hàn Quốc đang phát triển một loại tên lửa hành trình siêu thanh có thể tấn công tàu sân bay, tàu khu trục và các tàu chiến trang bị hệ thống Aegis, theo tờ Chosun Ilbo ngày 17.8. Tờ này dẫn lời quan chức giấu tên cho hay: “Cơ quan phát triển quốc phòng đang chế tạo tên lửa hành trình siêu thanh chống hạm từ nhiều năm nay và sẽ hoàn tất trong 3 – 4 năm tới”. Tên lửa siêu thanh mới của Hàn Quốc được kỳ vọng đạt tốc độ Mach 2,5 (tức gấp 2,5 lần vận tốc âm thanh, tương đương 3.000 km/giờ) có tầm hoạt động 250 – 300 km.

Hiện tại, hải quân Hàn Quốc đang sử dụng các loại tên lửa đối hạm chỉ có tầm hoạt động 150 km, gồm tên lửa Haesung do nước này tự chế tạo và tên lửa Harpoon của Mỹ. Các loại này có tốc độ bay dưới vận tốc âm thanh, nên dễ dàng bị chặn bởi tên lửa đối không tầm ngắn và súng máy.

Vì thế, Hàn Quốc cần bổ sung thêm tên lửa siêu thanh chống hạm cho kho vũ khí của mình trong bối cảnh nhiều chuyên gia cho rằng nguy cơ đối với nước này không chỉ đến từ CHDCND Triều Tiên. Một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói với Chosun Ilbo: “Mục tiêu của loại tên lửa mới là nhằm đương đầu nguy cơ từ các siêu cường hải quân láng giềng hơn là từ miền Bắc”.

Các tên lửa siêu thanh là một trong những vũ khí hữu hiệu để chống tàu sân bay. Trong đó, tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos, do Nga và Ấn Độ hợp tác sản xuất, là tên lửa chống tàu chiến nhanh nhất thế giới hiện nay. Tên lửa này có tầm bắn 290 km và đạt tốc độ Mach 2,8, theo website chính thức của Brahmos. Với tầm bay dưới 10m so với mặt nước biển, tên lửa Bramos khó bị đánh chặn và có thể được triển khai trên tàu nổi, tàu ngầm, máy bay và các trạm phóng lưu động từ bờ biển. Vì thế, tên lửa Brahmos đang thu hút sự quan tâm của một số nước trong khu vực.

Ngoài tên lửa, Hàn Quốc cũng sẽ sớm triển khai ngư lôi diệt tàu ngầm Hongsangeo trong tháng này, theo Chosun Ilbo. Tờ báo dẫn lời nghị sĩ Song Young-sun thuộc Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Hàn Quốc nhận định Hongsangeo “có thể ngăn chặn các tàu ngầm hộ tống của tàu sân bay”.

Chiến thuật của Hàn Quốc

Trước đó, Chosun Ilbo cũng đăng bài viết phân tích phương pháp đối phó một khi Trung Quốc triển khai tàu sân bay đến Hoàng Hải. Trong đó, các chuyên gia quân sự Hàn Quốc cho rằng khi các tên lửa và máy bay hiện có của nước này khó công phá được tàu sân bay, thì có thể tận dụng được ưu thế nước cạn ở khu vực Hoàng Hải và việc Trung Quốc còn hạn chế về khả năng chống tàu ngầm để sử dụng tàu ngầm nhỏ tấn công.

Park Chang-kwon, chuyên gia của Viện Nghiên cứu quốc phòng Hàn Quốc (KIDA), chỉ rõ: “Khả năng chống tàu ngầm của tàu sân bay Trung Quốc rất yếu. Độ sâu trung bình của Tây Hải (Hoàng Hải) chỉ có 40m, phù hợp với loại tàu ngầm nhỏ có độ rẽ nước từ 300 – 500 tấn”.

Lo ngại của Hàn Quốc không phải là vô cớ. Nếu Trung Quốc triển khai tàu sân bay ở Hoàng Hải sẽ kéo thêm nhiều máy bay và tàu hộ tống, tất yếu gây khó khăn cho các hoạt động của quân đội Hàn Quốc tại khu vực này. Ngoài ra, toàn bộ không phận của Hàn Quốc sẽ nằm trong tầm tác chiến của các máy bay trên tàu sân bay Trung Quốc.

Tàu lớn – hiệu quả nhỏ

Theo Nhật báo Phương Nam, tàu sân bay của Trung Quốc sẽ được triển khai ở biển Đông vào năm tới. Tuy nhiên, chuyên gia hải quân Úc Phil Radford ngày 17.8 nhận định trên tờ Asia Times rằng, Trung Quốc sẽ “không mạo hiểm sử dụng tàu sân bay để đối đầu trên biển Đông”.

Theo ông Radford, việc thiếu giàn phóng máy bay và hệ thống dây hãm khiến tàu sân bay Trung Quốc không thể chở theo máy bay do thám cảnh báo sớm. Vì thế, tàu này khó phản ứng nhanh đối với các đợt tấn công. Khả năng hậu cần cho tàu sân bay cũng bị hạn chế vì hải quân Trung Quốc chỉ sở hữu 5 tàu tiếp vận đủ khả năng đi biển và không tàu nào trong số đó trên 22.000 tấn.

Ngoài ra, hai tàu khu trục loại 052C có thể được biên chế vào đội hình bảo vệ tàu sân bay Trung Quốc. Tuy nhiên, các tàu này không được trang bị hệ thống tên lửa kết hợp radar hữu hiệu để phát hiện và đánh chặn các tên lửa bay sát mặt biển.