22/01/2025

Sẽ có biện pháp giải quyết triệt để

Hiện tượng nhà thầu Trung Quốc đem lao động của họ vào VN làm việc, hiện tượng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc ý thức pháp luật của nhà thầu Trung Quốc hạn chế, một phần là do trách nhiệm quản lý chưa chặt chẽ của nhiều bộ, ngành liên quan, trong đó có ngành LĐ-TB&XH

 Lao động Trung Quốc không phép tại Việt Nam:

Sẽ có biện pháp giải quyết triệt để

Thời gian qua, báo Tuổi Trẻ đã phản ánh về việc lao động Trung Quốc không phép cư trú và làm việc ở nhiều địa phương như Cà Mau, Đắk Nông, Ninh Bình… Vì sao lao động Trung Quốc không phép lại dễ dàng vào VN làm việc?

Ông Nguyễn Thanh Hoà, thứ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội(LĐ-TB&XH), cho biết:

– Hiện tượng nhà thầu Trung Quốc trúng thầu các công trình lớn và mang theo lao động của họ vào VN làm việc đã xuất hiện vài năm nay. Để xảy ra hiện tượng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc ý thức pháp luật của nhà thầu Trung Quốc hạn chế, một phần là do trách nhiệm quản lý chưa chặt chẽ của nhiều bộ, ngành liên quan, trong đó có ngành LĐ-TB&XH. Hơn nữa, nhiều địa phương chưa đáp ứng được về nguồn lực khi nhà thầu Trung Quốc đặt vấn đề tuyển dụng tại chỗ. Vì vậy họ phải đưa lao động của họ vào làm việc vì họ còn trách nhiệm với tiến độ công trình.

Họ có năng suất làm việc cao hơn

* Nhưng thưa thứ trưởng, liệu có phải là nghịch lý khi chúng ta đang đẩy mạnh xuất khẩu lao động phổ thông thì lại cho nhập khẩu lao động phổ thông Trung Quốc vào VN?

– Trước hết cơ chế lương của chúng ta rất thấp so với cùng công việc khi lao động ra nước ngoài làm việc. Trong cùng một công việc, một cơ chế lương lao động chúng ta lại chê không vào làm thì họ phải mang lao động của họ vào làm. Cái lớn hơn là trong một vài nhóm công việc, lao động của chúng ta không đáp ứng được các kỹ năng mà họ đòi hỏi. Nhìn thực tế thì cùng công việc, cùng mức lương, lao động của họ lại làm việc năng suất cao hơn lao động của ta. Trong khi ý thức kỷ luật và năng suất làm việc của lao động ta kém.

* Vậy tại sao lâu nay chúng ta không triển khai đào tạo lao động?

– Thực tế chúng ta cũng có nhiều đề án đào tạo lao động nhưng chủ yếu ở tầm vĩ mô, đào tạo ngắn hạn. Trong khi dự báo thị trường của chúng ta không có dự báo cụ thể từng ngành mà dự báo chung ở tầm vĩ mô. Đây chính là hạn chế mà chúng ta phải chấp nhận cho lao động nước ngoài vào làm các nhóm công việc chúng ta không đáp ứng được.

* Nhưng không thể vì các lý do trên mà chúng ta cho phép họ đưa lao động phổ thông, lao động không phép vào VN làm việc?

– Nói là cho phép thì không đúng, họ đưa lao động phổ thông, lao động không phép vào làm là có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể họ lách luật vì chúng ta có một số kẽ hở trong quy định.

Lợi dụng kẽ hở thời gian lưu trú

* Cụ thể kẽ hở trong quy định mà họ lợi dụng để lách là chỗ nào?

– Về quy định, chúng ta cho phép họ nhập lao động phải có giấy xác nhận kinh nghiệm từ năm năm trở lên, mà giấy phép loại này lại do chính nước sở tại xác nhận và cung cấp thì làm sao biết được họ có kinh nghiệm hay không. Mặt khác, khi nhập cảnh VN theo diện có thời gian lưu trú dưới ba tháng, họ thích đi đâu thì đi. Một số nhà thầu đã lợi dụng việc này để đưa lao động qua VN làm việc.

* Bộ LĐ-TB&XH nhiều lần gửi công văn yêu cầu các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát lao động nước ngoài trên địa bàn, nhưng lao động phổ thông, lao động không phép Trung Quốc vẫn vào VN dễ dàng. Phải chăng cơ chế thanh tra, kiểm tra và giám sát của chúng ta có vấn đề?

– Trước hết, trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải báo cáo số lượng và trình độ lao động nước ngoài cho địa phương nhưng đúng là các cơ quan này không thực hiện nghiêm túc trách nhiệm trên. Các địa phương cũng cho biết rất khó vào kiểm tra trên các công trường này vì họ ở trong công trình hoặc một số ở lẫn trong dân.

Mức xử phạt quá thấp

* Một số địa phương cho biết dù đã kiểm tra, xử phạt nhưng số lao động không phép cứ tăng. Vậy có phải nhà thầu coi thường chính quyền địa phương hay chúng ta chưa có cơ chế đủ mạnh để hạn chế vấn đề này?

– Việc nhà thầu có coi thường chính quyền địa phương hay không tôi không dám nói, nhưng đúng là mức xử phạt của chúng ta rất thấp (mức cao nhất 30 triệu đồng/lần) nên chưa đủ mạnh để răn đe. Riêng việc sau mỗi lần kiểm tra thì số lao động không phép lại tăng hơn trước là không đúng, mà do họ đưa lao động qua làm việc theo tiến độ công trình, nhu cầu của công việc.

* Các địa phương đã báo cáo số cụ thể lao động phổ thông, lao động không phép Trung Quốc cho các cơ quan thẩm quyền, chúng ta sẽ xử lý vấn đề này thế nào?

– Trước mắt sẽ rà soát, sàng lọc trong số lao động này xem ai đủ điều kiện thì buộc họ hoàn thành các thủ tục, giấy tờ theo luật định. Lao động nào không đủ điều kiện thì ngành sẽ báo cáo gửi các cơ quan thẩm quyền, cụ thể là công an vì bên đó họ mới có quyền trục xuất hay không.

* Để hạn chế lao động phổ thông, lao động không phép, Bộ LĐ-TB&XH sẽ có những biện pháp gì?

– Hiện nay đã có đoàn của Chính phủ làm việc với Cà Mau về vấn đề trên. Trong tháng này các bộ, ngành liên quan sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát lao động nước ngoài, từ đó tìm biện pháp giải quyết rốt ráo, triệt để. Quan trọng nhất là chúng ta đã có nghị định 46/CP (sửa đổi bổ sung nghị định 34 về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại VN). Nội dung mới tại nghị định có quy định: khi dự thầu, các nhà thầu phải có phương án về việc sử dụng các nguồn lực lao động. Cụ thể, phải ưu tiên tuyển dụng lao động tại chỗ nếu đủ điều kiện. Nhà thầu nào không đáp ứng quy định trên thì không cho dự thầu. Ngoài ra, quy định các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải có trách nhiệm báo cáo theo quý về sử dụng lao động cho chính quyền địa phương, nếu họ không chấp hành sẽ có cơ chế xử lý rất nghiêm.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền:

Ngành lao động có trách nhiệm

Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói một doanh nghiệp như khí – điện – đạm Cà Mau, chỉ với mảng “đạm” mà để hơn 600 lao động nước ngoài làm việc không có giấy phép và chỉ đến khi qua nhiều kênh thông tin mới nắm được là có trách nhiệm của ngành. “Đây là vấn đề, trong đó có phần trách nhiệm của chúng ta, với trách nhiệm thanh tra, giám sát, quản lý lao động. Tôi đề nghị lãnh đạo các sở giúp lãnh đạo địa phương, đồng thời báo cáo kịp thời cho lãnh đạo bộ về diễn biến, nguyên nhân và giải pháp xử lý đúng pháp luật đối với lao động nước ngoài ở VN” – bộ trưởng nói.

Bà Chung Ngọc Nhãn, giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cà Mau, thì cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là do trách nhiệm đầu tiên của chủ đầu tư, ở đây là ban quản lý dự án đã không báo cáo thường xuyên số lượng lao động. Ngoài ra còn do chủ thầu chưa tự giác chấp hành pháp luật lao động của VN, họ đã lợi dụng kẽ hở của luật pháp để đưa công nhân vào làm việc.

Bà Nhãn đề nghị có giải pháp kiểm tra, ngăn chặn từ đầu.