23/01/2025

Mủ cao su: mua tất tần tật

Cứ mỗi tháng, các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh mủ cao su tư nhân trên địa bàn tỉnh Bình Phước lại tiếp đón vài nhóm thương nhân Trung Quốc (TQ) đến tìm hiểu và đặt vấn đề mua mủ cao su.

 Mủ cao su: mua tất tần tật

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Bình Phước xuất hiện các nhóm thương lái người Trung Quốc đến thu gom các loại mủ cao su. Điều đáng nói tình trạng trên đã làm gia tăng hiện tượng pha trộn tạp chất vào mủ cao su.

Cứ mỗi tháng, các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh mủ cao su tư nhân trên địa bàn tỉnh Bình Phước lại tiếp đón vài nhóm thương nhân Trung Quốc (TQ) đến tìm hiểu và đặt vấn đề mua mủ cao su.

Bất chấp chất lượng

Là một trong số ít doanh nghiệp tư nhân (DNTN) chế biến và kinh doanh mủ cao su có quy mô lớn trên địa bàn, DNTN Linh Hương (xã Long Hưng, huyện Bù Gia Mập) thường xuyên được thương lái TQ, với sự hướng dẫn của các thương lái trong nước, đến đặt vấn đề cung cấp sản phẩm mủ cao su. “Hầu như tháng nào cũng có một vài nhóm người TQ đến đây chào mời, đặt vấn đề ký hợp đồng mua mủ với khối lượng lớn…” – ông Nguyễn Văn Trường, chủ DNTN Linh Hương, nói.

Nhiều cơ sở chế biến và kinh doanh mủ cao su cho biết chuyện các thương lái TQ lặn lội đến tận Bình Phước để tìm mua mủ cao su không phải mới xuất hiện mà diễn ra 4-5 năm nay. Tuy nhiên, hiện tượng săn lùng… “vàng trắng” của thương lái TQ gia tăng mạnh thời gian gần đây, đặc biệt là thời điểm cuối năm.

Theo ông Võ Quang Thuận – chủ DNTN Thuận Lợi (xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú), sản phẩm được quan tâm nhiều nhất là loại mủ cốm (đã qua sơ chế), với khối lượng đặt mua khá lớn và thông qua một vài đầu mối trong nước để gom hàng.

Khác với các doanh nghiệp trong nước, thương lái TQ không “kén cá chọn canh” mà sẵn sàng mua tất tần tật các loại mủ, bất chấp thương hiệu và chất lượng. “Không quá khắt khe như doanh nghiệp trong nước, lại sẵn sàng trả giá cao hơn, thương lái TQ thường dễ dàng gom hàng, ngay cả trong thời điểm nguyên liệu khan hiếm…” – ông Thuận nói.

Và để gom đủ sản lượng cho các đơn hàng này, các đầu mối đã ký hợp đồng với thương lái TQ thường sẵn sàng đẩy giá lên cao để tranh mua.

Ông Trần Thanh Phụng – trưởng phòng xuất khẩu Công ty TNHH một thành viên Cao su Phú Riềng – thừa nhận dù luôn kê giá mua cao hơn giá công bố của các DNTN, nhưng công ty cũng chỉ thu hút được khoảng 10% sản lượng cao su tiểu điền trên địa bàn. Một số doanh nghiệp chế biến và kinh doanh mủ cao su trên địa bàn này bức xúc cho rằng chất lượng và thương hiệu mủ cao su Bình Phước đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình trạng cạnh tranh giành nguyên liệu.

Coi chừng tiền mất, nợ mang

Ông Nguyễn Văn Trường cho rằng nếu không cẩn trọng trong quan hệ làm ăn với những nhà nhập khẩu TQ, doanh nghiệp VN sẽ dính bẫy lừa, tiền mất nợ mang mà chẳng biết kêu ai. Dẫn chứng trường hợp của mình, ông Trường cho biết lần ký hợp đồng đầu tiên nhóm thương lái TQ luôn giữ uy tín, nhận hàng và giao tiền đúng hẹn để tạo lòng tin.

Tuy nhiên, chuyến hàng sau với khối lượng lớn, ông Trường tin tưởng chấp nhận giao hàng trước nhận tiền sau, nhưng sau khi nhận hàng xong nhà nhập khẩu này “lặn” mất tăm chứ không chuyển tiền như đã cam kết. Ông Trường phải năm lần bảy lượt khăn gói qua TQ tìm đến tận nhà của vị khách hàng quen này, nhưng cũng mất hàng tháng trời mới lấy được tiền.

 “Từ sau vụ “chết hụt” này, tôi không bao giờ chấp nhận giao hàng trước rồi nhận tiền sau nữa. Cứ “tiền trao cháo múc” sòng phẳng…” – ông Trường nói.

Chủ một DNTN tại Bình Phước cho biết ngoài chiêu thức “mối quen” và quan hệ uy tín, nhiều thương lái TQ thường sử dụng “bài ca” không thể rút hoặc chuyển tiền vào thứ bảy để xù tiền doanh nghiệp VN.

Sau một vài chuyến hàng làm quen, một số thương nhân TQ yêu cầu doanh nghiệp đầu mối gom hàng với số lượng lớn, rồi tính toán chính xác thời gian lên hàng và vận chuyển ra đến biên giới sao cho ngày nhận hàng rơi vào thứ bảy, thời điểm không lấy được tiền ngay.

“Doanh nghiệp nào hám lợi, do giá mua cao và lượng hàng lớn, chấp nhận giao hàng trước rồi nhận tiền sau là dính bẫy ngay…”, chủ doanh nghiệp này cho hay.

Theo ông Lê Văn Uy – giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Phước, trước tình hình giá mủ tăng cao, một số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, chế biến cao su đã bất chấp tất cả để thu lợi nhuận cao. Qua theo dõi, phòng chuyên môn của sở đã nắm bắt, biết được thông tin một số nơi trộn tạp chất vào mủ cao su.

“Bằng mọi cách chúng tôi sẽ ngăn chặn được tình trạng pha trộn tạp chất vào mủ cao su, cương quyết không để ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu cao su Bình Phước. Cách trộn các loại tạp chất như vôi, thạch cao, bột trét tường, đất trắng Bình Dương, đường… bây giờ “xưa rồi” – ông Uy nhấn mạnh – Cách pha trộn tinh vi hiện nay lúc đầu rất khó phát hiện, phải mất một tuần đến 10 ngày mới biết được trong mủ cao su chứa tạp chất. Sau thời gian này mủ bắt đầu chảy nước, mất độ đàn hồi, chuyển màu…”.

Kiểm soát chặt chẽ việc mua nông sản

Trong một công văn gửi các sở ban ngành trên địa bàn mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trương Tấn Thiệu khuyến cáo các nhà máy chế biến mủ của các DNTN tự ý ký kết hợp đồng với các đối tác TQ xuất khẩu qua các đường tiểu ngạch, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát chất lượng mủ.

Theo đó, thông qua một số doanh nghiệp VN hoặc đặt hàng trực tiếp với các doanh nghiệp, thương lái TQ tập trung mua một số mặt hàng nông sản trên địa bàn như sắn (khoai mì) lát, mủ cao su đã qua chế biến, tiêu, gỗ tạm nhập tái xuất từ Campuchia…

Hàng hoá, nguyên liệu do các doanh nghiệp TQ mua tại Bình Phước tập trung chủ yếu tại các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Phước Long, Bù Gia Mập, Bù Đăng. Phần lớn số hàng này không được khai báo, nộp thuế cho hải quan địa phương, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng của tỉnh trong việc giám sát, quản lý và làm giảm nguồn thu của tỉnh.

Theo yêu cầu của UBND tỉnh Bình Phước, các cơ quan chức năng trên địa bàn phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực biên giới với mục đích mua nông sản, các loại động vật quý hiếm, gỗ.