Sứ mệnh phổ quát của Giáo Hội như là dấu chỉ và khí cụ hiệp thông

Trách nhiệm lớn lao của cộng đồng Giáo Hội, là dấu chỉ và khí cụ hiệp thông cho toàn thể gia đình nhân loại, được Chúa kêu mời trở nên một ngôi nhà đón tiếp mọi người, bắt nguồn từ phổ quát tính của ơn cứu độ.

 Sứ mệnh phổ quát của Giáo Hội như là dấu chỉ và khí cụ hiệp thông cho toàn thể gia đình nhân loại

Bài nói chuyện giờ Kinh Truyền Tin

Tại Castelgandolfo

Chúa nhật XX Thường Niên, 17/8/2008

Anh chị em thân mến,

Trong ngày Chúa Nhật XX Thường Niên này, phụng vụ đề nghị chúng ta suy niệm lời nói của Tiên tri Isaia: “Những đứa con ngoại kiều gắn bó với Giavê để phục vụ Người (…), thì Ta sẽ đưa chúng đến núi thánh của Ta, Ta sẽ làm cho chúng chan chứa niềm vui trong nhà của Ta là nhà cầu nguyện (…), bởi vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho hết mọi dân tộc“ (Is 56, 6-7). Tông đồ Phaolô, trong Bài đọc II, cũng quy chiếu về ơn cứu độ phổ quát, cũng như trang Phúc Âm kể lại câu chuyện người phụ nữ xứ Canaan, đối với người Do Thái là một khách ngoại kiều, nhưng được Đức Giêsu nhậm lời, vì đức tin của bà thật vĩ đại. Như thế, Lời Chúa giúp chúng ta suy nghĩ về phổ quát tính của sứ mạng Giáo Hội bao gồm các dân tộc thuộc mọi chủng tộc và mọi nền văn hoá. Trách nhiệm lớn lao của cộng đồng Giáo Hội, là dấu chỉ và khí cụ hiệp thông cho toàn thể gia đình nhân loại, được Chúa kêu mời trở nên một ngôi nhà đón tiếp mọi người, bắt nguồn từ phổ quát tính của ơn cứu độ.

Nhất là ở vào thời đại chúng ta, mỗi cộng đoàn Kitô hữu cần phải đào sâu hơn nữa ý thức này, cũng là để giúp đỡ xã hội dân sự vượt thắng được mọi cơn cám dỗ có thể xảy ra về chủng tộc, bất khoan dung, khai trừ, và giúp đỡ xã hội tổ chức cuộc sống của mình bằng những chọn lựa biết tôn trọng nhân phẩm của bất cứ hữu thể nhân văn nào! Thật thế, một trong những chiến thắng lớn của nhân loại, đó là vượt thắng được chủ nghĩa chủng tộc. Tuy nhiên, đáng buồn thay, trong nhiều quốc gia khác nhau, ta lại nhận thấy chủ nghĩa này lại xuất hiện dưới nhiều hình thức mới mà lắm khi gắn liền với những vấn nạn xã hội và kinh tế, thế nhưng, những vấn nạn ấy không bao giờ có thể biện minh cho sự khinh dể và phân biệt chủng tộc. Chúng ta hãy cầu nguyện cho con người ở khắp nơi ngày càng được tôn trọng, cũng như cho mọi người ngày càng ý thức rằng chỉ khi nào ta biết đón tiếp nhau, thí lúc đó, ta mới có thể xây dựng được một thế giới được đánh dấu bằng một nền công lý đích thực và một nền hoà bình trường cửu.

Ngày hôm nay tôi muốn đưa ra một ý chỉ cầu nguyện khác, khi được biết có nhiều tai nạn giao thông thật trầm trọng đã xảy ra, đặc biệt trong thời gian này.Chúng ta đừng để cho mình quá nhàm chán với thực tế đáng buồn này! Vì chưng, mạng sống của con người là một của cải rất quý giá; và tử vong, hay bị thương tật vì những lý do, mà đa số trong nhiều trường hợp, ta có thể tránh được, là một điều bất xứng đối với con người. Dĩ nhiên, ta cần phải có một ý thức trách nhiệm lớn hơn nữa. Trước tiên, là từ phía tài xế xe hơi, bởi vì các tai nạn thường xảy ra là do chạy với một tốc độ quá cao, hay do những cách hành xử khinh suất. Điều khiển xe trên những con đường công cộng đòi hỏi một ý thức về mặt luân lý và công dân. Để đẩy mạnh ý thức này, công việc dự phòng, theo dõi và xử phạt thường xuyên từ phía các cấp có thẩm quyền là điều cần thiết. Còn trái lại, với tư cách là Giáo Hội, chúng tôi cũng cảm thấy mình có liên quan trên bình diện đạo đức: các Kitô hữu, với tư cách là người điều khiển xe, tiên vàn phải tự vấn mình về cách điều khiển xe của mình; ngoài ra, các cộng đoàn cũng phải dạy cho mọi người biết xem việc điều khiển xe như một lĩnh vực bảo vệ sự sống, và thực hiện một cách cụ thể tình yêu đối với tha nhân.

Chúng ta dâng lên Mẹ những vấn nạn xã hội mà tôi vừa đề cập đến, để qua lời kinh Truyền tin, chúng ta cùng nhau cầu xin Mẹ hiền cầu bàu cùng Chúa cho chúng ta.

Sau giờ Kinh Truyền Tin

Tôi quan tâm và cảm thấy lo lắng trong khi tiếp tục theo dõi tình hình tại Géorgie, và tôi cảm thấy mình rất gần gũi với những nạn nhân của cuộc xung đột. Trong khi đặc biệt cầu nguyện cho những người đã qua đời, và bày tỏ những lời phân ưu chân thành đến tất cả những ai đang chit vành khăn tang, tôi kêu gọi mọi người hãy quảng đại cải thiện những điều kiện sống thật hết sức khó khăn của những người tị nạn, nhất là của phụ nữ và trẻ em, họ thiếu ngay cả những gì cần thiết để sống còn. Tôi yêu cầu mở ngay những hành lang nhân đạo giữa vùng nam Ossétie và phần đất còn lại của Géorgie, để cho những người đã chết chưa có ai nhận xác được có một nấm mồ xứng đáng, cho những ai bị thương được chăm sóc một cách thích đáng, và cho những ai muốn đoàn tụ với gia đình được phép quay về với những người thân của mình. Ngoài ra, ta cũng phải bảo đảm cho những sắc tộc thiểu số bị liên luỵ trong cuộc xung đột được hưởng an ninh và những quyền lợi cơ bản, những quyền mà không một ai được phép coi thường. Cuối cùng, tôi cầu mong cho cuộc ngừng chiến hiện nay, đạt được nhờ Liên bang châu Âu, có thể được củng cố và trở thành nền hoà bình bền vững, trong khi tôi mời gọi Cộng đồng quốc tế tiếp tục nâng đỡ để đạt được một giải pháp lâu dài, xuyên qua đối thoại và thiện ý chung.

Anh chị em là những khách hành hương nói tiếng Pháp thân mến, tôi thân ái chào anh chị em, đặc biệt những khách hành hương Gabon! Trong thời gian nghỉ hè này, tôi mời gọi anh chị em dùng thời giờ để đi gặp Chúa trong kinh nguyện, cùng với niềm xác tín đầy tin tưởng của người phụ nữ xứ Canaan được bài Phúc Âm ngày hôm nay đề cập đến. Anh chị em đừng sợ hướng về Thiên Chúa là một người cha đầy tình yêu và lòng thương xót! Tôi xin ban Phép Lành Toà Thánh của tôi cho anh chị em.

Tôi xin chúc tất cả một ngày Chúa nhật tốt đẹp và một tuần lễ an bình. Xin cám ơn về sự hiện và đức tin của anh chị em.