23/01/2025

Người Israel đòi công bằng xã hội

Sau người dân Ả Rập, đến lượt người dân Do Thái ở đất nước giàu có Israel đang đổ ra đường phố biểu tình phản đối tình trạng giá thực phẩm, nhiên liệu, bất động sản… đang ngày càng tăng cao

 Người Israel đòi công bằng xã hội

Sau người dân Ả Rập, đến lượt người dân Do Thái ở đất nước giàu có Israel đang đổ ra đường phố biểu tình phản đối tình trạng giá thực phẩm, nhiên liệu, bất động sản… đang ngày càng tăng cao.

Theo báo Jerusalem Post, ít nhất 230.000 người không phân biệt già trẻ gái trai đã đổ ra đường phố Tel Aviv, dựng lều tại các khu dân cư sang trọng. Ở Jerusalem, hơn 30.000 người diễu hành qua những khu dân cư “xịn” nhất thành phố trước khi đến tập trung trước cửa dinh thự của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Họ đánh trống và vẫy cờ, miệng hô vang khẩu hiệu “Công bằng xã hội cho người dân”, “Cách mạng”, “Người dân quan trọng hơn lợi nhuận”…

Độc quyền làm khổ người dân

Đây là cuộc biểu tình xã hội lớn nhất trong lịch sử đất nước Israel, quốc gia giàu có và phát triển bậc nhất khu vực Trung Đông. GDP Israel năm 2011 dự kiến tăng 4,8% trong thời điểm Mỹ và nhiều nước châu Âu tăng trưởng chưa đầy 1%.

Tỉ lệ thất nghiệp của Israel chỉ vào khoảng 5,7%, nợ công cũng chỉ khoảng 75% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước phát triển khác. Tuy nhiên, đằng sau sự hào nhoáng đó là cuộc sống đầy khó khăn của tầng lớp lao động và trung lưu do mức lương thấp, giá thực phẩm, nhiên liệu, nhà và thuế cao chót vót. Trong khi đó, các tập đoàn kinh tế trong nước bóp chết thị trường tự do.

“Rất khó để sống ở quốc gia này. Chúng tôi nhập ngũ, làm việc cật lực, đóng thuế cao nhưng kiếm không đủ tiền”

Anh Ehud Rotem 
(26 tuổi, sống ở Jerusalem)

Báo Wall Street Journal cho biết năm 2010, Ngân hàng Israel ra báo cáo khẳng định ở Israel có khoảng 20 tập đoàn kinh tế kiểm soát phần lớn các doanh nghiệp nhà nước và 50% thị phần. Các nhà sản xuất địa phương, các công ty xuất khẩu do nhà nước cấp phép, các tập đoàn độc quyền buộc người tiêu dùng phải mua mọi thứ, từ tã lót cho đến xe hơi, với mức giá cao hơn các nước khác 100% trở lên.

Mức lương trung bình ở Israel chỉ bằng một nửa so với Mỹ, nhưng giá hàng hoá và dịch vụ thường cao gấp đôi. Phí, thuế quá cao khiến những chiếc xe hơi nhập khẩu rẻ nhất cũng có giá 35.000-40.000 USD, mỗi gallon xăng lên tới 10 USD. Giá điện nước do các công ty độc quyền cung cấp cũng rất cao, trong khi các trường học công có chất lượng thấp khiến nhiều gia đình phải đổ tiền cho con em theo học trường tư.

Chính phủ sở hữu 93% diện tích đất đai ở Israel, thiết lập các quy định nhà đất lằng nhằng, đẩy chi phí xây dựng lên cao chót vót. Giá mỗi căn hộ chung cư nhỏ tương đương 12 năm lương của một công nhân.

Chính quyền Israel áp mức thuế rất thấp đối với các doanh nghiệp và đánh mạnh thuế tiêu dùng và nhà đất. Điều đó có nghĩa người tiêu dùng Israel phải è cổ ra đóng thuế. Ví dụ thuế giá trị gia tăng ở Israel lên tới 17%.

Mong một tương lai tốt đẹp hơn

Theo báo Haaretz, các ngân hàng và công ty bảo hiểm ở Israel cung cấp 33% tổng tín dụng cho sáu tập đoàn kinh tế lớn. Vấn đề là các tập đoàn này kiểm soát các ngân hàng và công ty bảo hiểm, có nghĩa là họ tự cho chính mình vay. Số tiền này được đổ vào nhiều kênh đầu tư mạo hiểm, ví dụ như bất động sản ở nước ngoài.

Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối tượng hoạt động hiệu quả nhất của nền kinh tế, và người tiêu dùng rất khó tiếp cận tín dụng ngân hàng.

“Chúng tôi đang phải cố sống sót thay vì được sống thật sự – một người biểu tình tên Noga Klinger ở Jerusalem khẳng định – Rất khó để nuôi con, rất khó để tìm được căn nhà tử tế. Chúng tôi không thể chịu đựng được nữa, chúng tôi phải đấu tranh”. Một người khác tên Moshe Levy cho biết ông chỉ lo lắng cho bốn đứa con của mình. “Tôi hi vọng tương lai của chúng sẽ tốt hơn chúng tôi”.

Reuters cho biết mới đây chính quyền Thủ tướng Netanyahu đã cam kết phát triển thêm nhà giá rẻ và cải thiện giao thông công cộng, phá bỏ tình trạng độc quyền để giảm giá hàng hoá. Bộ trưởng truyền thông Moshe Kahlo khẳng định Israel phải tìm ra giải pháp để hỗ trợ người dân dù có tốn hàng tỉ USD. Ông Kahlo đặt vấn đề giảm thuế và tách rời các tập đoàn độc quyền.