24/12/2024

Cú sốc trên thị trường tài chính

Bất cứ biến động nào của nền kinh tế Mỹ, thị trường xuất khẩu chủ yếu của các nước châu Á, cũng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế châu lục

 Cú sốc trên thị trường tài chính

Standard & Poor’s (S&P), một trong ba hãng xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới, lần đầu tiên trong lịch sử đã hạ định mức tín nhiệm nợ Mỹ xuống dưới “tiêu chuẩn vàng” AAA. Đây là một thông tin xấu đối với châu Á.

Theo báo New York Times, đêm 5-8 S&P đã định mức tín nhiệm nợ liên bang của Mỹ xuống AA+, thấp hơn một bậc so với mức cũ AAA.

Điều đó có nghĩa là S&P xác định khả năng trả nợ của chính quyền Washington đã suy giảm. Đây là lần đầu tiên Mỹ bị hạ định mức tín dụng kể từ khi nhận xếp hạng AAA từ Hãng Moody’s vào năm 1917. S&P cũng giữ mức AAA đối với Mỹ kể từ năm 1941 cho đến nay. S&P cũng đánh giá triển vọng nợ Mỹ là “tiêu cực”, đồng nghĩa với việc hãng này có thể tiếp tục hạ định mức tín nhiệm nợ Mỹ một lần nữa trong vòng 18-24 tháng tới.

“Trung Quốc sẽ buộc phải tìm các kênh đầu tư khác bởi trái phiếu Mỹ không còn an toàn”

Chuyên gia Trung Quốc Li Jie

Trước đó S&P từng đe doạ hạ định mức tín nhiệm nợ Mỹ nếu chính quyền Washington không thể đạt thoả thuận giảm nợ công ít nhất 4.000 tỉ USD trong 10 năm tới. Theo số liệu Bộ Tài chính Mỹ, trong tuần qua nợ công Mỹ đã chạm mức 14.600 tỉ USD, tương đương 100% GDP. Tổng chi mỗi tháng của chính quyền Mỹ cao hơn tổng thu 200 tỉ USD. Và cứ mỗi 1 USD Washington chi tiêu thì có 40 cent tiền đi vay.

Do nguyên nhân chính trị

Từ trước đến nay, chính quyền Mỹ luôn dễ dàng vay nợ bởi giới đầu tư quốc tế đánh giá trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ là một trong những kênh đầu tư an toàn nhất thế giới. Khi Quốc hội Mỹ bế tắc trong việc nâng mức trần nợ công, lãi suất trái phiếu này tăng do giới đầu tư lo ngại nguy cơ Mỹ vỡ nợ. Tuy nhiên khi Quốc hội Mỹ đạt thoả thuận nâng mức trần nợ công, lãi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ lập tức giảm và giới đầu tư lại dồn dập đổ tiền mua. Điều đó cho thấy nhu cầu mua nợ Mỹ vẫn cực cao bất chấp việc thâm hụt ngân sách Mỹ tiếp tục tăng nhanh.

“Vấn đề nằm ở sự bế tắc chính trị – New York Times dẫn lời chuyên gia S&P David Beers – Kể cả bây giờ, vẫn không thể biết được liệu quốc hội và Chính phủ Mỹ có thể đạt thoả thuận về các biện pháp tài khoá nhằm ổn định gánh nặng nợ công hay không”. S&P cũng nhấn mạnh: “Những lùm xùm chính trị trong vài tháng qua cho thấy việc quản trị và hoạch định chính sách của Mỹ đã trở nên kém ổn định, hiệu quả và dễ đoán hơn so với trước”.

Quả thật Nhà Trắng, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà đã tranh cãi dữ dội trong nhiều tháng trước khi đạt được thoả thuận nâng mức trần nợ công hôm 2-8. Giới quan sát lo ngại chính trường Mỹ đã trở nên quá chia rẽ, giữa hai đảng phái lớn không còn bất cứ sự tin cậy nào để đưa ra những quyết định cần thiết nhằm thúc đẩy nền kinh tế Mỹ khoẻ mạnh trở lại. Bên cạnh mức nợ công kỷ lục, hiện tỉ lệ thất nghiệp Mỹ vẫn đứng ở mức cao 9,1%, trong khi GDP tăng trưởng chưa đầy 1% trong sáu tháng đầu năm 2011.

Nhưng cảnh báo của S&P xem ra không giúp Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà xích lại gần nhau hơn. Theo AFP, mới đây Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner thuộc Đảng  Cộng hoà đã lên tiếng khẳng định việc S&P hạ định mức tín nhiệm nợ Mỹ là sự trừng phạt đối với việc chính quyền Washington và Đảng Dân chủ chi tiêu quá mức. Trong khi đó các nghị sĩ Dân chủ cho rằng quyết định của S&P là lời phán quyết đối với việc Đảng  Cộng hoà cương quyết phản đối biện pháp tăng thuế đối với giới nhà giàu Mỹ.

Các nước châu Á lo ngại

Động thái của S&P đồng nghĩa với việc nợ Mỹ giờ đây đã trở nên kém an toàn hơn so với trước. Do đó giới đầu tư có thể đòi mức lãi suất cao hơn đối với trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ. Theo báo Wall Street Journal, hiện tại mỗi năm Mỹ trả 250 tỉ USD tiền lãi suất trái phiếu. Một số nhà phân tích dự báo trong thời gian tới, nhiều khả năng mỗi tháng Washington phải trả thêm 75 tỉ USD. Không chỉ chính phủ, các doanh nghiệp và các cá nhân Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn khi đi vay và phải trả phí cao hơn.

Đây cũng là một tin xấu đối với châu Á bởi phần lớn các nước trong khu vực đều đạt thặng dư thương mại lớn với Mỹ, thu về lượng USD lớn và đổ chúng vào trái phiếu Chính phủ Mỹ. Bất cứ biến động nào của nền kinh tế Mỹ, thị trường xuất khẩu chủ yếu của các nước châu Á, cũng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế châu lục. Theo Tân Hoa xã, tính đến tháng 4-2011 Trung Quốc nắm giữ 1.150 tỉ USD nợ Mỹ, trong khi Nhật cũng nắm gần 1.000 tỉ USD trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ.

Hôm 6-8 Tân Hoa xã đã có bài bình luận chỉ trích dữ dội “cơn nghiện nợ” của Mỹ và “tranh chấp chính trị thiển cận” của quốc hội nước này. Tân Hoa xã cho rằng đã đến lúc thế giới cần loại ngoại tệ dự trữ mới ổn định hơn. Chuyên gia Li Jie, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dự trữ, cảnh báo giá trị của những khoản đầu tư bằng USD của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cố vấn Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Xia Bin cho rằng trong thời gian tới đồng USD sẽ tiếp tục giảm giá mạnh.

Theo AFP, thứ trưởng tài chính Hàn Quốc Yim Jong Yong cũng cảnh báo nền kinh tế Hàn Quốc có thể bị ảnh hưởng trong thời gian trước mắt. Tuy nhiên Nhật vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào Mỹ. “Niềm tin của chúng tôi đặt vào trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ sẽ không thay đổi” – một quan chức chính quyền Nhật khẳng định. Một số nhà kinh tế châu Á cho rằng châu lục này sẽ tiếp tục đầu tư vào nợ Mỹ bởi không có nhiều kênh đầu tư thay thế xứng đáng.