23/11/2024

Xu hướng phòng vệ mới

Lấy lực lượng tàu chiến hạng nhẹ làm nòng cốt, nâng cao khả năng phối hợp tác chiến linh hoạt là xu hướng phòng vệ biển mới của nhiều nước.

 Hải chiến – Từ lịch sử đến hiện đại: Xu hướng phòng vệ mới

Lấy lực lượng tàu chiến hạng nhẹ làm nòng cốt, nâng cao khả năng phối hợp tác chiến linh hoạt là xu hướng phòng vệ biển mới của nhiều nước. 

Tạp chí Asian Military Review vừa có loạt bài đánh giá về hải quân châu Á và phân tích tiềm lực tàu chiến các nước trong khu vực. Theo đó, tàu chiến chủ lực của các quốc gia thuộc ASEAN hiện nay là các loại tàu chiến nhỏ, có khả năng cận chiến cao.

Lấy hạng nhẹ làm nòng cốt

Trong đánh giá của Asian Military Review, các tàu chiến tốc độ cao chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số tàu chiến của các nước ASEAN. Điển hình như Hải quân Singapore có 17 tàu thuộc nhóm này trong tổng số 50 tàu chiến chủ lực. Tỷ lệ này của Indonesia là 36/48, của Malaysia là 47/52, với Brunei thì hầu như toàn bộ tàu chiến chủ lực đều thuộc loại này.

Hải quân các cường quốc như Mỹ, Nga, Anh, Pháp có tầm hoạt động bao phủ trên khắp các đại dương nên cần trang bị nhiều tàu chiến lớn. Ngược lại, đối với các nước ASEAN, hải quân có nhiệm vụ cốt lõi là phòng vệ, nên vùng hoạt động chủ yếu nằm trong khu vực chủ quyền lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Vì thế, hầu hết các loại tàu chiến hạng nhẹ có thể đáp ứng yêu cầu phòng thủ với tầm hoạt động trên dưới 1.000 hải lý.

Ngoài ra, các tàu chiến nhỏ có khả năng di chuyển nhanh, cập và xuất cảng đơn giản, không đòi hỏi điều kiện hoạt động khắt khe như các tàu chiến lớn. Nhiều quốc gia ASEAN có bờ biển trải dài, nên tàu loại này dễ dàng triển khai tác chiến ngay khu vực sát bờ. Các tàu chiến hạng nhẹ cũng có thể nhanh chóng cập bến thực hiện công tác hậu cần, bổ sung nhiên liệu và vũ khí để tiếp tục chiến đấu. Nhờ đó, chúng có hiệu suất tác chiến cao trong khu vực gần bờ.

Phối hợp linh hoạt

Nhóm tàu chiến nhanh, nhẹ bao gồm các loại như: tàu cao tốc phóng tên lửa, tàu cao tốc phóng ngư lôi, tàu tấn công bắn pháo, tàu tuần tra, tàu cao tốc đổ bộ… Một số loại khinh hạm cũng có thể được xếp vào nhóm này.

Khinh hạm cao tốc phóng tên lửa thuộc lớp Tarantul có tốc độ 32,5 hải lý/giờ (tương đương 60 km/giờ), tầm hoạt động hơn 1.000 hải lý. Theo website warfare.ru, loại khinh hạm này có thể phóng tên lửa chống hạm bay sát mặt biển và tên lửa đối không tầm ngắn. Loại tàu này còn được trang bị pháo hạm và pháo phòng không có thể dùng để trực tiếp chống máy bay và tàu chiến của đối phương.

Hỗ trợ cho các khinh hạm phóng tên lửa là các tàu phóng ngư lôi có thể bắn hạ các loại tàu chiến, tàu ngầm trong nhiều cự ly khác nhau. Nổi bật trong số này là tàu phóng ngư lôi lớp Turya có tầm hoạt động 600 hải lý và tốc độ đạt đến 40 hải lý/giờ, được trang bị 4 ống phóng ngư lôi và các pháo đối không lẫn đối hạm. Thêm vào đó, nhóm tàu tuần tra cao tốc có khả năng chiến đấu đa nhiệm đóng vai trò là lực lượng tuần tra phòng vệ thường trực trên các vùng biển.

Tàu tuần tra cao tốc đa nhiệm kết hợp cùng tàu phóng tên lửa, ngư lôi tạo thành một hệ thống phòng thủ chặt chẽ. Ngoài ra, các tàu này còn có thể hộ tống tàu đổ bộ trong các trường hợp cần nhanh chóng triển khai bộ binh lên các vùng đảo. Nhờ đó, lực lượng hải quân không chỉ đảm bảo khả năng phòng vệ trên biển, mà còn có thể đảm nhiệm công tác bảo vệ chủ quyền các đảo.

Với số lượng các tàu chiến tốc độ cao và linh hoạt, mạng lưới phòng vệ biển có thể nhanh chóng phối hợp để tác chiến tập trung hoặc toả ra phòng thủ trên diện rộng. Các tàu này còn có thể kết hợp với các tàu chiến lớn hơn như tàu hộ tống, tàu ngầm cùng lực lượng không quân, và hệ thống tên lửa trên bộ tạo thành một trận địa phòng thủ dày đặc.