23/12/2024

Sáp nhập để tăng sức mạnh

Theo các chuyên gia kinh tế, ở thời điểm hiện nay, việc bắt tay sáp nhập để cùng khai thác thị trường, vị thế của mỗi đơn vị là điều rất tốt để gia tăng sức cạnh tranh của mình mà các doanh nghiệp trong nước đều có thể thực hiện

 Sáp nhập để tăng sức mạnh

Những doanh nghiệp cùng ngành nghề, có thể tận dụng lợi thế của nhau thì việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) cũng là một giải pháp để vượt qua khủng hoảng.

Theo ước tính của các chuyên gia, hoạt động M&A tại Việt Nam năm 2010 đã phát triển khá mạnh khi có đến 345 thương vụ với tổng giá trị khoảng 1,7 tỉ USD (tăng 65% so với năm 2009). Dự báo M&A trong năm 2011 sẽ tiếp tục phát triển và có thể đạt mức kỷ lục về giá trị. Một số thương vụ mới gần đây như Công ty quạt Asia bán 65% cổ phần (CP) cho Tập đoàn SEB của Pháp; Công ty giấy Sài Gòn bán 38% CP cho Tập đoàn giấy Daio và Quỹ đầu tư BridgeHead (thuộc Ngân hàng Phát triển Nhật Bản) của Nhật; Tập đoàn đồ uống Diageo (Anh) cũng vừa chào mua công khai CP của CTCP cồn rượu Hà Nội (Halico) thông qua Công ty con Streetcar Investment Holding tại Singapore để tăng số lượng CP sở hữu lên 30% vốn điều lệ của Halico; Jollibee Foods của Philippines mua lại 49% cổ phần của Công ty Việt Thái (chủ sở hữu thương thiệu Highlands Coffee)…

Bên cạnh đó, cũng xuất hiện những hoạt động M&A trong nước như Công ty thuỷ sản Hùng Vương mua 2,8 triệu CP của Công ty XNK lâm thuỷ sản Bến Tre với trị giá khoảng 34 tỉ đồng. Trước đó, Hùng Vương cũng đã mua CP chi phối tại Công ty Agifish An Giang với trị giá khoảng 200 tỉ đồng. Hay chuyện FPT đã hoàn thành việc sáp nhập 3 công ty con gồm Công ty hệ thống thông tin FPT, Công ty phần mềm FPT và Công ty thương mại FPT cũng khiến các nhà đầu tư quan tâm…

Hoạt động M&A tại Việt Nam từ năm 2010 đến nay tăng mạnh nhưng đa số trị giá của những thương vụ thành công chưa phải là quá lớn, bình quân dưới 1 tỉ USD/vụ. Một chuyên gia kinh tế nhận xét, quy mô của nhiều doanh nghiệp Việt Nam không đủ lớn để thu hút các tập đoàn nước ngoài. Hơn nữa, thông tin về hoạt động của các doanh nghiệp vẫn chưa được công bố công khai khiến các nhà đầu tư khá vất vả khi muốn tìm hiểu. Trong khi đó, việc các công ty trong nước mua lại nhau chưa nhiều, có chăng chỉ là việc gia tăng số cổ phần sở hữu của một ít đơn vị có đầu tư tài chính và chưa đủ làm thay đổi hoạt động của đơn vị đó.

Ông Lê Đạt Chí – Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính (trường ĐH Kinh tế TP.HCM) – cho rằng hoạt động M&A tại Việt Nam chủ yếu vẫn là câu chuyện giữa một bên là doanh nghiệp trong nước và các đối tác nước ngoài. Sẽ rất khó xuất hiện những thương vụ hợp tác để cùng lớn mạnh hơn như việc sáp nhập của xi măng Hà Tiên 1 và Hà Tiên 2 trong năm 2010 hay chuyện của FPT và các công ty con. Đơn giản vì các vụ M&A này xuất phát từ một “ông chủ” lớn ở trên nên khá thuận tiện. “Cái tôi của những ông chủ doanh nghiệp Việt Nam quá lớn nên rất khó ngồi lại hợp tác với nhau, nhất là những doanh nghiệp cùng lĩnh vực. Họ thà hợp tác với những doanh nghiệp nước ngoài hơn là với các đơn vị trong nước”, ông Lê Đạt Chí nói. Theo ông Chí, ví dụ trong trường hợp của Highlands Coffee, có thể bắt tay với những doanh nghiệp khác đã có kinh nghiệm sản xuất hay xuất khẩu cà phê để cùng khai thác hệ thống bán lẻ này. Hay các ngân hàng nhỏ tại sao không cùng bắt tay hợp nhất để trở nên lớn mạnh hơn?… Theo các chuyên gia kinh tế, ở thời điểm hiện nay, việc bắt tay sáp nhập để cùng khai thác thị trường, vị thế của mỗi đơn vị là điều rất tốt để gia tăng sức cạnh tranh của mình mà các doanh nghiệp trong nước đều có thể thực hiện.