24/12/2024

Về 12 năm bế tắc của lịch sử

Tập sách đề cập đến khoảng thời gian 12 năm trong tiến trình lịch sử của đất nước, vốn là luận án tiến sĩ của linh mục Trương Bá Cần, viết bằng tiếng Pháp, bảo vệ thành công tại Đại học Văn khoa Paris năm 1963.

 Về 12 năm bế tắc của lịch sử

Tập sách đề cập đến khoảng thời gian 12 năm trong tiến trình lịch sử của đất nước, vốn là luận án tiến sĩ của linh mục Trương Bá Cần, viết bằng tiếng Pháp, bảo vệ thành công tại Đại học Văn khoa Paris năm 1963.

Công trình này được chuyển dịch sang Việt ngữ và xuất bản rộng rãi nhờ vào nỗ lực của Công ty Từ Văn Books, NXB Thế Giới và các dịch giả, người hiệu đính: Vũ Lưu Xuân, Nguyễn Thừa Hỷ.

Trương Bá Cần với thao tác hết sức cẩn trọng, đặc biệt với thái độ khách quan trong tiếp cận sử liệu đã phân tích những hoạt động ngoại giao của Pháp, triều đình Huế và nhân sĩ trí thức trong nước lúc bấy giờ, đủ để cho thấy những diễn biến thời cuộc suốt 12 năm quan trọng này có ý nghĩa lịch sử của cả Việt Nam, từ sau khi ký hoà ước Nhâm Tuất (1862) đến sau khi Nam kỳ có thống đốc mới là Dupré (1871) và Pháp hạ thành Hà Nội (1873), rồi ký hoà ước Giáp Tuất (1874).

Đây là giai đoạn lịch sử cực kỳ khó khăn đối với triều đình Huế. Trước sự xâm nhập của tư tưởng và xâm lăng của sức mạnh quân sự đến từ phương Tây, nhà cầm quyền Việt Nam đã hành xử thế nào là vấn đề chiếm nhiều thời lượng, giấy mực của các diễn đàn sử học trong và ngoài nước lâu nay.

Công và tội của hệ thống chính trị đương thời, khẩu hiệu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, sách lược canh tân của Nguyễn Trường Tộ… đều ra đời trong khoảng thời gian 12 năm đầy biến động này.

Bằng tinh thần khách quan, Trương Bá Cần đã phân tích một cách thuyết phục khoảng cách giữa thái độ của chính quyền Pháp và những tác động cực đoan, cứng rắn của các giáo sĩ thừa sai trong việc tiến hành dùng biện pháp quân sự tiến chiếm Nam kỳ. Và việc tiếp cận dự thảo hiệp ước Aubaret để chứng minh “một cơ hội bị bỏ lỡ” cho giai đoạn lịch sử này là đóng góp quan trọng về tư duy sử học của tác giả.

Điều thú vị là có rất nhiều chỗ Trương Bá Cần sử dụng lời văn đầy hình ảnh, trau chuốt chi tiết khiến cho người đọc bớt cảm giác khô khan của những dòng sử liệu đơn điệu. Đọc những đoạn tả phái bộ Phan Thanh Giản tiếp cận vịnh Toulon “vào một buổi chiều khá muộn” hay đến Paris “vào lúc xế trưa”, có cảm giác tác giả giàu có cả về sử liệu và cảm xúc khi chấp bút viết về hành trình của phái bộ này trên đất Pháp.

Cảm thông với Nguyễn Trường Tộ, tác giả Trương Bá Cần cũng dành hẳn một chương để nói về những nỗ lực vô vọng của nhà trí thức có tầm tư tưởng canh tân vượt trước thời đại này.

Quan trọng hơn, tác giả đã làm rõ một cách thuyết phục nguyên do bế tắc của tập đoàn triều đình Huế – hệ thống chính trị đương thời – một sự thật lịch sử mà không phải nhà nghiên cứu sử nào cũng đủ khả năng và bản lĩnh để làm như một công việc hiển nhiên của mình.

Cho nên, lời nhận xét của nhà sử học Nguyễn Thừa Hỷ cho rằng “Điều mà triều đình Huế quan tâm đến nhất không phải là nhân dân, mà chính là sự tồn vong và lợi ích của bản thân vương triều”, là một minh chứng sâu sắc cho việc phân hoá giữa giới cầm quyền và những người chủ thật sự của đất nước, và như lịch sử đã chứng minh, điều này dẫn đến nhiều hệ luỵ cho nước nhà.

Đọc Trương Bá Cần mới thấy sự cần thiết của nhà nghiên cứu lịch sử và giá trị của việc phê khảo tài liệu. Lợi thế của họ là khoảng cách, độ lùi về thời gian (diễn ra sự kiện) và không gian (chứa đựng tư liệu) để tiếp cận sự thực lịch sử nhiều chiều và toàn diện đến mức tối đa. Vì thế, những nhân vật lịch sử – người trong cuộc – không bao giờ có được cái nhìn đủ rộng về dòng chảy đương thời để hình thành nhận thức về cái đang diễn ra bằng nhà nghiên cứu sử đời sau.

Nguyễn Trường Tộ thời ấy không thể có cái nhìn của Trương Bá Cần đời nay. Đây là thách thức của bất kỳ ai muốn lưu lại hành trạng của mình như một phần của lịch sử. Thách thức này tựa như người đứng giữa núi phải cố gắng biết được hình dáng núi. Đó cũng là lý do để những ai tự trọng và tự tin vào “sự sáng tỏ về sau” của lịch sử luôn nhắc nhau rằng:

“Công tội đời sau sẽ luận bàn/Lẽ nào sử sách vị phường gian”.