23/11/2024

Phá bỏ nghịch lý được mùa mất giá

Dù đã có những nỗ lực nhất định nhưng những nghịch lý cố hữu của ngành nông nghiệp nước nhà: được mùa mất giá dẫn đến điệp khúc “trồng – chặt – chặt – trồng”, nước nông nghiệp nhưng lại ồ ạt nhập khẩu nông sản và vật tư nông nghiệp vẫn chưa được cải thiện đáng kể

 Thách thức trong nhiệm kỳ mới:

Phá bỏ nghịch lý được mùa mất giá

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp liên tục phát triển, an ninh lương thực quốc gia được giữ vững, đời sống người nông dân không ngừng được cải thiện, và một trong những điểm sáng nổi bật nhất của ngành NN-PTNT chính là tốc độ tăng trưởng ấn tượng của kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông – lâm – thuỷ sản, từ trên 5 tỉ USD năm 2006 lên tới 19,15 tỉ USD vào năm 2010. Nông nghiệp cũng liên tục nằm trong số ít những ngành xuất siêu, trong đó, năm 2010 nông nghiệp xuất siêu trên 5 tỉ USD.

Tuy nhiên, dù đã có những nỗ lực nhất định nhưng những nghịch lý cố hữu của ngành nông nghiệp nước nhà: được mùa mất giá dẫn đến điệp khúc “trồng – chặt – chặt – trồng”, nước nông nghiệp nhưng lại ồ ạt nhập khẩu nông sản và vật tư nông nghiệp vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Mùa vải năm 2011, người trồng vải ở Bắc Giang chưa kịp mừng vui về mùa vụ bội thu, đã phải ngậm ngùi nhận trái đắng: bán 1 kg vải chỉ đủ tiền uống 2 cốc trà đá.

Phát ngôn ấn tượng

Trách nhiệm về việc dự báo sai là thuộc về cá nhân tôi – Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Tôi chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội về vấn đề này và xin nhận mọi hình thức kỷ luật của Quốc hội theo pháp luật.

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 QH khoá XII liên quan đến quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo năm 2008 khiến nông dân bị thua thiệt

 

 

Đáng tiếc đây không còn là chuyện cá biệt. Người trồng rau ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đã từng phải tự tay phá bỏ những luống rau tốn bao công sức vun trồng cũng chỉ vì nguồn cung dư thừa, giá rẻ như cho. Nông dân trồng mía, cấy lúa, nuôi cá tra, diêm dân đội nắng làm muối… cũng không ít lần khốn khó vì không bán được sản phẩm mặc dù chấp nhận bán với mức giá không có lãi.

Trong khi đó, rau củ quả ngoại đang tràn ngập thị trường nội địa. Và dù sở hữu bờ biển dài trên 3.000 km với số giờ nắng cao quanh năm, nhiều vùng thuận lợi cho cây mía, tiềm năng phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi rất lớn… nhưng loay hoay mãi, mỗi năm cả nước vẫn phải nhập vài trăm ngàn tấn muối, trên dưới 300 ngàn tấn đường; trâu bò, lợn, gà vẫn ăn thức ăn có nguồn gốc ngoại nhập là chủ yếu.

Nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với các hàng hoá nông sản vẫn đang ám ảnh các bà nội trợ khi ra chợ. Thời gian qua, các nhà chuyên môn vẫn phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kể cả thuốc ngoài danh mục cho phép, chất kích thích tăng trưởng, nhiễm vi sinh trong các loại rau củ quả. Cơ quan hữu trách, qua kiểm tra cũng đã phát hiện chất độc clenbuterrol trong thịt lợn, 61,6% mẫu thịt không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm…

Thực tế đáng buồn này, một phần bắt nguồn từ việc chúng ta đang có quá ít các trang trại sản xuất nông sản sạch, nỗ lực mở rộng các vùng rau an toàn chưa đạt kết quả như mong muốn, nhiều dự án rau an toàn bị chết yểu. Cơ quan thú y cũng chỉ mới kiểm soát được 27% trong tổng số 30 ngàn cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

Hệ thống kiểm soát ATVSTP đối với các hàng hoá nông sản cũng đang bị động, chạy theo sự vụ. Xét một cách công bằng, quản lý ATVSTP theo chuỗi từ đồng ruộng, trang trại đến bếp ăn là lĩnh vực đa ngành, bao gồm cả y tế và công thương nhưng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để xảy ra tình trạng cứ 10 con lợn và gia cầm bày bán trên thị trường thì có tới 6 con không đảm bảo ATVSTP, trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ NN-PTNT.

Một số chỉ tiêu đến năm 2015

– Tốc độ tăng GDP bình quân của toàn ngành đạt 3,3 – 3,5%.

– Tỷ trọng nông nghiệp trong tổng GDP cả nước đạt 17 – 18%.

– Mỗi năm đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn.

– Nâng độ che phủ của rừng lên 42%.

– Nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn gấp 2 lần so với năm 2010.

– 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

– 95% dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh với mức 60 lít/người/ngày.

– Xây dựng 47 khu neo đậu tránh trú bão, trong đó có 8 khu neo đậu trú tránh bão cấp vùng.

– Nâng cấp, mở rộng và xây mới 60 cảng cá.

 

Những điểm sáng, tối

Điểm sáng

Điểm tối

– Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân tại 21 tỉnh, thành

– Xuất khẩu gạo năm 2010 đạt kỷ lục với 6,88 triệu tấn, thu về 3,23 tỉ USD

– Thí điểm mô hình nông thôn mới tại 15 thôn thuộc 14 tỉnh thành.

– Lần đầu tiên VN thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhập khẩu có nguồn gốc từ động vật và thực vật.

– Đấu tranh thắng lợi, buộc WWF phải gỡ bỏ tên cá tra VN ra khỏi “danh sách đỏ”.

 

– Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm xảy ra liên miên, bùng phát trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề.

– Đầu năm 2009, không bán được sữa, nông dân nuôi bò ở Vĩnh Phúc, Ba Vì (Hà Nội) phải đổ sữa bò xuống ao, ra đồng.

– Những tháng qua, giá thịt lợn tăng tới 70% do sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa.

– Qua kiểm soát phát hiện 61,6% số mẫu thịt trâu, bò, lợn và gia cầm không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm.

khăn.

 

Kỳ vọng

Đột phá trong lĩnh vực thú y, phòng dịch bệnh

Cúm gia cầm, lở mồm long móng, lợn tai xanh liên tục bùng phát và kéo dài, không chỉ giết chết hàng trăm ngàn con gia súc, gia cầm mỗi năm mà còn khiến bà con nông dân ngán ngại đầu tư tái đàn, mở rộng sản xuất. Tôi mong muốn Bộ trưởng nhiệm kỳ tới sẽ quan tâm đặc biệt, có những giải pháp mang tính đột phá trong lĩnh vực thú y, phòng ngừa dịch bệnh, tiến tới nhanh chóng thanh toán được các bệnh nguy hiểm hoặc khống chế dịch bệnh để người dân yên tâm đầu tư thúc đẩy chăn nuôi.

Tôi cũng mong muốn, Bộ sẽ nỗ lực quy hoạch vùng phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tiến tới tự chủ nguồn thức ăn chăn nuôi, tránh tình trạng phải phụ thuộc quá lớn vào nước ngoài như hiện nay khi mà chúng ta đang nhập khẩu tới 60% nguồn thức ăn và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ các nước với giá liên tục tăng quá cao.

(Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN)

Cải thiện chất lượng an toàn vệ sinh nông sản

Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT cần quy hoạch mới và thực hiện tốt các quy hoạch trước đây về việc sản xuất theo vùng lớn, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, gắn với chế biến, tạo thành một chuỗi khép kín. Chúng ta đã có vùng cà phê, hồ tiêu, vùng cây ăn quả nhưng chưa có nhiều vùng rau sạch, vùng chăn nuôi an toàn mặc dù chủ trương này có từ nhiều năm trước. Tôi mong rằng, Bộ trưởng sẽ có những giải pháp chẳng hạn như kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nông dân vay vốn với lãi suất hợp lý để thúc đẩy sản xuất lớn, áp dụng quy trình nuôi trồng an toàn. Chúng ta đã có quy định về truy xuất thực phẩm, rau củ quả nhập khẩu và cơ chế kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, tôi mong rằng, Bộ trưởng sẽ tổ chức triển khai thực hiện một cách quyết liệt, liên tục để các quy định này đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng.

(Ông Nguyễn Đăng Vang - Phó chủ nhiệm UB Khoa học công nghệ – môi trường của QH, khoá XII)

Cần được hỗ trợ về khoa học và tiêu thụ sản phẩm

Nông dân chúng tôi hiện đang gặp nhiều khó khăn, nhất là vốn và trình độ khoa học công nghệ. Chúng tôi chỉ có đôi bàn tay, vài sào đất, trình độ có hạn và không đồng đều nên rất cần được các nhà khoa học “cầm tay chỉ việc” để có thể trở thành những chuyên gia trên đồng ruộng. Đầu ra của sản xuất cũng đang bấp bênh. Bà con chúng tôi một nắng hai sương làm ra những luống rau sạch nhưng lại phải tự tiêu thụ, lúc bán được, khi ế ẩm, phụ thuộc nhiều vào yếu tố may rủi. Chúng tôi mong muốn được quan tâm đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt là đưa doanh nghiệp về với nông dân. Doanh nghiệp hỗ trợ vốn, bao tiêu sản phẩm, nông dân mới yên tâm sản xuất, người tiêu dùng mới nhiều cơ hội tiếp cận với rau sạch, nông sản an toàn.

(Ông Nguyễn Thế Hiệp - Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp xã Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội)