Nạn khủng bố giết người ở Na Uy
Chúa Nhật 24-7-2011, 150.000 người dân thủ đô Na Uy tay cầm hoa hồng màu đỏ và màu trắng đã tham dự cuộc tuần hành tưởng niệm 76 nạn nhân của 2 vụ khủng bố xảy ra vào chiều thứ bảy 23-7 trước đó.
Nạn khủng bố giết người ở Na Uy
Chúa Nhật 24-7-2011, 150.000 người dân thủ đô Na Uy tay cầm hoa hồng màu đỏ và màu trắng đã tham dự cuộc tuần hành tưởng niệm 76 nạn nhân của 2 vụ khủng bố xảy ra vào chiều thứ bảy 23-7 trước đó.
Buổi lễ tưởng niệm ngày 25-7-2011 đã do chính vua Harald V, hoàng hậu Sofia và thủ tướng Jens Stoltenberg chủ sự trước đại học thủ đô. Tham dự lễ nghi cũng có nhiều người đến từ các nước Bắc Âu khác. Cảnh sát Na Uy đã điều chỉnh con số các nạn nhân từ 93 xuống 76, lý do vì ban đầu có các nạn nhận được đếm 2 lần.
Một số nhỏ là nạn nhân vụ xe bom nổ giữa toà nhà chính phủ và trụ sở nhật báo Tabloid Verdens Gang. Đa số còn lại là các người trẻ thuộc nhóm 500 thành viên Đảng Lao Động đang tham dự đại hội mùa hè trên đảo Utoya. Kẻ khủng bố Anders Behring Breivik, 32 tuổi, đã giả mặc đồ cảnh sát và kêu người trẻ tụ tập lại, rồi dùng súng bắn xối xả vào họ.
Sáng ngày 25-7-2011, khi xe bít bùng chở thủ phạm Anders Behring Breivik tới toà án, dân chúng đã giận dữ đập vào thùng xe và muốn hành hung thủ phạm. Trong cuộc hỏi cung, thủ phạm Breivik đã nhận tội và cho biết không hành động một mình nhưng có mấy đồng loã.
Trong địa chỉ riêng trên mạng và qua 1.500 trang nhật ký, Breivik tự xưng là tín hữu Kitô bảo thủ, có khuynh hướng ái quốc quá khích, tân Đức quốc xã, bài Hồi giáo, ghét người di cư, và là thành viên của “Đảng Nhân dân Tiến bộ”, cực hữu từ năm 1999 tới 2006. Năm 2005, Breivik ghi danh gia nhập câu lạc bộ những người có khí giới. Trên trang mạng Facebook mới mở vài ngày trước vụ khủng bố, Breivik tự định nghĩa là tín hữu Kitô bảo thủ. Ông cũng ghi danh là thành viên của Diễn đàn Nordisk, một diễn đàn thảo luận trên hệ thống liên mạng gắn liền với cánh hữu cực đoan. Trong các trang nhật ký, Breivik chống lại hiện tượng Hồi giáo hoá Âu châu và coi nhiều nhà chính trị Âu châu như những kẻ phản bội đáng xử tử. Trong một video dài 12 phút tựa đề “Các hiệp sĩ đền thờ”, ông có giọng điệu chống người Hồi. Trên Twitter, ông viết một câu của John Stuart Mill: “Một người có niềm tin mạnh mẽ thì có cùng sức mạnh như 100.000 người chỉ có lợi lộc”.
Hai vụ khủng bố nói trên đã gây chấn động trong toàn nước Na Uy, là một trong các quốc gia rất gắn bó với lý tưởng hoà bình, vì giải Nobel Hoà bình được trao hằng năm, cũng như vai trò hữu hiệu của Na Uy trong việc làm trung gian hữu hiệu cho nhiều cuộc thương thuyết hoà bình của các nước có chiến tranh. Ngoài ra, Na Uy cũng là một trong các quốc gia tôn trọng nhân quyền nhất thế giới. Tuy nhiên, trong thập niên 1990, Na Uy cũng nổi tiếng vì các nhóm trẻ tôn thờ Satan, đốt phá các nhà thờ và xúc phạm tới các nghĩa trang. Và đặc biệt là phong trào tân Đức quốc xã và cánh hữu cực đoan tìm cách củng cố thế lực và các sinh hoạt của mình. Đây là điều lực lượng an ninh của chính quyền Na Uy đã không ngờ tới, vì trong bản tường trình về tình hình an ninh quốc gia đầu năm nay, giới hữu trách ghi nhận: “Cũng như các năm trước đây trong năm 2011 các nhóm nhỏ cực hữu và cực tả không là một đe doạ nghiêm trọng cho xã hội Na Uy”.
Với hai vụ khủng bố vừa qua, người ta có cảm tưởng là các nhóm cực hữu cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tổ chức khủng bố Al Qaeda, và các thủ đô Âu châu là các mục tiêu chính. Người ta còn nhớ vụ nổ bom người ngày 11-10-2002 tại Trung tâm Thương mại Vantaa trong thủ đô Helsinki của Phần Lan, khiến 7 người chết và hơn 80 người bị thương. Tại Madrid, thủ đô Tây Ban Nha, ngày 11-3-2004, 10 quả bom được giấu trong các xách tay nổ trên 4 chuyến xe lửa đã khiến cho 191 người chết và 1.700 người bị thương. Đây đã là vụ khủng bố đẫm máu nhất chưa từng xảy ra tại Âu châu do tay của các nhóm khủng bố Hồi giáo. Tại Luân Đôn, thủ đô Anh quốc, ngày 7-7-2005, 4 quả bom nổ trên tàu điệm ngầm đã khiến cho 52 người chết và 700 người bị thương.
Hai tuần sau đón 4 thủ phạm đã thất bại trong vụ khủng bố thứ hai trên 3 đường tàu điện ngầm và một xe bus. Tại Stockholm bên Thuỵ Điển, ngày 11-12-2010, 2 vụ nổ trong trung tâm thủ đô đã khiến cho thủ phạm là Taimour Abdulwahab, người Thuỵ Điển gốc Irak, chết và 2 người khác bị thương. Trước đó thủ phạm đã viết một điện thư báo cho biết là vụ nổ bom nhằm mục đích trả thù cho cuộc chiến của nước Thuỵ Điển chống lại Hồi giáo.
Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn một số nhận định của Đức cha Markus Bernt Eidsvig, Giám mục Oslo, về 2 vụ khủng bố giết người nói trên.
Hỏi: Thưa Đức Cha, Đức Cha có mặt tại Oslo khi xảy ra vụ khủng bố kinh hoàng vừa ngày 23-7 vừa qua không, và Đức Cha có biết thủ phạm là ông Breivik không?
Đáp: Tôi đang ở Luân Đôn khi xảy ra vụ khủng bố này. Tôi không biết ông Breivik, vì ông ta không thuộc cộng đoàn của chúng tôi. Ngoài ra, tôi tin là ông đã được rửa tội muộn.
Hỏi: Đức Cha nghĩ gì về cuộc khủng bố này, xảy ra trong thủ đô của một đất nước thanh bình như Na Uy?
Đáp: Tôi nghĩ tới sự kinh hoàng, sự kinh hoàng bất tận. Người ta có thể ý thức được điều này: ông ta đã giết, đã thủ tiêu từng người một. Không kể đến sự thiệt hại luân lý đối tới tất cả mọi người. Dân chúng Na Uy là 5 triệu người, thật ra thì đây chỉ là một cộng đoàn bé nhỏ thôi. Từng người trong số các nạn nhân được hàng ngàn người biết tới, họ có các tương quan, các trìu mến và tình bạn. Sẽ có hàng chục ngàn người thương khóc các bạn trẻ nạn nhân này.
Hỏi: Thưa Đức Cha, Na Uy thường hãnh diện là một xã hội rất dân chủ và rộng mở. Sau biến cố thảm thương này, Na Uy có còn được như vậy nữa không?
Đáp: Có lẽ sẽ có cái gì đó thay đổi. Chắc chắn đó là an ninh. Sẽ có các hạn chế sự tự do cá nhân. Và đó là điều tai hại.
Hỏi: Ông Breivik tự tuyên bố mình là Kitô hữu và là kẻ thù của Hồi giáo, Đức Cha nghĩ gì?
Đáp: Điều mà ông ta đã làm không thuộc niềm tin của bất cứ tôn giáo nào.
Hỏi: Ông ta là một người cực hữu. Bài người nước ngoài có phải là một vấn đề trầm trọng tại Na Uy hay không, thưa Đức Cha?
Đáp: Việc bài người nước ngoài thì ở đâu cũng nghiêm trọng, kể cả tại Italia.
Hỏi: Theo Đức Cha điều gì sẽ ở trong ký ức của người dân Na Uy, sau vụ khủng bố đẫm máu này?
Đáp: Một dấu vết không thể phai nhoà được, nó sẽ kéo dài suốt đời, không phải chỉ cho các người sống sót mà cho tất cả mọi người.
Hỏi: Nhiều người nói tới sự dữ, sự dữ tuyệt đối, như nữ văn sĩ Anne Holt chẳng hạn. Đức Cha có quen bà ấy không?
Đáp: Có, tôi có quen biết bà ấy, tuy tôi đã không bao giờ đọc các tiểu thuyết của bà.
Hỏi: Nhà văn Holt cũng như văn sĩ Stieg Larson bên Thuỵ Điển ám chỉ một sự dữ đen tối ướt đẫm xã hội Bắc Âu, làm như thể nó là sự phản hoàn của một xã hội giàu có thừa bứa và tháo thứ, có đúng thế không, thưa Đức Cha?
Đáp: Đen tối ở khắp mọi nơi. Nhưng chúng ta phải nhìn vào ánh sáng. Đây cũng là điều mà Đức cha Ole Christian Kvarme, Giám mục Giáo hội Tin lành cải cách, đã nói trong lễ tưởng niệm các người trẻ đã bị tàn sát tại đảo Utoya và các nạn nhân của vụ nổ xe bom. Đức Cha nói: “Đối với chúng tôi, nó sẽ ở lại trong ký ức như một Cuộc Khổ Nạn ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Nhưng hận thù không chiến thắng được tình yêu. Vì thế, chúng ta ôm hôn nhau. Chúng ta muốn tiếp tục xây dựng một xã hội dựa trên sự khoan nhượng. Và chúng ta sẽ tiếp tục làm điều đó”.
Đức cha Kvarme cũng tin và hy vọng rằng biến cố thương đau này sẽ không khiến cho Na Uy khép kín và co cụm trong chính mình, trái lại vẫn tiếp tục là một xã hội rộng mở và rạng rỡ. Chắc chắn là bóng tối sẽ không thống trị xã hội Na Uy. Trong khi mục sư Trond Bakkevig, trưởng Nhà thờ Chính toà, thi nói: “Một tội phạm cho dù có được chuẩn bị kỹ lưỡng thế nào đi nữa cũng sẽ không thay đổi bản chất của một xã hội”. Chúng tôi tiếp tục tiến bước một cách ý thức hơn trước đây.
(Avvenire 23.24.26-7-2011)